PGS. TS Huỳnh Văn Sơn: 'Lời thề giám khảo là lời thề tự trọng'

11/02/2015 - 06:59

PNO - PN - Huỳnh Văn Sơn là một thương hiệu tư vấn và diễn giả cân bằng giữa học thuật và đời sống, hài nhưng thấm, ngấm bởi cái duyên và sự sâu sắc. Nhưng anh cũng rất có duyên làm giám khảo.

edf40wrjww2tblPage:Content

Riêng năm 2014, anh nhận lời làm giám khảo gần 20 cuộc thi Hoa khôi ở các trường đại học. Vừa xong cuộc thi Hoa khôi TP HCM qua ảnh, hoàn tất vai trò giám khảo cuộc thi Hoa khôi doanh nhân, anh hiện là giám khảo gameshow Tiếng cười sinh viên trên HTV7. Thế nhưng anh vẫn bảo giám khảo là một danh xưng đầy thách thức.

* Đâu là những áp lực khi làm giám khảo, thưa anh?

PGS. TS Huỳnh Văn Sơn: Bất cứ cuộc thi nào cũng có những áp lực riêng của nó. Không chỉ thí sinh, giám khảo cũng có không ít áp lực. Song với tôi thì đây là một công việc, một nghề rất đặc biệt và thú vị nên cần phải có sự đầu tư nghiêm túc và nhờ đầu tư nghiêm túc nên áp lực sẽ giảm đi thậm chí sẽ trở thành niềm vui.

* Để trở thành một giám khảo, anh nghĩ cần thỏa những tiêu chí nào?

- Điều đầu tiên và quan trọng nhất, theo tôi, là phải có chuyên môn hay am hiểu về lĩnh vực, nội dung mà bạn đóng vai trò là người lựa chọn, tìm kiếm thí sinh hay ứng viên xứng đáng nhất. Giám khảo cũng như một huấn luyện viên - phải tìm ra được nội lực của từng thí sinh, kịp thời có những khuyến khích, động viên để có thể phát huy nội lực ấy. Để làm được điều này đỏi hỏi phải là người có khả năng quan sát, cộng với một chút tinh tế, một chút “nhạy cảm nghề nghiệp” được tích lũy qua nhiều lần chinh chiến.

Bên cạnh đó, giám khảo cần có khả năng sử dụng ngôn từ hợp lý để đưa ra những nhận xét xác thực nhưng không quá “trù dập” hoặc “bay cao”. Điều căn bản có thể tóm tắt là: hiểu, cảm, nhìn ra, phát hiện, động viên, so sánh, cân nhắc… là những phẩm chất rất cần thiết của một giám khảo.

* Người ta bảo giám khảo truyền hình chỉ cần nói vui vui và biết tạo cao trào hay gây mâu thuẫn hoặc nói khác người ta thì đã “ăn” rồi. Anh nghĩ sao?

- Đó chỉ là một phần để tạo nên sự hấp dẫn và thu hút khán giả. Trên hết, những điều ấy phải dựa trên nền tảng là chuyên môn và sự am hiểu như tôi đã khẳng định. Vui, hài nhưng không có kiến thức chuyên môn thì cũng chỉ là những lời nói mua vui được vài ba đồng, vài trống canh rồi thôi. Khi giám khảo nói, chính yếu sau lời nói ấy, bên trong lời nhận xét kia có giúp được gì cho thí sinh cũng như khán giả hiểu rõ hơn vế vấn đề. Muốn có “duyên” thì phải có “chất” trước. Nhưng chất ấy phải có bóng dáng của một người diễn giả, một người “lớn” có chút gì của người thầy - người trọng tài.

* Anh có nghĩ sự đạo mạo là cần thiết khi làm giám khảo?

- Có rất nhiều cái cần cho một giám khảo, nhưng quan trọng là liều lượng bao nhiêu. Cái gì quá cũng không tốt. Tôi nghĩ sự đạo mạo cũng cần thiết trong một vài trường hợp cần thể hiện cái uy của giám khảo. Tuy vậy, sự đạo mạo sẽ có thể giết chết tinh thần cuộc thi. Song nếu mọi thứ đều hài hước, đều vui vui, phiên phiến thì sự đạo mạo lại là rất "chất" khi nó có giá trị cân bằng. Không phải ngẫu nhiên khi có nhiều cuộc thi, có bóng dáng của sự phân vai là thế. Cá nhân tôi vẫn thích sự tự nhiên và gần gũi nhưng công tâm và chia sẻ.

* Giám khảo có cần phải hướng dẫn hay sửa sai hoặc chỉ là góp ý cho thí sinh?

- Quan trọng là cách nói của bạn nhưng không nhất thiết phải hướng dẫn tận tình hoặc cầm tay chỉ việc. Sự góp ý cũng giúp rất nhiều cho thí sinh để thí sinh ấy tìm ra mình hay là chính mình. Sự nhiệt tình đúng chỗ luôn được trân trọng. Cái hay của giám khảo là biết khích lệ, động viên thí sinh vượt qua bản thân họ. Nhưng thú thật, nếu không có nội lực trong lĩnh vực bạn đang nhận xét, thì tốt nhất chỉ nên là người ngoài cuộc.

PGS. TS Huynh Van Son: 'Loi the giam khao la loi the tu trong'
TS Huỳnh Văn Sơn trao giải cho thí sinh

* Mối quan hệ giữa giám khảo và ban tổ chức thường diễn ra theo hướng nào trong những cuộc thi thưa anh?

- Thông thường, mỗi cuộc thi đều có những tiêu chí nhất định do ban tổ chức đưa ra hoặc có sự thống nhất giữa ban tổ chức và giám khảo. Ban giám khảo sẽ dựa trên những tiêu chí đó để làm việc. Trong các chương trình tôi đã tham gia thì rất may mắn là chúng tôi luôn được sự thống với ban tổ chức về các quyết định của mình.

Đương nhiên sẽ có những trường hợp không thống nhất giữa ban giám khảo với ban tổ chức hoặc ban tổ chức can thiệp khá sâu vào việc của ban giám khảo. Cái tâm của người giám khảo sẽ được thể hiện lúc này, tùy vào cách xử lý của mỗi người. Nhưng nếu trở thành trưởng ban giám khảo của những cuộc thi mà kết quả được định sẵn thì giám khảo nên "bệnh có báo trước" để xin rút lui. Không ít hơn một lần tôi đã kiên quyết như thế chứ không thể cả nể hay trở thành hòn bi để người khác quăng quật, ném đẩy.

* Anh chuẩn bị tâm lý thế nào khi làm giám khảo? Nếu là trưởng ban giám khảo thì sự dung hòa hay “điều khiển” những thành viên thế nào?

- Trước tiên, tôi tìm hiểu những thông tin liên quan đến chương trình mình làm xem có phù hợp với khả năng của mình rồi mới quyết định ngồi ghế nóng hay ghế… bình thường. Ngoài ra, phải sắp xếp công việc để có thể dành thời gian đầu tư cho nhiệm vụ với một tâm thế thoải mái nhất. Có những chương trình tôi làm trưởng ban giám khảo thì tôi thích dùng từ dung hòa hơn là điều khiển. Cũng có thể điều khiển, quản lý theo một hướng thống nhất nhưng cốt lõi của việc điều khiển đó chính là dung hòa.

Đa số những giám khảo làm chung với tôi đều là những anh, chị, em có nội lực và nhân tình đủ nên cũng rất thoải mái. Mỗi người đều biết được điểm mạnh - yếu của nhau và có sự tôn trọng nhất định đối với nhau ở một mặt nào đó. Nhiều anh chị giám khảo là nghệ sĩ lớn hay nhà quản lý nói đùa là tôi là người dễ thích ứng hay dễ đá trên nhiều sân nên làm quản lý nhóm giám khảo này là hiệu quả nhất.

* "Một giám khảo có màu nhưng có nhân cách" là cách ví von rất hay...

- Đó là tâm niệm của tôi khi làm nghề, không chỉ riêng nghề giám khảo. Làm bất cứ gì tôi cũng đặt ra cho mình một nguyên tắc: tự trọng - tự đánh giá khả năng bản thân và không được đánh mất bản thân của mình; luôn biết mình là ai và mình phải làm gì cho phù hợp, xứng đáng với vị trí hiện tại. Nếu phải thề một điều gì đó khi làm giám khảo thì đó là lời thề tự trọng. Tự trọng để hiểu đúng, làm đúng, chấm thi đúng và sống đúng mới là một giám khảo chân chính.

MINH THÀNH

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI