Những không gian đương đại mới

25/10/2017 - 08:13

PNO - Không hẹn mà nhiều không gian dành riêng cho nghệ thuật đương đại đã nối tiếp nhau ra đời tại TP.HCM và Hà Nội, trở thành điểm hẹn của nghệ sĩ lẫn công chúng.

Đa chiều không gian, đa chiều tương tác

Khoảng 10 năm trước, ở Việt Nam manh mún khá nhiều không gian đương đại như Sàn Art, Doclab, Địa Project, Gallery Quỳnh, Nhà Sàn… Điểm chung của chúng là độc lập, phi lợi nhuận, chủ yếu tập cho công chúng làm quen với khái niệm “nghệ thuật đương đại” và giới thiệu nghệ sĩ mới. Tuy nhiên, qua thời gian hoạt động, nhiều nơi dần rơi vào bế tắc, buộc phải đóng cửa.

Như một hạt mầm đã được gieo và vun tưới, đã có một lớp nghệ sĩ khác, trưởng thành, đủ lực và khéo léo hơn tiếp bước. Cuối tháng 3/2016, The Factory Contemporary Arts Center (FCAC) do Ti-a (nickname của nhà thiết kế Thủy Nguyễn) sáng lập đã chính thức đi vào hoạt động tại quận 2. 

Nhung khong gian duong dai moi

Triển lãm Lịch sử cuộc viễn du: cát trong tai tôi, trôi dạt thế giới của Nguyễn Thúy Hằng tại FCAC - Ảnh: Vi Phạm

FCAC có tổng diện tích 1.000m2, gồm các container được bố trí thành không gian mở, đáp ứng nhiều nhu cầu sử dụng khác nhau. Cũng trong năm 2016, BLANC Art Space - dự án thử nghiệm nhằm hỗ trợ, cung cấp không gian trưng bày, triển lãm tác phẩm của các nghệ sĩ trẻ đương đại Việt Nam - ra đời tại quận 3. 

Với dự án Hai tuần một nghệ sĩ, BLANC giới thiệu những dấu ấn đầu tiên về nghệ thuật mới của cá nhân đến công chúng. Qua vài triển lãm và thiên về không gian thân thuộc như: Sài Gòn ơi ta trở về, Sài Gòn 3 mét vuông… BLANC nhanh chóng chiếm được cảm tình của nghệ sĩ và khán giả.

Tại Hà Nội, đầu tháng sáu vừa qua, Trung tâm Nghệ thuật đương đại Vincom (VCCA) do “ông lớn” Vincom tài trợ và Đông A Gallary do họa sĩ Trần Đại Thắng chủ trì cũng đã chính thức đi vào hoạt động. Nếu VCCA có diện tích gần 4.000m2, gồm nhiều không gian đủ đáp ứng các loại hình nghệ thuật khác nhau, đảm bảo việc biểu lộ tư tưởng của nghệ sĩ thì Đông A Gallary “tham vọng” góp phần định dạng lại thị trường 
tranh Việt.

Nâng cánh giấc mơ, nâng tầm thưởng thức

“Công chúng ngày càng có nhu cầu tìm hiểu về nghệ thuật đương đại. Nghệ sĩ thì cần một nơi để kết nối họ với công chúng. Việc của FCAC là làm sao để nghệ sĩ, công chúng, nhà quản lý cùng thấu hiểu và đồng hành với nhau. Tất nhiên, để chọn nghệ sĩ phù hợp không phải dễ. Khán giả cũng dần “đòi hỏi” cao hơn. Nghệ sĩ đi sau sẽ áp lực hơn, từ đó thôi thúc họ sáng tạo hơn. Tôi tin nghệ thuật sẽ phát triển nếu mọi người đều cảm thấy áp lực như thế” - Ti-a chia sẻ.

Nhung khong gian duong dai moi
Không gian của VCCA

Tính đến nay, FCAC đã tổ chức thành công 14 cuộc triển lãm, chưa kể workshop, với sự tham gia của hơn 50 nghệ sĩ trong và ngoài nước. Mỗi triển lãm thu hút từ 1.000-3.000 người. Đáng chú ý có thể kể: Mắt xích (Lê Hoàng Bích Phượng), Lạc chốn (Bùi Công Khánh), Nắng bằng phẳng (Lena Bùi), Quên lãng nàng thơ (Phan Thảo Nguyên), Lịch sử cuộc viễn du: cát trong tai tôi, trôi dạt thế giới (Nguyễn Thúy Hằng)…

Không dừng lại đó, FCAC còn giới thiệu, quảng bá và hỗ trợ các nghệ sĩ tham gia triển lãm tại khu vực, đặc biệt là ở những nước có nền nghệ thuật đương đại phát triển như Singapore, Hong Kong…

Tương tự, Đông A Gallary trưng bày tác phẩm của nghệ sĩ trong nước, nhập khẩu tác phẩm của nghệ sĩ quốc tế và đưa họ tới giao lưu với nghệ sĩ và công chúng trong nước. Họa sĩ Trần Đại Thắng chia sẻ, ông muốn mọi người cùng hiểu rằng tranh không chỉ là tác phẩm để thưởng thức mà còn là tài sản có giá trị, có thể đầu tư, sinh lợi như xu thế tất yếu đang diễn ra tại các quốc gia phát triển.

Dù mới thành lập, VCCA đã vạch ra chu kỳ hoạt động bốn mùa rõ ràng, theo từng chủ đề. Đi kèm là chuỗi hoạt động giáo dục, trải nghiệm nghệ thuật. Tỏa/The Foliage - mùa gặp gỡ đầu tiên của các nghệ sĩ đương đại là cuộc hội tụ của những cuộc đối thoại Đông - Tây, những lập ngôn không lời và những nguồn cảm hứng hòa quyện của hơn 19 nghệ sĩ lão làng lẫn nghệ sĩ trẻ.

Nhung khong gian duong dai moi
Các tác phẩm nghệ thuật đương đại của các tác giả trẻ được trưng bày tại Đông A Gallary

Các tác phẩm trưng bày đa dạng từ chủ đề, kích thước, cho đến hình thức sáng tạo như tranh vẽ, sơn mài, điêu khắc, video, sắp đặt… đem lại cái nhìn bao quát về nghệ thuật đương đại Việt Nam.

Đồng hành cùng những không gian đương đại uy tín trước đó, các không gian mới này sẽ tiếp tục nối dài, nâng tầm và lan tỏa tình yêu nghệ thuật đương đại rộng và xa hơn, vượt qua giới hạn lãnh thổ - như mong ước của nhiều nghệ sĩ qua câu nói của Yoko Ono: “Một giấc mơ bạn ước cho riêng mình sẽ mãi chỉ là một giấc mơ. Một giấc mơ ta ước nguyện cùng cùng nhau sẽ hóa thành hiện thực.” 

Tại các quốc gia phát triển, ở các thành phố lớn, bên cạnh không gian nghệ thuật truyền thống luôn tồn tại những nơi dành riêng cho nghệ thuật đương đại, bởi đó là chốn phản ánh những cái đang dịch chuyển trong lòng đô thị - từ con người, những đổi thay bên ngoài đến những vọng động bên trong, những suy tư, va đập giữa người và vật...

Hoàng Linh Lan

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI