Nhạc sĩ Tôn Thất An - Đi con đường riêng thì dễ cô đơn

31/03/2019 - 06:00

PNO - Tôn Thất An là ai? Một nghệ sĩ người Pháp gốc Việt mà năm, bảy năm trước hẳn nhiều khán giả sẽ bối rối khi được hỏi đến, nhưng bây giờ, những người yêu nghệ thuật đã không còn xa lạ.

Anh là người làm nhạc nền cho các bộ phim điện ảnh được giới chuyên môn cũng như khán giả quan tâm như: Người vợ ba, Song Lang, Ròm, Thưa mẹ con đi. Anh làm nhạc cho các vở múa đình đám: Chuyện kể những chiếc giày, Nhà (La maison).

Anh bảo mình làm nhạc như con nít bởi anh đến với các dự án âm nhạc hồn nhiên, vui, hồi hộp và say mê như trẻ con chuẩn bị bước vào một trò chơi mới. Vì vậy, nếu hợp tác với Tôn Thất An về một dự án, đừng thương lượng bằng tiền mà hãy báo trước một “deadline” đủ dài để anh có thể làm chu đáo nhất.

Nhac si Ton That An - Di con duong rieng thi de co don

Tôn Thất An không chỉ là nhà soạn nhạc mà còn là mẫu nghệ sĩ đương đại cùng với các dự án kết hợp nhiều hình thức nghệ thuật với nhau: âm nhạc, múa, nhiếp ảnh, điện ảnh, hội họa… như trong các phim ngắn anh làm - Yet Untitled (redux) hay dự án nghệ thuật [Feel] in/out mà anh khởi xướng.

Khi làm nhạc phim, nhạc sĩ không cố làm khán giả nhớ nhạc của mình 

Phóng viên: Nhạc sĩ Tôn Thất An soạn nhạc cho dàn nhạc, các vở múa và nhiều thứ khác nữa… nhưng khán giả Việt Nam biết anh nhiều hơn ở vai trò viết nhạc phim. Việc viết nhạc phim đến với anh như thế nào?

Bố tôi cho tôi nghe nhạc cổ điển rất nhiều, mẹ tôi lại cho tôi nghe nhạc Trịnh Công Sơn và ca Huế, vì từng sống mười năm ở London nên bà còn cho nghe các thể loại nhạc như jazz của Âu Mỹ. Nói chung, phần nhiều tôi nghe nhạc Tây. Cho đến lúc xem phim châu Á, tôi thấy nhạc phim hay nên mua các đĩa nhạc phim soundtrack. Ngoài 30, sang Nhật, Hàn Quốc, Thái Lan… tôi bắt đầu để ý đến các loại nhạc người ta nghe. Có giai đoạn tôi rất thích nhạc Ấn Độ. Hai bố con tôi đều thích nhạc raga của Ấn Độ.

Lúc 6, 7 tuổi đến hơn 10 tuổi, tôi toàn nghe nhạc cổ điển, từ 14 tuổi tôi tự nhủ: “Thôi mình không làm ông cụ non nữa, mình sẽ nghe nhạc của tuổi trẻ nhiều hơn”. Thế là tôi bắt đầu để ý các loại nhạc: Nam Mỹ, châu Phi, Thổ Nhĩ Kỳ… Tôi không nói nhạc bây giờ không hay nhưng quả là nhạc thời đó hay đặc biệt (cười). Thập niên 80, thời của David Bowie, Madonna, Prince, Michael Jackson… là một thời rất vui của âm nhạc.

Nhạc sĩ Tôn Thất An 

Nhạc sĩ Tôn Thất An: Với phim Người vợ ba, chị Trần Nữ Yên Khê (diễn viên, vợ đạo diễn Trần Anh Hùng) đề nghị nhà sản xuất Trần Thị Bích Ngọc nói với tôi về việc hợp tác. Trước đó, họ chưa biết nhạc của tôi ra sao nhưng có đặt hàng bố tôi (nhà soạn nhạc nổi tiếng Tôn Thất Tiết - người đã làm nhạc cho các bộ phim: Mùi đu đủ xanh, Xích lô của Trần Anh Hùng và Mùa len trâu của Nguyễn Võ Nghiêm Minh - PV). Vì lớn tuổi và đã bận rộn với các dự án khác nên ông từ chối.

Tôi thích cách nói chuyện của Ngọc, sau đó được cô mời đi xem vài cảnh quay, tôi quá thích nên quyết định cộng tác. Bộ phim Ròm do anh Trần Anh Hùng giới thiệu, còn phim Thưa mẹ con đi do Ngọc giới thiệu… Tất cả đều được người khác giới thiệu.

* Cách viết nhạc của anh từ lúc làm nhạc phim so với trước kia có gì khác nhau không?

- Tôi chỉ mới bắt đầu làm nhạc phim trong hai năm với bốn phim vừa kể, trước đó có vài phim truyền hình và một số phim ngắn. Âm nhạc cho mỗi dự án như múa, ca khúc, nhạc phim… có khác nhau nhưng người nghe nhìn ra phong cách của tôi ngay. Phong cách giống như khuôn mặt của mỗi người nên không khó nhận ra. Chẳng hạn như khi bạn viết một bài báo, cách bạn thể hiện qua ngôn từ và tư duy sẽ khiến độc giả nhìn ra bạn.

Nhac si Ton That An - Di con duong rieng thi de co don
Nhạc sĩ Tôn Thất An (trái) đang làm nhạc cho phim Người vợ ba

* Với khán giả thông thường, sau một bộ phim, hầu hết họ sẽ không nhớ các đoạn nhạc trong phim. Làm thế nào để khán giả nhớ chúng?

- Âm nhạc là một phần của bộ phim; cũng quan trọng như hình ảnh, câu chuyện và tất nhiên là cả diễn xuất. Nhưng âm nhạc nên để khán giả có đủ không gian để cảm nhận riêng về bộ phim. Thật tuyệt nếu khán giả nhớ đến âm nhạc. Tuy nhiên, nó sẽ thành vấn đề khi âm nhạc gạch chân câu chuyện hay là những gì mình thấy trên màn hình.

* Những đoạn nhạc trong phim sẽ làm được gì sau đó hay chúng chỉ có thể sử dụng trong phim? 

- Tôi luôn luôn "tái chế" âm nhạc không sử dụng. Khi sáng tác nhạc cho một bộ phim, tôi thường viết các đoạn dài đầy đủ, vì tôi không thể chỉ sáng tác các phân khúc ngắn. Âm nhạc phải theo sự phát triển đầy đủ của nó.

Ví dụ trong phim Người vợ ba, tôi chỉ sử dụng mỗi đoạn chừng 15 giây trong bài 6 phút. Sau đó, tôi có thể dùng chất nhạc đó soạn lại cho bài múa hoặc một dự án nào khác. Trong trường hợp này, Công ty thu âm Milan (Pháp) sẽ ra CD của âm nhạc đã được dùng trong bộ phim, bản đầy đủ của phần nhạc mà tôi sáng tác cho bộ phim.

Tôi là người Việt sinh ra ở Pháp 

* Khi làm việc với người nước ngoài, anh không nói mình là người Pháp mà là nhạc sĩ Việt Nam, sinh ra ở Pháp. Điều gì làm anh tự hào để nói rằng: “Tôi là người Việt Nam”?

- Từ cuộc đời riêng của tôi thôi. Tôi sinh ra ở Pháp nhưng ngôn ngữ đầu tiên được học là tiếng Việt. Đến tuổi đi học, tôi không biết nói tiếng Pháp, tên tôi lại đọc gần giống chữ con lừa (âne) và giống tên con gái (Anne) nên tôi thường bị trêu là “con lừa” hoặc một đứa con trai mang tên con gái, rất khổ sở. Đến năm 20 tuổi, tôi được bố đưa về Việt Nam lần đầu tiên vào dịp lễ mừng thọ của bà nội tôi. Vượt qua cái khó chịu ban đầu vì nắng nóng, khi đến Huế, tôi cảm thấy rất thú vị vì lúc nào cũng được nghe tiếng Việt (giọng Huế). Tôi thấy Việt Nam thật đẹp, cứ vậy mọi thứ trong tôi dần dần thay đổi. 

Nhac si Ton That An - Di con duong rieng thi de co don

* Vậy trước 20 tuổi, anh có sợ bị nói mình là người Việt Nam không?

- Lúc tôi bắt đầu sáng tác nhạc, trong một lần đi xem một chương trình múa, tôi thích quá nên xin gặp người biên đạo để ngỏ ý muốn chơi nhạc thì không ai thèm trả lời tôi. Có thể vì tôi là người Á Đông nên họ không tin cậy. Vậy nhưng khi tôi sang các nước châu Á, người ta chỉ hỏi tôi người gốc ở đâu và không hỏi thêm gì nữa, nên tôi thoải mái khi làm việc ở các nước đó.

Từ chỗ bối rối khi bị coi là người Việt Nam cho đến lúc tự tin nói mình là người Việt Nam là một quá trình tôi tìm kiếm và giữ gìn hình ảnh của mình mà không phải khoác lớp áo của ai khác.  

* Trong gia đình anh, ngoài việc là người Việt Nam, có phải mọi người còn có sự tự hào về một gia tộc và nhắc nhở nhau phải giữ gìn những thứ mình có?

- Không phải tự hào mà có những lý do khác để người ta giữ cái gốc của mình. Cha mẹ tôi sang Pháp khi còn trẻ. Dẫu rất lâu không về nước nhưng ông bà luôn ý thức được rằng cần giữ gìn nét văn hóa riêng của mình. Vì vậy, nếu một gia đình giáo dục một đứa trẻ giữ cái chất Việt Nam thì không phải chỉ vì giữ cho riêng đứa trẻ mà cũng chính là giữ cho họ. Nhưng nó khác với kiểu giáo dục rằng mình là người Việt Nam thì phải làm sao để không bị mọi người chỉ trích nhé. Tôi không đồng ý với kiểu này vì nó làm đứa trẻ mất tự tin vì sợ đủ thứ.

* Lúc nhỏ khi học nhạc, bố anh có thường nói với anh về nhạc Việt Nam không?

Bố không nói gì, ông chỉ cho tôi nghe, như ca Huế, ca trù, còn mẹ tôi thì thích nghe nhạc của Trịnh Công Sơn, Phạm Duy và giọng hát của Khánh Ly… Lúc tôi còn nhỏ, những loại nhạc đó hơi khó nghe đối với trẻ con nhưng ca Huế thì vui, nhiều bài có lời rất dễ thương. Mẹ tôi thường dạy tôi những bài hát đó. Tôi nhớ lúc ấy nhà tôi có mấy băng từ cứ nghe đi nghe lại hoài (cười).  

Đừng sợ!

* Trong lúc viết nhạc, anh có thường trăn trở làm sao để người nghe thấy chất Việt Nam trong nhạc của anh không?

- Tôi không nghĩ đến điều đó mà chỉ làm những gì tôi thích, không nhất thiết phải cố để tạo ra chất Việt Nam. Lúc đầu học nhạc cổ điển, học piano, tôi đã nghĩ rất nhiều về điều này. Tại sao mình cứ phải làm theo lời thầy nói, mỗi lần tôi đánh theo cách mình muốn thì bị phạt. Chỉ có điều khi đi con đường riêng thì dễ cô đơn, mà nhiều người không chịu được cô đơn. Tôi đã tập không nghe lời, không ngại nghe người khác chỉ trích hay sợ người khác nói xấu mình. Muốn vậy, tôi đã phải nỗ lực tìm tòi, học hỏi để hiểu biết nhiều. Khi tôi bắt đầu làm nhạc thì thấy rất mừng vì mình đã chọn cách sống như vậy, chứ nếu tôi cứ mãi nghe lời thì không biết bây giờ mình đang ở đâu. 

Nhac si Ton That An - Di con duong rieng thi de co don
 

* Lúc nào cũng muốn bước ra khỏi mọi khuôn khổ, có khi nào anh bị mông lung vô định, không biết mình đang làm gì và mình nên như thế nào?

- Có chứ, như lúc viết bản trắng đen của Người vợ ba, tôi như đứa con nít bắt đầu một trò chơi mới với vô vàn thắc mắc: phải chơi cách nào, chơi được hay không... Một số người sợ bước đến chỗ mình không biết nên cứ ở vùng an toàn, mặc dù viết vẫn hay nhưng mãi lặp đi lặp lại. Tôi nghĩ người trẻ thì không nên như vậy. Có thể người khác nghĩ tôi khó khăn nhưng nếu cùng làm việc với những người không biết sợ thì sẽ đi đến nhiều bất ngờ, như vậy vui hơn.

* Vì khi đó người nghệ sĩ thấy mình tự do?

- Một nghệ sĩ luôn phải đứng trước các câu hỏi: phải thành công, phải làm cho nhiều người thích hay làm cái mình thích và cần thời gian để trả lời. Tìm ra đáp án đúng sẽ thấy mình tự do. Lúc trẻ ai cũng thích bắt chước và cần bắt chước, sau đó mình sẽ hiểu cái này được, cái kia không được; cái này mình thích, cái kia không thích; cái này phù hợp với mình, cái kia không phù hợp… Cứ vậy từ từ phong cách riêng của mỗi người sẽ hiện ra. Với một nghệ sĩ hình thành được phong cách và yêu tự do, không ai có thể ép anh ta làm điều anh ta không thích.

Tôi thường nói với bạn bè rằng cứ làm đi, đừng sợ, nhưng nếu không thích dự án ấy thì đừng làm, cũng đừng sợ người khác chê cười nghĩ rằng mình không làm được. 

* Ai cũng thích sáng tạo nhưng không phải lúc nào cũng làm được. Ngoài việc dám làm, còn điều gì nữa giúp cho quá trình sáng tạo của nghệ sĩ được lâu dài?

- Tôi nghĩ đời sống của mình là chơi, như con nít, không phải là trách nhiệm hay bổn phận gì cả nên không phải làm việc chỉ để người này người kia hài lòng mà cốt làm sao để chơi vui nhất. Đương nhiên, khi làm nhạc, tôi làm rất kỹ càng. Đứng trước các dự án, tôi luôn chọn những thứ đặt mình vào thử thách. Phần nhiều khi nhận các dự án tôi đều không biết mình làm nổi không. Ban đầu, tôi thường không đủ tự tin và hay tự hỏi: tại sao mình nhận cái đó? Mình có làm tốt cho người ta không?... rồi cuối cùng cũng tìm ra được cách làm. Tôi thích như vậy vì nó đem lại nhiều cảm giác, đặc biệt nhất là cảm giác chinh phục được thử thách. 

Nhac si Ton That An - Di con duong rieng thi de co don
 

* Luôn thích thử thách, anh thấy mình thế nào qua mỗi thử thách?

- Tôi tưởng hiểu mình hơn nhưng khi đến với thử thách tiếp theo mới thấy thật ra mình chẳng hiểu gì cả (cười). Nhưng tôi tự tin hơn, dù trước đó không biết chắc kết quả. Chẳng hạn, khi làm nhạc bản trắng đen/câm cho phim Người vợ ba, suốt mấy tháng trời tôi bị stress, không biết mình sẽ làm như thế nào, đi hướng nào nhưng tự dặn trong đầu: thôi đừng lo, cứ đi chơi, gặp bạn, xem phim, nghe nhạc, chụp hình… đến khi các ý tưởng nảy ra trong đầu thì quay về làm.

Vì thích thử thách nên tôi dám làm nhiều thứ và tin cậy khán giả. Cách đây bốn năm, tôi làm [Feel] in/out. Lúc đầu chỉ là hợp tác viết nhạc cho vũ đoàn Arabesque và biên đạo múa Tấn Lộc. Sau đó, tôi liền nghĩ đến cách làm một dự án nghệ thuật. Tại sao không dùng không gian Nhà hát Lệ Thanh (Q.5, TP.HCM) mời các nghệ sĩ Việt Nam và nước ngoài đang ở Sài Gòn cùng tham gia các hoạt động chiếu phim, múa đương đại triển lãm sắp đặt, biểu diễn…

Ban đầu, nhiều người bàn lui rằng khán giả không biết, không hiểu hay không thích đâu. Tôi nói: “Thì mình làm cho họ biết”. Những ngày [Feel] in/out diễn ra đã biến một nhà hát cũ như Lệ Thanh trở thành một không gian đặc biệt, mọi người đến đó chia sẻ với nhau về nghệ thuật. Tôi nghĩ muốn khán giả biết thì nên làm từ từ để họ cảm nhận. 


Lam Hạnh (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI