Những chuyện kể của con: Tiếng nói từ những đứa trẻ

18/10/2019 - 17:27

PNO - Đầu năm 2018, tôi bắt đầu hành trình đi khắp đất nước để kể về cuộc sống của trẻ em qua ảnh. Càng tiếp xúc với những em nhỏ có tuổi thơ đặc biệt, càng thấy những câu chuyện đáng để người lớn lắng nghe, thấu hiểu.

Những  chuyện kể  của con

LTS: Từ năm 2018, Đinh Chí Trung đã khởi động dự án "100 câu chuyện trẻ em Việt Nam - Chuyện kể của con". Trong suốt hai năm qua, chàng trai sinh năm 1988 (hiện sống ở thị xã Phước Long, tỉnh Bình Phước) vẫn kiên trì lặn lội từ Nam chí Bắc, từ đồng bằng đến miền cao để thực hiện những bộ ảnh đẹp, mà cũng là để vẽ lên cổ tích cho trẻ em nghèo. 

Trong hành trình muôn dặm của mình, bước chân Trung đã đến với những vùng đất mà ở đó, có những đứa trẻ lớn lên, gắn bó với nghề truyền thống, bằng tình yêu và những giấc mơ đẹp…

Báo Phụ Nữ TP.HCM trân trọng giới thiệu loạt bài Đinh Chí Trung viết về những câu chuyện ý nghĩa này. 

 Bài 1Từ cây thốt nốt Tri Tôn

 Bài 2Phiên chợ nón lá lúc hừng đông

Bộ ảnh đầu tiên tôi chụp từ mùa điều ở quê nhà Bình Phước, khi từng đoàn người lao động ở miền Tây đến làm công thu hoạch điều. Trong đoàn có gia đình của cô bé Hân, bốn tuổi. Họ dựng túp lều nứa trên ngọn đồi ở cách xa dân cư, không có điện lẫn nước sinh hoạt. Sống trên rừng heo hút, điều kiện sinh hoạt hạn chế, ấy thế mà Hân bắt nhịp rất nhanh. Những thiếu thốn vật chất không ngăn được nét hồn nhiên và nụ cười của bé. Kết thúc mùa điều, gia đình Hân lại di chuyển đến một nơi khác. Hân chưa đủ lớn để hiểu về sự vất vả, bé chỉ thấy vui khi được sống gần cha mẹ.

Nhung chuyen ke  cua con: Tieng noi tu nhung dua tre
Những đứa trẻ miền cao hồn nhiên

Cách ngọn đồi gia đình Hân sinh sống vài chục cây số có một lòng hồ thủy điện. Ở đó có ngôi làng của những gia đình trở về từ Campuchia. Sau một thời gian dài tha hương, họ trở về với hai bàn tay trắng. Họ định cư trên những ngôi nhà nổi, cuộc sống thả trôi theo con nước.

Hai anh em Tha (sáu tuổi) và Thiết (bảy tuổi) sống trên nhà nổi ấy là nhân vật của bộ ảnh thứ hai. Tụi nhỏ được chính quyền địa phương cho học lớp xóa mù chữ, học phí thấp hơn so với lớp chính quy, nhưng cũng là gánh nặng lớn của gia đình. Thay vì vui chơi chạy nhảy trên bờ, thì tụi nhỏ thích thú với việc được tung mình dưới nước, rượt đuổi nhau trên những bè nổi. 

Nhung chuyen ke  cua con: Tieng noi tu nhung dua tre
Bé Hân

Bình lại có một câu chuyện khác. Cậu bé người dân tộc Nùng sống trên đỉnh Cao Đường (huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang). Mỗi ngày, em cùng các chị vượt đoạn đường đèo dài tám cây số đi học. Tôi theo em đến trường, ngược lại với hơi thở dốc của tôi là những bước nhảy của Bình. Thằng bé luôn miệng cười và ra hiệu cho tôi phải đi nhanh hơn. Khi về đến nhà cũng là lúc trời nhá nhem tối, ba chị em chia ra mỗi đứa một hướng, đứa cắp dao đi hái măng, đứa kiếm củi, đứa chạy lên ngọn đồi sau nhà hái rau dớn dại. Thế là cũng có được bữa cơm tối ấm cúng trên ngôi nhà sàn không vách. 

Những đứa trẻ như Hân, Tha, Thiết và Bình còn quá nhỏ để hiểu được sự khổ cực, nỗi vất vả mà các em đang trải qua. Điều luôn khiến các em vui vẻ, hạnh phúc chỉ đơn giản là được sống trong tình yêu thương của cha mẹ, hồn nhiên, tự do, giản dị với thiên nhiên, cây cỏ, núi rừng. 

Nhung chuyen ke  cua con: Tieng noi tu nhung dua tre
Nụ cười của bé Tiến trên bãi biển Tuy An (Phú Yên)

Một câu chuyện khác về cậu bé tên Tú sống ở Bình Thuận, cậu có đôi mắt buồn và cuộc sống thật sự nghèo khó. Khi Tú học lớp Ba, mẹ em đi xuất khẩu lao động, bà ngoại dẫn hai anh em Tú đi bán vé số. Tụi nhỏ được người dân thương nên cũng có thể kiếm tiền, tự trang trải.

Mỗi ngày, vừa đi học về, Tú ăn vội bát cơm rồi bắt đầu công việc của mình. Đến khi em trở về nhà và hoàn thành bài tập là lúc trời đã khuya. Trách nhiệm cơm áo gạo tiền đặt lên vai một đứa trẻ còn đang tuổi vô lo, nên trông thằng bé nhỏ thó hơn so với bạn bè cùng tuổi. Có những hôm Tú mải ham vui, tan học còn tranh thủ đi chơi nên về muộn, bị anh trai cho một trận đòn, nhưng rồi cũng quệt nước mắt cầm xấp vé số theo anh đi bán. Tú ước, giá mà em có thể được vui chơi như chúng bạn…

Nhung chuyen ke  cua con: Tieng noi tu nhung dua tre
Tú vừa đi học vừa bán vé số kiếm tiền

Tôi lại gặp Cường trên chiếc thuyền đang ra khơi đánh cá, cậu đen nhẻm và mái tóc cháy nắng. Mười bốn tuổi, Cường trở thành người lái thuyền cừ khôi, hằng ngày cùng cha và anh trai ra biển thả lưới đánh cá. Hết lớp Năm, anh em Cường lần lượt nghỉ học rồi về sống trên thuyền với ba, vài tháng mới quay về một lần. Mẹ khuyên theo học tiếp thằng nhỏ cũng không đồng ý.

Cuộc sống lênh đênh rày đây mai đó lại hợp với tính cách của Cường, mặc cho bữa đói bữa no, trên người mặc hoài một hai chiếc quần cụt. Tiếp xúc với Cường, tôi nhận thấy khí chất mạnh mẽ và sự trưởng thành của em. 

Nhung chuyen ke  cua con: Tieng noi tu nhung dua tre
Anh em nhà bé Tú, Tú húp vội bát mì để đi bán vé số

Người lớn vẫn hay ví von cuộc sống của những đứa trẻ như trang giấy trắng, không lo âu, muộn phiền. Thế nên mỗi khi gặp sóng gió, trở ngại thì người lớn lại ước ao quay về làm một đứa trẻ, để được bảo bọc chở che. Tuy nhiên, có ai dám chắc trẻ nhỏ không hề có những suy tư của riêng chúng? Có đấy! Đối với người trưởng thành thì những suy tư đó chỉ là điều vụn vặt, nhưng đối với tâm hồn non nớt thì nó là cái gì đó rất to lớn mà chúng phải vượt qua. Hãy luôn lắng nghe để thấu hiểu những đứa trẻ của mình. 

Những câu chuyện trẻ em trên khắp đất nước của tôi vẫn còn rất dài. Mỗi câu chuyện về các em thể hiện mỗi nếp sống khác nhau của gia đình người Việt. Có những đứa trẻ sớm được tiếp cận với công nghệ và đắm chìm trong không gian mạng, nhưng cũng có những em nhỏ được ươm mầm giữa cuộc sống gắn bó với thiên nhiên.

Nhung chuyen ke  cua con: Tieng noi tu nhung dua tre
Đường đến trường

Có những trẻ được gia đình định hướng, có ý thức trau dồi kiến thức, cũng có những trẻ bị buông lỏng, lớn lên một cách vô cùng bản năng. Tuổi thơ tươi đẹp hay tuổi thơ dữ dội, thì mọi nỗ lực đều xứng đáng để lưu lại, để lan tỏa, tạo động lực cho xã hội, đem đến cơ hội thay đổi số phận cho những đứa trẻ có ý chí. Đó chính là lý do để tôi tiếp tục cuộc hành trình kể chuyện bằng hình ảnh của mình. 

Nhung chuyen ke  cua con: Tieng noi tu nhung dua tre
 

Thay đổi số phận

Thông qua những bộ ảnh, số phận của nhiều em nhỏ đã thay đổi, nhờ sự chung tay giúp sức của các Mạnh Thường Quân. Bé Ngà sống ở bãi rác Phú Quốc đã được đến trường, bé Điểu Sỹ người S’tiêng ở Bình Phước trở thành nhân vật truyền cảm hứng. Bé Hiếu mồ côi ở Quảng Nam xuất hiện trong chương trình Chung tay vì người nghèo của Đài truyền hình Việt Nam, đã nhận được sự giúp đỡ của những tấm lòng hảo tâm để được tiếp tục con đường học vấn…

Đinh Chí Trung

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI