NSƯT Hương Xuân: Có một thời để nhớ

20/11/2014 - 00:45

PNO - PN - Có chút gì như se sắt trong tôi khi gặp lại chị. Cũng gương mặt này, cũng hình hài này, mới ngày nào là Hà - cô du kích tràn đầy nhựa sống trong Hoa cát (đạo diễn Lê Văn Duy), là Duyên - người vợ trẻ bản lĩnh kiên cường trong...

edf40wrjww2tblPage:Content

Giờ, mái tóc đã điểm nhiều sợi bạc, đôi mắt vốn buồn càng buồn hơn, cộng với dáng đi liêu xiêu… trông chị có phần “xuống” nhanh trước tuổi. Ừ, mà đã trên 30 năm rồi còn gì! Nhưng có lẽ với Hương Xuân, sức lực tuổi xanh ngày nào bị bào mòn không hẳn bởi thời gian, mà bởi những nhọc nhằn cuộc sống, những tráo trở lòng người. Chị rời phim trường, về quê ở ẩn mười mấy năm nay cốt để tìm sự bình an, nhưng nào có được, số phận cứ buộc chị phải luôn trân mình để chống chọi với những cơn sóng dữ của cuộc đời mà trước mắt là những di chứng từ một tai nạn giao thông vào đầu năm nay.

NSUT Huong Xuan: Co mot thoi de nho

Trong nghệ thuật, Hương Xuân đúng là một loài “hoa đồng cỏ nội”, ngây thơ và trong sáng suốt cả sự nghiệp, từ lúc bước vào cho đến khi tự ý rời xa. Chị là con thứ ba trong gia đình nông dân có đến 10 người con ở xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn, TP.HCM. Chín tuổi, cô bé Hương Xuân theo người dì về ở xã Mỹ Hạnh (Long An) đi làm giao liên và tham gia văn công, vừa múa hát vừa giúp các mẹ gánh cơm tiếp tế cho bộ đội. Lớn lên một chút, Hương Xuân vào R học cải lương với nghệ sĩ Mười Đờn. Năm 1973, chị ra Bắc, biên chế vào đoàn cải lương Giải Phóng và năm 1975, về Nam, đoàn cải lương Giải Phóng sáp nhập với đoàn cải lương Nam bộ thành đoàn cải lương Trần Hữu Trang (tiền thân Nhà hát Nghệ thuật cải lương Trần Hữu Trang).

Sự nghiệp “văn công” của Hương Xuân cũng mau chóng kết thúc theo tuổi thiếu niên, bởi vừa bước vào tuổi 20 đẹp nhất của đời người, chị đã được điện ảnh “giành lấy” khi hai đạo diễn Lê Hoàng Hoa và Sáu Của đến đoàn cải lương Trần Hữu Trang tìm kiếm người đóng vai cô Ba Liên trong bộ phim truyện Kỷ niệm vùng ven, chỉ một năm sau ngày đất nước thống nhất, năm 1976. Bén duyên, chị chuyển hẳn biên chế sang Hãng phim Giải Phóng và trở thành một trong những gương mặt nữ “hot” nhất của điện ảnh cách mạng giai đoạn cuối thập niên 1970 - 1980, với trên mười bộ phim như Kỷ niệm vùng ven, Đứa con bị từ chối, Khung trời lỗi hẹn, Hoa xương rồng, Hoa cát… Trong đó, đặc biệt phải kể đến phim Về nơi gió cát với vai Duyên, được xem là vai thành công rực rỡ nhất trong sự nghiệp điện ảnh của Hương Xuân.

Duyên là một thiếu phụ vùng biển, có chồng đi kháng chiến, bị lính cộng hòa đánh đập tra khảo, nhờ một sĩ quan ngụy ra tay cứu giúp, lấy làm vợ và có với nhau một đứa con. Những lúc người chồng cách mạng về làng hoạt động, chị phải giấu chồng trên gác mái nhà. Sống trong tình cảnh trớ trêu, người vợ trẻ đã phải chịu nhiều giằng xé, sống làm sao để làm tròn phận sự giữa tình và nghĩa, giữa chồng bên này và chồng bên kia mà đỉnh điểm là cuộc đụng độ trực diện giữa hai người chồng ở hai bên chiến tuyến.

Hương Xuân, với bề ngoài toát lên nét đẹp chân quê, gương mặt vốn nhiều vẻ u uẩn, cộng với lối diễn mộc mạc, tự nhiên như không, đã vào vai Duyên một cách ngọt ngào, chinh phục hoàn toàn người xem. Cùng với giải Bông sen vàng dành cho bộ phim Về nơi gió cát, vai Duyên của chị đoạt được giải diễn viên nữ xuất sắc nhất trong Liên hoan phim VN năm 1980. Giải thưởng này cũng giúp chị trở thành nữ diễn viên VN duy nhất được chọn đi tham dự Tuần lễ phim VN tại Algerie năm 1981.

Mấy mươi năm trôi qua, nhắc lại ngày ấy, đôi mắt rười rượi của Hương Xuân chợt bừng lên với “máu lửa” một thời. Nhớ những kỷ niệm thời đi văn công ở R, vì là đoàn “tổng hợp” nên cái gì cô bé Hương Xuân cũng làm được, từ hát, múa, đến ca tân, ca cổ. Mỗi lần bộ đội đánh thắng, sau đêm diễn là có ngả heo, ngả bò để liên hoan. Rồi đi đóng phim mới biết là cực hơn lúc hát cải lương.

Nhớ lần bị “chết hụt” khi đóng phim Hoa cát. Giữa trưa nắng, cô du kích Hà vai mang súng bị máy bay trực thăng đuổi chạy trên đồi cát mênh mông. Chạy đi chạy lại đến lần thứ ba thì cô xỉu vì quá đuối, phải đưa đi cấp cứu. Thời làm phim của Hương Xuân, tuy đất nước đã hòa bình, song những diễn viên như chị tiếp tục sống và làm việc vẫn với tinh thần của một người... kháng chiến. Chị kể, khi đó chẳng nghĩ gì tới chuyện tiền bạc. Phim Về nơi gió cát quay trong tám tháng, cát-sê chỉ đủ ăn sáng.

NSUT Huong Xuan: Co mot thoi de nho

Hương Xuân là người sống đơn giản, không tham vọng, tính tình nhỏ nhẹ, ít nói, miệng cười nhưng đôi mắt lúc nào cũng đượm buồn. Chị nói, tuổi mình cầm tinh con dê mà tình duyên lận đận. Thời trẻ, lo phấn đấu nghề nghiệp, chị không nghĩ tới chuyện tình yêu. Từ hồi kháng chiến, đã có người để ý, đến khi nổi tiếng trên màn ảnh, mỗi ngày, chị nhận không dưới 40 lá thư, mỗi lần đi về, khu nhà chị ở lúc nào khán giả cũng vây quanh, nhưng “ai thương thì thương” chị không đáp lại. Đến khi con tim bắt đầu rung động, chị lại gặp toàn trái ngang.

Có đạo diễn, chỉ chờ chị gật đầu là về đưa đơn ly hôn cho vợ nhưng chị không muốn mang tiếng “thất đức” nên đành ngó lơ. Có người, vì hoàn cảnh éo le không đến được với nhau, đã nhận chị làm em gái để âm thầm giúp đỡ. Nhưng chạy trốn hoài cũng không thoát, tránh vỏ dưa lại gặp vỏ dừa, chị đành ôm con làm người mẹ đơn thân và hiện đã lên chức bà ngoại được gần hai năm nay.

Chị tâm sự, ngày ấy, vừa vướng con nhỏ, vừa bị chủ nhiệm o ép vì không chịu “trao tình đổi vai”, chị nghỉ ngang khi chưa đến tuổi hưu nên chẳng được chế độ gì. Về quê, chị mướn nhà bán quán cà phê để nuôi con nhưng trầy trật, tiền lời không đủ trả tiền nhà nên bữa no bữa đói. May sao được cha mẹ chia cho ít công đất, nhờ đó hai mẹ con chị có chút vốn để đắp đổi qua ngày. Nhưng sự đời vốn không đơn giản, cũng vì chuyện anh em tranh giành đất đai, chị đã phải tháo chạy khỏi gia đình, thay đổi chỗ ở liên tục, không dám liên lạc với ai.

Giờ đây, được người quen thương tình giúp đỡ, chị đang sống tạm ổn trong một căn nhà nhỏ ở H.Hóc Môn, TP.HCM, nhưng cuộc sống phía trước thật mờ mịt, khi lương hưu không có, sức khỏe ngày càng kém, còn cuộc sống của cô con gái cũng rất chật vật. Khoảng một năm trước, Hương Xuân có tham gia vai bà mẹ anh hùng trong bộ phim truyền hình Làng tôi (đạo diễn Hồ Nhân) của Đài Truyền hình Bình Dương và đầu năm nay là phim Bong bóng thủy tinh. Nhưng bây giờ, di chứng của tai nạn giao thông đã không cho phép chị đi lại bình thường. Chị lắc đầu buồn, không biết rồi ngày mai sẽ ra sao.

CÁT VŨ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI