NSND Đoàn Dũng: Người đốt đền mỏng manh

19/09/2018 - 07:01

PNO - Hình ảnh nghệ sĩ nhân dân Đoàn Dũng trong tâm trí tôi là một người đàn ông chắc đậm với giọng nói sang sảng và nụ cười ấm áp mỗi khi gặp gỡ trong các cuộc hội hè của giới sân khấu và điện ảnh.

Ông là một trong số không nhiều những nghệ sĩ nhân dân được phong tặng nhờ các vai diễn đỉnh cao, cả trên sàn diễn lẫn ở phim trường. Còn nhớ, khi nghe tin ông được Nhà nước trao danh hiệu cao quý này, nhiều đồng nghiệp hỏi vui ông là nghệ sĩ nhân dân của sân khấu hay điện ảnh, bởi ai cũng giành ông về phía ngành mình. Ông cười tủm tỉm: “Tôi sống với cả hai “bà” mà “bà” nào cũng là giai nhân tuyệt sắc cả”.

NSND Doan Dung: Nguoi dot den mong manh
 

Thế hệ của tôi - những người sinh ra, lớn lên tại miền Nam, bước vào tuổi đôi mươi khi đất nước thống nhất, mới bắt đầu biết Đoàn Dũng qua những vở kịch nổi tiếng một thời của Nhà hát kịch Việt Nam như Chuông đồng hồ điện Kremlin, Khúc thứ ba bi tráng, Lịch sử và nhân chứng, Vụ án người đốt đền… Trong đó, Đoàn Dũng gây ấn tượng sâu sắc với tôi qua vai Erostrate trong Vụ án người đốt đền, dẫu trong vai này, nghệ sĩ nhân dân Trọng Khôi cũng hết sức tuyệt vời.

Hai người, hai phiên bản khác nhau: một Trọng Khôi với vóc dáng cao ráo, điển trai, mang thần thái của một kẻ nổi loạn sắc sảo; ngược lại, Đoàn Dũng với thân hình thấp đậm, mộc mạc, lại toát lên hồn vía của một người chiến đấu thiên về bản năng. Cả hai bổ sung cho nhau, tạo nên một Erostrate hoàn hảo cho sân khấu Nhà hát kịch Việt Nam thuở ấy.

NSND Đoàn Dũng đến với nghệ thuật thứ bảy khá sớm, từ năm 1963, khi hãy còn là một chàng diễn viên trẻ với hàng loạt phim như Rừng o Thắm, Biển lửa, Trừng phạt, Vĩ tuyến 17 ngày và đêm... Nhưng có lẽ vai Đề Thám trong phim Thủ lĩnh áo nâu, ông đóng ở độ tuổi tri thiên mệnh, với bề dày trải nghiệm, mới thực sự làm nên tên tuổi ông ở mảng điện ảnh.

Ông khắc họa hình tượng anh hùng Hoàng Hoa Thám thành công đến nỗi bà Hoàng Thị Thế - con gái của vị anh hùng dân tộc này - từ Pháp về xem, đã rất hài lòng, công nhận người trong phim là bản sao người cha thân yêu của mình. Tất nhiên, với vai Đề Thám, Đoàn Dũng đã hoàn toàn chinh phục công chúng điện ảnh cả nước, sánh vai cùng nghệ sĩ nhân dân Thế Anh, làm thành một cặp bài trùng lừng lững của hai ngành sân khấu và điện ảnh.

Khi vào TP.HCM định cư hồi đầu thập niên 1990, ông chuyển sang giảng dạy và quản lý (Hiệu trưởng Trường đại học Sân khấu - Điện ảnh) nên nghỉ diễn kịch và đóng phim. Chỉ đến khi cậu học trò yêu quý - diễn viên Lý Hùng - mời ông tham gia “cho vui” phim Tây Sơn hào kiệt của hãng phim Lý Huỳnh, ông mới trở lại phim trường trong vai Tôn Sĩ Nghị.

Vai diễn lên xuống ngựa, đánh đấm rất vất vả, lại phải cạo trụi nửa đầu tóc trông cho dị hợm, ông vẫn vui vẻ thực hiện mọi yêu cầu của đạo diễn và tự mình làm hết phần việc, không muốn để người đóng thế những pha cực nhọc. Ở bộ phim cuối cùng này, ông đã để lại một vai Tôn Sĩ Nghị khá ấn tượng và một nhân cách nghệ sĩ, một gương lao động nghệ thuật mẫu mực cho thế hệ sau.

Không ít người thắc mắc vì sao tên thật của ông là Nguyễn Anh Dũng nhưng lại lấy nghệ danh Đoàn Dũng. Có lần ông tâm sự, ngày còn học tiểu học, ông có thầm thích cô bạn học tên Đoàn Quế Hương. Chỉ là chút rung động đầu đời của một cậu bé tuổi lên 10, vậy mà hình ảnh cô bé tóc dài, áo trắng có vẻ đẹp hiền dịu đã theo ông gần như cả cuộc đời. Ông ghép họ nàng vào tên mình làm nghệ danh, nhưng số phận chẳng một lần cho ông gặp lại người xưa.

Con người dạt dào tình cảm ấy mới chính là Đoàn Dũng. Chẳng vậy mà nhiều đồng nghiệp đều nói ông bề ngoài thô ráp nhưng chứa đựng một trái tim mong manh. Ông không thể kiềm chế cảm xúc mỗi khi nghe tin người thân, bạn bè gặp chuyện bất trắc, tai ương. Những lúc như vậy, ông thường khóc òa như trẻ nít.

NSND Trà Giang, người từng đóng chung với ông nhiều phim, bùi ngùi nhớ lại những thùng nước tình nghĩa của Đoàn Dũng dành cho các đồng nghiệp nữ mỗi khi đoàn phim đi quay xa. Ngày ấy, đoàn phim đi quay xa không có khách sạn, phải ở nhà dân hoặc trú nhờ các trường học, việc tắm giặt đều phải tự làm. Thương các diễn viên nữ chân yếu tay mềm, Đoàn Dũng thường hay xách nước cho các bạn nữ tắm giặt mỗi chiều.

NSND Doan Dung: Nguoi dot den mong manh

Tôi biết Đoàn Dũng từ những ngày đầu đất nước thống nhất, qua những vai diễn của ông. Nghề nghiệp cho tôi được tiếp cận với ông nhiều hơn, nhất là sau khi ông vào ở hẳn TP.HCM, cùng sinh hoạt ở Hội Điện ảnh và Sân khấu. Tôi không phải bạn nhậu hay bạn cà phê của ông, chỉ là biết và trân quý nhau qua công việc, song ông vẫn thường xem các nhà báo nữ chúng tôi như những người em gái.

Khác với vẻ dữ dằn bề ngoài, ông sẵn sàng đưa tay nâng đỡ, chia sẻ với mọi người, nhất là cánh “em gái” làm báo như chúng tôi. Cần hỏi gì về công việc, kiến thức chuyên môn, ông đều sẵn sàng và rất nhiệt tình.

Mỗi lần đại hội sân khấu hoặc điện ảnh tổ chức vào cuối năm ở Hà Nội, ông đều ân cần dặn tôi phải đem đồ ấm, kẻo người miền Nam không quen, dễ bị ốm. Khi ra Bắc, thấy tôi phong phanh không choàng khăn quàng cổ, ông hay bảo: “Em đừng đùa với mùa đông đất Bắc nhé. Để ốm thì nguy đấy”, rồi vội tháo chiếc “foula” đang quàng trên cổ cho tôi mượn.

Khi ông làm hiệu trưởng Trường đại học Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM, biết lớp đại học lý luận phê bình của chúng tôi ngày trước gặp trục trặc về thủ tục, không cấp bằng được, ông sẵn sàng làm giấy chứng nhận cho chúng tôi. Dù chẳng dùng để làm gì, tôi biết ơn ông vì những nghĩa cử đầy tình người ấy.

Giờ ông đã ra đi. Dù không quá bất ngờ, vì biết ông đã phải chịu đựng nhiều đau đớn do căn bệnh khó chữa, tôi và những người “em gái” viết báo mảng sân khấu - điện ảnh vẫn không thể tin được “ông anh” yêu quý của mình lại ra đi nhanh chóng như vậy. Mới đây thôi, tháng 4/2018, anh vẫn còn ngồi ghế giám khảo Liên hoan sân khấu kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc đây mà. Vậy là chúng tôi đã mất đi một người anh tận tình, một nghệ sĩ đáng quý. Anh đã nhả hết tơ cho đời, đã hoàn thành xuất sắc sứ mạng của mình. Mong anh an nghỉ.

NSND Đoàn Dũng có ngoại hình trông rất dữ tướng và giọng nói âm lượng lớn đặc biệt, nghe vang như sấm. Ông kể, ngày còn diễn ở sân khấu, ông không cần micro, còn khi có máy tăng âm, ông phải tự hạ giọng. Ở vào tuổi gần 80, chất giọng vàng trời cho này của ông vẫn không hề suy suyển. Biết vậy, mỗi lần có những cuộc họp ngành, có những điều bức xúc cần phản ánh với các cơ quan chức năng, đồng nghiệp thường gửi gắm, nhờ ông phát ngôn hộ.

Mỗi lần như vậy, ông đều tỏ ra hưng phấn. Chẳng cần chờ micro, từ cuối hội trường, giọng ông vang vang; không cần giấy tờ, ý kiến của ông vẫn một là, hai là... rất rành mạch, khúc chiết, nhấn nhá đúng lúc, đúng chữ, đúng câu và kết thúc, bao giờ cũng nhận được những tràng pháo tay cổ vũ mạnh mẽ. Trong giao tiếp đời thường, nghệ sĩ Đoàn Dũng cũng rất trực tính, không ngại va chạm và nhờ sự chân tình cùng trái tim nhân ái, ông được mọi người thấu hiểu và yêu quý.

Năm 2012, kỷ niệm 40 năm giải phóng Quảng Trị, cũng là 40 năm ra đời phim Vĩ tuyến 17 ngày và đêm, NSND Trà Giang và Đoàn Dũng được tỉnh Quảng Trị mời tham dự đại lễ. Đứng trước hàng ngàn người trong buổi giao lưu, nhắc đến những nguyên mẫu của phim giờ đang an giấc ở nghĩa trang liệt sĩ, nghệ sĩ Đoàn Dũng nói được vài lời đã òa khóc, khiến cả hội trường xúc động.

Vai chiến sĩ Vệ của Đoàn Dũng trong Vĩ tuyến 17 ngày và đêm là vai diễn được nhiều người yêu mến. Sau 40 năm, một “Vệ” thật bằng xương bằng thịt lại một lần nữa làm trái tim người dự khán tan chảy vì sự nồng ấm trong tình cảm của người thủ vai.

Cát Vũ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI