Nhà văn Võ Diệu Thanh: Viết mãi, vẫn chưa hết về Ba Chúc

01/11/2019 - 16:52

PNO - Những nhân vật trong tác phẩm của nhà văn Võ Diệu Thanh đều mang nỗi đau, nhưng đó lại là những trang văn ấm tình người.

Ngày 2/11, bộ phim tài liệu từ tác phẩm Về từ hành tinh ký ức sẽ được phát sóng trên Đài truyền hình Việt Nam. Một bản thảo dày hơn 300 trang viết tiếp về cuộc thảm sát của Pol Pot tại Ba Chúc (H.Tri Tôn, tỉnh An Giang) của nhà văn Võ Diệu Thanh cũng vừa được gửi đến Tao Đàn Books. Hiện tại, tiểu thuyết Viên đạn về trời của chị vừa được nhà xuất bản Trẻ phát hành. 

Nha van Vo Dieu Thanh: Viet mai, van chua het ve Ba Chuc
Nhà văn Võ Diệu Thanh trong những thước phim tư liệu Từ nơi tận cùng

1. Những nhân vật trong tác phẩm của nhà văn Võ Diệu Thanh đều mang nỗi đau, nhưng đó lại là những trang văn ấm tình người. Như Viên đạn về trời, những con người thời hậu chiến loay hoay trong khối hỗn độn của mất mát, yêu thương, thù hận. Người đọc có lúc sẽ thấy ngột ngạt như chính cuộc vùng thoát của nhân vật, nhưng cuối cùng, đã có những lựa chọn thật sự là con đường giải thoát cho tất cả hỗn mang đời người. 

Võ Diệu Thanh nói chị có một tuổi thơ buồn, lặng lẽ chịu đựng, một mình nhìn ngắm cuộc sống như đứa trẻ - nhân vật trong tiểu thuyết Viên đạn về trời. “Cũng có thể coi đây là một phần tự truyện của tác giả. Tôi từng trải qua những điều khủng khiếp như nhân vật chính của tiểu thuyết đã trải qua” - Võ Diệu Thanh tâm sự. Một trong những “điều khủng khiếp” đó chính là bị người mình yêu thương chĩa súng vào đầu, không phải vì thù hận, mà vì ghen tuông. Nhân vật tôi của Viên đạn về trời còn phải chịu sự giằng xé nội tâm khi yêu con của một người từng giết chết ông nội mình. 

Viên đạn về trời gói ghém những ý tưởng lớn trong một cách kể có phần liêu trai, với những nhân vật hơi cổ quái. Chiến tranh đã trôi qua gần nửa thế kỷ, vẫn có một cách khác để hậu thế viết về cuộc chiến trong góc nhìn đương đại. Những thân phận thời hậu chiến phải đối mặt giữa những ranh giới, ràng buộc và cả tội lỗi đã từng gây ra từ hơn bốn mươi năm trước.

“Tôi vẫn bị ám ảnh về chiến tranh. Tiểu thuyết Viên đạn về trời, tôi lấy tình yêu làm nền để kể những câu chuyện về thân phận con người, về gia đình, chiến tranh, và cả tôn giáo. Nhân vật có nhiều thắc mắc về cuộc sống, có những suy nghĩ thoát ra khỏi quy luật tự nhiên, thông qua đó cũng chống lại cái gọi là bè phái, lập nhóm để triệt hạ nhau” - nhà văn đất An Giang chia sẻ. “Viên đạn về trời được viết một cách chân thành và có chiều sâu, có thể được xem là thành tựu mới của Võ Diệu Thanh - Một tác phẩm văn chương hữu ích, có khả năng soi rọi và hướng thiện” - nhận xét trên bìa 4 của nhà xuất bản Trẻ dành cho tác phẩm. 

Nha van Vo Dieu Thanh: Viet mai, van chua het ve Ba Chuc
Tiểu thuyết Viên đạn về trời của Võ Diệu Thanh

2. Bộ phim tài liệu Từ nơi tận cùng, lấy chất liệu những câu chuyện hồi ức trong cuốn Về từ hành tinh ký ức của nhà văn Võ Diệu Thanh. Phim có thời lượng chỉ 25 phút, nhưng được quay liên tục trong 16 ngày, với những nhân chứng, di tích lịch sử ghi dấu cuộc thảm sát kinh hoàng của Pol Pot tại An Giang. Nhà văn Võ Diệu Thanh là người dẫn chuyện. Phim sẽ được phát sóng lúc 21g20 ngày 2/11 trên kênh VTV1. 

Đọc Về từ hành tinh ký ức (Tao Đàn Books và nhà xuất bản Hội Nhà văn phát hành năm 2018), tôi cứ nghĩ sự thật tàn khốc nhất mà những người trong cuộc chứng kiến đã được kể ra. Tội ác tày trời của Pol Pot và sự bi thảm khốc liệt mà người dân An Giang đã phải gánh chịu. Nhưng không phải. Nhà văn Võ Diệu Thanh nói đó chỉ mới là 2/10 những ký ức khủng khiếp nhất mà chị được nghe kể. Chị nói mình còn phải đi nhiều, tiếp cận thêm nhiều nhân chứng sống nữa.

“Tôi muốn viết tiếp, từ nhiều góc độ, từ nhiều chứng nhân may mắn sống sót sau cuộc thảm sát. Về từ hành tinh ký ức là câu chuyện chỉ mới bắt đầu khi Pol Pot tấn công Ba Chúc. Nhưng rồi khi chúng đã chiếm hẳn nơi này, rất nhiều bi kịch khủng khiếp đã xảy ra. Bọn chúng khi ấy đã xem giết người là thú vui” - những chia sẻ của người đi tìm lại lịch sử có lúc khiến người nghe lặng thắt. Chiến tranh thật sự đã qua rồi, nhưng tàn dư của nó, dấu vết, bi thương, ám ảnh vẫn còn hằn trên từng tấc đất, từng cuộc đời năm xưa. 

3. “Tôi thường mơ thấy mình đang ở giữa cuộc chiến. Ngày tôi còn nhỏ, mấy đứa bạn nghe tiếng pháo dài hàng chục thước ở nhà người giàu, tụi nó thường chạy lại xem và lượm pháo. Tôi thì bịt tai trốn trong nhà, bởi luôn cảm giác tiếng pháo là âm thanh của một trận chiến lớn rất gần” - nhà văn tự sự. Cuộc lần dấu ký ức chiến tranh của chị còn có ký ức về ba - người trở thành nhân vật trong tiểu thuyết Viên đạn về trời, mà cũng là chứng nhân duy nhất sống sót sau trận dội bom B52 ở rừng U Minh. 

“Những người ngủ cùng trảng sê với ba đều không toàn thây. Tay chân, mình mẩy họ nát vụn văng khắp nơi, trộn trong đất. Bản thân ba thì bị vùi trong đất chỉ còn nhô lên được cái đầu. Trên đầu ba, tràm bom bị xới tung, ba bươi đất bò ra khỏi hố bom…” - những trận chiến, những ký ức về chiến tranh được Võ Diệu Thanh viết lại chân thực, bằng cả sự đau đớn và mức độ khủng khiếp, kinh hoàng của nó. 

 “Lửa vẫn cháy. Nó cháy đến khi nào tàn sứ mệnh của nó” - trích đoạn cuối Viên đạn về trời. Và có lẽ, với nhà văn Võ Diệu Thanh, việc tìm kiếm, lắng nghe, ghi chép lại, cho đến tận cùng sự thật của lịch sử, cũng là một sứ mệnh của người cầm bút. 

Bùi Tiểu Quyên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI