Những bức tranh phù thế…

02/03/2019 - 17:30

PNO - Nghĩa của từ ukiyo-e (tranh phù thế) của Nhật Bản là “thế giới hư ảo”. Như câu nói của ông Cửu - nhân vật trong ký ức của tác giả - gọi hư ảo vì “khi ta nhớ nó đẹp, nó đã mất rồi”.

Ông Cửu cũng đã mất rồi. 

Ông cũng như những bức tranh phù thế chỉ còn ở lại trong trang viết của nhà báo Phạm Công Luận, trong ký ức bùi ngùi nhớ thương. Tôi lặng lẽ đọc Những bức tranh phù thế (Phương Nam Books vừa ấn hành), như một cuộc miên di về miền sương khói bảng lảng. Đó không phải là ký ức của mình mà sao xốn xang, gợi nhớ, nhiều lúc sắt se lòng. “Kỷ niệm càng đào xới, càng khai thác lại càng đầy và lộ ra những điều từng quen thuộc nhưng lạ lùng như chưa gặp lần đầu. Đó là vẻ hấp dẫn khi được đào bới kho tàng ký ức” - Phạm Công Luận đã tự sự như vậy.

Người đọc lặn ngụp theo anh trong cuộc “đào bới kho tàng” ấy để cùng tìm thấy những gia tài lóng lánh đẹp đẽ của đời người. Xóm cũ, mùa cũ, những người năm cũ… mọi thứ đã thuộc về quá khứ nhưng rồi tất cả được trở lại sống động lung linh qua trí nhớ của con người. Kho tàng ấy vô giá, miễn nhiễm và là điểm tựa cuối cùng cho bất kỳ ai muốn nương nhờ, muốn tìm kiếm những gì đẹp nhất của đời mình. 

Nhung buc tranh phu the…

Nhà báo Phạm Công Luận viết nhiều sách về Sài Gòn. Các ấn bản đều được in rất đẹp. Nhưng có lẽ Những bức tranh phù thế khiến tôi nao lòng hơn cả. Nó da diết và thấm thía. Kỷ niệm được chắt lọc. Đó không chỉ là nỗi nhớ về một vùng đất mà còn về những con người đã từng băng qua cuộc đời này. Những cuộc đời bình dị mà đẹp, những con người rất xa lạ với người đọc nhưng lại thân thuộc theo một cách khác - bằng sợi dây kết nối từ tiềm thức thế hệ, bằng nếp nhà, lối sống, bằng cả tấm lòng của tình yêu thương và đức hy sinh…

Nhung buc tranh phu the…

Trong hệ quy chiếu nào của đời người, cuối cùng cũng quy về chung những giá trị nền tảng. Bàn tay gõ phím để được “du hành ngược thời gian” như tác giả nói, cũng là đưa người đọc về với những vật dụng, không gian sống quen thuộc một thời của nhiều người. Sài Gòn xưa trải qua những đổi dời, giờ nhìn lại qua lăng kính ký ức cũng giống như “những bức tranh phù thế” vậy thôi. 

Quyển sách gần 200 trang, in cùng tranh vẽ Sài Gòn xưa bằng chì, mực và bột màu của họa sĩ Marcelino Trương. Những gam màu trầm, họa hình ảnh của người phụ nữ, những góc phố, gánh hàng rong… như điểm dừng bồi hồi cho người đọc. Không gian sống nào, dù thành thị hay nông thôn, là Sài Gòn hay những miền quê xa lắc nào đó đều có thể trở thành một miền nhớ thương tha thiết trong lòng người trưởng thành.

Tác phẩm được mở đầu bằng sự sinh - năm Tân Sửu 1961 tác giả được sinh ra, khép lại bằng cuộc trở về hoài hương của ông Mười Hai ở tuổi 90. Về để tận hưởng ký ức trên mảnh đất đã hai trăm năm sinh sống của gia đình ông.

Nhung buc tranh phu the…

Chợt thấy trong “thế giới hư ảo” mà lớp lớp người người tiếp nối qua hàng thế kỷ, cuối cùng quan trọng nhất vẫn là những thời khắc quý giá và những lựa chọn làm nên hạnh phúc của đời người - trong một kiếp này. Sau tất thảy, chẳng phải là những hào nhoáng hư danh vọng tưởng, mà vĩnh cửu là những ân tình con người dành cho nhau.

Nhà báo Phạm Công Luận đã vẽ nên bức tranh phù thế theo cách của riêng mình: bằng những con chữ. Nương theo đó mà người đọc được trở về với những thời khắc, nếp sống, văn hóa, sinh hoạt, ẩm thực… của Sài Gòn xưa. Mà cũng là để được rẽ nỗi nhớ về không gian xưa chỉ còn lại riêng trong ký ức của chính mình. 

Bùi Tiểu Quyên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI