Nhạc sĩ Phạm Tuyên: 'Lòng tôi hoà chung tiếng lòng dân tộc'

19/02/2019 - 12:00

PNO - Cuộc chiến tranh biên giới Việt - Trung từng tránh được nhắc đến ngót bốn mươi năm. Nhưng những ca khúc của thời kỳ ấy hàng năm vẫn lặng lẽ vang lên.

Nhạc sĩ Phạm Tuyên đã đi qua ba cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm của dân tộc. Song không có cuộc chiến nào để lại trong ông nhiều cảm xúc khó diễn tả như cuộc chiến bảo vệ biên giới, chống quân bành trướng Trung Quốc xâm lược năm 1979. Bốn mươi năm đã trôi qua, những ngày tháng ấy vẫn luôn là ký ức chẳng thể mờ phai.

Cả dân tộc gồng mình trước cuộc chiến mới

Sớm ngày 17/2/1979, loạt súng đạn đầu tiên đã khiến dọc dải biên cương bàng hoàng, khắp Lai Châu, Lào Cai, sang Hà Giang, Cao Bằng, Quảng Ninh, đến “Chiều Lạng Sơn súng nổ rụng hoa đào/ Những giọt máu của vườn cây vung vãi” (Thơ Nguyễn Duy). Đêm hôm đó, khi nghe tin Trung Quốc phát động cuộc chiến tranh với âm mưu “vẽ lại đường biên giới”, nhạc sĩ Phạm Tuyên đã thấy đây thực sự và rõ ràng là một cuộc chiến tranh tàn khốc.

Nhac si Pham Tuyen: 'Long toi hoa chung tieng long dan toc'
Bốn mươi năm qua, nhạc sĩ Phạm Tuyên chưa bao giờ quên được những tháng ngày khốc liệt của cuộc chiến chống quân bành trướng Trung Quốc xâm lược.

Hoà bình, thống nhất mới được mấy năm, bao đau thương còn đang hiện hữu. Cả dân tộc đang chung tay khắc phục những thiệt hại, mất mát. Ông đã nghĩ rằng từ đây mình chỉ còn viết những ca khúc về lao động sản xuất, hăng say xây dựng đất nước mà thôi. Nhưng chỉ vỏn vẹn hai năm sau ngày thống nhất, nhiều cuộc xung đột nhỏ lẻ giữa nước ta và láng giềng Trung Quốc đã xảy ra. Năm 1977 – 1978, nhạc sĩ Phạm Tuyên cùng Bộ Tư lệnh Biên phòng đi khắp các tỉnh biên giới, ông cũng đã có những ca khúc về người chiến sĩ biên thuỳ. Nhưng những tiếng súng đe dọa phên giậu của Tổ Quốc ngày 17/2/1979 vẫn khiến ông bàng hoàng, chẳng ngờ tình hình biên giới lại diễn ra phức tạp đến thế.

Nhac si Pham Tuyen: 'Long toi hoa chung tieng long dan toc'

Rồi lời lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc Đặng Tiểu Bình khi đó, trong bản tin, rằng phải dạy cho Việt Nam một bài học đã khiến ông run lên vì căm phẫn. Ngay đêm 17/2/1979, nhạc sĩ Phạm Tuyên đã viết Chiến đấu vì độc lập tự do (thường được biết đến với tên gọi Súng đã vang trên bầu trời biên giới) bằng những xúc cảm thiêng liêng như thế: “Việt Nam! Ôi nước Việt yêu thương! Lịch sử đã trao cho người một sứ mạng thiêng liêng. Mang trên mình còn lắm vết thương. Người vẫn hiên ngang ra chiến trường”.

Khi viết những dòng điệp khúc, chiếm trọn tâm trí ông là nước Việt đau thương, là xương máu cha ông đã chất chồng bao thế hệ để bảo vệ dải đất này; như thể đó là sứ mệnh bi hùng mà lịch sử đã đặt lên vai người Việt. Đêm đầu tiên (20/2/1979) bài hát được phát trên sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam, các chiến sĩ từ Quân khu V và Tây Nguyên đã điện ra và nói với nhạc sĩ rằng: “Nghe xong ca khúc, chúng tôi chỉ muốn lên biên giới góp máu xương của mình để bảo vệ mảnh đất biên cương của Tổ quốc”.

Nước da của tuổi chín mươi đã bạc màu, đôi mắt mờ đùng đục, ông rưng rưng bảo khi nghe những phản hồi ấy từ người lính, ông đã rất xúc động. Bởi bấy giờ ông cảm nhận rất rõ sức mạnh của âm nhạc trong cuộc vệ quốc vì độc lập, tự do. Rồi nghĩ đến bao chiến sĩ đã hy sinh, bao người dân vô tội đã ngã xuống, lòng ông không thể nào yên, hạnh phúc sống với sức mạnh âm nhạc ấy đã thôi thúc hơn trách nhiệm của người chiến sĩ – nhạc sĩ: âm nhạc phải là vũ khí.

Nhac si Pham Tuyen: 'Long toi hoa chung tieng long dan toc'

Nhắc đến máu xương, giọng nói vốn chậm rãi của ông lại càng như giãn đến mênh mông: “Tâm trí tôi không thể nào yên, cả trái tim và khối óc lúc nào cũng muốn vang lên những hành khúc gấp gáp để cổ vũ, động viên tinh thần chiến sĩ, đồng bào nơi tiền tuyến. Cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc là cuộc chiến tôi viết nhiều bài hát nhất, nhưng đó cũng là cuộc chiến tôi chứng kiến và nhận rõ những đau thương, mất mát nhiều nhất”.

Lịch sử muôn đời duyệt lại

Từ năm 1954 đến 1958, nhạc sĩ Phạm Tuyên được cử làm cán bộ phụ trách Văn - Thể - Mỹ tại Khu học xá bên Nam Ninh (Trung Quốc). Bốn năm ở ký túc xá, ông đã có nhiều người bạn Trung Quốc, gắn bó sâu sắc với nhau. Kể cả sau này mỗi dịp gặp lại, họ vẫn dành cho nhau sự trân quý, vẫn nắm tay và nói sẽ không bao giờ quên nhau. Nhưng chiến tranh là chiến tranh, đau thương, mất mát cũng vĩnh viễn tạc dạ, ghi lòng.

Nhac si Pham Tuyen: 'Long toi hoa chung tieng long dan toc'
Bộ đội Việt Nam đánh trả quân xâm lược phía Bắc năm 1979- Ảnh tư liệu.

Chiến tranh bảo vệ biên giới, nhạc sĩ Phạm Tuyên còn chứng kiến chính con gái mình tiễn thầy giáo Việt lên đường tòng quân: “Ngày mai thầy lên đường. Đi làm anh bộ đội. Tạm biệt mái trường xinh để lên miền biên giới”, “Nao nức bao lớp người. Lên đường ra mặt trận. Bảo vệ đất của ta. Chẳng cho giặc xâm lấn. Trong tiếng hát hành quân. Có giọng em hát cùng. Chúc thầy đi mạnh khoẻ. Lập thêm những chiến công”; hồn nhiên đấy, nhưng cũng đầy xa xót.

Chiến tranh bảo vệ biên giới, còn là nén tâm nhang Có một đoá Hồng Chiêm dâng tặng liệt sĩ Hoàng Thị Hồng Chiêm hy sinh trên đỉnh chốt Pò Hèn (Quảng Ninh) đúng cái ngày “súng đã vang trên bầu trời biên giới” (17/2/1979). Trên mặt trận Lào Cai, trong sục sôi của cuộc chiến khốc liệt, trước dã tâm của giặc thù, những người lính vẫn lạc quan, đêm khuya gảy đàn, cất tiếng hát với niềm tin chiến thắng ngoại xâm, giữ vững chủ quyền dân tộc (bài hát Tiếng đàn bên bờ sông biên giới)…

Nhac si Pham Tuyen: 'Long toi hoa chung tieng long dan toc'
Bài hát Chiến đấu vì độc lập tự do ra đời ngay trong đêm 17/2/1979.

Người ta vẫn bảo nhạc sĩ Phạm Tuyên là người viết lịch sử bằng âm nhạc, nhưng ông chưa bao giờ có ý nghĩ làm điều to tát ấy. Ông bảo đó chỉ là tình cảm và trách nhiệm của bản thân trước các sự kiện của dân tộc. Còn những sáng tác chạm đến và đọng lại nơi trái tim mọi người, có chăng là vì tiếng nói của ông đã hoà vào tiếng lòng của họ, hoà vào hồn thiêng của sông, của núi trên dải đất chinh chiến liên miên này.

Ca khúc Chiến đấu vì độc lập tự do

Cuộc chiến tranh biên giới Việt - Trung từng tránh được nhắc đến ngót bốn mươi năm. Nhưng những ca khúc của thời kỳ ấy hàng năm vẫn lặng lẽ vang lên. Nụ cười thường trực, người nhạc sĩ già bảo mỗi lần được nghe lại ông đều thấy mừng. Không phải vì bài hát của ông được nhắc đến, mà đó là sự nhắc nhớ sự kiện lịch sử đau thương mà hào hùng của dân tộc. “Lịch sử muôn đời lặp lại/ Không ai lừa được cuộc đời” (thơ Lê Đạt). Ngày hôm nay, cuộc chiến chống quân bành trướng Trung Quốc xâm lược – cuộc tự vệ chính nghĩa tháng Hai đã được trở về cùng lịch sử.

Nhạc sĩ Phạm Tuyên sinh năm 1930, quê ở Hải Dương. Ông là con thứ chín của học giả Phạm Quỳnh (người nổi tiếng với câu nói “Tiếng ta còn, nước ta còn”). Năm 1949, ông công tác tại Trường Lục quân Trần Quốc Tuấn. Năm 1950 ông là Đại đội trưởng tại Trường Thiếu sinh quân Việt Nam. Từ năm 1958, nhạc sĩ Phạm Tuyên công tác tại Đài Tiếng nói Việt Nam, đảm nhiệm nhiều chức vụ chỉ đạo về biên tập âm nhạc. Trong cuộc vệ quốc này, ông đã có sáu tác phẩm: Chiến đấu vì độc lập tự do, Chúng tôi là đồng đội của Lê Đình Chinh, Quyết đánh tan quân xâm lược, Tiếng đàn bên bờ sông biên giới, Có một đoá Hồng Chiêm, Tiễn thầy giáo đi bộ đội. Bài hát Chiến đấu vì độc lập tự do đã mở đầu cho “dòng nhạc” “biên giới phía Bắc”.

Ngọc Minh Tâm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI