Ôi tiếng Việt như bùn và như lụa

28/03/2018 - 20:57

PNO - 'Truyện Kiều còn, tiếng ta còn, tiếng ta còn, nước ta còn'

“Truyện Kiều còn, tiếng ta còn, tiếng ta còn, nước ta còn”.  Để nói câu này và nhìn suốt con đường ông đi, có thể thấy học giả Phạm Quỳnh đã đặt mình trước sự chọn lựa, không phải cho riêng mình, mà chính là sự tồn vong của dân tộc, tên gọi chính xác của nó là văn hóa. Ông đã thấu hiểu, chỉ có việc xác lập tự do văn hóa, sự kiêu hãnh không lụy vào ai, dẫu đó là Pháp đang nô dịch với sự quyến rũ không thể cưỡng của văn hóa Pháp, hay lớp văn hóa Hán đã đổ “bê tông” hàng ngàn năm ở đất Việt. Tiếng, hay nói rộng hơn là chữ, mà mất đi, thì mất nước.

Và như thế, ông đã đặt cược chính sinh mệnh của mình trước những ngộ nhận,  dùng báo chí và văn chương để xiển dương chữ Quốc ngữ, một thứ Quốc ngữ ròng Việt, biết tiếp thu tinh hoa, biết chọn lọc và sáng tạo không ngừng, nhưng không bỏ đi những từ, ngữ mang hồn cốt dân tộc, với một mong mỏi duy nhất: văn hóa Việt không thể mất!

Lớp trí thức thời ông mang nặng nỗi giày vò trước sự tồn vong của văn hóa Việt, đã dũng cảm lội ngược dòng trước những rào cản hữu hình và vô hình. Họ sinh ra, dẫu từ khuôn vàng thước ngọc hay những đồng quê cháy nắng, nhưng câu ca dao thoát thai từ tao nôi của mẹ, của bà, ru họ từ thuở ẵm bồng, đã ngấm trong máu họ, thành một lời dặn dò và từ đây, nó lớn lên thành một lời nguyền của người có chữ, biết nhìn, biết nghĩ, đâu là tiên tổ, quê hương; rằng, đừng bao giờ đánh mất mình.

Oi tieng Viet nhu bun va nhu lua
Nhà văn hoá Phạm Quỳnh

Và đâu chỉ những người như Phạm Quỳnh, con cò, cánh bướm trong ca dao cũng không ngừng lay động những tâm hồn thi sĩ  như Đoàn Văn Cừ, Anh Thơ, mà Nguyễn Bính là rõ nhất. Hình ảnh bướm vàng bướm trắng vườn xưa ngập tràn như bản lai diện mục của ông. Dẫu chát đắng sự đời, dẫu sóng trào Âu hóa đang cuốn các bạn đồng môn, đồng liêu lao vào, ông một mình lặn lội, mê say và đau khổ, hy vọng và tuyệt vọng, bám lấy cánh bướm để lòng mình được sống chính là mình, để cứu vãn cái đẹp “hôm qua em ra tỉnh về/ hương đồng gió nội bay đi ít nhiều”.

“Ôi tiếng Việt như bùn và như lụa”. Bùn có xấu đâu, mà nó thơm đến nhọc nhằn, bởi từ đó sen hồng mọc lên ngát hương; đến mềm mại và uyển chuyển như lụa. Cái buổi giao thời, hỗn dung văn hóa, ngơ ngác ngã ba đường lịch sử ấy, Phạm Quỳnh, Nguyễn Bính không hốt hoảng, nháo nhào, hân hoan chạy theo, mà lẳng lặng cúi xuống trên cánh đồng cha ông, tìm và ươm hạt thóc đã nuôi nấng dân tộc này.

Họ đã gieo tiếng Việt, giữ gìn và phát huy tiếng Việt bằng tình yêu tận tụy, nồng nàn với xứ sở đau thương nhưng không thiếu kiêu hãnh, để tiếng Việt còn, nước Việt mãi còn trên bản đồ thế giới. Họ là những hiệp sĩ văn hóa, mà nếu không có họ, biết đâu, chúng ta bây giờ đang ở đâu đó, nói, viết và nghĩ gì đó, mà lỡ cha ông xưa sống dậy, không giấu được ngơ ngác: con cháu mình đây ư?

Bây giờ, không ít âu lo đang bủa vây. Những đổ vỡ, pha màu rối tinh đang khép chặt vòng vây hồn cốt văn hóa Việt mà bao lớp trước đã đổ máu để gầy dựng. Nó đến từ những cái đầu cạn nghĩ đã đành, nhưng thiệt… hết biết, khi mới đây, người ta đưa ra dự thảo chương trình ngữ văn THPT chỉ bắt buộc phải học sáu bài là Hịch tướng sĩ, Nam quốc sơn hà, Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc, Tuyên ngôn độc lập, Bình Ngô đại cáoTruyện Kiều.

Một đứa trẻ học xong lớp 12, là  được trang bị kiến thức nền để vào đời. Kiến thức đó phải được phổ cập, dẫu không sâu, nhưng phải toàn thể, để nó không ngơ ngác, xa lạ trước vốn liếng văn hóa của người đi trước. Vậy, chỉ chừng đó bài bắt buộc, đọc đâu cũng thấy yêu nước, quật cường, chỉ có Truyện Kiều là bi ai thân phận, thì hỏi làm sao nó có được đắm say về tình yêu tiếng Việt, thứ tiếng Việt trong sáng đi từ ca dao đến sự thay đổi không ngừng của ngôn ngữ hiện đại?

Đặt ra giới hạn đó là làm què cụt tâm hồn, là trực tiếp mở đường cho những thế lực ma quỷ xâm lấn văn hóa Việt. Lúc đó, cánh bướm sẽ đổi màu, và hồn Nguyễn Bính sẽ lang thang vất vưởng… 

Mộc Miên

(*) Thơ Lưu Quang Vũ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI