NSƯT Thanh Sang: Vì một vai diễn mà chấp nhận chấn thương mắt

24/04/2017 - 06:50

PNO - NSƯT Thanh Sang quyết định luyện cho mình một đôi mắt mù như thật bằng cách nhìn thẳng mặt trời lúc nắng trưa mà không nháy mắt, vì một vai diễn.

NSƯT Thanh Sang tên thật là Nguyễn Văn Thu, sinh ra trong gia đình có bốn chị em, làm nghề chài lưới ở Bà Rịa - Vũng Tàu. Mồ côi cha năm lên bảy, nhà nghèo, cậu bé Thu phải vào đời sớm bằng nghề phụ việc khoanh chạc, tát nước, gỡ cá cho chủ ghe. Năm 14 tuổi, thoát chết trong một trận bão, mẹ ông nhứt quyết không cho con trai đi biển nữa, nhưng nghèo quá, ông không còn sự lựa chọn nào khác. 

Những năm đó, ít ai nghĩ cậu bé Thu gầy còm đen nhẻm ở làng chài Phước Hải đã mến mộ giọng ca điệu nghệ của Út Trà Ôn, rồi tập tành hát theo tiếng đàn của Văn Vĩ trên sóng phát thanh sẽ trở thành một trong những ngôi sao cải lương sau này. 

Khán giả yêu sân khấu cải lương thế hệ 6x trở về trước luôn nhớ Thanh Sang qua những vai diễn Đông Nhật trong Tuyết phủ chiều đông, Tô Điền trong Tiếng hạc trong trăng, Tạ Tốn - Cô gái đồ long; thầy Không - Mưa rừng, lão bán cải - Trường tương tư, Đảnh - Tần nương thất, Lê Long Hồ - Tuyệt tình ca… 

NSUT Thanh Sang: Vi mot vai dien ma chap nhan chan thuong mat
Nghệ sĩ ưu tú Thanh Sang

Thế hệ khán giả 7x - 8x có lẽ cũng không thể quên một Thanh Sang - Trần Minh khố chuối chung thủy thật thà trong ; không thể quên một Thi Sách vừa oai hùng với nợ nước, vừa bi thương với tình nhà trong ... Ở ông, mỗi vai diễn nếu không mang tính cách đại hiệp, thì cũng phải có chút ngang tàng, khẳng khái, trượng nghĩa… 

Thanh Sang là vậy. Ông thẳng khi nói về người, thật khi nói về mình và đặc biệt luôn là người coi trọng chữ tín. Gọi cho ông xin cuộc hẹn. Đến hẹn, dù mệt, không thể ngồi lâu, ông vẫn không dời sang buổi khác. Ông cố gắng không phải vì cầu danh, bởi danh tiếng ông đâu cần thêm bất kỳ lời có cánh nào để được sang hơn, mà đó là vì một chữ tín mà ông nghiêm túc giữ gìn. 

Theo ông, chữ tín phải luôn được bồi đắp, củng cố qua từng vai diễn. Vì thế, dù chánh hay phụ, vai nào đã diễn qua cũng đều là những vai được ông nghiên cứu kỹ từng số phận, chắt chiu cho cách hóa thân, phục trang… Và vai nào cũng là những vai đáng nhớ, đáng trân trọng. Đặc biệt, Kim mao sư vương - Tạ Tốn trong Cô gái đồ long trên sân khấu Dạ Lý Hương có lẽ là vai "dù chết cũng không quên".

NSUT Thanh Sang: Vi mot vai dien ma chap nhan chan thuong mat

Ông nói, Tạ Tốn là một vai diễn rất khó, đó là một nhân vật mù. Không có đôi mắt, người nghệ sĩ như bị mất đi một vũ khí diễn xuất lợi hại nhất trên sân khấu. Hơn nữa đây là một nhân vật có tuổi, người đã trải qua bao sóng gió của cuộc đời, nên nhân vật là người ngổn ngang tâm sự. Ở độ tuổi hai mươi, chưa một lần đọc qua nhân vật trong tiểu thuyết để hiểu khí chất của một con người võ công cao cường, khí phách lẫm liệt, lại chấp nhận cuộc sống cuối đời cô đơn, mù lòa trên Linh Xà đảo.

Không được thuận lợi như nghệ sĩ Tấn Tài trong vai Trương Vô Kỵ, Bạch Tuyết trong vai Triệu Minh quận chúa, Ngọc Giàu vai Hân Tố Tố… ông chỉ được nghe soạn giả giới thiệu tóm tắt về nhân vật, phần còn lại, bao gồm cách diễn, phục trang đều do ông tự tìm tòi. “Ngoài việc tự mình đi mua dây thừng bện bằng xơ dừa về tháo ra làm râu, làm tóc, đi mua thuốc nhuộm vàng, nhuộm đen… tôi còn quyết định luyện cho mình một đôi mắt mù như thật bằng cách nhìn thẳng mặt trời lúc nắng trưa mà không nháy mắt".

Đôi mắt luôn là một phần quan trọng tạo hiệu ứng khi diễn, nhưng mắt mù là đôi mắt chết nên rất vô hồn. Bù lại, dường như Tổ nghiệp đã cố tình sắp đặt giọng ca của kép trẻ dành cho vai Tạ Tốn - một giọng ca u buồn, đong đầy tâm sự, nhưng kèm theo một xung lực phi thường. 

Sau mấy trăm suất diễn, năm 1964, Tạ Tốn trên sân khấu đã thuyết phục ban tổ chức của giải Thanh Tâm và ông vinh dự được nhận huy chương vàng cho kép trẻ chưa hề qua trường lớp với nghệ danh Thanh Sang. Ông không hề biết, để có danh hiệu ấy, với vai để đời ấy, ông sẽ phải còn tiếp tục đánh đổi bằng chứng chảy nước mắt sống (do phải nhìn ánh mặt trời) cho đến bây giờ.  

NSUT Thanh Sang: Vi mot vai dien ma chap nhan chan thuong mat
 

Lần gặp ông tại nhà, sau khi ông tham gia chương trình Tài danh đất Việt, nhìn cách bước xuống cầu thang chậm chạp và đầy thận trọng của ông, không khó để biết sức khỏe của người nghệ sĩ cao niên đang không như ý. Chính ông cũng thú nhận rằng mình không đủ sức ngồi quá lâu, nói chi đến việc đứng diễn đầy áp lực.

Ông bảo: “Tôi tụt huyết áp ngay khi vừa xong cảnh đầu của vở tuồng . Trước diễn một tuần, tôi thực sự hối hận khi nhận vai Cang - anh hai của Tùng (do NSƯT Minh Vương thể hiện). Một vai chưa đóng lần nào mà lại nói quá nhiều, trong khi trí nhớ của mình đang suy giảm rõ rệt. Càng cố nhớ lại càng quên, mỗi lần quên lại lo, mỗi lần lo là tụt huyết áp. Nhưng giờ rút lui không kịp nữa rồi, chỉ mong tổ nghiệp còn thương”. 

Những khoảng lặng giữa khách và chủ thỉnh thoảng lại rớt xuống mặt bàn. Và thỉnh thoảng, ông mỉm cười một cách khó khăn nhưng cũng đầy mãn nguyện, chậm rãi đưa tay đẩy tách trà lệch thêm về phía khách, rồi nhìn xa xăm như đang lấy sức thu hết kỷ niệm về. 

Về nghệ danh Thanh Sang, ông kể: “Năm 1957, khi về đầu quân cho đoàn cải lương Thanh Hương - Hùng Minh, tôi lấy nghệ danh Thanh San (Núi Xanh) để tri ân soạn giả Thanh Sơn, người đã đưa tôi, một tên quân sĩ nhiều năm liền chỉ có… dạ và bị đâm rồi được khiêng ra ngoài sân khấu ăn hủ tíu chờ mãn tuồng để vô phụ việc thu dọn phông màn… chính thức thành chàng kép trẻ. Nhưng trên tấm bảng quảng cáo trước rạp, họa sĩ phụ trách đã biến San thành Sang. Rồi mọi người lại bảo đó là ý trời. Thanh San rớt vào cửa tử (theo vòng tuần hoàn: sinh - lão - bệnh - tử), còn Thanh Sang lại ứng vào chữ Sinh nên tôi quyết định giữ luôn cho mình nghệ danh như bây giờ”. 

“Núi xanh” nay đã về trời … 

    Nguyễn Thiện       

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI