Nữ tướng nổi danh của vua Lý Nam Đế

15/11/2015 - 07:55

PNO - Sự nghiệp đánh đuổi ngoại xâm, dựng nền độc lập của Lý Nam Đế có đóng góp của nhiều anh hùng nữ kiệt, trong đó có một nữ tướng đặc biệt.

Người đầu tiên xưng hiệu hoàng đế

Năm Tân Dậu (541), căm giận sự tàn bạo và ách thống trị của giặc Lương, một hào trưởng là Lý Bí đã lãnh đạo nhân dân nổi dậy lật đổ ách đô hộ của giặc Lương, giành độc lập cho đất nước, xây dựng một chính quyền tự chủ với quốc hiệu là Vạn Xuân.

Lý Bí, còn gọi là Lý Bôn quê ở đất Thái Bình, phủ Long Hưng, quận Giao Chỉ, xuất thân trong một gia đình thế gia, “đời đời là hào hữu”, cha là Lý Toản, tù trưởng bộ lạc, mẹ là Lê Thị Oánh, người Ái Châu (nay là Thanh Hóa).

Bất bình với chính sách của chính quyền đô hộ, thấy sự khổ đau của dân chúng đang bị đè nặng, Lý Bí về quê chiêu tập lực lượng, thao luyện binh lực, tích trữ lương thực, rèn đúc vũ khí chờ ngày nổi dậy.

Nu tuong noi danh cua vua Ly Nam De

Lý Nam Đế (Tranh cổ)

Ngày 10 tháng 3 năm Nhâm Tuất (10.4.542), cuộc khởi nghĩa do Lý Bí phát động đã bùng nổ và nhanh chóng lan rộng; khi lá cờ dấy nghĩa được phất lên thì nhân dân và hào kiệt các châu, quận đua nhau hưởng ứng, thanh thế rất lớn, giặc Lương tan vỡ khắp nơi, tên thứ sử Tiêu Tư khiếp sợ bỏ chạy về phương Bắc.

Sau khi giành độc lập cho đất nước, Lý Bí đã chỉ huy đánh bại liên tiếp các cuộc tấn công xâm lược của quân Lâm Ấp ở phía Nam và các cuộc tấn công nhằm tái lập ách đô hộ của giặc Lương ở phía Bắc.

Vai trò và sự nghiệp của Lý Nam Đế có một vị trí đặc biệt trong lịch sử dân tộc. Sử sách ca ngợi: “Vua Nam Đế chán cảnh nội thuộc, khởi nghĩa binh đuổi Tiêu Tư, dựng thành một nước, đổi niên hiệu, cũng là vị hào kiệt thời bấy giờ…” (Việt sử tiêu án). Đôi câu đối ở đền thờ ông tại làng Đào Xá (nay thuộc Hoài Đức, Hà Nội) chính là minh chứng rõ nhất:

Thiên Đức hồng cơ long đỉnh Bắc

Vạn Xuân cung quyết phượng thành Đông.

Nghĩa là:

Thiên Đức dựng nghiệp đỏ như rồng bay trên đỉnh Bắc

Vạn Xuân xây triều vàng tựa phượng múa dưới thành Đông.

Nữ tướng có cái tên đặc biệt

Trong số các nữ tướng khác của Lý Nam Đế mà chúng ta không thể không nhắc đến, đó là Dương Khoan Khoáng. Có thể nói, bà là nữ tướng nổi tiếng nhất của triều Tiền Lý nước Vạn Xuân. Bà quê ở trang Báo Văn, xứ Hồ Kì (nay thuộc thôn Báo Văn, Đồng Văn, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc)

Tương truyền rằng, mẹ bà là Nguyễn Thị Hằng, trong một đêm mưa to gió lớn, đã nằm mộng thấy có một con rồng lớn phủ lên người, rồi sau đó có thai về sau sinh ra một người con gái. Trên thân có những vết như khoang rắn, nên đặt tên là Khoan Khoáng. Lúc lớn lên, Khoan Khoáng là người dũng lược, ý chí khác người nên ai ai cũng nể phục.

Năm Nhâm Tuất (542) tại chùa Diên Táo (nay thuộc làng Báo Văn, xã Đạo Đức, huyện Bình Xuyên, Vĩnh Phúc), Lý Bí làm lễ tế cờ, tuyên cáo khởi nghĩa chống giặc Lương. Các hào kiệt người địa phương là những người đầu tiên tham gia tề tựu dưới cờ, trong đó có Khoan Khoáng, thủ lĩnh một toán quân gồm các trai tráng người làng Báo Văn.

Cuộc khởi nghĩa bùng lên và lan rộng nhanh chóng, quan quân nhà Lương kẻ bị giết, kẻ ôm đầu tháo chạy về phương Bắc. Khi Lý Bí xưng đế lập nước Vạn Xuân, nữ tướng Khoan Khoáng được giao trấn ải phía Bắc, doanh trại đặt ở trang Hổ Kỳ quê nhà.

Nu tuong noi danh cua vua Ly Nam De
Nữ kiệt thao luyện kiếm cung (Tranh minh họa)

Hòng tiêu diệt nước Vạn Xuân non trẻ, đầu năm Ất Sửu (545), quân Lương kéo sang xâm lược, Lý Nam Đế bèn đem quân ra đánh ở Chu Diên nhưng bị bất lợi phải lui quân về cửa sông Tô Lịch, dựng thành lũy chống giặc, rồi lại lui về giữ thành Gia Ninh (Việt Trì). Cuối tháng 2 năm Bính Dần (546), thành Gia Ninh vỡ, vua chạy vào miền Khuất Lão tập hợp lực lượng...

Trong khi đó, nữ tướng Khoan Khoáng cùng đạo quân của mình đánh giặc, chiến đấu dũng cảm ở hai vùng đất Bình Xuyên và Yên Lạc trong suốt hai năm (545-546) với nhiều trận khiến quân giặc kinh hồn táng đởm.

Trong một trận huyết chiến tại Yên Lạc, nữ tướng Khoan Khoáng bị trọng thương, quân sĩ đưa bà về đến xứ Hổ Kỳ, trang Báo Văn thì mất, hôm đó là ngày mồng 10 tháng 9 năm Bính Dần (546). Sau khi mất, nhân dân nhớ ơn Khoan Khoáng, nhiều nơi lập đền thờ. Các triều đại sau này truy phong bà làm “Đệ nhị á nương Khoan Khoáng đại vương mỹ mạo linh dung”.

Lê Thái Dũng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI