Những nỗi lo ở một cuộc thi

08/07/2015 - 21:25

PNO - PN - Một trong năm giải vàng dành cho vở diễn được trao cho Cõng mẹ đi chơi (TG, ĐD Bùi Quốc Bảo) là một trong những tín hiệu vui về sự đổi thay trong tư duy, cách đánh giá vở diễn trong các cuộc liên hoan, hội diễn ở Cuộc thi nghệ...

edf40wrjww2tblPage:Content

Những điểm sáng

"Đứng cạnh" bốn vở diễn đồng hạng: Đường đua trong bóng tối, Điệp khúc vi rút, Lâu đài cát, Công lý không gục ngã, Cõng mẹ đi chơi cho thấy không cứ phải là kịch chính luận với những đề tài “gai góc” mà những vở tâm lý xã hội nếu được đầu tư đến nơi đến chốn từ kịch bản đến dàn dựng, luyện tập... vẫn là một tác phẩm sân khấu “chất lượng vàng”.

Bên cạnh Cõng mẹ đi chơi, vở Vũ nữ cũng được trao Huy chương Bạc (HCB). Những chiếc HC giải toả nỗi lo của không ít những người làm nghề trẻ tuổi về “độ vênh” giữa vở dàn dựng để dự thi với những vở diễn nhắm tới mục đích doanh thu trước khi quyết định “lai kinh ứng thí”.

Không chỉ được trao HCB, Vũ nữ còn được chủ tịch Hội đồng Giám khảo (HĐGK) PGS. Nguyễn Tất Thắng nhận xét: “Đây là một trong những sáng tạo mới, biết cách kết hợp sáng tạo với nhảy múa đương đại và những loại hình nghệ thuật khác để xây dựng một tác phẩm hiện đại, cuốn hút khán giả”.

Với kết quả này, rõ ràng khoảng cách giữa quan điểm chấm giải của HĐGK và nhu cầu thưởng thức của khán giả (thường gây nhiều tranh cãi trong các mùa liên hoan, hội diễn trước đây) đã phần nào được hoá giải.

Nhung noi lo o mot cuoc thi

Cõng mẹ đi chơi “chiến thắng” thuyết phục với 6 HC (3 HCV, 3HCB)

Đáng mừng hơn, cuộc thi năm nay đã xuất hiện một số gương mặt mới trong thành phần sáng tạo: TG, ĐD Nguyễn Khắc Duy, Bùi Quốc Bảo, ĐD: Ngọc Trinh, TG Trần Kim Khôi... và một thế hệ DV mới đang nỗ lực để thay thế dần lớp nghệ sĩ đi trước: Diễm Phương, La Thành, Thái Kim Tùng, Diệu Linh, Chí Nhân…

Điểm sáng của Cuộc thi năm nay còn là sự mạnh dạn "trao quyền" cho lớp trẻ của Nhà hát Kịch Hà Nội. Toàn bộ tuyến nhân vật chính của vở Tiếng đàn vùng Mê Thảo được giao cho những diễn viên (DV) còn khá trẻ: Tiến Lộc, Chí Nhân, Thanh Hoa, Kiều Thanh, Diệu Linh...

NSND Hoàng Dũng - Giám đốc Nhà hát - chia sẻ: "Nếu cứ lo người trẻ non nghề, non kinh nghiệm thì ta cứ mãi trong cái vòng lẩn quẩn lớp trẻ lãng phí tuổi thanh xuân để rồi đến lúc đủ bản lĩnh, kinh nghiệm lại phải "cưa sừng làm nghé". Cuộc thi là cơ hội tốt nhất để DV trẻ được thể hiện, thử sức mình và biết mình còn non, còn kém chỗ nào so với các đồng nghiệp để phấn đấu vươn lên. Tìm một lớp nghệ sĩ đủ lực, đủ khát vọng để kế thừa còn quan trọng hơn đi tìm những tấm huy chương, giải thưởng!".

Nhung noi lo o mot cuoc thi

Tiến Lộc, Chí Nhân - hai gương mặt trẻ của Nhà hát kịch Hà Nội

Không chỉ nhiều hơn về số lượng (29 vở so với 26 vở năm 2012), đề tài dự thi năm nay cũng đa dạng hơn. Nhiều vở diễn đề cập đến những vấn đề rất gần gũi của đời sống hiện đại: tình cảm gia đinh, cha mẹ, con cái, nghĩa tình chồng vợ, tình yêu đôi lứa và sự thuỷ chung… Hầu hết những vở diễn này đều được đánh giá tốt về tính nhân văn và tạo được sự xúc động cho người xem.

Ở khâu tổ chức, có lẽ đây là một trong những cuộc thi thành công nhất từ trước đến nay từ góc độ khâu thu hút công chúng. Nhà hát Lam Sơn (Thanh Hoá) luôn chật kín. Khán giả thuộc nhiều lứa tuổi, từ U50 -U60 đến lớp khán giả thuộc thế hệ 8X - 9X. Càng về cuối cuộc thi, khán giả càng đông.

Có buổi thi, khán giả phải đứng ở cuối khán phòng và ngồi ở các bậc thang dọc lối đi. Đặc biệt hai ngày thi cuối, Thanh Hoá đổ mưa tầm tã, nhưng tầng trệt Nhà hát gần như không còn ghế trống.

Khán giả Thanh Hoá cũng rất đặc biệt, họ sẵn sàng vỗ tay tán thưởng ngay sau một lớp diễn, một câu thoại hay của diễn viên; cả khán phòng có thể lao xao, thậm chí có những phản ứng trước một tình huống bất hợp lý trong vở diễn. Nhưng dù hài lòng hay không, những tràng vỗ tay vẫn luôn vang lên ở cuối cảnh diễn.

Và những chuyện muôn năm cũ

Có những câu chuyện muôn năm cũ cứ tồn tại ở hết mùa thi này đến mùa giải khác, như một căn bệnh mãn tính. Cũ, mòn trong dàn dựng, thiết kế sân khấu, lối biểu diễn, thoại lời của DV là những điều vẫn tồn tại ở Cuộc thi năm nay.

Có những vở “cũ” đến mức NSND Lê Tiến Thọ, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam phải thốt lên: “Đã thế kỷ 21 mà xem kịch tôi ngỡ mình vẫn đang ở những năm 50-60 của thế kỷ trước”. Không ít vở sân khấu chỉ toàn bục bệ… Thậm chí có vở chỉ dùng một bộ bục bệ để thay bàn ghế cho hai bối cảnh. Điểm khác nhau chỉ là bức tranh treo phía sau.

Ngược lại, cũng có vở diễn, trang trí thoạt nhìn khá hoành tráng với bục bệ, cột kèo… Nhưng tất cả chỉ đơn thuần dùng cho trang trí mà chưa đủ sức sống chung với đời sống của vở diễn, “không góp phần hỗ trợ cho diễn xuất của DV mà trái lại còn thu hẹp không gian sáng tạo” như lời nhận xét của PGS Nguyễn Tất Thắng .

Nhung noi lo o mot cuoc thi

Nắng quái chiều hôm của Nguyễn Đăng Chương - người có nhiều kịch bản được chọn dàn nhất ở cuộc thi năm nay

Công tác dàn dựng cũng cần được các đơn vị nghệ thuật nhìn nhận lại một cách nghiêm túc. Rất hiếm những ngôn ngữ dàn dựng mới mà quá nhiều những mô típ cũ, đơn điệu, nhàm chán, thậm chí vụng về, khó chấp nhận. Nhiều cảnh diễn, DV cứ đứng, ngồi thoại lời cho đến khi hết cảnh, tắt đèn, mà thiếu bàn tay xử lý của đạo diễn trong từng lớp diễn, xung đột kịch… để cùng với diễn xuất của DV mang lại sự sinh động, hấp dẫn người xem.

Có những xử lý của ĐD vụng về tới mức khiến khán giả bật cười dù đó là một lớp diễn khá căng thẳng, là phút quyết đấu bất ngờ giữa những chiến sĩ công an và tội phạm. Có đạo diễn lại quá chú trọng vào mảng miếng, vào tạo hình sân khấu mà quên chăm chút, hỗ trợ để “tiếp sức” cho diễn viên thăng hoa với vai diễn.

DV cũng là vấn đề để lại không ít âu lo. Là một cuộc thi chuyên nghiệp nhưng tính “nghiệp dư” ở DV vẫn khá phổ biến. Yếu tố quan trọng nhất của DV kịch là tiếng nói sân khấu lại là điểm yếu của không ít diễn viên, nhất là những người trẻ.

DV nói không rõ lời hay cách thoại lời trơn tuột, thiếu cảm xúc không phải là chuyện hiếm, nếu không muốn nói có những DV mỗi khi “cất giọng” là làm trôi tuột tất cả cảm xúc mà khán giả đã cố “nuôi” trước đó.

Nhược điểm chung của khá nhiều DV là không xác định được điểm nhấn để thăng hoa với nhân vật, tạo ấn tượng cho người xem mà chỉ có một cung bậc trong suốt vở diễn. Điểm khác biệt chỉ là âm lượng trong giọng nói , là sự gào thét trước những mất mát, đớn đau hay tức giận.

Bên cạnh câu chuyện quá cũ về thiếu hụt đội ngũ tác giả, những kịch bản viết từ cách đây trên dưới mười năm vẫn chưa có “đối thủ vượt mặt”, thì thực tế đi thi chỉ để kiếm huy chương vẫn là câu chuyện buồn muôn thuở. Có vẻ như tính “quyết liệt” của việc tìm kiếm huy chương còn cao hơn khi có vở diễn được nghệ sĩ đặt hàng tác giả và cùng lúc đảm nhận ba trong số bốn nhân vật của vở.

Có ý kiến lo lắng liệu cách làm này có trở thành tiền lệ để mùa thi sau xuất hiện nhiều những vở diễn tương tự, do chính các nghệ sĩ bỏ tiền dàn dựng nhằm kiếm cho đủ huy chương, chờ bổ sung hồ sơ cho đợt phong tặng danh hiệu NSND, NSƯT tiếp theo?!

Và kết thúc cuộc thi vẫn là một “cơn mưa” huy chương, giải thưởng với 122 giải thưởng cá nhân (47 HCV, 75 HCB), 13 giải thưởng dành cho vở diễn (5HCV, 7HCB và 1 giải thưởng của Hội đồng Giám khảo).

THẢO VÂN

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI