Nối gần văn chương Việt - Hàn

24/11/2017 - 11:36

PNO - Ước tính đến nay, chỉ có gần 50 đầu sách văn học Hàn được chuyển ngữ và phát hành tại Việt Nam.

Trong khuôn khổ Lễ hội văn hóa thế giới TP.HCM - Gyeongju, hội thảo văn học Việt - Hàn vừa được tổ chức vào ngày 23/11. Đây cũng là lần đầu tiên văn chương Hàn Quốc được nhìn nhận một cách toàn diện từ xứ sở kim chi đến thị trường sách Việt Nam.

Noi gan van chuong Viet - Han

Một số tựa sách đáng chú ý của văn chương Hàn được chuyển ngữ và phát hành tại Việt Nam

Điện ảnh, thời trang Hàn Quốc đã tạo được những làn sóng lan tỏa mạnh mẽ khắp châu Á từ cả thập niên trước, nhưng văn chương thì ngược lại. Theo số liệu từ hội thảo Dịch thuật văn học Hàn Quốc tại Việt Nam tổ chức tại Trường Đại học Khoa học - Xã hội và Nhân văn TP.HCM mới đây, ước tính đến nay, chỉ có gần 50 đầu sách văn học Hàn được chuyển ngữ và phát hành tại Việt Nam.

Nội dung các tựa sách khá phong phú - từ tiểu thuyết lịch sử đến truyện ngắn, từ chuyện dân gian đến văn học thiếu nhi… Thế nhưng, phần lớn đều xuất hiện dưới hình thức “tuyển tập truyện ngắn”, “hợp tuyển”: Cá thu, Cá hồi, Dạo bước vườn văn Hàn Quốc, Văn học cổ điển Hàn Quốc - Tiến trình và bản sắc...

Nếu văn học Nhật Bản có nhiều tên tuổi đủ sức làm mê đắm độc giả Việt, thì văn chương Hàn lại chưa tạo được ấn tượng sâu đậm, kể cả với hai cuốn tiểu thuyết khai thác đề tài chiến tranh Việt Nam là Cái bóng của vũ khí (Hwang Suk Young) và Thời gian ăn tôm hùm (Bang Hyun Suk). 

Tác phẩm có sức lan tỏa nhất của Hàn gần đây là cuốn Hãy chăm sóc mẹ được nhà văn Shin Kyung Sook viết khá cảm động.

“Trong 10 năm qua, Nhà xuất bản Hội Nhà văn và Viện nghiên cứu văn hóa Hàn Quốc đã xuất bản hơn 20 tác phẩm văn học Hàn, chủ yếu là nhờ tài trợ của phía Hàn Quốc” - nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Giám đốc Nhà xuất bản Hội Nhà văn cho biết. 

Noi gan van chuong Viet - Han

Đầu tư dịch và phát hành sách tại nước ngoài cũng là một trong những cách Hàn Quốc tiếp thị văn chương của họ. Cách làm này đã tạo chuyển biến rõ rệt tại Việt Nam trong khoảng 5 năm trở lại đây - văn học Hàn Quốc xuất hiện trên thị trường sách Việt liên tục và đa dạng thể loại. 

Trong nỗ lực kết nối và quảng bá tác phẩm Hàn, các đơn vị làm sách cũng đã mời nhiều tác giả sang Việt Nam giao lưu như: nhà văn Hwang Sun-mi (Cô gà mái xổng chuồng, Chó xanh lông dài, Phiếu bé hư…), Jeong You Jeong (Bảy năm bóng tối), Kim Young Ha (Tôi có quyền hủy hoại bản thân, Điều gì xảy ra ai biết, Chơi Quiz Show…).

“Từ giữa thập niên 1990, văn học Hàn Quốc chia thành hai khuynh hướng: né tránh những hiện thực nóng, những vấn đề cấp bách; hoặc là tiếp nhận chúng. Sau giai đoạn toàn cầu hóa, các nhà văn Hàn cũng không tránh các vấn đề nghiêm trọng: bạo lực, phá hoại môi trường, lao động bất hợp pháp” - Nhà văn Gu Mo-ryong chia sẻ. 

Dù vậy, ông cũng thừa nhận văn học Hàn Quốc từng bị các nhà phê bình trong nước cảnh báo rằng “không đấu tranh với tư bản và thị trường, không tìm cách mở rộng mình, không còn là tiếng nói của quần chúng”. Đó có thể là một trong những lý do khiến văn chương xứ Hàn trong một thời gian dài không tạo được sức ảnh hưởng ngoài phạm vi đất nước. 

Noi gan van chuong Viet - Han

Theo đánh giá của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Hàn Quốc là nước chú trọng chuyển ngữ văn học Việt Nam nhiều nhất so với các nước khác trong khu vực. Ngoài tác phẩm Nếu anh còn được sống (Văn Lê), một số tác phẩm của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư, Nguyễn Nhật Ánh, Lê Minh Khuê, Hồ Anh Thái… cũng đã được chuyển ngữ và phát hành tại Hàn Quốc.

“Tháng 12 tới, Quỹ dịch thuật Hàn Quốc đã mời đại diện Nhà xuất bản Hội Nhà văn sang dự hội thảo về dịch văn học. Đây là cơ hội tốt để chúng tôi hợp tác dịch thuật và giới thiệu văn học của hai nước” - nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nói thêm. 

Song Giang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI