Những câu hỏi còn đó từ 2 vụ xâm hại thô bạo vào di sản

11/03/2018 - 18:01

PNO - Đầu năm, 2 sự vụ can thiệp thô bạo vào di sản mới đây đã khiến nhiều người lắc đầu ngao ngán. Vì sao người ta cứ ‘len lén’ ban tặng hành vi thô bạo ấy, hết lần này đến lần khác?

Cho đến nay, việc xây dựng tượng Bà Chúa Xứ thứ 2 trên núi Sam (An Giang) xem như đã khép lại, với cam kết tháo dỡ của đơn vị đầu tư. Tuy nhiên, những câu hỏi quanh sự việc thì chẳng dễ khép và nếu không mổ xẻ, thậm chí là truy cứu trách nhiệm, ắt sẽ còn vụ núi Sam thứ hai, thứ ba… về sau này.

Cũng như, công trình xây dựng tại khu vực núi Cái Hạ, nằm trong vùng lõi di sản Tràng An (Ninh Bình) – khu vực đã được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt quan trọng và được Tổ chức UNESCO công nhận là di sản thế giới kép từ năm 2014 – đã nhận phán quyết phải tháo dỡ, nhưng vẫn còn đó sự phẫn nộ của công chúng về hành vi đặc biệt nghiêm trọng này.

Nhung cau hoi con do tu 2 vu xam hai tho bao vao di san
Tượng Bà Chúa Xứ thứ 2 đã gần hoàn thành, nhưng dư luận lên tiếng thì địa phương mới biết

2 sự vụ trên chứa quá nhiều vấn đề, mà vấn đề đầu tiên là sự quản lý của địa phương và cơ quan quản lý văn hoá cấp cao. Khi xây dựng tượng Bà Chúa Xứ thứ 2, chủ đầu tư đã bắt đầu từ giữa năm 2017 với những chuyến chuyển tải vật liệu xây dựng công khai vào ban ngày. Đơn vị này hầu như cũng không hề giấu giếm việc xây dựng của mình. Cho đến khi dư luận lên tiếng, tỉnh An Giang mới vào cuộc xác định hành vi này là sai, việc xây dựng chưa được cấp phép. Vậy, trước đó, chức năng quản lý, giám sát của địa phương ở đâu?

Khác với tượng Bà ở núi Sam, công trình du lịch ở Cái Hạ đã được đưa vào khai thác, đón du khách. Và, không khó để thấy để hoàn thành công trình đồ sộ này là một khoảng thời gian không nhỏ. Việc xây dựng ở tận vùng lõi quần thể danh thắng Tràng An với địa hình hiểm trở, cũng không thể thực hiện vào ban đêm. Vậỵ, suốt những tháng ngày công trình này được xây dựng, quản lý địa phương đã ở đâu?

Một câu hỏi khác, dành cho tư duy quản lý về văn hoá. Trước khi tiến hành xây dựng tượng Bà Chúa Xứ thứ 2, chủ đầu tư đã lập dự án và xin phép Bộ VH – TT & DL. Điều đáng nói là về chủ trương, Bộ gần như đã đồng ý cho sự hiện diện của tượng Bà thứ 2 này.

Cái còn lại là đơn vị đầu tư phải tiến hành các bước tiếp theo như lấy ý kiến chuyên gia, ý kiến của người dân… để hoàn thành thủ tục. “Một việc như thế mà Bộ lại đồng ý, năng lực thẩm định của Bộ ở đâu? Lẽ nào một Bộ quản lý về văn hoá lại không biết rằng đây là một yêu cầu rất phản văn hoá tâm linh của người dân? Nếu những người đứng đầu Bộ không thể thẩm định một đề nghị, sao Bộ không lập hội đồng chuyên gia trước khi đồng ý dù chỉ là về chủ trương?”- một nhà nghiên cứu văn hoá bức xúc.

Thực tế, sau khi sự vụ được phanh phui bởi dư luận, các chuyên gia nghiên cứu văn hoá hầu hết đều cho rằng đây là một ý tưởng xằng bậy, xâm hại văn hoá tâm linh của người dân, mang tư duy rất con buôn…

Nhung cau hoi con do tu 2 vu xam hai tho bao vao di san
Công trình đồ sộ thế này ở Tràng An không thể xây dựng trong thời gian ngắn, cũng không thể xây vào ban đêm do địa hình hiểm trở, nhưng địa phương vẫn cho rằng doanh nghiệp xây lén nên không biết!

Còn ở câu chuyện danh thắng Tràng An, khi bị truy trách trách nhiệm, UBND huyện Hoa Lư đưa ra lý do rất vô lý là đơn vị xây dựng tiến hành vào ban đêm nên địa phương không biết (?), và do doanh nghiệp không hợp tác với chính quyền… Nhưng, thực tế, UBND huyện này đã bị phát hiện từng gửi đi một văn bản đến các sở, ngành chức năng đề nghị cho Công ty cổ phần Du lịch Tràng An được phục dựng bậc cầu thang lên đàn Kính Thiên trên đỉnh núi Cái Hạ. Đến đây, việc vì sao công trình trái phép nghiêm trọng này được xây dựng trong một thời gian dài và đưa vào khai thác, coi như đã có câu trả lời. Đó chính là sự tiếp tay của địa phương!

Dĩ nhiên, không thể không đăt câu hỏi về một ấn đề cốt lõi khác, rằng vì sao người ta lại “thích” xâm hại di tích đến như thế? Phải chăng tư duy con buôn đã phát hiện được một nhu cầu khá lớn của người dân, là lòng tin quá đà vào nhân vật tâm linh, là sự bất cầu sẽ bất an trong tâm tưởng người Việt? Không biết tự bao giờ, người ta xem các lễ hội, các đền thờ, các nhân tượng… là một nơi dựa giẫm mạnh mẽ đến thế, để các tâm tưởng ấy trở thành mối lợi cho những kẻ sẵn sàng buốn thánh bán thần?

Khi nào những câu hỏi này chưa được giải đáp đến tận ngọn nguồn, thì nay là núi Sam và Tràng An, mai sẽ là bất kỳ một di tích hay di sản khác, không hề dừng lại.

Trần Hữu Hảo

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI