'Ông già 27 tuổi' Mạc Can: 'Không sao mà, đừng lo!'

07/02/2018 - 07:34

PNO - Không mong ước điều gì ở cái tuổi gần đất xa trời, nghệ sĩ Mạc Can cho biết ông hài lòng với cuộc sống hiện tại trong sự đơn độc, không gia đình, không người thân...

Ông vừa qua khỏi "tuổi 27" vài ngày (là 72 tuổi - PV) như cách ông vui vẻ nhắc về tuổi tác của mình, nhưng cuộc sống mỗi ngày của ông vẫn thế: Một căn phòng bé xíu, tạm bợ, bừa bộn những đồ đạc và... chỉ có thế. 

Người ta cứ xót một ông già Mạc Can bữa đói bữa no, chỉ có ông thì khác, ông cứ cười, lúc nào cũng cười, như thể càng ít "vướng bận" vật chất đời ông càng nhẹ tênh... 

Khán giả nhớ vai diễn nhưng lại quên tên mình, điều đó mới quý

* Với thu nhập hiện tại, nghệ sĩ Mạc Can có gặp khó khăn gì trong việc trang trải chi phí cho cuộc sống của mình?

- Nói sao giờ ta... khi có khi không đi. Khi nào tôi có thì lo trả trước tiền nhà cho yên tâm, rủi những tháng sau không có tiền cũng đỡ mắc cỡ. Mà cũng đâu có bao nhiêu đâu, căn phòng hiện tôi đang ở, trước đây là cái kho chứa vật dụng cũ của người chủ nhà, họ thương tôi đơn chiếc nên cho tôi thuê lại với giá rẻ. Một số anh em đoàn phim tới chơi thấy chỗ ở của tôi tuềnh toàng quá nên chung tay thiết kế lại, mua sắm cho tôi một số vật dụng mới như cái tivi, cái nệm và sắm cái tủ quần áo này nữa, chứ trước đây căn phòng này không có gì hết, tôi nằm ngủ dưới đất. Tôi có đề nghị trả tiền lại cho mấy chú trong đoàn phim nhưng họ không nhận, mấy chú bảo “không lấy tiền, để ông xài luôn”. Tôi bắt đầu sống ở căn phòng này khi từ Mỹ trở về, còn trước đó thì tôi lang bạt nhiều nơi.

Bây giờ cộng trừ nhân chia gì tôi không biết nên khi đi đóng phim, người ta hỏi cát-sê tôi bao nhiêu, tôi không biết. Tôi hỏi ngược lại họ là một vai họ trả được bao nhiêu, còn hỏi tôi một phân đoạn bao nhiêu thì tôi không nói được... Tôi nói nhiều quá thì tội nghiệp mấy ông mà nói ít quá thì cũng thương tôi. Thôi thì liệu cơm gắp mắm, mấy ông sống được thì tôi có chút cháo, chứ mình nói thách quá thì người ta không dám kêu. Thời buổi bây giờ làm được bao nhiêu thì hay bấy nhiêu thôi!

'Ong gia 27 tuoi' Mac Can: 'Khong sao ma, dung lo!'
Mạc Can trong căn phòng gọn ghẽ và bé xíu của mình

* Nghĩa là bản thân ông không có sự kén chọn kịch bản cho vai diễn của mình?

- Kén chứ, tôi sẽ hỏi vai này có phải là vai chính, có đóng chung với “chân dài” hay không?... Nếu không thì... tôi vẫn đóng à (cười). Nói chứ ở tuổi của tôi mà còn được người ta kêu đi đóng phim là tốt rồi, phần vì người ta quý mình và họ cũng tin là mình diễn được, bao nhiêu đó cũng được rồi, khỏi thử vai gì hết trơn, kêu là làm liền, vai gì cũng được.

* Điều kiện sức khỏe hiện tại của ông có gây khó khăn gì cho ông trong quá trình làm việc cũng như trong cuộc sống hay không?

- Chân tay tôi hơi bị chậm, 27 tuổi rồi phải chậm chứ (cười). Đi đóng phim ở những địa điểm gần như... Bà Rịa thì tôi tự đi xe gắn máy được, còn đi xa như Cam Ranh thì phải đi xe đoàn chở, ông Huy Khánh (diễn viên Huy Khánh – pv) nói tôi là một chàng trai thú vị.

Dù tuổi cao nhưng may mắn tôi không gặp khó khăn gì trong việc nhớ thoại hay diễn xuất, làm như trời cho hay sống lâu nên lên lão làng, quen với điện ảnh rồi nên đạo diễn chỉ cần nói ý muốn diễn xuất là tôi biết phải làm thế nào. Mấy đạo diễn thường nói với tôi rằng khi nào ông diễn đạt thì cháu sẽ làm thinh, mà đa phần họ đều nín thinh tức là tôi diễn đạt, đúng không!? Có một số vai diễn ngay từ khi đọc kịch bản, người xem đã có cảm xúc về nhân vật rồi chứ không phải do tôi diễn hay.

Những người mới vào nghề thường quan niệm rằng phải học thoại cho kỹ thì mới chắc ăn nhưng thật ra không phải vậy. Nếu học thuộc lòng kịch bản đến từng động tác, chi tiết... rập khuôn như vậy thì khó diễn lắm. Theo tôi, mình nên diễn theo kiểu mình không biết gì, thì lúc đó mới thoải mái được. Tôi không bao giờ đọc kịch bản trước nên khi đến bối cảnh quay, tâm trạng tôi luôn tươi mới, còn biết trước kịch bản rồi thì tôi thấy khó diễn lắm, càng diễn tự nhiên lại càng thật.

'Ong gia 27 tuoi' Mac Can: 'Khong sao ma, dung lo!'

* Nhìn lại sự nghiệp diễn xuất của mình suốt mấy mươi năm qua, đâu là vai diễn để lại nhiều ấn tượng sâu sắc nhất đối với ông?

- Người ta nhớ chứ tôi ít nhớ, khi mình làm diễn viên, ngoài vấn đề mưu sinh thì việc khán giả nhớ vai diễn của mình nhưng lại quên tên mình, chỗ đó mới quý. Ví dụ người ta quên hẳn tên tôi là Can nhưng nhớ tên nhân vật tôi từng đóng thì đó là hạnh phúc trong nghề diễn viên. Như vai Bác Ba Phi trong phim Đất phương Nam mà tôi đã tham gia, dù vai diễn cực kỳ ngắn nhưng khi về miền Tây, khán giả đều gọi tôi là Bác Ba Phi, điều này làm tôi vui và cảm ơn khán giả. Người ta có quên tên mình đi cũng chẳng sao nhưng họ nhớ nhân vật mình đóng là đã ghi điểm rồi, đó là niềm vui với ông già này!

* Các vai diễn mà ông từng diễn xuất, đa phần là những nhân vật số phận đầy bi thương, nghèo khó và ông đã thể hiện rất thành công dạng vai này. Phải chăng những nỗi buồn trong cuộc sống đời thường mà ông trải qua đã cho ông nhiều xúc cảm khi hóa thân?

- Những nhân vật đó hầu hết đều có điểm chung gần giống với cuộc đời tôi. Nếu đạo diễn giao cho tôi vai đại gia hay tướng cướp... tôi có thể “lật cánh” và diễn được nhưng khán giả sẽ không tin. Cái tin của khán giả, đầu tiên là từ vóc dáng, tướng mạo của tôi phải tương đồng với nhân vật, và những vai diễn mà tôi đã hóa thân đều gần gũi với tôi hơn, tôi diễn xuất dễ hơn.

* Điều gì trong cuộc sống khiến ông cảm thấy hạnh phúc nhiều nhất?

- Hình như không có... tôi cứ trơ trơ vậy hoài, thiệt! Có chút đỉnh vui là khi tôi ngồi gõ gõ mấy con chữ... Lúc đi đóng phim cũng vậy, đang diễn xuất, có công việc thì tôi cũng có chút niềm vui giúp tôi khuây khỏa nhưng khi xong phân đoạn đó trở về, tôi lại ngồi một mình, mỗi diễn viên ở một nơi mà tôi thường đóng với diễn viên trẻ nhiều nên cũng không biết nói cái gì, các cháu nói tôi cũng không hiểu hết nên ngồi một mình thôi, chừng già rồi biết (cười). Còn những khi không có phim đóng, tôi đi diễn ảo thuật cho con nít coi, viết kịch bản, đi diễn từ thiện, được mấy cháu cho gạo, cho giày, cho dép..., mà lúc này cũng bớt rồi.

Mỗi khi kêu tôi cười để diễn xuất, đạo diễn thường nói rằng nụ cười của tôi là bất hủ. Thiệt vậy, cuộc sống tôi có gì vui đâu để cười. Cái tánh tôi thì hài hước, hay giỡn cợt nhưng bên trong nội tâm tôi chẳng có gì vui. Tôi thấy chuyện vui buồn trên đời này tùy theo mỗi người, có người cái gì cũng vui, còn người thì nhìn đâu cũng buồn.

'Ong gia 27 tuoi' Mac Can: 'Khong sao ma, dung lo!'

* Sự đơn độc trong nỗi buồn trải dài thường đi cùng những giọt nước mắt, với ông thì sao? Điều gì trong đời làm ông nghĩ đến là bật khóc? 

- Tôi không khóc vì điều gì khi nghĩ về cuộc đời mình, mà tôi chỉ bật khóc khi đọc những đoạn tác phẩm dâng trào cảm xúc gần giống với những gì mình từng đi qua, do tôi viết hoặc được một ai khác thực hiện. Mỗi khi đọc đến những đoạn xúc động đó, đột nhiên tôi khóc nấc lên nhưng khi có ai đi ngang qua thì tôi lại vội nín bởi mắc cỡ. Tôi không khô khốc đến nỗi mà thành... thú vật đâu!

Đôi khi những câu chuyện đó không cần giống về cuộc đời mình, tôi vẫn khóc. Chỉ cần nó được diễn tả xúc động thì tôi sẽ rớt nước mắt theo, nhưng điều này lại không xảy ra khi tôi xem phim. Với phim ảnh, dù phân đoạn đó bi lụy như thế nào, tôi vẫn cứ trơ trơ nhưng khi đọc chữ, những con chữ mang đến cho tôi cảm xúc khó hiểu lắm...

Nhìn vóc dáng trầm ngâm và cái kiểu nói chuyện "hề hề" của tôi, nhiều người bảo rằng gần như cái gì ông Can cũng biết, nhưng thật ra thì tôi cũng chỉ biết ít thôi. Những biến cố thời cuộc, nghề nghiệp, cuộc sống... do tôi trải qua nhiều nên cũng biết nhưng đâu thể biết hết được, thành ra một số người lại nghĩ tôi sống giả. Nhiều khi tôi nói thật người ta cũng nghĩ tôi nói dối, họ không tin.

* Dường như ông đang gồng để che đi góc khuất của mình?

- Nhưng tôi vẫn vô tư với mọi người, trong con người tôi vẫn trải lòng với những người xung quanh, tuy nhiên cho phép tôi được sống ẩn dật. Mới đây khi nhận lời mời tham gia chương trình Sau ánh hào quang, tôi có hỏi BTC rằng hào quang là cái gì, tôi có hay không, nếu mà tôi ngồi đó mà không biết hào quang là cái gì thì đừng hỏi tôi nữa. Bởi tôi không nghĩ đến hào quang, không hề nghĩ tới và tôi cũng không thích lên truyền hình lắm!

Tôi không muốn phơi bày về tôi cho mọi người bàn tán, ai hiểu được mình thì mình cảm ơn, còn ai không hiểu thì thôi, tôi cũng không nói. Đặc biệt là tôi không muốn lên truyền hình than thở, than nghèo than khổ... Tôi đâu có nghèo đâu! Không phải có tiền là đã giàu, không phải ít tiền mà đã nghèo, không phải vậy đâu. Nghèo hay giàu theo tôi nó khác.

Tôi biết có một số nghệ sĩ bây giờ khao khát sự nổi tiếng bằng mọi cách, trong đó có việc tạo dư luận từ chuyện khai thác đời tư nhằm gây tò mò, thương cảm nơi khán giả. Nhưng với riêng tôi, tôi không cần những điều đó, không cần phải làm vậy. Khán giả quý tôi, thương tôi trong cái nghề diễn viên này, vậy thôi không cần phải làm thêm gì nữa. Người ta muốn làm gì để tạo tên tuổi cho họ thì đó là quyền của người ta, mình không phủ nhận nó được, nhưng mà riêng ông già này thì không làm mấy trò đó, cái gì mà nó hơi quá thì không nên. Tôi cũng là người lương thiện chứ bộ, hơi hơi lương thiện cũng được... (cười).

Phải nói thật là tôi ham có một số tiền để ổn định cuộc đời mình nhưng nếu nó không phải thì tôi cố gắng làm và dành dụm chút đỉnh để sống, trong dạ tôi thấy yên tâm hơn. Tôi cứ lụi cụi vậy hoài được mà, cũng đâu có ai chết mà mình lại khỏe.

'Ong gia 27 tuoi' Mac Can: 'Khong sao ma, dung lo!'

Không mong ước điều gì sẽ dễ sống

* Nhìn về chặng đường đời đã đi qua, đâu là biến cố lớn nhất khiến ông phải rùng mình khi nhớ lại?

- Nhiều lắm, cuộc đời tôi “lên voi, xuống chó”, thăng trầm không kể xiết nhưng thôi, giờ tôi nói biến cố về chữ nghĩa, còn những chuyện khác tôi không nói đến. Ngày tôi còn bé, cha tôi là “ông bầu” của một gánh hát tạp kỹ, anh trai tôi thường biểu diễn tiết mục phóng dao vào tấm ván, nơi mà em gái tôi đang đứng để phục vụ khán giả. Vấn đề này cũng khó nói lắm vì khán giả nuôi mình nhưng họ thấy người nữ đứng trước tấm ván thì lại thích hơn một “thằng đực” tham gia biểu diễn tiết mục phóng dao này, bởi với họ thì chẳng có gì hay. Một phần khán giả vừa thấy cảm thương, vừa thấy phục người biểu diễn nên em gái tôi đứng vị trí đó, còn tôi đứng vịn tấm ván. Tôi luôn mang tâm trạng lo lắng anh trai sẽ phóng trúng em gái bởi dao là dao thật, còn anh tôi thì cũng là con người, cũng có lúc phân tâm chứ, sao mà không lo và suy nghĩ ấy cứ lớn dần từng ngày trong tôi.

Khi trở về nhà, tôi đã viết ra những cảm xúc ấy vào một cuốn tập học sinh, lâu dần những trang tập đó dày lên và thành cuốn tiểu thuyết Tấm ván phóng dao lúc nào không hay. Tác phẩm đó đã thay đổi cuộc đời tôi, không phải bởi giải thưởng văn học tôi đạt được, mà vì tôi đã thoát ra khỏi ám ảnh đó và kể câu chuyện đời mình với công chúng bằng con chữ. Dù bây giờ khi mang máng nhớ lại, tôi vẫn cảm thấy đôi chút xót xa nhưng dẫu sao tôi cũng đã kể cho mọi người nghe về điều đó rồi.

Biến cố đó đối với tôi là lớn bởi tôi là dân nghèo thành thị, cuộc đời tôi chẳng có gì vẻ vang hết, tôi làm hề, làm ảo thuật cũng chỉ bình thường thôi, nhưng với thành công của tác phẩm Tấm ván phóng dao, tôi đã được người ta nhìn nhận bằng cặp mắt khác, đạt được giải thưởng... Dẫu có người ganh ghét hay thương mến thì tôi cũng đều học hỏi ở họ, cho đến tận bây giờ tôi vẫn học.

Hiện tại, dù được người ta công nhận là người viết lách chuyên nghiệp hay là nhà văn, nhưng tôi vẫn không dám nhận mình là nhà văn gì hết, các bạn thương tôi là được rồi còn chuyện viết lách kia chỉ là kiếm chút đỉnh chứ tôi không chuyên nghiệp, rồi họ còn đưa tôi vào Hội Nhà văn bởi có tác phẩm chứ tôi không có xin vào. Tôi phủ nhận chuyện mình là nhà văn bởi tôi làm nghệ sĩ và tôi chỉ muốn mình bình thường như khi sinh ra, lớn lên và đã sống đến giờ này.

Clip nghệ sĩ Mạc Can chia sẻ về con gái: 

 

* Ngoài biến cố về con chữ như ông vừa chia sẻ thì “khúc cua” khiến ông gặp gỡ bà Yoko – người phụ nữ Nhật mà ông từng yêu thương và hạ sinh cho ông một cô con gái, đóng vai trò thế nào trong cuộc đời ông?

- Tôi không cảm thấy nặng nề gì cả, thay vào đó là sự nhẹ nhàng. Tôi vốn là người dễ yêu nhưng từng tuổi này rồi mà nói chuyện yêu đương, đôi khi tôi cảm thấy xấu hổ.

Lâu lâu người ta cũng có hỏi thăm sức khỏe tôi, nhưng cái gì lâu quá người ta thường quên mất rồi. Tôi luôn nhớ lời cô ấy từng nói rằng, con là con của ông nhưng ông không phải là chồng tôi. Vậy tốt lắm rồi, tôi còn muốn gì nữa? 

Theo tôi nghĩ, người phụ nữ ở phương khác, dù không phải đa phần là như vậy nhưng cũng có người, người ta không muốn bận bịu, họ chỉ muốn có con thôi chứ không muốn lấy chồng, đó là do cách sống chứ không phải do cái tánh xấu. Họ nghĩ có đứa con là được rồi, có ông chồng làm chi rồi phải hầu hạ, bưng bê... phức tạp, mà hiện nay ở Việt Nam tôi cũng nhìn thấy quan niệm này manh nha xuất hiện rồi.

Con gái tôi giờ sống bên Mỹ, cuộc sống cũng khó khăn, không dư dả gì nên không về thăm tôi được, 7-8 năm rồi tôi chưa gặp lại con. Thi thoảng con gái có gọi điện qua internet nói chuyện với tôi, chúc Tết... cho hai cha con nhìn thấy nhau vậy là được rồi, không sao mà, đừng lo! Con gái tôi cũng mới lập gia đình vài năm nay và có 2 đứa con, cháu có hứa với tôi là khi nào hai đứa nhỏ cứng cáp hơn và đi máy bay được thì sẽ cho về thăm ông ngoại. Tôi vẫn chưa biết mặt hai đứa cháu.

Tôi nói với con gái rằng bố không cần con chu cấp, bởi tôi biết tiền không phải lá cây từ trên cao rơi xuống là thành đô-la, cuộc sống bên đó không phải thiên đường, người ta phải làm vất vả lắm mới có đồng tiền và phải lo toan nhiều thứ lắm, không có tiền không sống được. Còn bên này, tôi không có tiền cũng không sao, nấu nồi cơm ăn cơm không cũng được, ngồi uống ly trà đá cũng vui.

 

* Thừa nhận là người dễ yêu nhưng trong suốt mấy mươi năm qua, ông không gắn kết cuộc đời mình với một người phụ nữ nào khác để xây dựng gia đình mới cũng như có người thủ thỉ lúc về già, vì sao vậy?

- Thôi, làm vậy để chi? Đừng! Phụ nữ phức tạp lắm, mình không biết người ta nghĩ gì, như thế nào, nên thôi dừng ở đây được rồi, “27 tuổi” rồi dừng lại đi. Giờ già cả rồi mà có một “bóng dáng” nào vô nữa, lỡ có gì cho tôi thì tôi chết đó, tôi khổ vì bệnh tưởng tượng (cười).

* Nếu không muốn lập gia đình thì ông có thể đến Viện dưỡng lão nghệ sĩ để sinh sống, nhưng ông không lựa chọn điều đó?

- Thôi, tôi đã không thích chỗ đông người rồi thì vào đó làm gì? Người già thì thường nói chuyện đời xưa, chuyện đã qua... nghe chán lắm, tôi không thích vậy!

Clip nghệ sĩ Mạc Can chia sẻ: 

* Nếu có một điều ước cho hiện tại và tương lai thì ông sẽ ước mong ra sao?

- Không mong ước điều gì sẽ dễ sống hơn, mình mong mà nó không có thì sẽ thất vọng nên không mong muốn điều gì. Nếu nó không xảy ra thì mình vẫn sẽ sống cuộc sống cũ, cứ trơ trơ thế sống, không tính toán gì nhiều, cứ bình thường đừng lo nghĩ hay mơ ước điều gì!

Thanh Hương 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI