Những vở cải lương tiền tỷ

02/09/2016 - 16:02

PNO - Dù được dư luận đánh giá khá tốt khi ra mắt ở Hà Nội vào tháng 1/2016, nhưng Hừng đông của Nhà hát cải lương Việt Nam vẫn khiến không ít khán giả mê cải lương của miền Nam nghi ngại.

Nhung vo cai luong tien ty
Vở cải lương Hừng đông khơi gợi lại trang sử hào hùng và đầy cảm xúc cho khán giả

Dù được dư luận đánh giá khá tốt khi ra mắt ở Hà Nội vào tháng 1/2016, nhưng Hừng đông (tác giả Nguyễn Thế Kỷ, chuyển thể Hoàng Song Việt, ĐD NSƯT Triệu Trung Kiên) của Nhà hát cải lương Việt Nam vẫn khiến không ít khán giả mê cải lương của miền Nam nghi ngại. Đó là sự e dè về sức hấp dẫn của một vở cải lương đề tài đấu tranh cách mạng và cách đưa HUB - nhóm nhạc đường phố nổi tiếng ở Hà Nội, với những sáng tạo thuộc lĩnh vực âm nhạc đương đại lên sân khấu cải lương. Nhưng trong suất diễn tối 1/9 tại Nhà hát TP, Hừng đông đã cho thấy những góc nhìn rất mới trong một vở diễn đề tài cách mạng và cách làm nghề của nghệ sĩ cải lương miền Bắc.

Cảm xúc mới trong đề tài cũ

Xoay quanh nhân vật chính là nhà cách mạng Phan Đăng Lưu, Hừng đông khắc họa khá rõ nét bối cảnh xã hội Việt Nam từ những năm 1920 đến 1940. Trong đó, vở nhấn mạnh hoạt động cách mạng từ tự phát đến tự giác của những nhà cách mạng lúc bấy giờ như Phan Bội Châu, Trần Phú, Nguyễn Thị Minh Khai, Đào Duy Anh, Tạ Uyên, Hoàng Văn Thụ… Không hề khô khan, cứng nhắc, những trang sử của cách mạng Việt Nam được kể lại hào hùng và đầy cảm xúc trong từng cảnh diễn ở Hừng đông. Đó là tình yêu; là sự hy sinh của những chiến sĩ dành cho đồng đội, cho nhân dân; là sự đùm bọc, chở che cho các chiến sĩ của quần chúng nhân dân…

Vốn nổi tiếng là đạo diễn giàu sức sáng tạo và dám thử thách trong việc làm mới cải lương, để đưa cải lương đến gần với khán giả, một lần nữa, ĐD-NSƯT Triệu Trung Kiên đã thành công khi đưa HUB vào tác phẩm. Không lạm dụng quá nhiều yếu tố mới lạ, hiện đại để mong tạo sự khác biệt, thành công của ĐD là chắt lọc ưu thế này để góp phần “đẩy” cảm xúc của người xem.

Trong vai những người trẻ của ngày hôm nay được nghe kể lại một giai đoạn lịch sử của dân tộc, HUB mượn âm nhạc để nói thay cảm xúc của mình. Âm thanh day dứt của đàn guitar điện, tiếng harmonica mênh mang buồn ở lớp diễn người phu xe bị lính Tây đánh chết; cách hòa âm, phối khí mới cho ca khúc Bèo dạt mây trôi - món quà cuối cùng những người bạn tù tặng cho đồng đội trước lúc hy sinh… dù rất mới, rất lạ so với những gì vốn có của cải lương, nhưng đã góp công không nhỏ để nâng cảm xúc cho khán giả.

Bên cạnh đó, là tiếng trống dàn, guitar bass, trống djembe được hòa âm, phối khí đầy ngẫu hứng và hiện đại theo phong cách của riêng HUB, thay cho âm thanh thườ ng nghe của dàn nhạc tân hoặc cổ nhạc lúc chuyển cảnh… Tất cả mang lại cho người xem cảm nhận mới về cải lương và cách tiếp nhận những yếu tố hiện đại của một loại hình nghệ thuật truyền thống.

Thành công với cải lương xã hội hóa

Được đầu tư khoảng một tỷ đồng, Hừng đông không chỉ mang lại cho khán giả miền Nam cảm nhận khác biệt về cải lương của miền Bắc từ cách dàn dựng đến lối diễn xuất. Đó còn là sự thú vị khi được xem một vở diễn có mức đầu tư hoành tráng và công phu trong tình hình khó khăn chung của sân khấu cải lương. Nhưng với những khán giả từng xem các vở của Đoàn 1 - Nhà hát cải lương Việt Nam thì Hừng đông chưa phải là tác phẩm gây sửng sốt về quy mô dàn dựng.

Năm 2014, đơn vị này từng mang cả núi rừng Tây Bắc hùng vĩ và cũng đầy chất thơ vào vở cải lương tiền tỷ Chuyện tình Khau Vai tới TP.HCM. Năm 2015, ở Liên hoan Sân khấu cải lương chuyên nghiệp toà n quốc, nhà hát nà y lại khiến nhiều đồng nghiệp ganh tỵ với vở cải lương Mai Hắc Đế được đầu tư khoảng 2,5 tỷ đồng. Ngạc nhiên hơn khi cả hai vở chỉ nhận kinh phí một phần từ ngân sách, phần lớn còn lại được vận động từ nhiều nhà tài trợ. Cho đến nay, Nhà hát cải lương Việt Nam là đơn vị nghệ thuật công lập hiếm hoi trong cả nước thường xuyên dựng vở vượt ngân sách cho phép.

Từ năm 2013, với khát khao làm được điều mới lạ để kéo khán giả trở lại với cải lương, ĐDNSƯT Triệu Trung Kiên đã quyết định tìm thêm tài trợ để dựng vở thay vì chỉ trông chờ vào nguồn ngân sách. Dốc sức cho vở diễn kết hợp “Nhà nước và nhân dân cùng làm” đầu tiên - Chuyện tình Khau Vai, không chỉ chứng minh bằng chất lượng vở diễn, NSƯT Triệu Trung Kiên còn khẳng định khoản đầu tư của các nhà tài trợ mang rất nhiều ý nghĩa khác. Vở diễn được tiếp cận với số đông công chúng và có sức lan tỏa để khán giả cả nước hiểu và yêu hơn cải lương, đặc biệt là cải lương miền Bắc - những “đứa con ngoại đạo” của nghệ thuật cải lương.

Không dựng vở chỉ để diễn vài suất rối cất kho, tìm tài trợ dựng vở xong, sau khi vở diễn ra mắt khán giả, NSƯT Triệu Trung Kiên và những người có trách nhiệm của nhà hát lại tiếp tục chạy tìm tài trợ để tổ chức biểu diễn. Chuyện tình Khau Vai đã đi dọc từ Hà Giang đến tận Sóc Trăng. Vua Phật - vở diễn tái hiện cuộc đời của đức vua Trần Nhân Tông được thực hiện bằng 100% kinh phí xã hội hóa ra mắt cuối năm 2015, đến nay đã có khoảng 20 suất diễn ở Bắc Ninh, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Bắc Giang, Hà Nội…

Phó giám đốc Nhà hát cải lương Việt Nam, NSƯT Triệu Trung Kiên chia sẻ: “Mỗi tác phẩm ra đời phải đủ sức chinh phục khán giả chứ không phải chỉ dựng cho có, dựng cho đủ chỉ tiêu… Với mục tiêu đó, chúng tôi xác định phải luôn cố gắng bằng tổng lực, từ yếu tố sáng tạo đến kinh phí… để có thể làm được tác phẩm tốt nhất trong khả năng của mình”.

Tiếng lành đồn xa, với những gì đã làm được, trong khi nhiều đơn vị nghệ thuật công lập đang rất vất vả chạy tìm tài trợ để dựng vở, tổ chức biểu diễn… thì Nhà hát cải lương Việt Nam đã có “tài trợ đặt hàng”. Kinh phí đã sẵn sàng, chỉ còn chờ kết thúc kế hoạ ch của năm 2016, vở cải lương về công chúa Huyền Trân sẽ lên sàn vào năm 2017. Rõ ràng vận động tài trợ để dàn dựng những vở cải lương hoà nh tráng là rất khó, nhưng không phải không thể. Chỉ cần có đủ quyết tâm và tình yêu thực sự cho cải lương.

Thảo Vân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI