Nhiều truyện tranh sử Việt bắt đầu ăn khách

09/06/2014 - 20:29

PNO - PN - Truyện tranh nội địa nói chung và truyện tranh lịch sử Việt nói riêng bị lấn lướt ngay trên sân nhà là chuyện nhiều người đã biết, nhưng hiện đã có những tựa bắt đầu thu hút người đọc.

edf40wrjww2tblPage:Content

Bộ truyện tranh Thần đồng đất Việt (TĐĐV) có số lượng in những ngày đầu chỉ 1.000 bản, nhưng đến nay đã 20.000 bản/tập. Hành trình vượt lên của bộ truyện này có nhiều điểm thú vị. Tính đến thời điểm này, đây là tựa truyện tranh “made in Việt Nam” dài tập nhất. Tập 171 mới ra mắt có tên Nhà hàng đại chiến. Đây là một kỷ lục khó phá vỡ khi phong độ sáng tác của nhóm thực hiện đã đều tay, sự sinh động của câu chuyện, độ dí dỏm trong lời thoại và hình ảnh được duy trì tốt qua từng tập. Điều quan trọng nữa, kho tư liệu gần như vô tận mà truyện dựa theo để phát triển: không chỉ là chuyện chính sử về các danh nhân, các triều đại phong kiến mà còn cả các điển cố, điển tích, nếp sinh hoạt làng quê xưa, trò chơi dân gian…

Ấn phẩm do Công ty sách Phan Thị thực hiện còn có nhiều cách khác “móc tiền” người đọc. Các bộ TĐĐV khoa học, mỹ thuật và toán học được in màu cũng bán khá chạy, trong đó mảng khoa học đã ra mắt gần 130 tập. Ý nghĩa hơn khi TĐĐV tiếp tục phát triển thành TĐĐV: Hoàng Sa - Trường Sa, bộ truyện tranh đầu tiên về lịch sử, chủ quyền biển đảo của Việt Nam, mỗi tập in 3.000 bản. Sau hai tập Khẳng định chủ quyền và Lãnh thổ nước Nam, tập thứ ba Khám phá Hoàng Sa với nhiều câu chuyện hấp dẫn về quần đảo này dự kiến ra mắt vào ngày 16/6 tới. Cách chuyển tải kiến thức về chủ quyền biển đảo thông qua các nhân vật Trạng Tí, Sửu ẹo, Dần béo và Cả Mẹo của bộ truyện, được TS sử học Nguyễn Nhã đánh giá là “gần gũi, đơn giản nhưng không kém phần sâu sắc”. Bà Phan Thị Mỹ Hạnh, Giám đốc Công ty Phan Thị cho biết: “Đối với nội dung kiến thức về chủ quyền biển đảo, chúng tôi dùng những tư liệu đã được công bố rộng rãi để đảm bảo tính chính xác, nhưng cách dẫn dắt thì phải sinh động, để người đọc dễ tiếp nhận, dễ nhớ”.

Nhieu truyen tranh su Viet  bat dau an khach

Một số tựa truyện tranh thu hút nhiều người đọc hiện nay

Gây ngạc nhiên không kém là sự ăn khách của bộ truyện tranh Cậu bé rồng (CBR) của tác giả Kim Khánh (NXB Kim Đồng). Không được biết đến nhiều như TĐĐV, nhưng bộ sách này đã âm thầm ăn khách, từ vài nghìn bản đến nay đã đạt mức 14.000 bản/tập. Nội dung CBR rất đơn giản, chỉ với những câu chuyện hầu hết là đơn tuyến, tình huống được tạo ra phần lớn gồm các nút thắt tìm kiếm, giải cứu, mâu thuẫn… để nhân vật chính - cậu bé rồng ở chùa Thanh Lâm ra tay giải quyết xung đột. Kết truyện luôn có hậu, tạo ra tiếng cười nhẹ nhàng. Tranh vẽ của bộ truyện cũng rất giản lược, tiết chế. Câu chuyện có dung lượng vừa đủ (100 trang), không áp đặt những “bài học” nặng nề, tạo hình đơn giản, gần gũi, CBR dễ dàng tiếp cận và chinh phục bạn đọc nhỏ tuổi. Đó cũng chính là các yếu tố làm nên sự thành công của bộ truyện.

Có thể kể thêm bộ Tranh truyện dân gian Việt Nam của NXB Kim Đồng và bộ Lịch sử Việt Nam bằng tranh của NXB Trẻ cũng đạt số lượng in đáng kể. Bộ thứ nhất đã in đến tập thứ 105, số lượng in từ 3.000 - 5.000 bản. Có tập như Tấm Cám tái bản trên 10 lần, trong đó có lần đạt mức 10.000 bản, các tập như Tú Uyên Giáng Kiều, Từ Thức gặp tiên, Chuyện ông Gióng… đều tái bản trên dưới chục lần. Bộ thứ hai, gồm 50 tập, tái hiện lịch sử Việt Nam từ thời đồ đá đến thời chúa Nguyễn Phúc Nguyên. Tuy chưa tiếp tục nối dài đến giai đoạn lịch sử chống Pháp và chống Mỹ như dự kiến ban đầu, nhưng bộ tranh truyện lịch sử Việt Nam đầu tiên này cũng đã có những con số đáng chú ý: tái bản hơn 20 lần, số lượng in trung bình sau nhiều lần tái bản là 30.000 bản/tập.

Nhìn rộng ra, có thể thấy những tựa truyện tranh lịch sử kém đột phá thường thiếu hoặc làm không tới những yếu tố tưởng chừng nhỏ nhoi kể trên. Chìa khóa không thiếu, nhưng mở rộng cánh cửa để thêm nhiều truyện tranh sử Việt đến với đông đảo người đọc, đạt được doanh số tốt thì còn phải mất nhiều thời gian, công sức.

 V. Tiến

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI