Phép thử 'Khúc khải hoàn'

20/05/2019 - 19:00

PNO - Khi nhắc dòng nhạc truyền thống - cách mạng, người ta chỉ thường nhắc đến các ca khúc cách mạng, trữ tình, quê hương, những màn múa minh họa “xanh đỏ tím vàng” hoặc tác phẩm sân khấu nặng nề giáo điều, tuyên truyền.

Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM đang xem xét đưa Khúc khải hoàn vào danh mục sự kiện thường niên của thành phố. Chương trình nằm trong dự thảo kế hoạch quảng bá dòng nhạc truyền thống - cách mạng, dự kiến diễn ra vào các ngày lễ lớn của dân tộc, với mong muốn tạo nên một thương hiệu về văn hóa - nghệ thuật cho thành phố.

Kéo gần dòng nhạc truyền thống - cách mạng

Lâu nay, nhắc đến dòng nhạc truyền thống - cách mạng, lại là những chương trình được “đặt hàng” để biểu diễn trong các ngày lễ kỷ niệm lớn của đất nước, khán giả thường có cảm giác… “buồn ngủ”, xem đó là những chương trình phục vụ mục đích chính trị là chính, không phải để thưởng thức. So với quy mô các hội diễn chuyên nghiệp hay các chương trình live show hoành tráng bên ngoài, những chương trình dạng này ít có điều kiện đầu tư về mặt chất lượng, thời gian dàn dựng khiêm tốn; chưa kể, tư duy, quan điểm tổ chức, dàn dựng còn khô cứng, đã khiến dòng nhạc truyền thống - cách mạng dễ đi vào lối mòn trong biểu diễn, nặng tính khẩu hiệu, tuyên truyền sáo rỗng.

Phep thu 'Khuc khai hoan'
Chương trình Khúc khải hoàn tối 18/5 là phép thử để Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM xem xét đưa vào sự kiện thường niên của thành phố

Nhiều sự kiện, số lượng khán giả còn ít hơn cả số lượng nghệ sĩ tham gia chương trình gộp lại; lại có những chương trình, người ta đến để… “điểm danh” là chính. Sau phần “lễ” mang tính thủ tục hoặc sau phần phát biểu của các đại biểu quan trọng, các đại biểu cũng nối nhau ra về, bỏ ngang chương trình. Thành ra, làm sao để có một chương trình vừa đảm bảo được nhiệm vụ chính trị, tuyên truyền, vừa có chất lượng nghệ thuật, hấp dẫn công chúng không phải là chuyện dễ, nhất là trong thời buổi thị trường nhạc trẻ sôi động, dòng nhạc truyền thống - cách mạng đã lép vế nay lại càng hẩm hiu.

Năm nay, Sở Văn hóa và Thể thao (VH-TT) lấy chương trình nghệ thuật Khúc khải hoàn làm phép thử, để đo “nhiệt” của giới chuyên môn, truyền thông lẫn công chúng; từ đó xem xét liệu có nên đưa chương trình vào danh mục sự kiện thường niên, nhằm quảng bá dòng nhạc truyền thống - cách mạng của thành phố hay không. Với cái “bắt tay” cùng Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ kịch TP.HCM (HBSO), đưa giao hưởng, vũ kịch vào chương trình nghệ thuật kỷ niệm 44 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2019), kỷ niệm 129 năm ngày sinh Bác Hồ (19/5/1890 - 19/5/2019) và 50 năm thực hiện di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (10/5/1965 - 10/5/2019), có vẻ, Sở VH-TT TP.HCM đã quyết tâm đưa dòng nhạc này đến gần công chúng và xem đây như một nội dung quan trọng.

Ngoài tái diễn vở múa đương đại vốn quen thuộc với công chúng TP.HCM - Chạm tay vào quá khứ (biên đạo: Phúc Hải, Phúc Hùng), tối 18/5 vừa qua cũng là lần đầu tác phẩm khí nhạc Khúc khải hoàn (sáng tác: Trọng Đài, viết cho dàn nhạc giao hưởng) và bản Concerto cho violin và dàn nhạc của nhà giáo nhân dân - phó giáo sư Hoàng Cương được công diễn, với sự trở về của nghệ sĩ violin nổi tiếng Hoàng Tuấn Cương - thành viên Dàn nhạc giao hưởng Philharmoniker Hamburg, Đức. Được biết, bản concerto của nhà giáo nhân dân - phó giáo sư Hoàng Cương là sự đúc kết một đời hoạt động với cây đàn violin và sáng tác âm nhạc của ông.

Lắng nghe phản hồi từ dư luận

So với các nước trong khu vực, nghệ thuật hàn lâm tại Việt Nam phát triển khá sớm; thậm chí, trong một tài liệu, sự tiếp cận với âm nhạc cổ điển của công chúng Việt Nam có trước cả thời kỳ hình thành “tân nhạc”, khoảng những năm 1920 - 1930 của thế kỷ trước và phát triển vào những năm 1950, 1960 với hàng loạt cái tên được đào tạo bài bản từ Trung Quốc về như Tạ Bôn, Lã Hữu Toản, Lê Bích, Trần Ngọc Xương, Phạm Đình Sáu, Hoàng Vân, Hoàng Đạm… hoặc từ Liên Xô về như Trọng Bằng, Trần Quý…

Khi đó, ngoài dàn dựng và biểu diễn các tác phẩm lớn của các nhà soạn nhạc thế giới như Mozart, Beethoven, Tchaikovsky… nhiều tác phẩm giao hưởng, nhạc kịch có chất lượng nghệ thuật cao của Việt Nam cũng được biểu diễn như Lửa cách mạng (Trần Ngọc Xương), Giải phóng Điện Biên (Hoàng Đạm), Quê hương (Hoàng Việt), Cô Sao (Đỗ Nhuận), Bên bờ Krông Pa (Nhật Lai)…

Kể ra để thấy, dòng nhạc ấy từng có một thời kỳ vàng son, cách đây hơn nửa thế kỷ, gắn với các ca khúc truyền thống - cách mạng. Nhưng hàng chục năm trở lại đây, nhạc cổ điển thường gắn mác là “nhạc của Tây”, thường bị bỏ quên. Khi nhắc dòng nhạc truyền thống - cách mạng, người ta chỉ thường nhắc đến các ca khúc cách mạng, trữ tình, quê hương, những màn múa minh họa “xanh đỏ tím vàng” hoặc tác phẩm sân khấu nặng nề giáo điều, tuyên truyền.

Trả lời báo Phụ Nữ TP.HCM, ông Huỳnh Thanh Nhân - Giám đốc Sở VH-TT TP.HCM - cho biết, việc quảng bá âm nhạc truyền thống - cách mạng nằm trong chủ trương và được sự ủng hộ cao của UBND TP.HCM. Hiện kế hoạch này mới nằm ở dạng dự thảo. Qua chương trình Khúc khải hoàn, Sở VH-TT mong nhận được những phản hồi, góp ý để tiếp tục xây dựng, hoàn thiện đề án trình UBND TP.HCM. Trong dự kiến, không chỉ có giao hưởng, nhạc kịch, vũ kịch, mà sẽ có nhiều hình thức nghệ thuật khác đương đại hơn, gần gũi hơn... nhằm kéo dòng nhạc này đến gần với công chúng, nhất là các bạn trẻ.

“Không chỉ giáo dục thế hệ trẻ và nâng cao đời sống thưởng thức văn hóa nghệ thuật của công chúng, việc quảng bá âm nhạc truyền thống - cách mạng cũng là cách giới thiệu văn hóa - nghệ thuật của ta với du khách nước ngoài. Đó cũng là một phần trong đề án xây dựng công nghiệp văn hóa của TP.HCM đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”, ông Huỳnh Thanh Nhân nói thêm.

Nếu dự thảo được thông qua, nói gì thì nói, đây sẽ là chương trình sử dụng ngân sách của thành phố. Làm sao để không lãng phí tiền bạc mà lại có được những chương trình nghệ thuật đẳng cấp, đáp ứng được nhu cầu thưởng thức của công chúng, Sở VH-TT cần tính toán kỹ lưỡng trong khâu chỉ đạo, thực hiện và cả trong kế hoạch truyền thông, quảng bá, để đông đảo người dân biết đến. 

Đậu Dung

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI