Phải chấp nhận Ngọc Trinh, dù ta muốn hay không

22/05/2019 - 07:21

PNO - Chắc chắn, sẽ có nhiều người cho rằng, ngay cả “mục đích sống” vẫn có những mục đích sống đúng đắn và những mục đích sống lệch lạc (và đa số sẽ nghĩ mục đích sống như Trinh là quá lệch lạc).

Sáng hôm đó, tôi bị tin nhắn của anh bạn thân, gửi vào nhóm chat của lũ bạn “bẩn bựa”, đánh thức. Bạn nhắn: “Trinh ơi, em sai rồi!”. Đúng là trong nhóm có bạn nữ tên Trinh, nhưng chỉ cần đọc sơ qua những trả lời chớp nhoáng của đám bạn, rồi lướt tin nhanh trên điện thoại, tôi nhanh chóng được khai sáng về scandal “hở đến kinh ngạc” của Ngọc Trinh trên thảm đỏ Cannes.            

Bạn tôi thuộc loại “bênh Trinh bất chấp”. Trinh không thiếu những lần “ăn gạch đá” của dư luận, với những cái “tội” như “lố lăng”, “phản cảm” trong hình ảnh, rồi “chân dài não ngắn” mỗi lần phát ngôn bạo miệng. Nhưng “Trinh vẫn đẹp”, “đẹp là đủ” - cánh đàn ông bênh Trinh thường chốt thế.

Thế mà, đến khi hình ảnh “xuyên thấu” của Trinh tại Cannes tràn ngập cõi mạng, chính nhóm mê Trinh cũng phân hóa dữ dội. Với anh bạn tôi, câu cảm thán “em sai rồi!” nghe thật hài hước, nhưng cũng bộc lộ một nỗi thất vọng rất thật thà. Kiểu như, sau những hành động gây sốc của “em” thì hình ảnh “em” tại Cannes đã vượt quá giới hạn nào đó của lòng mến mộ và cả sự “dung túng” thường thấy của cánh đàn ông dành cho một cô gái đẹp.      

Phai chap nhan Ngoc Trinh, du ta muon hay khong

Trước bộ váy có thể diễn tả ngắn gọn là “mặc mà như không” của Ngọc Trinh, dư luận cũng ngập tràn những cảm thán tiêu cực. Nào là “bộ váy quá xấu, phản cảm”, “trang phục quá kệch cỡm so với một sự kiện quốc tế”, “hở hang bất chấp, thiếu tự trọng”, thậm chí nặng nề hơn, “Ngọc Trinh làm nhục quốc thể, phá hỏng thuần phong mỹ tục, gây tai tiếng cho phụ nữ Việt Nam”.

Sau một buổi bị chỉ trích tan nát, Ngọc Trinh lại được vài người đăng đàn bênh vực, cho rằng Ngọc Trinh không đại diện cho bất kỳ đoàn thể nào của Việt Nam, nên Trinh không đại diện cho phụ nữ Việt Nam. “Sâu cay” hơn, nhiều người (cả phụ nữ lẫn đàn ông) khẳng định, vóc dáng Ngọc Trinh đẹp một cách không thể chối cãi và thay vì chỉ trích đạo đức, chị em hãy tự trau dồi vóc dáng để có được sự tự tin mà không dễ ai có được (như Trinh).

Sau một đêm, nhóm chỉ trích và bênh vực gần như cân sức. Câu chuyện gây sốc hôm qua đã trở thành cuộc tranh cãi không hồi kết. Một bên đứng về văn hóa ăn mặc, văn hóa dân tộc. Bên kia đứng về sức mạnh của cái đẹp hình thể thuần túy và quyền tự do cá nhân của mỗi người. Thế nhưng văn hóa, suy cho cùng cũng là tập hợp những điều tích cực lặp đi lặp lại và được cộng đồng công nhận. Văn hóa sẽ ngơ ngác trước những hiện tượng quá mới, quá “sốc”, kiểu Ngọc Trinh.

Mang văn hóa ra để “đo” Trinh thì chắc chắn sẽ “đả thương” văn hóa. Còn nói về tự do cá nhân hay lý lẽ về quyền năng của cái đẹp hình thể thì lại là những lý lẽ không chạm nổi đến tính phù hợp muôn đời mà bất cứ nền văn hóa nào cũng phải cân nhắc khi lựa chọn trang phục.

Tôi tạm tách mình ra khỏi hai dòng lý lẽ đó. Thực sự, Ngọc Trinh dẫu lên… sao hỏa thì vẫn sẽ được gọi là “người mẫu Việt Nam” hoặc chí ít là “người phụ nữ gốc Việt”. Nói cô vô can với “quốc thể” cũng không hoàn toàn đúng. Nhưng một khi Trinh không đại diện cho quốc gia hay một đoàn thể nào tại Việt Nam thì sẽ không có những ràng buộc cụ thể để đánh giá cô có vi phạm hay không quy định tham gia sự kiện.

Hơn nữa, nếu quả việc ăn mặc của Ngọc Trinh tại Cannes có thể “làm xấu” hình ảnh phụ nữ Việt Nam, văn hóa Việt Nam thì ngay cả phụ nữ Việt - bằng chính cái tinh thần dân tộc đó - cũng phải thừa nhận và chịu trách nhiệm với một hiện tượng mới như Trinh trong nền văn hóa của họ, rằng có một người phụ nữ Việt như thế; rằng nền văn hóa mà họ đang cảm thấy bị tổn thương, cái quốc thể họ đang thấy bị hạ nhục đó là nền văn hóa có Trinh, một quốc thể có Trinh.

Và “sự cố” lần này ở Cannes giống như một cơ hội để người Việt nhận thức lại văn hóa, quốc thể của họ, chứ không chỉ khăng khăng phủ định, gạt bỏ “cô Trinh” nào đó đi, để bảo vệ cái quốc thể trong ngần. Đó là tôi thử giả thuyết và đi đến tận cùng cái giả thuyết “vị quốc thể” đang làm tổn thương hàng triệu phụ nữ Việt.

Phai chap nhan Ngoc Trinh, du ta muon hay khong
Hai ngày, hai lần xuất hiện ở Cannes; Ngọc Trinh đều “hở hết cỡ”

Tự do cá nhân hay quyền năng của cái đẹp cũng không đủ thuyết phục để gạt những người quan tâm ra khỏi câu chuyện này. Bởi, tôi không cần phải giỏi đá bóng như Công Phượng mới có quyền bình luận bóng đá. Với người đẹp như Ngọc Trinh cũng vậy. Và liệu có cái-gọi-là “tự do cá nhân” trên sàn diễn, trên thảm đỏ, cũng như trên sân bóng hay không vẫn còn là điều phải tranh cãi.

Cuộc tranh cãi này lẽ ra đã vô ích, nếu không có phản hồi từ phía Ngọc Trinh Đây có lẽ là thông tin đáng giá nhất trong ồn ào lần này, khi Ngọc Trinh (vẫn như mọi lần), khẳng định: “Tất cả mọi thứ đều miễn nhiễm với tôi. Quan trọng là tôi thấy đẹp và đạt được hiệu ứng thảm đỏ theo đúng ý tôi muốn là được. Phải có mặt ở đó mới biết, từ lúc tôi bước ra khách sạn đã được nhiều người chụp ảnh, họ khen đẹp và hỏi của nhà thiết kế nào”.

Rốt cuộc, không phải “đại diện cho Việt Nam” hay “góp mặt vào sự kiện điện ảnh đỉnh cao của thế giới” như dư luận diễn giải. Với Ngọc Trinh, mục tiêu của chuyến đi lần này chính là “hiệu ứng thảm đỏ”, nói nôm na là sự thu hút, sự nổi bật. Mục đích đó đã chi phối toàn bộ “tai tiếng” lần này. Nó biến một “thảm họa” mười mươi trong lòng công chúng thành một “thành công”, một “hiệu ứng đúng ý” nhân vật chính.

Cả ê-kíp của Trinh cùng nhà thiết kế bộ trang phục cũng bày tỏ tương tự. Những động thái này càng làm dư luận vốn phản đối càng “cạn lời” với toàn ê-kíp. Thế nhưng, đến nước này, người ta phải thừa nhận, dẫu ta có cùng một nền văn hóa, cùng một “quốc thể”, trưởng thành trong cùng một cộng đồng; tất cả điều đó sẽ không làm nên một bản sắc chung nào cả, nếu ta không cùng một mục đích sống. Mặt khác, “mục đích sống” mà thời đại này vẫn nỗ lực đặt lên vai từng người trẻ, dưới những hình tượng ngày một cụ thể, sẽ luôn có cơ hội trở thành một mệnh lệnh bất khả khước từ, chi phối toàn bộ hoạt động sống của mỗi người, trong một phạm vi hẹp hòi mang tên “mục đích sống”.

Người ta đã thấy, để được chú ý, một phụ nữ có thể “hở đến tận cùng”. Rồi người ta sẽ thấy, cũng vì được chú ý, ai đó có thể thoát y, lõa lồ gấp nhiều lần thế trong tương lai. Cũng giống như người ta đã bao lần chứng kiến một thanh niên có “lý tưởng sống” là trở thành một kỹ sư, nhà báo, bác sĩ, công an… có thể gian lận, đạo văn để vượt qua chướng ngại thi cử. Mục đích sống cụ thể và cấp thiết còn có thể khiến người ta trở nên máu lạnh, bất hiếu, thậm chí hại người.

Lúc này, lựa chọn hành động có thể vi phạm pháp luật chứ chẳng còn nằm trong địa hạt tranh cãi như “văn hóa” nữa. Huống hồ, một phụ nữ chỉ hở hang hơi nhiều với mục đích “tạo hiệu ứng thảm đỏ” thì có đáng là gì so với cơn cuồng mục đích giữa xã hội này.

Những người theo dõi Ngọc Trinh lâu năm hẳn không lạ với những bài viết nghiêm túc ghi nhận tinh thần vươn lên, đạt mục đích sống của cô. Trinh tuyên bố “không tiền cạp đất mà ăn” và cô luôn nỗ lực để sống giàu có. Trinh liên tục phát ngôn đanh thép về cái đẹp ngoại hình, nghe chừng ngây ngô, nhưng cô vẫn thể hiện cho công chúng thấy khả năng giữ vóc dáng và vẻ đẹp hiếm thấy của mình.

Mới đây, giữa tai tiếng tại Cannes của Trinh, NSƯT Chiều Xuân cũng chia sẻ trên Facebook về trải nghiệm cá nhân của chị với sự nỗ lực thể hiện hình ảnh của Ngọc Trinh - điều chị cho là có thể lý giải lựa chọn trang phục của Trinh ở Cannes.

Không còn nghi ngờ gì về tính chủ động của Trinh trong “tai tiếng” lần này. Không thể gọi bộ váy gây sốc đó là một “tai nạn” để lý giải theo kiểu “bao dung”. Toàn bộ chỉnh thể đó là một lựa chọn nghiêm túc, cho một mục đích cũng nghiêm túc không kém. Chỉ có điều, nó khá “điên rồ” với đại đa số người xứ Trinh. Và một khi đã nhìn sự việc này dưới sự chi phối của một mục đích sống thì “thảm họa” này (nếu gọi như thế) chẳng phải là thảm họa của riêng Ngọc Trinh, mà còn là mối nguy với mọi con người có “mục đích sống” trên đời.

Chắc chắn, sẽ có nhiều người cho rằng, ngay cả “mục đích sống” vẫn có những mục đích sống đúng đắn và những mục đích sống lệch lạc (và đa số sẽ nghĩ mục đích sống như Trinh là quá lệch lạc). Quả vậy. Chỉ tiếc rằng, mọi đúng - sai cứ mãi là những thước đo theo sau những sự kiện nảy sinh từng ngày trên xã hội này, nhất là trong một xã hội quá yêu chuộng cái mới.

Khi không có hoặc chưa kịp có “đúng/sai” để làm chuẩn thì sự hiểu biết về bản thân, tính điềm đạm và sự trưởng thành về tinh thần chính là những thứ nâng đỡ con người, trước khi chạm đến “mục đích sống” cụ thể nào đó bằng con đường chân chính.

Đến đây thì người Việt, phụ nữ Việt Nam có thể ngừng xấu hổ, ngừng bị tổn thương, thậm chí ngừng cả ý định trau dồi nhan sắc để đủ tư cách “tham luận” về Ngọc Trinh mà tranh cãi về “văn hóa dân tộc”, “nỗi nhục quốc thể” nữa.

Thiết thân hơn, gần gũi hơn, người ta có thể từ Ngọc Trinh mà soi chiếu lại mục đích sống của mình. Để so sánh với Trinh, có thể cân đo từ những nỗ lực, những bất chấp, những ngọt đắng mà mỗi người không thể không từng có trong hành trình sống, để chạm đến một mục đích nào đó. Và có thể nhìn từ góc khác, mình cũng đang “điên rồ”, đang “thảm họa”, đang “đáng thương” như thế. Còn thì, tranh cãi mải miết làm chi chuyện đẹp xấu - thứ mà mỗi người đều có thể cho mình “ngoại lệ”. 

Minh Trâm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI