Phản biện tại sân khấu kịch: Mò mẫm tìm đường

29/03/2018 - 19:57

PNO - Ngay khi vở kịch vừa kết thúc, khán giả và ê-kíp thực hiện bắt đầu ngay phần phản biện tại sân khấu. Gọi là phản biện nhưng dường như đây mới chỉ là bước mở đầu cho thói quen xem – nghe – phản biện của khán giả.

Vở kịch The Run của đạo diễn/biên kịch Trà Nguyễn cùng các cộng sự thực hiện được biểu diễn vào 2 ngày 28, 29/3 tại TP.HCM. Điều khiến những khán giả đến với The Run mong chờ, đó là ngoài thưởng thức vở kịch về 3 bệnh nhân cùng mắc hội chứng Helium thì họ còn có cơ hội tương tác trực tiếp tại chỗ với ê-kíp thực hiện.

Lý do mong chờ cũng dễ hiểu vì cách đây vài năm, sân khấu kịch dù đã xuất hiện hình thức giao lưu sau buổi trình diễn nhưng dường như, chưa ai dùng từ "phản biện" để đặt mà chỉ gọi đó là giao lưu. Sau một thời gian, những buổi thể nghiệm lấy ý kiến trực tiếp đó cũng dần bị lãng quên. Chỉ khi nào có vở kịch mới, dự án mới, một vài sân khấu mới thực hiện giao lưu với khán giả. Do vậy, thói quen xem - nghe - phản biện chưa thành hình. Tấm màn nhung khép lại, khán giả có thể cảm được hoặc mơ hồ về vở kịch cũng chỉ là chuyện của riêng khán giả. 

Trà Nguyễn mong The Run và dự án cùng tên tạo được thói quen phản biện tại sân khấu. Trong đó, lực lượng phản biện ngoài khán giả còn có sự tham gia của đội ngũ biên kịch và những đồng nghiệp khác trong nghề. Một lần nữa, niềm mong muốn văn hoá phê bình trong nghệ thuật sân khấu thành hình được khơi gợi lại, vào tối 28/3. Nhưng với những gì đã thể hiện trong buổi trình diễn và phản biện đầu tiên, với người giải đáp là Trà Nguyễn, khách mời đạo diễn Tây Phong và diễn viên/trợ lý đạo diễn David Patrick Delves có lẽ con đường tạo dựng thói quen phản biện cần phải tính toán kỹ lưỡng hơn.

Phan bien tai san khau kich: Mo mam tim duong

3 bệnh nhân và ngài Công tước trong The Run

Mang đến câu chuyện của 3 bệnh nhân đang mắc hội chứng Helium nhưng mỗi triệu chứng bệnh khác nhau, diễn biến câu chuyện của The Run đưa người xem vào các tình huống thắt - mở liên tục. Vở kịch được diễn bằng tiếng Anh và có phụ đề tiếng Việt trong vòng 45 phút. 

Tây Phong đặt nhiều câu hỏi về thời gian thực hiện dự án, công đoạn tập luyện, tìm diễn viên, chủ đề của The Run, ánh sáng sân khấu… và nữ đạo diễn sau đó cũng hồi đáp tất cả những thắc mắc với sự hào hứng, cởi mở. Nhưng, chỉ có thế. Đó chưa thể gọi là một cuộc phản biện mở đúng nghĩa bởi những câu hỏi chỉ mang tính gợi mở, nhằm mở rộng thông tin cho người xem. Lẽ ra, với số năm kinh nghiệm của đạo diễn Tây Phong, anh thừa sức đặt ra nhiều vấn đề hóc búa hơn, sâu sắc hơn những câu hỏi diễn ra trên sân khấu.

Bên cạnh đó, mặc dù khi bắt đầu chương trình, ở bàn soát vé, mỗi người xem được cung cấp 1 bảng khảo sát để bày tỏ ý kiến và ban tổ chức sẽ thu lại khi họ rời khỏi khán phòng nhưng việc làm này chưa đạt hiệu quả. Bằng chứng là sau cuộc nói chuyện, khán giả lại vội vã ra về. Số lượng bảng khảo sát được nhận lại không nhiều.

Phan bien tai san khau kich: Mo mam tim duong

Nhân vật Ly do Mien H. Pham đảm nhận

“Phê bình ở Việt Nam đang được hiểu là chê hoặc khen, đối với tôi không phải như vậy. Phê bình là một cuộc hội thoại. Thứ nhất, những người tham gia trong cuộc phê bình đó ít nhất họ cùng có một sự hiểu biết về vấn đề họ muốn phê bình.

Thứ hai, môi trường của cuộc phê bình thường đóng kín bởi khi mình cần phản biện ý kiến nào đó, mình muốn có một môi trường an toàn để làm việc này. Còn tôi làm trên sân khấu như vậy nó giống như sự đề nghị chia sẻ hơn là phê bình. Bình thường tôi làm buổi phê bình với nghệ sĩ phải mất 4 – 5 tiếng thì 1 tiếng trên sân khấu như vừa rồi không là gì cả”, đạo diễn Trà Nguyễn thừa nhận.

Thời gian hạn hẹp, sự hiểu biết không đồng đều giữa khán giả, thói quen – khả năng phê bình của người Việt còn chưa cao là những yếu tố khiến buổi phê bình đầu tiên của The Run không diễn ra chưa làm thoả mãn như trong kỳ vọng.

Phan bien tai san khau kich: Mo mam tim duong

Nogi và Công tước có những màn đối thoại gay cấn

Trà Nguyễn cho biết chị muốn nhắm đến những cuộc hội thoại cởi mở hơn nữa với khán giả nhưng trong phần lớn khán giả không phải ai cũng quan tâm đến công việc của mình. Đó là lý do khiến buổi phản biện đã diễn ra theo một chiều kích khác.

"Khán giả Việt Nam chưa quen với văn hoá phê bình nên nếu mình chưa giới thiệu gì cả đã “mở” thì mình không bao giờ đạt được mục tiêu. Vì sẽ có những khán giả không hiểu sâu góp ý và vô tình họ làm người khác hoang mang. Đây là điều tôi cân nhắc thật sự nên trước tiên hãy giới thiệu đã rồi sau đó bằng những cách khác nhau vẫn có thể phản biện”, Trà Nguyễn cân nhắc.

Cô cũng thừa nhận đạo diễn Tây Phong đã có những góp ý còn cả nể: “Anh Tây Phong là đàn anh nên dĩ nhiên anh cũng mềm mỏng, nhẹ nhàng chứ không góp ý thẳng thắn vì anh biết hôm nay mới là buổi giới thiệu. Mọi việc phải từ từ. Sau khi giao lưu tôi biết ngay vì với kinh nghiệm làm nghề, anh Tây Phong sâu sắc hơn”.

Phan bien tai san khau kich: Mo mam tim duong

Diễn viên David Patrick Delves đảm nhận vai Jode kiêm trợ lý đạo diễn của The Run

Mặc dù vậy, đạo diễn Trà Nguyễn vẫn rất hào hứng với The Run và dự án cô đang làm vì để tạo được thói quen không phải công việc một sớm một chiều có thể thực hiện. Bên cạnh đó, đối tượng mà The Run hướng tới, ngoài khán giả còn là đội ngũ biên kịch.

“Đối tượng của tôi là biên kịch. Hiện nay, sân khấu kịch để người trẻ thể hiện mình đang rất thiếu, rất thiếu nên không thấy họ ở đâu cả. Dự án The Run của tôi không mang sứ mệnh tập hợp các bạn biên kịch lại một chỗ mà chỉ cần những cuộc đối thoại. Từ cuộc đối thoại, phản biện tôi nghĩ sẽ “đẻ” ra rất nhiều dự án, ý tưởng mới. Còn sự khởi đầu như hôm nay đối với tôi đã hài lòng”.

Phan bien tai san khau kich: Mo mam tim duong

Buổi trò chuyện diễn ra với sự góp mặt của (từ trái sang): diễn viên David Patrick Delves, đạo diễn Trà Nguyễn, phiên dịch Phương Nguyễn và đạo diễn Tây Phong 

Trà Nguyễn đang đi từng bước một trong việc thực hiện mong muốn tạo nên thời quen phản biện trực tiếp tại sân khấu cho khán giả, biên kịch. Tại sân khấu hoặc sau đó là những buổi phản biện tiếp tục để cùng hoàn thiện bản thân kịch bản, cũng như  nhìn nhận vấn đề đa chiều hơn. 

Phản biện trong nghệ thuật không mới, trước The Run đã có một vài dự án do người trẻ thực hiện tổ chức các buổi góp ý mở như vậy. Nhưng, hiệu quả, sức bền của dự án đến đâu, phải còn tuỳ thuộc vào thời gian và cách thức thực hiện. Nếu gói ghém trong 1 tiếng đồng hồ chỉ để chuyên gia, đạo diễn hỏi những câu mang tính tượng trưng, cả nể thì về lâu dài sự hào hứng được phản biện và nghe phản biện của khán giả sẽ vơi dần. Vì  suy cho cùng, chúng không khác gì những buổi giao lưu thường thấy khi mỗi dự án nghệ thuật bất kỳ ra mắt.

Minh Tú

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI