Nhạc Việt 2017 ồn ào những tranh cãi, thị phi

24/12/2017 - 13:18

PNO - Năm 2017 này, bên cạnh những tín hiệu phát triển nhất định, làng nhạc Việt cũng đón nhận không ít thị phi với câu chuyện về bolero, hot girl đi hát hay sự phân biệt vùng miền....

Sự trở lại mạnh mẽ nhưng không kém ồn ào của bolero                                               

Bolero thống lĩnh thị trường gameshow, ca nhạc năm 2017 là điều dễ thấy. Hàng loạt các chương trình gắn với nhạc bolero phủ sóng các kênh truyền hình. Nhiều ca sĩ liên tục ra mắt những sản phẩm âm nhạc bolero như: Đàm Vĩnh Hưng, Tố My, Hà Vân, Giang Hồng Ngọc, Dương Triệu Vũ...     

Nhac Viet 2017 on ao nhung tranh cai, thi phi
 

Nhận định về nhạc bolero trong năm 2017 này, nhạc sĩ Giao Tiên và ca sĩ Phương Dung đều cho rằng chúng đã trở lại, mạnh như vũ bão mà ngay cả người trong nghề cũng không thể dự đoán được. Nhưng sự xuất hiện ào ạt của gameshow bolero lại nhận nhiều ý kiến trái chiều từ khán giả, một phần khiến họ bị bội thực, một phần lại do sự cách tân với dòng nhạc vốn dĩ đã quá quen thuộc này. Khán giả chỉ đón nhận bolero theo một cách đơn thuần, cổ điển nhất. Từ việc phối jazz vào bolero, kết hợp bolero cùng kịch nói... đều trở thành vấn đề gây tranh cãi.

Bolero ồn ào trong năm 2017 này còn bởi những phát ngôn. Trong một bài phỏng vấn, nhạc sĩ Vinh Sử cho rằng Hoài Linh không biết gì về nhạc bolero mà làm giám khảo. 

Nhac Viet 2017 on ao nhung tranh cai, thi phi
 

Tùng Dương cho rằng: “Già trẻ lớn bé đều đắm đuối với Bolero thì đúng là sự thụt lùi trong âm nhạc. Nếu tất cả ca sĩ nhạc nhẹ đều chuyển sang hát Bolero để đắt show, để dễ kiếm tiền thì âm nhạc sẽ như thế nào”.          

Nhac Viet 2017 on ao nhung tranh cai, thi phi
 

  Làng nhạc Việt phân hoá chỉ vì chuyện Chi Pu đi hát

Ngày 27/10, Chi Pu chính thức ra mắt giới truyền thông để lấn sân sang lĩnh vực ca hát. Cùng với sự kiện này, Chi Pu đã có phát ngôn gây tranh cãi: “Từ hôm nay hãy gọi tôi là ca sĩ”. Thậm chí, khi giải đáp những vấn đề được giới truyền thông đặt ra, Chi Pu còn tự tin khẳng định rằng: “Ở Việt Nam, cứ cầm mic lên thì gọi là ca sĩ”. 

Nhac Viet 2017 on ao nhung tranh cai, thi phi
 

Cũng chỉ từ chuyện Chi Pu đi hát, showbiz Việt gần như chia thành hai phe quan điểm trái chiều. Nếu như: Hương Tràm, Thanh Lam, Văn Mai Hương, Quốc Thiên, Tóc Tiên… lên tiếng phản đối kịch liệt vì cho rằng ca sĩ là một nghề đáng trọng, cần phải rèn giũa chứ không thể cứ cầm mic, cứ hát bất chấp thì được gọi và công nhận.

Trong khi đó, Thu Minh, Uyên Linh, Phạm Quỳnh Anh, Lam Trường, Vũ Hà…cho rằng thị trường hiện tại có nhiều phân khúc khán giả khác nhau. Nếu được khán giả chấp nhận thì ắt hẳn gương mặt đó sẽ có cơ hội tồn tại. Hơn nữa, Chi Pu chỉ là một tân binh nên còn nhiều thời gian để rèn giũa, nỗ lực để chuyên nghiệp hơn. 

Nhac Viet 2017 on ao nhung tranh cai, thi phi
Làng nhạc Việt bỗng phân hoá chỉ vì chuyện Chi Pu đi hát

Từ những lần hát yếu, hụt hơi của Chi Pu trên sóng truyền hình, sân khấu thực tế, việc hát live của ca sĩ hiện tại cũng được mang ra tranh luận. Thậm chí, một khoảng thời gian ngắn, đi đến đâu cũng nghe dư luận, người trong nghề bàn về chuyện hát live.

Ồn ào xoay quanh chuyện Chi Pu đi hát lại lan rộng thêm khi một số ca sĩ được cho là cố tình phát ngôn, gây tranh cãi trước khi ra mắt sản phẩm mới. Trong đó, có thể kể đến như Văn Mai Hương, Minh Quân. 

Nhac Viet 2017 on ao nhung tranh cai, thi phi
Ca sĩ Ngọc Anh ra mắt sản phẩm mới, có phát ngôn "đụng chạm" Only C và Chi Dân


Vi phạm bản quyền nhạc trực tuyến: chuyện cũ nhưng chưa bao giờ hết “nóng”

Ngày 16/11, MV triệu lượt xem Chạm khẽ tim anh một chút thôi của Noo Phước Thịnh bị gỡ bỏ khỏi YouTube do đã sử dụng một đoạn nhạc mà không mua bản quyền từ phía Epic Elite. Ngay sau đó, nữ ca sĩ Bảo Anh đã có động thái để tránh gặp sự cố tương tự.

Phía Bảo Anh đã để thêm nguồn, lời cảm ơn tác giả Ivan Torrent khi đã sử dụng 2 bản hoà âm. Đồng thời, ê-kíp của nữ ca sĩ đã liên hệ với tác giả cũng như công ty Epic Elite để xin lỗi, đề nghị mua bản quyền 2 bản hoà âm, giúp MV thoát “án tử” của YouTube. Với động thái tích cực từ phía Bảo Anh, công ty Epic Elite và Ivan Torrent đi đến quyết định chỉ lấy tiền bản quyền với giá trị 100 triệu đồng, chứ không phải hơn 270 triệu đồng (bao gồm tiền phạt) như ê-kíp nữ ca sĩ dự tính.

Nhac Viet 2017 on ao nhung tranh cai, thi phi
 

Năm 2017 này, Mỹ Tâm cũng vướng vào lùm xùm chuyện bản quyền khi cho ra mắt MV Anh thì không. Dù nhận được phản hồi tích cực từ phía khán giả nhưng nữ ca sĩ nhanh chóng bị nhạc sĩ Vũ Xuân Hùng phản ứng gay gắt. Vũ Xuân Hùng cho rằng ca khúc này do ông chuyển ngữ, và Mỹ Tâm khi sử dụng thì chưa hề xin phép. Trước sự việc ồn ào này, Mỹ Tâm đã phải đóng MV Anh thì không trên kênh YouTube với lý do không tìm được tác giả lời Việt của ca khúc. Sau đó, Mỹ Tâm sử dụng bản chuyển ngữ mới do Châu Đăng Khoa viết.

Nhac Viet 2017 on ao nhung tranh cai, thi phi
Chuyện vi phạm bản quyền không còn mới nhưng luôn là vấn đề đáng được quan tâm để góp phần vào sự phát triển văn minh của âm nhạc

Trước những sự việc trong năm 2017 này, chuyện vi phạm bản quyền, sử dụng nhưng không xin phép cũng đã từng là vấn đề được người trong nghề quan tâm đặc biệt. Một số trường hợp như: Tóc Tiên sử dụng Người đàn bà hoá đá của Trần Lập, Bùi Anh Tuấn hát Nơi tình yêu bắt đầu… đều không xin phép. Mấu chốt của câu chuyện này, không nằm ở đồng tiền hay giá trị vật chất mà chính là cách hành xử biết trước biết sau của người trong nghề. Đồng thời, việc tôn trọng bản quyền cũng là một trong những động thái để tiến tới sự văn minh trong âm nhạc.                                                            

Phân biệt vùng miền trong âm nhạc: tranh cãi nảy lửa giữa các nghệ sĩ

Tháng 10/2017, trả lời cho một bài phỏng vấn, ca sĩ Thanh Lam cho rằng: “Không có ngành nghề nào không cần phải học cả. Vì khi không có trình độ thực sự thì không khai thác chiều sâu được, nó chỉ hớt váng được lúc đầu thôi. Nhưng trong miền Nam lại nổi lên nhiều ca sĩ chẳng học hành gì cả mà vẫn nổi tiếng nhờ truyền thông. Tôi đặt dấu hỏi về điều này. Nhưng đó chỉ là dấu hỏi thôi, chứ theo tôi, không nên phân biệt vùng miền”.

Nhac Viet 2017 on ao nhung tranh cai, thi phi
 

Vô tình, hàm ý về nghệ sĩ miền Nam của Thanh Lam trở thành tâm điểm tranh cãi. Rất nhiều ca sĩ, nhạc sĩ như: Đàm Vĩnh Hưng, Quốc Bảo, Ánh Tuyết, Nguyễn Hà, Quách Tuấn Du... đã lên tiếng về câu chuyện này. Có người chỉ trích một cách thẳng thắn, nhưng cũng có quan điểm phân tích rõ ràng để biết Thanh Lam nói ý đó trong hoàn cảnh cụ thể như thế nào.

Bên cạnh người trong nghề, khán giả cũng phản ứng về phát ngôn của Thanh Lam, cho rằng đó là sự phân biệt vùng miền không nên có. Đồng thời, họ chỉ ra rằng khá nhiều ca sĩ ở miền Nam thành công nhưng không hề qua trường lớp. Nhưng cũng có không ít ý kiến đồng tình với Thanh Lam bởi họ cho rằng nhìn vào showbiz hiện tại, tài năng thực thụ không nhiều.

Thu tiền tác quyền âm nhạc: tranh cãi chưa có hồi kết        

Tháng 6/2017, vấn đề thu tiền tác quyền của Trung tâm Bảo vệ Quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam (VCPMC) đã vấp phải nhiều ý kiến trái chiều của dư luận khi nhạc sĩ Phó Đức Phương (Giám đốc VCPMC) công bố sẽ tiến hành thu tác quyền ở bãi giữ xe, bệnh viện, khách sạn… Công tác thu phí này được cho là chưa minh bạch, không hợp lý, đồng thời VCPMC có dấu hiệu đi quá thẩm quyền cho phép.                                                          

Trước những tranh cãi này, Bộ VH-TT&DL phải vào cuộc để giải quyết, thậm chí sự việc được mang ra bàn luận sôi nổi trong phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Ngọc Thiện trong kỳ họp thứ 3 của Quốc hội khoá XIV. Sau đó, Bộ đã dừng các hoạt động này, rà soát lại và kiểm tra, khi nào có được quy định hợp lý hơn sẽ tiếp tục thu.

Nhac Viet 2017 on ao nhung tranh cai, thi phi
Nhạc sĩ Phó Đức Phương, Giám đốc Trung tâm Bảo vệ uyền tác giả Âm nhạc Việt Nam

 Liên quan đến hoạt động thu tiền tác quyền, chi trả cho các nhạc sĩ, Phú Quang đã lên tiếng phản đối gay gắt với những thông tin cho rằng: VCPMC có khoảng 100 tỷ gửi ngân hàng, không kê khai cụ thể mức thu chi… cùng những bất cập trong quá trình hoạt động của trung tâm này.

VCPMC cho rằng nhạc sĩ Phú Quang không chỉ phát ngôn sai sự thật mà còn bị đặt thông tin, làm tổn hại danh dự của trung tâm. Phía VCPMC yêu cầu nhạc sĩ Phú Quang phải chịu trách nhiệm với mọi thông tin mà anh đưa ra, đồng thời gửi lời xin lỗi công khai. Tuy nhiên, đến nay, câu chuyện này ra sao, kết quả thế nào vẫn chưa ai rõ.

Nhac Viet 2017 on ao nhung tranh cai, thi phi
Nhac sĩ Phú Quang

Cấp phép cho những ca khúc trước năm 1975 gây bức xúc dư luận

Ngày 22/3/2017, Cục trưởng Cục NTBD Nguyễn Đăng Chương ban hành Quyết định số 20/QĐ-NTBD tạm dừng lưu hành 5 ca khúc trước năm 1975. Theo ông Chương, những ca khúc này có những vấn đề nhất định, sau khi kiểm tra sẽ cấp phép trở lại. Sau đó, hàng loạt ca khúc quen thuộc, vốn dĩ đã được sử dụng trước đó bất ngờ được liệt vào danh sách chưa được cấp phép phổ biến rộng rãi. Cơ chế xin - cho và làm việc máy móc của cục NTBD bị phản ứng gay gắt.

Nhac Viet 2017 on ao nhung tranh cai, thi phi
 

Ngày 22/5, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo Bộ VH-TT&DL rà soát, đề xuất sửa đổi phù hợp với yêu cầu phát triển. Theo đó, các bài hát đã quen thuộc, nếu không có nội dung ca từ trái với thuần phong mỹ tục, xâm phạm lợi ích quốc gia thì không cần cấp phép phổ biến, không phụ thuộc vào địa điểm, thời gian sáng tác. Ngày 23/5, ông Nguyễn Đăng Chương Cục trưởng Cục NTBD phải lên tiếng xin lỗi công khai vì đã khiến dư luận bức xúc bởi việc làm cứng nhắc, máy móc của Cục.

Ngày 29/5, sau 2 lần xin lỗi công khai, ông Nguyễn Đăng Chương thôi chức Cục trưởng Cục NTBD và chuyển sang đơn vị khác thuộc Bộ VH-TT&DL.

Thuỵ Khuê

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI