NSND Lệ Thủy và Nghĩa mẹ, tình quê

06/02/2015 - 06:30

PNO - PN - Lúc 20g ngày 15/2 khán giả yêu mến NSND Lệ Thủy sẽ được gặp lại chị trong tập phim Nghĩa mẹ tình quê - số đầu tiên của chương trình Ký ức phù sa.

edf40wrjww2tblPage:Content

Không chỉ được nghe lại giọng ca ngọt ngào, mang dấu ấn rất riêng của NSND Lệ Thủy từ khi chị là cô đào mới 14 tuổi, khán giả còn được nghe chị chia sẻ những kỷ niệm vui buồn của cuộc đời, từ khi còn là cô bé có giọng ca rất hay nhưng phải sớm bươn chải phụ cha mẹ kiếm tiền nuôi em, đến lúc được nhận vào đoàn hát và trở thành một nghệ sĩ nổi tiếng.

Nhưng dẫu đi đâu, ở đâu, ký ức của những năm tháng tuổi thơ sông nước miền Tây cũng không bao giờ phai mờ trong tâm trí NSND Lệ Thủy.

NSND Le Thuy va Nghia me, tinh que
NSND Lệ Thủy

Ký ức phù sa là chương trình ký sự chân dung như một lát cắt về một phần cuộc đời của những nhân vật nổi tiếng vốn xuất thân từ vùng đất Chín Rồng. Đây là một trong những chương trình mới nhất do Đài truyền hình (ĐTH) Đồng Tháp và Công ty An Viên phối hợp thực hiện.

Những nhân vật của Ký ức phù sa đa phần đều là những người của công chúng: nghệ sĩ, nghệ nhân, nhà khoa học, doanh nhân… là những người sinh ra và lớn lên từ miền đất phù sa Nam bộ, hoặc gắn bó máu thịt với mảnh đất này để nơi đây là một phần đời không thể thiếu mỗi khi họ nhắc về những ký ức của quê nhà.

Miền Tây với NSND Lệ Thủy, là hình bóng của mẹ từ thuở niên thiếu nơi quê nhà Bình Minh (Vĩnh Long), là chuyến đò nghĩa tình với mong muốn có thể góp phần mang lại niềm vui cho những người dân có hoàn cảnh khó khăn trên chính quê hương mình.

Miền Tây của “sầu nữ” Út Bạch Lan là hình ảnh tạc dạ ghi tâm về hai người thầy: NSND Nguyễn Thành Châu (Năm Châu) của vùng đất Tiền Giang và NSND Viễn Châu (Bảy Bá) của vùng đất Trà Vinh.

NSND Le Thuy va Nghia me, tinh que
NSƯT Út Bạch Lan 

Miền Tây trong miền nhớ của  nghệ sĩ Mạc Can lại là những cuộc rong ruổi tìm kiếm cổ tích cho chính mình. Cổ tích từ chòi chăn vịt lơ thơ giữa đồng. Cổ tích từ những học trò tiểu học vùng quê háo hức xem trò ảo thuật…

NSND Le Thuy va Nghia me, tinh que
Nghệ sĩ Mạc Can

Với nghệ sĩ Trung Dân, ký ức phù sa của anh gắn liền với những buổi giăng lưới trên sông hay món cá linh với bông điên điển vào mùa nước nổi…

NSND Le Thuy va Nghia me, tinh que
Diễn viên Trung Dân (giữa)

Rất khác với các nghệ sĩ, doanh nhân Phạm Thị Huân (Ba Huân), mảnh đất miền Tây là nơi cho bà những giỏ trứng tạo nên sản nghiệp. Và để cám ơn nơi ấy, bà không quên dành một phần thời gian, tâm sức và cả những giá trị vật chất để chăm lo cho người nghèo.

Miền Tây, đối với nghệ nhân Ba Đức, là niềm tự hào với những container tủ thờ của làng nghề Gò Công được xuất dương sang nước ngoài. Thú vị hơn bởi ở nghệ nhân nổi tiếng này còn là tấm gương về ý chí, nghị lực của một người từ đi ở mướn, vươn lên tự giải phóng mình và thoát nghèo rồi làm giàu.

Ông Trần Khanh - Trưởng Phòng Khoa giáo - Giải trí, Đài truyền hình Đồng Tháp cho biết: “Dự kiến ban đầu chúng tôi chỉ làm 52 tập phim về 52 nhân vật khác nhau để lần lượt phát sóng trong năm 2015. Nhưng trong lúc thực hiện, chúng tôi đã phát hiện thêm rất nhiều nhân vật khác. Do vậy số tập phim có thể sẽ không dừng ở mốc 52”.

Tiếp sau tập Nghĩa mẹ, tình quê về NSND Lệ Thủy sẽ là Trò ảo thuật, chòi chăn vịt & tôi (câu chuyện của nhà văn - nghệ sĩ Mạc Can), Chữ Tâm trong đời Sầu nữ (Út Bạch Lan), Thương lắm điên điển ơi (Trung Dân), Người góp nhặt tiếng cười nhân gian (Xuân Hương), Nữ hoàng trứng miền Tây (doanh nhân Ba Huân)…

Chương trình sẽ được phát sóng trên kênh THĐT 2 và các kênh của hệ thống AVG vào khung giờ vàng, Chủ nhật.

THẢO VÂN

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI