Những lối thoát từ ẩn họa

22/11/2016 - 07:32

PNO - Sau Lửa thiện nhân, đạo diễn Đặng Hồng Giang tiếp tục đưa phim tài liệu Đáng sống “tấn công” rạp chiếu từ 18/11. Lần này, bộ ba tác phẩm đã tạo nên một mạch dẫn xuyên suốt, mà nhà làm phim gọi là những “lối thoát”.

Chùm phim Đáng sống dài 90 phút gồm ba bộ phim độc lập, với nhân vật sống ở ba miền Bắc - Trung - Nam, thuộc ba tầng lớp khác nhau là trí thức, doanh nhân và nông dân. Điểm chung của “bộ ba” này là góc nhìn hướng đến phía tích cực, không ngừng thắp lên niềm tin, sự hy vọng, dù cuộc sống xung quanh còn nhiều tai ương, ẩn họa.

Phim đầu tiên có tên Mầm sống kể về sự lựa chọn của chị Hoàng Thị Kim Dung, 35 tuổi, giảng viên ĐH Bách khoa (Hà Nội). Những thước phim đầu tiên có gam màu sáng với cảnh chị Dung cùng ba con nhỏ chơi đùa trên thảm cỏ. Phía sau tổ ấm của chị Dung là một sự kiện của y học Việt Nam - hai cậu bé sinh đôi Hoàng Hải và Hoàng Đức, cũng đang đùa nghịch trên thảm cỏ.

Hải và Đức là một ca song sinh do bác sĩ Vương Văn Vệ và cộng sự thực hiện, lấy tinh trùng của người chồng đã khuất vì tai nạn giao thông để tạo nên bào thai cho người mẹ. Đó là “mầm sống” của sự trao truyền và tình yêu thương tiếp nối.

Bộ phim thứ hai được chọn làm tựa đề chung: Đáng sống. Nhà làm phim đưa khán giả vào hành trình lên rừng của anh Tăng A Pẩu để tận hưởng thiên nhiên, đồng thời làm giàu thêm bộ sưu tập ảnh chim quý, được cho là có giá trị nhất Việt Nam. Sống gần gũi thiên nhiên, theo đuổi đam mê nhiếp ảnh, tạm quên cái “án tử” của căn bệnh ung thư gan là “con đường sáng” giúp doanh nhân ở TP.HCM này tìm thấy ý nghĩa và giá trị sống.

Nhung loi thoat tu an hoa
Nhân vật Nguyễn Ngọc Triệu trong chùm phim Đáng sống.

Theo số liệu của Bộ Y tế công bố tháng 9/2016, hiện ở Việt Nam mỗi ngày có khoảng 200 người chết vì các loại ung thư. Câu chuyện về hành trình chiến thắng ung thư của anh Tăng A Pẩu như tiếng chim hót đầy hy vọng, lạc quan, thay vì suy sụp, tuyệt vọng bởi bệnh tật.

Nằm ở vị trí thứ ba nhưng Một con đường lại là phần phim được đạo diễn (ĐD) Đặng Hồng Giang và nhà biên kịch Đoàn Minh Tuấn ghi hình sớm nhất, từ năm 2012. Trong thời gian về Quảng Nam làm phim Lửa thiện nhân, các nhà làm phim đã có những cảnh quay đầu tiên ở Quảng Trị - khu vực vĩ tuyến 17 xưa, nơi còn rất nhiều dấu tích đạn bom.

Nhân vật chính trong phim là bác Nguyễn Ngọc Triệu, người đang cùng những người dân trong làng hàng ngày đào bới phế liệu chiến tranh, chấp nhận đối mặt với cái chết và thương tật. ĐD Đặng Hồng Giang cho biết, vì sự nguy hiểm của việc rà gỡ bom mìn nên khi về vùng đất này quay phim, anh đã phải mua bảo hiểm cho toàn bộ ê kíp làm phim gồm 11 người.

Nhung loi thoat tu an hoa

Việc phải “sống trong sợ hãi” như thế khiến anh càng đồng cảm với người dân nơi đây, nhất là với những người như bác Triệu, đã dần từ bỏ việc mưu sinh chết chóc để tìm con đường sống khác. “Nhìn bác Triệu tôi không còn dám than phiền hay đổ thừa cho hoàn cảnh trong những lúc khó khăn”, ĐD chia sẻ.

Trừ Mầm sống, hai phim “người thật, việc thật” còn lại là những câu chuyện không khó gặp trong đời sống hôm nay. Đã có vô số những tấm gương vượt lên số phận, hoàn cảnh để vươn đến cuộc sống ý nghĩa hơn, chỉ là mỗi chúng ta có chú ý đến hay không.

Bằng chứng là cả ba câu chuyện đã được công chúng biết đến qua các kênh truyền thông, chứ không phải khám phá mới của ĐD. Tuy nhiên, khi các nhân vật được đặt nối tiếp nhau thì những gì họ trải qua đã gợi lên nhiều liên tưởng, suy ngẫm đối với cuộc sống hôm nay, mở ra ý nghĩa rộng lớn hơn là chuyện của từng cá nhân đơn lẻ.

Có thể thấy, cả ba phim đều thể hiện những tai ương nhìn thấy được, đo đếm được hậu quả. Dễ nhận diện nhất là những ẩn họa từ việc dò mìn, cưa bom để bán sắt vụn. Những người như bác Triệu, cứ ngỡ là khốn cùng lắm rồi mới phải “kiếm cơm” như thế; nhưng hóa ra không chỉ ở những vùng đất đạn bom xưa thì hiểm họa mới rình rập con người. Với nhiều người trong chúng ta, mỗi ngày sinh tồn cũng là một ngày “dò mìn”, để né tránh các nguy cơ đầy dẫy trong cuộc sống.

Người chồng tiến sĩ Kim Dung trong Mầm sống qua đời vì tai nạn giao thông. Doanh nhân Tằng A Pẩu vì thực phẩm độc hại mà mang bệnh ung thư. Mỗi người, dù ở bất kỳ nơi đâu cũng phải đối mặt với những tai ương, ẩn họa khác nhau. Vì thế, bộ phim như một chiếc đồng hồ báo thức, reo lên những tiếng chuông để mỗi người có thể thức tỉnh đúng giờ và cảnh giác với những rủi ro.

Mặt khác, mỗi người đều cần ý thức hơn về sự lựa chọn con đường đi của mình. Từng giờ, từng phút trôi qua, cuộc đời sẽ kéo mỗi người về những ngả đường khác nhau. Hãy sống sao cho đáng!

Danh Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI