NSƯT Hải Phượng: 'Những người chơi nhạc sẽ giảm bớt được sự nóng tính, kèn cựa'

23/09/2017 - 18:53

PNO - Gắn bó từ thời thơ ấu đến nay đã ngót nghét 43 năm, tiếng đàn tranh trở nên thân thuộc như hơi thở với NSƯT Hải Phượng...

Sinh ra trong gia đình có truyền thống nhạc dân tộc, khi mới 5 tuổi, NSƯT Hải Phượng được mẹ là Nhà giáo Ưu tú – nghệ sĩ đàn tranh nổi tiếng Phạm Thúy Hoan truyền cảm hứng theo học đàn tranh. Vừa lên 7, chị đã tham gia khóa học đàn tranh đầu tiên tại Nhạc viện TP.HCM. Trong chuyên ngành sư phạm biểu diễn nhạc cụ dân tộc, nghệ sĩ Hải Phượng là một trong hai thạc sĩ đầu tiên của Nhạc viện lúc bấy giờ. Gắn bó từ thời thơ ấu đến nay đã ngót nghét 43 năm, tiếng đàn dân tộc trở nên thân thuộc như hơi thở với nữ nghệ sĩ.

NSUT Hai Phuong: 'Nhung nguoi choi nhac se giam bot duoc su nong tinh, ken cua'
NSƯT Hải Phượng được học đàn tranh từ nhỏ

Ngón đàn tài hoa của NSƯT Hải Phượng đã đưa cây đàn Việt Nam đi giới thiệu tại hơn 20 quốc gia trên thế giới. Và, “nghiệp đàn tranh” không chỉ đưa chị bước ra thế giới với thành công như nhiều người biết đến, mà nó còn thôi thúc chị quay về "gõ cửa" từng tâm hồn Việt với quyết tâm bảo tồn và phát triển âm nhạc dân tộc nước nhà. Từ trường học đến các chương trình giao lưu, phổ cập kiến thức văn hóa dân tộc cho các bạn trẻ, đâu cần thì dường như chị luôn có.

- Hiện nay chị cũng đang ủng hộ con mình học đàn tranh. Có phải chị thấy học đàn tranh là con đường tốt nhất cho sự phát triển của con chị?

Theo Hải Phượng thì học nhạc nói chung là sự phát triển tốt nhất cho mọi đứa trẻ. Khi bạn viết hoặc làm văn thì bạn chỉ sử dụng một bán cầu não thôi, nhưng khi học nhạc và hội họa thì cả hai bán cầu não đều được sử dụng. Cho nên, đa phần các em ở Nhạc viện mình thấy đều rất có năng khiếu ngoại ngữ, làm văn... À, mà cũng đã có nghiên cứu hẳn hoi về việc nghe nhạc kích thích sự phát triển của não bộ đó chứ!

Rất nhiều nước tiên tiến trên thế giới coi việc học một loại nhạc khí là bắt buộc với trẻ em. Gia đình tôi thì có truyền thống đàn tranh, bé Hải Minh con tôi được nghe đàn tranh từ bé nên trong tất cả các thể loại nhạc thì tiếng đàn tranh gần gũi với bé nhất, bé sẽ có nhiều thuận lợi hơn so với học những cây đàn khác. Từ đó tôi hướng con theo học cây đàn này. 

Thêm nữa, tôi là người Việt Nam nên tôi muốn con mình có tính cách dịu dàng của người Việt, có tâm hồn của người Việt. Sau này con lớn lên, khi có dịp mang tiếng đàn ra nước ngoài, con sẽ mang theo được tâm hồn Việt Nam để giới thiệu với bạn bè quốc tế.

Clip tiết mục của NSƯT Hải Phượng:

 

- Theo chị, giá trị lớn nhất của việc cho trẻ em học nhạc từ sớm là gì?

Âm nhạc mang đến rất nhiều giá trị khi bạn gần gũi với nó, chẳng hạn như giúp trẻ tự tin hơn, giao tiếp tốt hơn... Nhưng nếu chỉ chọn một điều để gọi là “giá trị lớn nhất” thì tôi nghĩ đó chính là Tình yêu. Các bạn nhỏ được học nhạc từ sớm sẽ có tâm hồn rộng mở với thiên nhiên, với cuộc sống… Từ đó, các bé sẽ mở rộng lòng mình, thấy dễ yêu người, yêu vật, yêu những âm thanh quanh mình.

Một điều thú vị mà tôi nhận thấy nữa, những người chơi nhạc thường sẽ giảm bớt được sự nóng tính, hay sự so đo, kèn cựa. Bạn biết tại sao không? Vì tâm hồn phải thoải mái, phóng khoáng thì bạn mới có thể chơi đàn hay! (Cười)

- Hình như cũng lâu rồi không thấy chị xuất hiện trong các chương trình truyền hình, điều gì khiến chị nhận lời tham gia chương trình âm nhạc cổ điển cho trẻ em Thần đồng âm nhạcWonderkids?

Tôi nhận lời tham gia chương trình này trong tập 8 chính là vì chủ đề của nó: Biến tấu cùng nhạc cụ dân tộc Việt Nam. Đây là một điều mà tôi cảm thấy rất vui. Chương trình không chỉ cho các em biết về nhạc nước ngoài - thuộc về sở trường của các em, mà còn cho các em làm quen với hòa tấu cùng nhạc khí dân tộc. Dẫu có thể lần đầu làm quen sẽ còn nhiều hạn chế, nhưng nhờ những kiến thức, kinh nghiệm thực tế hôm nay, các em sẽ xử lý bài được tốt hơn trong tương lai.

Clip NSƯT Hải Phượng thể hiện nhạc phẩm Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh:

 

- Vậy chị nghĩ sao về sự kết hợp giữa nhạc cổ điển và nhạc dân tộc Việt Nam?

Sự kết hợp giữa nhạc cổ điển và nhạc dân tộc không phải là mới, nhưng dành cho thiếu nhi thì có lẽ đây là lần đầu tiên ở Việt Nam. Ban đầu tôi cũng lo lắng không biết làm thế nào để các em có thể hòa nhập giữa Đông - Tây khi các em còn quá nhỏ như thế. Rất may, các em đã chứng tỏ được khả năng nhạy cảm của mình đối với các dòng nhạc Việt Nam và chương trình đã diễn ra suôn sẻ, thành công.

Các em còn nhỏ, học nhạc Tây, lần đầu tiếp xúc với nhạc dân tộc thì cũng có đôi chút khó khăn. Tuy nhiên, các em có lợi thế là còn trẻ, đầu óc như tờ giấy trắng vậy, nên tiếp thu rất nhanh bất cứ điều gì mình nói. Các em có thể học và làm một cách tự nhiên, nhẹ nhàng, không cần phải cố gắng. Hơn nữa, đầu óc các em rất cởi mở, thoải mái, trong sáng, nên bất cứ thể loại nào cũng dễ dàng nhớ ngay, làm được ngay khi thầy cô đã dạy.

NSUT Hai Phuong: 'Nhung nguoi choi nhac se giam bot duoc su nong tinh, ken cua'
NSƯT Hải Phượng bên cạnh mẹ và con gái

- Là một nghệ sĩ gắn bó và tâm huyết với âm nhạc dân tộc Việt Nam, chị có buồn không khi có một thí sinh nhí nói rằng trước đêm thi này, bé chưa từng biết về dân ca và nhạc dân tộc mình?

Đây là một câu hỏi rất thực tế! Điều này đã không còn xa lạ với tôi và các anh chị em nghệ sĩ nhạc dân tộc khác. Khi giảng dạy ở Nhạc viện cũng như tham gia vào các chương trình “đem dân ca, nhạc dân tộc vào học đường” của thành phố mình trong khoảng 2 năm trở lại đây, chúng tôi đã gặp rất nhiều trường hợp mà hỏi ra, các em hoàn toàn không biết gì về nhạc dân tộc. 

Người ta đánh đồng khái niệm dân ca với nhạc mang âm hưởng dân ca rồi nhạc trữ tình quê hương v.v… Đây là điều mà chúng tôi đã được tiếp nhận và đã buồn rất nhiều rồi chứ không phải là đến hôm nay.

Tôi nghĩ, lẽ ra trong chương trình học phải có những giờ học nhạc để các em biết được nhạc Việt Nam như thế nào, chứ không chỉ đợi trường nào có tâm huyết thì mới tổ chức các chương trình mời nhạc sĩ, nghệ sĩ ở các đoàn như đoàn Bông Sen, Hội Âm nhạc, Nhạc viện Thành phố, Trung tâm văn hóa Thành phố… đến giao lưu cùng học sinh.

NSUT Hai Phuong: 'Nhung nguoi choi nhac se giam bot duoc su nong tinh, ken cua'
NSƯT Hải Phượng khuyến khích con học đàn tranh

- Chị có lời khuyên nào cho các bậc phụ huynh trong việc định hướng cho con mình học nhạc?

Lời khuyên chung nhất dành cho các bậc phụ huynh có lẽ là tùy theo điều kiện của gia đình, tùy theo khuynh hướng của mỗi trẻ, bố mẹ hãy chọn một loại nhạc cụ bất kỳ để cho con cái theo học. Tốt hơn hết là chọn môn nào bé cảm thấy yêu thích và có nhiều hứng thú nhất.

Điều quan trọng nhất, nếu đã nhìn thấy năng khiếu của con mình, hoặc được thầy cô nói được năng khiếu của con ở bộ môn đó, thì bố mẹ cần đủ kiên trì trong việc dẫn dụ bé theo học đến nơi đến chốn. Bởi vì các em là trẻ con mà, sẽ không bao giờ thích lâu một môn nào hết. Thời gian đầu học nhạc sẽ rất vất vả, như học guitar thì sẽ đau tay, chai tay, phồng tay, gãy móng… Bố mẹ cần vừa khuyến khích vừa rèn các con vào ‘khuôn’, khi đã vượt qua khúc ban đầu khó khăn đó thì các con sẽ thích ngay thôi. Mà khi thích rồi, dù mình muốn con nghỉ thì con vẫn cứ sẽ theo.

Với các bố mẹ muốn cho con du học nước ngoài, thì nên hơn hết là cho con học thêm một nhạc khí dân tộc, nó sẽ làm bạn nổi bật và khác biệt ở trường học sau này. Mẹ con Hải Phượng đang dạy khá nhiều du học sinh quay về Việt Nam để học nhạc khí dân tộc. Người khác sẽ luôn ngưỡng mộ và nể phục khi thấy bạn biểu diễn với cây đàn của bạn ở xứ người.

NSUT Hai Phuong: 'Nhung nguoi choi nhac se giam bot duoc su nong tinh, ken cua'
NSƯT Hải Phượng hỗ trợ thí sinh trong phần trình diễn ở Thần đồng Âm nhạc

- Theo đuổi âm nhạc dân tộc, vậy bản thân chị có thích và thường nghe nhạc cổ điển không?

Trong trường, mình bắt buộc phải nghe nhạc cổ điển đấy! (Cười). Học ở Nhạc viện thì cho dù bạn học piano hay guitar, đàn tranh hay đàn bầu, bạn cũng sẽ được học lịch sử âm nhạc phương tây, lịch sử âm nhạc phương đông, học hòa âm của các trường phái âm nhạc, nên nhạc cổ điển là bắt buộc phải học, phải nghe. Mình thấy đây là một việc rất bổ ích, vì không chỉ biết mình, mà còn phải biết người chứ. Rồi khi quay lại mình, mình đàn mới thêm hay, mình có nền văn hóa rộng, nền tảng vững chắc về âm nhạc để có thể diễn tả được nhiều trường phái, nhiều thể loại khác nhau.

- Cám ơn NSƯT Hải Phượng!

Trang Uyên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI