Những ký ức 'độc bản' về tết Hà Nội

05/02/2019 - 06:00

PNO - Vốn là chàng công tử học đủ võ nghệ, đàn hát từ nhỏ, lại sắc sảo, hóm hỉnh, nhà sử học Lê Văn Lan luôn nhớ rõ những trải nghiệm tết khi ông còn thơ bé.

Báo Phụ Nữ TP.HCM xin được trân trọng giới thiệu những ký ức “độc bản” về tết Hà Nội của ông.

Ngày tết là phải ở nhà

Tết đến bao giờ cũng rất vui, vui theo lối rất…Hà Nội. Khi tôi còn niên thiếu, ngày tết người ta chỉ tập trung vào chuyện nhà chứ không phải chuyện phố phường. Ngày ấy có một quan niệm rằng, chỉ những kẻ vô công rồi nghề, “sống vô gia cư, chết vô địa táng” mới lang thang ngoài đường những ngày tết nhất, còn những người có gia đình dứt khoát là ở nhà. Ngay cả những người đi làm ăn xa cũng phải đánh đường, “lặn ngòi ngoi nước” làm thế nào để về nhà.

Nhung ky uc 'doc ban' ve tet Ha Noi

Hồ Hoàn Kiếm ngày tết vắng tanh như chùa bà Đanh, bởi mọi người phải về nhà, thậm chí đóng cửa lại. Vì ma quỷ thường vào bằng lối chính nên phải vẽ cung tên, rắc vôi bột trước cửa để trừ tà. Cửa đóng then cài, từng gia đình sum họp với nhau cho đến thời điểm quan trọng nhất là 30 tết. Lễ cúng gia tiên được làm vào buổi trưa để dôi ra một khoảng thời gian từ trưa đến tối làm giờ thiêng, giờ lành, giờ yên tĩnh; lúc đó mọi thứ lắng xuống. Thời gian ngày đó như dài hơn bây giờ, và lòng người như cũng thong thả hơn.

Ngày tết, gia đình nào cũng phải có mía tím ở hai bên ban thờ. Bởi mía có các đốt gợi hình ảnh những bậc thang. Thiên nhiên ở ta không cây nào có đốt rõ mà kích cỡ lại vừa vặn như cây mía. Đốt tre, đốt trúc cao quá, xa quá, tổ tiên dùng thang đó dễ trượt chân. Ý nghĩa của cây mía tím vừa là nhớ về nguồn cội, vừa thực dụng. Trong cái thực dụng ấy lại có một chút ngây thơ là bậc thang mía tím vừa với bước chân của các linh hồn. Hai cây mía bắc ở hai bên châu phần ngọn vào chính giữa ban thờ là cầu thang để các cụ lên ban thờ từ bậc thang bên này và lần xuống bằng bậc thang bên kia. 

Nhung ky uc 'doc ban' ve tet Ha Noi

Bún thang chống ngán

Cửa đóng then cài, từng gia đình sum họp với nhau cho đến thời điểm quan trọng nhất là 30 tết. Lễ cúng gia tiên được làm vào buổi trưa để dôi ra một khoảng thời gian từ trưa đến tối làm giờ thiêng, giờ lành, giờ yên tĩnh; lúc đó mọi thứ lắng xuống. 

Thời gian ngày đó như dài hơn bây giờ, và lòng người như cũng thong thả hơn.

Thời thuộc Pháp, người Hà Nội về quê ăn tết đông lắm. Những người trụ lại như gia đình tôi, là vì không có quê nữa, đã thành thị dân mất rồi. Nhưng vẫn ăn tết theo kiểu nông thôn giữa phố xá. Gia đình tôi cúng gia tiên, cũng có tất cả những món ăn như ở quê. Chỉ khác là ở thành phố rủng rỉnh tiền hơn nên cỗ bàn, và đặc biệt là thú chơi cầu kỳ hơn ở quê. Gia đình tôi đến giờ vẫn giữ được món ăn mà chỉ ngày tết mới làm. Đó là món bún thang. Dù cỗ ngày tết có đủ các sự sang trọng nhưng không được chém to kho nhừ mà phải trang nhã, tinh tế. Bún thang cũng vậy, muốn dễ nuốt là phải có “thang” (nước dùng). Và bí quyết nước dùng mới là cái đặc sắc để nhà này khác nhà kia, rồi từ đó thành món gia truyền.

Nhung ky uc 'doc ban' ve tet Ha Noi

Gà luộc lên, bóc chỗ lườn có thịt nạc màu trắng ra rồi xé thành sợi càng nhỏ càng tốt; sợi thịt gà ở chỗ lườn trắng làm thành một món có màu trắng trong bát bún thang. Da gà để riêng làm thành một món có màu vàng. Xương để nấu nước dùng phải là xương gà, ngày ấy chưa có máy xay như bây giờ nên toàn bộ chỗ xương sau khi đã bóc thịt phải cho vào cối giã nhỏ rồi lấy chính nước luộc gà để lọc. Bỏ thêm vào nước dùng ít tôm, cầu kỳ hơn thì thêm món sá sùng (giun biển) nữa. Khi đun lên sẽ có bọt, lại phải dùng muôi hớt thật kỹ lớp bọt ra để nước dùng trong vắt. Làm thế vừa có đủ vị ngọt, lại thanh. Ngày tết người ta ngán mỡ rồi, ăn bánh chưng lại hay nghẹn nên phải thêm món bún thang có nước dùng là vì thế.

Dưa hành và pháo thì giống như các vùng nông thôn. Nhưng ở Hà Nội thời đó còn các trò trèo pháo, thưởng pháo, rồi cướp pháo của cánh múa sư tử tết. Trò chơi cũng cầu kỳ, cũng thử thách nhau. Tôi ở nhà cao tầng, nên treo một tràng pháo thật cao, anh phải công kênh nhau lên, phải trồng người thế nào để đốt được bánh pháo cho tôi thì anh mới có “thướng thướng” chứ không phải thưởng như cách gọi bây giờ. Người múa sư tử đi thành từng đoàn, các đoàn còn cạnh tranh nhau. Đoàn sư tử này chơi ở mấy phố này thì đoàn sư tử khác không được đến nữa, vì họ trông cả năm mới được thu tiền thướng vào ngày tết; đô thị có chuyện kiếm tiền theo kiểu đó. 

Nhung ky uc 'doc ban' ve tet Ha Noi
Chợ tết xưa

Tết còn phải kể đến những người đi hát nữa. Bấy giờ có những nhà hát cô đầu ở Khâm Thiên; phố Hàng Giấy có cả một dãy từ chợ Đồng Xuân lên đến phố Hàng Đậu. Đây là trò chơi không dành cho thanh niên mà chỉ dành cho ông già, cho người trưởng thành. Các ông muốn đi hát cô đầu ngày tết cũng phải trốn vợ cho kheo khéo: ta đi chúc tết đây, mẹ nó trông nhà đón khách nhé! 

Nam thanh nữ tú được “tháo khoán”

Những năm bốn mấy tôi mới độ 7, 8 tuổi. Bà chị ruột tôi hễ đi chơi đâu là phải áo dài, giày muyn, tóc tai cẩn thận lắm. Rồi gọi anh xe từ nhà ngang lên chuẩn bị xe kéo để bà ấy đi chơi phố. Bao giờ bà cũng kèm theo thằng em trai là tôi để làm “lính” bảo vệ. Những công tử lúc ấy đã bắt đầu có xe đạp, đặc biệt là xe đạp “cuốc” (xe đua); các chàng kèm bên này kèm bên kia đuổi theo rồi ném thư vào trong thùng xe kéo chở chị tôi. Chỉ đến mức ấy thôi nhưng bao giờ bà chị cũng để thằng cu là tôi trừng mắt nhìn đám thanh niên kia. 

Nhung ky uc 'doc ban' ve tet Ha Noi
Trưng bày ngày tết xưa

Tôi còn nhớ cái trò bắt chạch. Một cái chum miệng nhỏ đổ đầy nước, thả vào một con chạch. Nam nữ thích nhau thì kết đôi lại. Trước sự chứng giám của thần linh, công khai đàng hoàng, họ quàng vai cùng nhau bắt chạch. Nhưng có phải quàng vai nhè nhẹ đâu, anh con trai thò cả tay sâu xuống… ngực người nữ.

Với động tác quàng vai, anh được tự do, công khai đụng chạm; trong khi mỗi người chỉ còn một tay thò vào bắt chạch, làm sao mà bắt được, thành ra “quàng, ôm” càng lâu càng tốt, càng kéo dài thời gian biểu diễn càng hay. Nhưng cuối cùng cũng phải bắt được con chạch để còn lấy thưởng. Đó là hội bắt chạch mồng Sáu tết của làng Dưng (xã Tứ Trưng, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc). “Bỏ con bỏ cháu không được bỏ mồng Sáu hội Dưng”, các cụ đã thề đến mức ghê gớm thế kia mà.

“Văn hóa phồn thực” ở Hà Nội mang tính thiêng liêng, tinh tế hơn. Ví như làng Hồ Khẩu ở khu Bưởi cũng có trò bắt chạch trong chum, nam và nữ được kén chọn nhau, mỗi người thò một tay vào chum nhưng anh không được quàng vai mà chỉ được nắm tay cô gái. Khi chấm giải, người ta còn kiểm tra cổ tay cô gái, tay anh mà để lại dấu đỏ là anh bị trừ điểm, thậm chí còn bị mắng. 

Nhung ky uc 'doc ban' ve tet Ha Noi
Không khí tết Hà Nội xưa qua những góc chợ

Cậu bé Lê Văn Lan ngày đó thích nhất là tiền mừng tuổi. Thích nữa là cái anh kẹo kéo, có một khối trắng trong bụng thôi mà kéo thế nào dài dằng dặc, rồi thành một cây kẹo nhỏ mà bao giờ cũng có lạc ở bên trong. Không chỉ tôi mà rất nhiều người cùng “mê” món kẹo kéo ấy, đến độ bấy giờ còn có câu: “Ông tây mà lấy bà đầm/ Thấy hàng kẹo kéo chạy ầm ra mua”. Mỗi đồng xu Bảo Đại mua được một cái. Tôi đặc biệt thích thú khi anh kẹo kéo để tay thế nào mà bẻ nghe “cấc” một cái, tiếng kêu rất giòn và không cần đến động tác thứ hai. Chỉ cần trông thấy người bán, hình dung ra tiếng bẻ kẹo ấy là đã sướng rồi, lần nào cũng mong người ta bẻ nhầm cho mình một khúc dài hơn mà không được bao giờ. 

Lê Văn Lan
Ngọc Minh Tâm
(ghi)
Ảnh tư liệu 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI