NS Quang Thảo: Hơi ấm gia đình tôi là tình người

21/06/2014 - 03:58

PNO - PNCN - Dáng dấp cao ráo, thư sinh, cùng gương mặt điển trai luôn toát lên vẻ hiền hậu, Quang Thảo, một tác giả quen thuộc của các vở kịch thiếu nhi trong chương trình Ngày xửa ngày xưa của sân khấu IDECAF, gần đây được biết đến...

edf40wrjww2tblPage:Content

NS Quang Thao: Hoi am gia dinh toi la tinh nguoi

Từng là tác giả của nhiều bộ phim dành cho thiếu nhi và là cây viết chủ lực của chương trình Ngày xửa ngày xưa với gần chục vở mà vở mới nhất Cuộc chiến của ông kẹ và các bà mẹ đang “cháy” vé (từ ngày 27/5 đến 29/6), Quang Thảo nói đó là cách tạo dựng tuổi thơ cho mình, vì anh không phải “đánh mất” mà là “không có” tuổi thơ. Tuổi thơ không có chính là nỗi hờn tủi miên man khiến Quang Thảo luôn từ chối giới truyền thông khi đề cập đến chuyện gia đình. Quyết định lần đầu kể về gia đình, nhiều lúc giọng anh nghẹn lại và nước mắt chực trào: “Tôi kể ra câu chuyện đời mình không phải để kể tội một ai, cũng không cố khơi lại nỗi đau. Kể một lần để mọi người hiểu mình hơn và quan trọng là tôi muốn cảm ơn cuộc đời đã cho tôi tìm được niềm an ủi trong nỗi bất hạnh. Qua câu chuyện này, tôi muốn nói lên lòng biết ơn với những người đã giúp đỡ và chia sẻ với tôi một thứ mà đáng lẽ ra tôi đương nhiên được nhận bởi người thân của mình, đó là tình thương”.

Quang Thảo là con trai út trong gia đình có ba anh em trai. Cả hai người anh lớn đã lần lượt mất vì bệnh hiểm nghèo. Còn anh, khi mới tượng hình trong bào thai, cũng là lúc tình cảm của song thân bắt đầu rạn nứt. Ba có người phụ nữ khác, mẹ không chịu được cú sốc lớn, hận ba nên đem đứa con út còn đỏ hỏn về giao hẳn cho nhà nội ở quê. Khi nhận biết được sự vật chung quanh, cũng là lúc Quang Thảo cảm thấy mình chẳng khác gì đứa trẻ mồ côi, muốn có miếng cơm ăn, tấm áo mặc, phải ra sức làm việc. Mới bảy, tám tuổi đầu, một buổi đi học, một buổi ra đồng như người lớn. Chăn bò, cắt cỏ, cấy lúa, trồng bắp… Tối mịt về nhà, cơm nước xong gần nửa khuya mới chong ngọn đèn dầu lo bài vở. Anh nói, tuổi thơ mình không hề có đèn lồng hay quà bánh, thay vào đó là bùn đất và đòn roi. Nhiều lúc nhìn bạn bè được hạnh phúc, tíu tít bên cha mẹ, cậu bé “mồ côi” tủi thân lủi vào một xó nào đó ngồi khóc. Vị đắng của sự coi khinh, ức hiếp dành cho đứa trẻ “lạc loài, ăn bám” như rưới đẫm cả tuổi thơ cậu để đến một ngày, khi vừa chớm lớn khôn, Quang Thảo đã có một quyết định táo bạo: ra đi.

NS Quang Thao: Hoi am gia dinh toi la tinh nguoi
Với Thanh Thủy trong Hãy khóc đi em

Đó là vào một đêm tối trời, không trăng, không sao. Miền quê ngày ấy chưa có điện, chàng trai trẻ lén bỏ nhà như bỏ lại sau lưng bóng tối của tuổi thơ mình, ôm bọc đồ men theo đường ruộng ra lộ huyện đón xe lên thành phố đi tìm tương lai. Tương lai ấy là gì? Rồi ở đâu, ăn đâu? Làm sao có tiền để sống? Tất cả đều chưa có câu trả lời, song chàng thanh niên vốn lớn lên từ làng vẫn cứ động viên mình rằng, vầng sáng phía trước, dẫu còn rất xa, sẽ ửng lên vào ngày mai.

Ngơ ngác đặt chân lên TP.HCM, sau vài ngày lang thang ngó phố phường, Quang Thảo may mắn được nhận vào làm ở một cửa hàng vật liệu xây dựng, ăn ở nhà chủ. Nhờ thật thà, chịu khó, năng động, anh được vợ chồng người chủ - là kiến trúc sư - tin cậy, coi như ruột thịt, tạo điều kiện cho anh theo học họa viên kiến trúc và cùng hợp tác thực hiện những bản vẽ để kiếm thêm thu nhập. Rồi cơ hội đến, anh ra riêng, có trong tay không chỉ một cửa hàng vật liệu xây dựng gặp thời đông khách. Nhưng vốn đam mê nghề ảnh, sau khi tốt nghiệp một khóa đào tạo ngắn hạn ở Hội Nhiếp ảnh, Quang Thảo đóng hết các cửa hàng vật liệu, mở tiệm chụp ảnh kiêm luôn việc làm tóc cô dâu. Cửa tiệm mở ra đắt như tôm tươi, tiền vào đếm không kịp, nhưng vì “ông chủ” chỉ làm một mình nên cảm thấy kiệt sức. Đúng lúc này, nghe tin hãng TVM tổ chức tuyển người để đào tạo lồng tiếng phim, anh đến dự thi và may mắn được là một trong số ít những học viên vừa có lương, vừa được hướng dẫn bởi những thầy cô giỏi nghề. Từ khi mở tiệm chụp hình, rồi đi học lồng tiếng, Quang Thảo đã bắt đầu “giao du” thân thiết với giới làm nghệ thuật, trong đó đặc biệt là nghệ sĩ Thanh Thủy. Chính chị là người tạo cảm hứng, động viên để Quang Thảo phát huy được khả năng viết kịch bản. Cả hai (tác giả và đạo diễn) đã cùng nhau dàn dựng các tiểu phẩm, “nuôi” mục Chuyện xóm chuyện làng trên sóng HTV trong suốt hai năm với 104 số, cũng như đã cùng hợp tác cho ra vở kịch đầu tay dành cho người lớn là Quan thích, thích làm quan trên sân khấu IDECAF. Và chính tình bạn thân thiết với nghệ sĩ Đình Toàn đã đưa Quang Thảo trở thành một tác giả kịch sáng giá cho thiếu nhi trong chương trình Ngày xửa ngày xưa…

NS Quang Thao: Hoi am gia dinh toi la tinh nguoi
Vở Chuyện bây giờ mới kể

Nhưng chưa dừng lại ở đó, một ngày kia, “nhà viết kịch” Quang Thảo nhận được cú điện thoại của đạo diễn Thành Hội với lời nhắn: đến sân khấu Hoàng Thái Thanh để giao cho một vai kịch. Chưa một lần lên sân khấu, lại được giao đóng vai một chàng trai quê lụy tình với nhiều trạng thái tâm lý thay đổi đột ngột, Quang Thảo thấy như đầu óc, tứ chi bị “đứng hình”. Nhưng rồi hiểu được tấm lòng của những người yêu thương mình, anh quyết tâm vượt qua sự ngại ngùng và đã thành công.

NS Quang Thao: Hoi am gia dinh toi la tinh nguoi
Vở Bàn tay của trời

Hơn 15 năm kể từ ngày “xa xứ”, nhìn lại, tuy không khỏi ngậm ngùi nhưng Quang Thảo cho rằng mình đã đúng khi quyết định ra đi ngày ấy. Cuộc sống không phải lúc nào cũng suôn sẻ, có lúc không có cơm ăn nhưng chính lòng tốt của con người đã giúp anh tồn tại. Anh nói, những may mắn anh nhận được trên con đường đi tìm tương lai trong hơn một thập niên qua như một sự đền bù cho những tháng ngày bất hạnh của tuổi thơ. Anh học cách sống từ những người tốt đã từng đùm bọc, giúp đỡ mình. Chính họ đã cho anh cái nhìn cuộc đời bằng yêu thương hơn là hận thù. “Hơi ấm gia đình của tôi chính là tình người”. Từ lâu nay, anh quy y, chọn cách sống lành bằng việc ăn chay trường, thường xuyên tham gia các chuyến đi làm từ thiện để có dịp gần gũi, chia sẻ với người nghèo khổ, bất hạnh.

NS Quang Thao: Hoi am gia dinh toi la tinh nguoi
Với Ái Như trong Tục lụy

Cuộc sống tự lập đã giúp Quang Thảo “chinh phục” nhiều kỹ năng nghề nghiệp, đem lại cho anh một cuộc sống vật chất tương đối thoải mái. Anh vẫn đang sống một mình và không có ý định lập gia đình. Nhớ về người thân, anh luôn tìm cách lý giải để cảm thông, không nuôi hờn giận. Anh đã tặng toàn bộ phần đất đai được thừa hưởng ở quê cho người cha cùng gia đình mới của ông. Hàng tháng, anh chu cấp cho mẹ và mỗi lần có dịp về thăm quê đều ân cần quà cáp cho họ hàng bên nội.

Từ tuổi thơ buồn của cuộc đời mình, Quang Thảo muốn làm nhiều việc để đem lại niềm vui cho các bé. Nhìn các bé vui cười bên cha mẹ trong khán phòng nhà hát khi xem các vở kịch Ngày xửa ngày xưa của mình, Quang Thảo cảm thấy mình hạnh phúc.

CÁT VŨ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI