Nữ nhà báo "phải lòng" vải Nhật

22/09/2016 - 15:58

PNO - Nói đến Lê Thu Hiền, bạn bè không giấu sự… ganh tỵ, không phải vì cô đẹp, tài hoa mà vì cô tự do. Cô mê nhất là vải Nhật, từng sợi vải dệt nên những câu chuyện hấp dẫn qua các họa tiết: cánh hạc, hoa trà…

Nói đến Lê Thu Hiền, bạn bè không giấu sự… ganh tỵ, không phải vì cô đẹp, tài hoa mà vì cô tự do. Đang là nhà báo (bút danh Hiền Lê), bỗng “phải lòng” nước Nhật, cô bỏ nghề, đi đi về về giữa hai nước. Mỗi lần về, cô mang theo bộ dưỡng da, cây son, hộp phấn, nước hoa, toàn những thứ mà phụ nữ phải xuýt xoa.

Nhưng cô mê nhất là vải Nhật, từng sợi vải dệt nên những câu chuyện hấp dẫn qua các họa tiết: cánh hạc, hoa trà, con thuyền… Và cô quyết định “sống” với vải Nhật, dù không phải cứ bỏ tiền ra là nhập được vải Nhật. Người Nhật “chọn mặt gửi vàng” nên người mua phải có văn hóa giao tiếp, hiểu biết, tiềm năng và uy tín.

Phái đẹp rủ nhau đến cửa hàng của cô, mân mê từng tấm vải, muốn chọn hết thảy để may áo dài, áo đầm. Họ tròn mắt nghe cô kể chuyện nước Nhật, người Nhật. Họ khao khát được như cô, không phải là được làm chủ, mà được làm những gì mình thích.

Nu nha bao 
Lê Thu Hiền - Ảnh Maika Elan

Phóng viên: Bắt đầu từ “May”, tên của cửa hàng nhé. Vì sao chị đặt tên thương hiệu như vậy?

Lê Thu Hiền: Tôi chọn cái tên để người Việt và người nước ngoài đều có thể đọc được. Ngày xưa ở quê, thỉnh thoảng được mẹ dẫn đi may tấm áo mới là vui sướng cả tuần, nên đó là cái tên tôi nghĩ đến đầu tiên. Ngoài nghĩa may mặc, May còn có nghĩa đem lại may mắn và cũng rất tình cờ, cửa hàng của tôi khai trương vào tháng Năm (trong tiếng Anh, May nghĩa là “tháng Năm”).

* Cơ duyên nào khiến chị “phải lòng” nước Nhật?

- Từ khi học cấp I, tôi đã có sở thích sưu tầm tranh ảnh, bài báo, mọi thứ liên quan đến nước Nhật. Khi học đại học, tôi là một trong số rất ít sinh viên được bảo vệ luận văn thay vì phải thi tốt nghiệp, và thầy giáo của tôi, thầy Nhật Chiêu, là một người cực kỳ thú vị.

Thầy dựa vào tính cách của tôi mà gợi ý đề tài: tác phẩm văn học đương đại Nhà bếp của nhà văn Nhật Bản nổi tiếng - Yoshimoto Banana. Bài tốt nghiệp của tôi được 10 điểm nhưng phải đến 10 năm sau, năm 2013, tôi mới có duyên đặt chân lên nước Nhật. Tôi cũng không thể ngờ rằng trong ba năm từ lần đầu tiên đó đến nay, tôi đã có dịp đến Nhật 20 lần. Mọi thứ xảy ra hệt như một sự tình cờ có sắp đặt, như là hạt mầm đã gieo rồi đến ngày hái quả vậy.

* Hiền Lê từng làm báo, điều này ảnh hưởng thế nào đến công việc hiện nay của bạn?

- Trước đây tôi đã từng là phó ban kinh tế phụ trách mảng mua sắm - tiêu dùng, rồi giữ vai trò là thư ký tòa soạn của một tạp chí. Mười năm làm báo đã cho tôi nhiều kinh nghiệm, nhưng điều quan trọng nhất là tôi luôn nghĩ đến uy tín, niềm tin tạo dựng và chất lượng sản phẩm. Những yếu tố đó chi phối tôi rất nhiều trong công việc hiện nay.

Khi không có niềm tin vào sản phẩm đã lựa chọn, tôi không cho phép mình bán món hàng đó; còn khi đã tin dùng rồi thì tôi rất trung thành. Cụ thể, hiện nay tôi đang bán các sản phẩm chọn lọc từ Nhật Bản. Tôi cũng được mời làm tương tự với những sản phẩm có các xuất xứ khác nhưng tôi không chọn, không phải vì không làm được mà vì càng lúc tôi càng yêu tinh thần Nhật trong các sản phẩm của mình.

Và tôi mong muốn khách hàng của mình cũng thật hiểu, thật yêu những thước vải, những thiết kế của chúng tôi theo cách như vậy. Tôi nghĩ yêu một người mà yêu dài lâu vẫn tốt hơn “đứng núi này trông núi nọ”.

* Nghề báo là một nghề tự do, làm chủ doanh nghiệp cũng được tự do thể hiện ý tưởng của mình? Hai kiểu tự do này giống và khác nhau thế nào? Vì sao chị từ bỏ một dạng tự do này để tìm đến một kiểu tự do khác?

- Là nhà báo, tôi được tự do trong phạm vi tìm hiểu đề tài, luôn là những đề tài mới mẻ và được thỏa thích thể hiện qua câu chữ. Làm chủ, tôi được tự do trong các quyết định của mình, chúng thể hiện qua những lần tìm tòi các sản phẩm mới hay trong các dự án mới. Cả hai giống nhau ở chỗ tính sáng tạo phải có mỗi ngày, nhưng khác nhau ở trách nhiệm.

Là chủ, tôi phải chịu trách nhiệm trực tiếp, không chỉ với riêng mình mà còn với nhân viên, đối tác, khách hàng. Thật ra, tôi không thích khái niệm tự do bằng trải nghiệm. Với tôi, mỗi công việc trong một giai đoạn đều có giá trị, dù thành công hay chưa thành công thì cũng không có trường lớp nào có thể dạy tôi bằng việc chính mình trải nghiệm.

* Làm chủ doanh nghiệp với nhiều bài toán khó: nhập hàng, ra hàng, nhân sự, quảng cáo… Chị có thấy mình luôn đủ hào hứng, nhiệt tình và lãng mạn để làm việc?

- Nói “luôn luôn” là không đúng. Cũng có khi tôi cảm thấy mệt mỏi, nhưng chưa bao giờ hối tiếc về bất kỳ quyết định nào của mình. Để nuôi dưỡng sự nhiệt tình và lãng mạn, tôi chọn cách di chuyển. Dù đang rất mệt nhưng cứ nghĩ đến việc ngủ một đêm trên máy bay và sáng sớm hôm sau có mặt ở một thành phố khác là tôi hứng khởi trở lại. Và phải có thêm đam mê nữa, không đam mê thì không làm gì được.

* Ngành thời trang vốn đòi hỏi ý tưởng mới, làm sao để mỗi ngày chị luôn thể hiện những điều mới lạ trên sản phẩm?

- Tôi luôn cố gắng đi nhiều, đọc nhiều, quan sát nhiều để có nền tảng văn hóa tốt. Theo tôi đó là cái cơ bản, rồi mới ra ý tưởng.

* Cạnh tranh trong ngành thời trang có phải là thử thách lớn nhất của chị không? Nếu không, thì đâu là thử thách thật sự của chị?

- Tôi mới chính thức vào ngành này chưa lâu nhưng thời gian làm báo cũng đã cho tôi nhiều kinh nghiệm. Tôi nghĩ, cạnh tranh trong ngành mới chỉ đang ở bề nổi. Mà ngay từ đầu, tôi đã xác định không theo số đông, không chiều theo thị trường, nên đây không phải thử thách lớn nhất đối với tôi.

Nu nha bao 

 Thử thách thật sự đối với tôi là… chính tôi. Tôi phải vượt qua được rào cản là những ham muốn cá nhân. Tôi phải cân bằng được lợi nhuận và đam mê, phải làm sao để duy trì doanh nghiệp của mình... Nói luôn dễ hơn làm, mà tôi thì không quen nói.

* Chị là một người rất mê vải. Khách hàng của chị có phải cũng là những người mê vải?

- Trước khi đến với vải vóc, tôi cũng mê nhiều thứ. Hiện tại tôi mê vải nhất, còn sau này thì chưa biết. Khi đang mê cái gì thì cứ dốc lòng thôi. Tôi may mắn có được những vị khách cùng gu với mình; từ họ, tôi học được thêm nhiều điều. Khách hàng, theo quan sát của tôi, là những người yêu vẻ đẹp tinh tế, hiểu rõ chất lượng và giá trị sản phẩm của mình; họ còn quan tâm đến các yếu tố văn hóa xung quanh sản phẩm nữa. Ví dụ, khi cầm tấm vải lên, họ còn biết cả tên họa sĩ làm nên họa tiết vải.

* Bây giờ chị thích gọi mình là gì, doanh nhân, nhà may, nhà thiết kế thời trang, hay là gì khác?

- Nói thật, tôi chỉ thích gọi tên mình thôi. Người ta nhớ đến tên mình là đủ rồi, cái tên là từ những việc mình làm ra nên nếu ai đó gọi đúng tên mình là tôi vui rồi.

* Bỏ nghề báo để tạo ra sản phẩm từ vải làm đẹp cho mọi người có là quyết định thông minh nhất của chị?

- Tôi rất ngại dùng từ “nhất” vì bản thân là người hay dịch chuyển, cả theo nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Với tôi, mọi thứ đều là “đúng lúc, đúng việc, đúng người”, hoặc ngược lại, chứ không có “nhất”.

* Chị có dành thời gian cho bản thân và gia đình?

- Có chứ, nhiều nữa là khác. Khi có thời gian cho riêng mình, tôi thích mặc đồ đẹp và ăn món gì đó ngon ngon, rồi... yên lặng. Tôi yêu sự tĩnh lặng. Vợ chồng tôi ai cũng đang xây dựng sự nghiệp riêng, nên bất kỳ thời gian nào rảnh là chúng tôi dành cho nhau, không nhất thiết phải cố định. Chúng tôi hay cùng nhau đi du lịch.

* Điều gì có ý nghĩa với chị: kinh doanh tìm lợi nhuận hay sáng tạo ra vẻ đẹp cho cuộc đời?

- Tôi đến với việc kinh doanh để mong được sống một cuộc đời như ý mình muốn, làm được những điều mình thích, đến được những nơi mình muốn đến. Do đó, lợi nhuận không phải là điều tiên quyết, chỉ là điều kiện cơ bản thôi. Người kinh doanh giỏi bỏ ra một đồng, thu lợi ba đồng. Tôi bỏ ra một đồng, thu lợi một chuyến đi, đã thấy hài lòng. Làm sao để sống vui, là điều ý nghĩa nhất với tôi.

Trong kinh doanh, tôi không chăm bẵm vào mục đích “phải bán được hàng”. Tôi luôn đưa vào các sản phẩm của mình những câu chuyện hay những hoạt động để khách hàng được vui vẻ và trải nghiệm sản phẩm đó ở nhiều góc độ.

Ví dụ, tôi bán vải nhưng tạo ra các chương trình thường xuyên như “ăn ngon mặc đẹp” (giới thiệu những điểm bán thực phẩm ngon, lạ), tổ chức workshop “vải vóc và mùi hương” (hướng dẫn cách ướp hương cho vải), thỉnh thoảng tôi tự đưa khách hàng đi Nhật để họ trải nghiệm những điểm đến mà tôi yêu thích. Tôi cố gắng để khách hàng ở Việt Nam được sử dụng những mẫu vải mới nhất gần như cùng lúc với thị trường vải Nhật.

Và sắp tới, ngoài TP.HCM, tôi sẽ tiếp tục tổ chức những buổi trải nghiệm vải Nhật tương tự ở Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng... Sau này, nếu có dịp chia sẻ “thất bại của tôi, thành công của bạn”, tôi sẽ kể chuyện “tôi đã làm ăn với người Nhật như thế đấy”. Nhưng đó là chuyện về sau, giờ tôi mới bắt đầu, còn chưa biết mùi thất bại đậm nhạt tới đâu.

Trường Sơn (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI