NSND Đặng Thái Sơn và áp lực của nhạc cổ điển Việt Nam

29/08/2019 - 07:37

PNO - Đặng Thái Sơn cô đơn vì chờ những tài năng đến mà chưa thấy. Chiếc bóng mang tên ông vẫn treo lơ lửng, để lại một mệnh đề khó giải cho âm nhạc cổ điển Việt Nam.

“Khi mọi điều kiện đã tốt hơn thời của tôi rất nhiều, các trung tâm âm nhạc nhà nuớc lẫn tư nhân đã mở ra rất nhiều, các vị phụ huynh cũng sẵn sàng đầu tư hơn, khán giả của nhạc cổ điển ngày càng tăng lên, trẻ hóa, tại sao ta vẫn chưa có nhiều hạt giống thật sự xuất sắc?” - NSND Đặng Thái Sơn tâm tư.

Dấu ấn mang tên Đặng Thái Sơn

Dù đã nổi danh khắp thế giới, đây là lần đầu NSND Đặng Thái Sơn về nước biểu diễn tại Giai điệu mùa thu 2019, sau 12 năm liên hoan nghệ thuật này ra mắt. Đây cũng là lần đầu ông biểu diễn cùng dàn nhạc giao hưởng của thành phố sau 40 năm và dù chương trình có giá vé cao nhất, lại “cháy” vé trước nhất trong mùa liên hoan này.

NSND Dang Thai Son va ap luc cua nhac  co dien Viet Nam
NSND Đặng Thái Sơn: “Nếu không sớm thay đổi, Việt Nam sẽ tụt hậu so với các nước trong khu vực về lĩnh vực âm nhạc cổ điển”

Nếu có mặt trong đêm diễn bế mạc liên hoan Giai điệu mùa thu vừa qua, sẽ thấy, sẽ nghe những tràng pháo tay vẫn kéo rất dài, dù chương trình đã kết thúc. Không ai chịu về. Họ nán lại để nhìn thấy ông, trước khi ông trở về nơi mà người ta gọi ông là người “gốc Việt”. Đặng Thái Sơn hạnh phúc, bối rối, quay vào quay ra chào khán giả mấy lần, rồi chơi thêm hai khúc nhạc ngẫu hứng để cảm ơn.

Rõ ràng, công chúng Việt Nam, nhất là khán giả của âm nhạc cổ điển đã chờ đợi ông - một nghệ sĩ người Việt Nam, nổi tiếng trên thế giới, về nước, biểu diễn cho người Việt Nam xem - như thế nào. Kể từ khi trở thành nghệ sĩ dương cầm châu Á đầu tiên đoạt giải nhất cuộc thi piano quốc tế Frédéric Chopin lần thứ X (năm 1980) ở Ba Lan đến nay, do lịch trình biểu diễn và giảng dạy bận rộn liên tục, số lần ông có thể về nước biểu diễn đếm trên đầu ngón tay. Sự ngóng trông ấy, âu cũng là điều dễ hiểu. Được biết, để có màn trình diễn của NSND Đặng Thái Sơn tại Giai điệu mùa thu kỳ này, Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ Kịch TP.HCM đã phải gửi lời mời từ mấy năm trước.

Câu hỏi cho nhạc cổ điển Việt Nam

Sau Đặng Thái Sơn, một hấp lực khác có thể kể là trường hợp NSƯT Bùi Công Duy với giải nhất cuộc thi Tchaikovsky dành cho lứa tuổi trẻ tại Saint Petersburg vào năm 1997. Tuy nhiên, ngoài yếu tố con nhà nòi, được học âm nhạc từ bé, để có Đặng Thái Sơn và Bùi Công Duy, ta không thể không thừa nhận, họ đều là sản phẩm của giáo dục nghệ thuật nước ngoài. Trong hai người, chỉ một người chọn quay về biểu diễn và giảng dạy trong nước; người kia vẫn ở lại xứ người. Với điều kiện sống và làm việc hiện nay ở Việt Nam, một người tài quay về, đó đã là diễm phúc. Kể cả họ định cư nước ngoài, không quên nguồn cội, vẫn nhận lời về nước biểu diễn, đó cũng đã là may mắn.

NSND Dang Thai Son va ap luc cua nhac  co dien Viet Nam
NSND Đặng Thái Sơn kết thúc màn trình diễn trong tiếng vỗ tay không ngớt của khán giả tại Giai điệu mùa thu 2019

Nếu cần kể ra một tài năng “made in/by Vietnam” đúng nghĩa, có lẽ phải nhắc đến học trò của NSƯT Bùi Công Duy - cây vĩ cầm Trần Lê Quang Tiến, sinh năm 2002, học sinh hệ sơ cấp Khoa Dây, Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam. Tiến giành giải nhất cuộc thi violin quốc tế mang tên Mozart, diễn ra tại Thái Lan, năm 12 tuổi; ở tuổi 14, Tiến giành tiếp giải nhất cuộc thi violin quốc tế tại Kazakhstan. Phải mất gần 20 năm, sau Bùi Công Duy, Việt Nam mới có một tài năng trẻ giành giải nhất tại cuộc thi violin quốc tế theo tiêu chuẩn chuyên nghiệp của châu Âu. Đặc biệt, Tiến là tài năng trẻ được đào tạo hoàn toàn trong nước, trong thời gian ngắn kỷ lục (so với những em được học đàn bài bản, liền mạch từ năm 5-6 tuổi)… Còn lại, nhìn chung, ta vẫn thiếu những tài năng được đào tạo trong nước, có tầm ảnh hưởng ra bên ngoài.

“Từ khi nhạc cổ điển du nhập vào Việt Nam cho đến cách đây 30, 40 năm, Việt Nam mình vẫn chưa có được những tài năng cổ điển, nghệ thuật hàn lâm tiêu biểu và nổi bật trong khu vực. Tôi nhớ, khi trình diễn cùng dàn nhạc tại Thái Lan, cách đây 30 năm, tôi không ấn tượng gì về dàn nhạc của họ cả. Nhưng bây giờ, khi trở lại, tôi thật sự bất ngờ. Tương tự, Indonesia, Malaysia, Philipines, Singapore… đã có những đầu tư và định hướng để ngành nghệ thuật hàn lâm của họ phát triển nhanh, mạnh” - NSND Đặng Thái Sơn nói và cảnh báo, nếu không sớm thay đổi, Việt Nam sẽ tụt hậu so với các nước trong khu vực.

NSƯT Bùi Công Duy may mắn có cậu học trò tiếp bước ra bên ngoài. Còn NSND Đặng Thái Sơn vẫn đang ngóng đợi. Sự ngóng đợi đó, có lẽ, cũng là cảm trạng của âm nhạc cổ điển Việt Nam hiện nay.

Khán giả Việt Nam chờ đợi và hạnh phúc khi được nghe NSND Đặng Thái Sơn chơi đàn, nghĩa là họ đang “khát” được thưởng thức nghệ thuật đỉnh cao, từ những nghệ sĩ đẳng cấp. Nhưng ta thiếu những cái tên có khả năng “giải khát” cho công chúng. Nói như NSND Đặng Thái Sơn: “Cái gì cũng phải vững từ cốt nền. Nếu muốn văn hóa nghệ thuật phát triển, cần một chiến lược tổng thể, có tầm nhìn, nhất là giáo dục nghệ thuật trên ghế nhà trường cho các em”. Câu hỏi là: giáo dục nghệ thuật và đầu tư cho âm nhạc cổ điển ở nước ta trong những năm qua như thế nào? 

NSND Đặng Thái Sơn từng nói, ông đã chờ đợi những tài năng suốt từ những năm 1980 đến nay. Thật tiếc, ta chưa có thêm nhiều cái tên để kể ra. Trong lần trở về mới nhất này, trả lời báo chí, ông vẫn nói: “Bây giờ điều kiện quá thuận lợi, nhưng Việt Nam thiếu những hạt giống thực sự xuất sắc”. Ông nói, khi đi chấm thi ở các cuộc thi âm nhạc lớn trên thế giới, ông thấy Việt Nam không có người đoạt giải đã đành, nhưng đến đại diện tham dự cũng rất ít.

Đậu Dung

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI