Những ca khúc nghe xong muốn xỉu!

02/05/2018 - 10:00

PNO - Việc chèn ngoại ngữ vào các bài hát tiếng Việt không phải là chuyện mới. Song nếu trước đây chỉ là một vài chữ, cùng một ngôn ngữ, thì giờ đây một ca khúc có khi phải gánh hai ba thứ tiếng.

Lẩu thập cẩm!

Mới đây, “chuyên gia tạo hít” Mr.Siro kết hợp cùng “hoàng tử ballad” Erik tung ra bản audio Chạm đáy nỗi đau. Bỏ qua câu chuyện chất lượng, điều đáng chú ý ở đây là, bài hát ấy chứa đến ba ngôn ngữ, gồm tiếng Việt, tiếng Anh và tiếng Hàn: “Babe, Kajima, Stay here with me” (tạm dịch: em à, đừng đi, ở lại với anh), “Nỗi sợ I’m losing you” (tạm dịch: nỗi sợ lạc mất em)... 

Nếu không nói trước, có trời mới biết “kajima” là tiếng Hàn và đó là từ mà tác giả ca khúc này có thể tự đoán nghĩa, không cần phụ đề, trong một lần… xem phim!

Nhung ca khuc nghe xong muon xiu!

Chạm đáy nỗi đau đạt hàng triệu lượt nghe, nhanh chóng dẫn đầu bảng xếp hạng đầu năm 2018, nhưng lại gây khó hiểu khi sử dụng đến ba ngôn ngữ

Có thể nhằm thu hút lớp khán giả trẻ mê nhạc Hàn, một số tác giả đã trộn cả tiếng Anh lẫn Hàn vào bài hát, bất chấp người nghe có hiểu hay không. Ca khúc Take it slow (Đừng vội), do nhóm nhạc nữ LIME trình bày, cũng “mix” vô tội vạ khiến người Việt nghe không hiểu, người Hàn không hiểu, cộng đồng nói tiếng Anh chắc chắn cũng không thể hiểu “I like baby/ Du ri beon go ri neun concept/ Neon maeume an deu neun cheokhae/ Deop da myeon seo beot neun jacket/ Neom bam sae da/ I lay down” là gì.

Ở tập 3, chương trình , nhạc sĩ Lê Minh Sơn đã gay gắt với thí sinh Nguyễn Minh Cường: “Chán nhất là cái tên I’m sorry của bạn. Anh xin lỗi em, anh xin lỗi vợ có phải hay không? Tự nhiên mình là người Việt Nam, lại “I’m sorry vợ”.

Đâu là chuẩn mực?

Đã có nhiều cuộc tranh luận quanh việc pha ngoại ngữ vào ca khúc tiếng Việt. Một phía nhất mực cho là không nên. Phía khác ủng hộ, “miễn sao được công chúng đón nhận”. Phía khác nữa thì cho rằng, phải tùy từng trường hợp cụ thể mà pha thế nào cho hợp lý.

Nhạc sĩ Giáng Son từng lý giải cho sự “tùy” này, rằng “tiếng Việt hay, nhiều hàm nghĩa, từ ngữ đa dạng, nhưng có nhiều dấu. Đôi lúc, việc biểu đạt một ý phải dùng nhiều hơn một câu, trong khi bài hát cần gọn, súc tích. Tiếng Anh gãy gọn, câu cú ngắn và đặc biệt là không có dấu, nên ở một số trường hợp, đặt vào rất vừa vặn, gọn ghẽ”.

Việc sử dụng ngoại ngữ trong ca khúc đã rất quen thuộc với nền giải trí châu Á, nhất là ở Hàn Quốc và Nhật Bản. Ngay cả giai đoạn cực thịnh của tân nhạc Việt Nam, một số nhạc sĩ nổi tiếng của chúng ta cũng dùng tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Nhật trong ca khúc. Hiệu ứng nâng tầm của những từ đắt đó là không thể chối cãi. Thế nhưng, đó nên là lựa chọn bất đắc dĩ, khi tiếng Việt… “bất lực”, hoặc đó là từ đắt nhất, không thể không dùng.

Ca khúc Take it slow của nhóm LIME

Không ai cấm đưa ngoại ngữ vào ca khúc. Nhưng ít nhất, người nghe cũng phải có quyền hiểu chúng. Soi lại những ca khúc lẫn lộn Việt - Anh - Hàn hiện nay, người nghe không hiểu bài hát nói gì, ca sĩ đang hát gì. Chưa kể, trình độ ngoại ngữ của tác giả chưa chắc đã chuẩn, ca sĩ phát âm chưa chắc đã đúng. Người viết, người hát không khéo lại trở thành trò cười, ca khúc trở thành sản phẩm đầy sạn. 

Nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ: “Bảo vệ dân tộc còn bằng cả ngôn ngữ”

Tiếng Việt giàu, đẹp, đủ sức để biểu hiện, diễn tả mọi trạng thái cảm xúc, tình cảm của chúng ta, tại sao lại phải dùng tiếng nước ngoài? Hơn nữa, chúng ta sáng tác ca khúc cho người Việt thì khoe ngoại ngữ làm gì? Đừng nghĩ thêm một câu tiếng Anh vào chỗ này là sang, thêm câu tiếng Hàn chỗ kia là mốt. Cũng đừng nghĩ như thế là hiện đại. Đó là một thái độ lệch lạc trong biểu hiện nội dung của văn học - nghệ thuật chúng ta hiện nay.

Khi làm như thế, chúng ta làm biến chất ngôn ngữ - tài sản quý báu của cha ông. Tôi nghĩ, bảo vệ dân tộc, không chỉ là chuyện gươm đao, mà còn phải bảo vệ văn hóa, truyền thống, đặc biệt là ngôn ngữ.

Nhạc sĩ Lê Minh Sơn: “Âm nhạc là biểu cảm tâm hồn, ca từ là biểu cảm văn hóa”

Tôi cho rằng, âm nhạc là biểu cảm tâm hồn; còn bài hát, ca từ là biểu cảm văn hóa của người cầm bút. Văn hóa sống của anh thế nào sẽ thể hiện qua ngôn ngữ của anh. Internet phát triển, thế giới phẳng và kết nối với nhau từ mọi điểm. Hòa nhập thế nào để không bị hòa tan vẫn là câu chuyện đáng bàn. Mình là người ở đâu, mình phải bộc lộ văn hóa, vùng miền của mình ở đó. Ngôn ngữ là lớp vỏ văn hóa mà ông bà để lại, chúng ta - thế hệ con cháu, phải có trách nhiệm bảo vệ nó, làm cho nó tròn hơn.

Đậu Dung

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI