Nhà văn Nguyễn Trương Quý - Sức mạnh của những câu chuyện nhỏ

24/02/2019 - 06:00

PNO - Anh không thích viết những cái gọi là 'bom tấn'; thay vào đó là những câu chuyện nhỏ, vặt vãnh… nhưng lại đi tới tận cùng và mang tính phổ quát.

Nhà văn Nguyễn Trương Quý nói, anh không kỳ vọng Một thời Hà Nội hát sẽ trở thành một cuốn du khảo ăn khách nhưng ai đồng cảm có lẽ sẽ yêu thích. Anh không thích viết những cái gọi là “bom tấn”; thay vào đó là những câu chuyện nhỏ, vặt vãnh… nhưng lại đi tới tận cùng và mang tính phổ quát.

Quý nói, mỗi cộng đồng đều có nhu cầu tạo ra huyền thoại. Với Một thời Hà Nội hát, bên cạnh gợi lại “buổi hoàng hôn của đô thành cũ” gắn với huyền thoại đô thị phố phường một thời, có thể thấy, anh đã tạo ra một huyền thoại của riêng mình, để đắm đuối vào đó, ít nhất là trong một thời gian… đủ dài. 

Nha van Nguyen Truong Quy - Suc manh cua nhung cau chuyen nho
Nhà văn Nguyễn Trương Quý

Đoàn Chuẩn có nhiều yếu tố khiến tôi đi đến cùng câu chuyện

Phóng viên: Nguyễn Trương Quý khảo cứu về con đường hình thành nên huyền thoại của đời sống thị dân Hà Nội trong giai đoạn trước và sau năm 1954 thông qua điển mẫu là nhạc sĩ Đoàn Chuẩn. Tại sao lại là giai đoạn này, thưa anh?  

Nhà văn Nguyễn Trương Quý: Tôi để ý thấy giai đoạn chuyển tiếp từ 1954 - 1955 sau chiến thắng Điện Biên Phủ rất ảnh hưởng đến nhạc sĩ này. Tôi từng tự hỏi, tại sao, hơn nửa số ca khúc của ông lại được viết sau năm 1954? Đó là giai đoạn giao thời, có nhiều câu chuyện xoay quanh vấn đề đô thị, vấn đề chuyển hóa, tiếp biến đời sống - văn hóa - xã hội - tinh thần của Việt Nam.

Ở giai đoạn đó, mặc dù lấy vĩ tuyến 17 làm giới tuyến quân sự tạm thời nhưng con người ở hai miền Nam - Bắc vẫn chia sẻ chung một ký ức, một cảm xúc văn hóa, một câu chuyện. Nhiều bản nhạc của nhà xuất bản Tinh Hoa, An Phú… ở miền Nam vẫn có đại lý ở ngoài Bắc.

Trong quá trình đi tìm tư liệu, tôi bắt gặp không ít câu chuyện thú vị. Bên cạnh một hệ thống có vẻ “chính thể”, vẫn còn một hệ thống khác, sống trong thành vùng tạm chiếm, họ không bị chi phối bởi thời cuộc nhiều nhưng rõ ràng, ít được người ta nhắc đến. 

* Nhưng sao lại là Đoàn Chuẩn mà không phải là những người khác?

- Tôi vốn ấp ủ viết một câu chuyện cụ thể, tập trung vào một nhân vật nào đó. Hồi nhạc sĩ Phạm Duy còn sống, có người đặt hàng tôi viết về ông và tôi cũng gặp ông mấy lần nhưng sau đó tôi nhận thấy mình chưa đủ kiến thức và quan trọng hơn, Phạm Duy chưa phải là một câu chuyện khiến tôi yêu thích như Đoàn Chuẩn nên thôi. Đoàn Chuẩn có nhiều yếu tố khiến tôi đi đến cùng câu chuyện này. 

Tôi ngạc nhiên là trên báo chí thời kỳ này, tên ông gần như không xuất hiện, các chương trình biểu diễn ở đài phát thanh Hà Nội thời tạm chiếm không tìm thấy bài Đoàn Chuẩn, dù ông sáng tác từ năm 1947 và ông nổi tiếng thời đó vì là một tài tử.

Ngay rạp Đại Đồng ông sở hữu suốt một năm, ngày nào cũng quảng cáo các bài hát nhưng không hề có bài của ông. Ông là một trong những người tham gia diện mạo âm nhạc Hà Nội, bên cạnh hội chính thống, là hội của những người dạy nhạc, quyết định nên diện mạo sôi nổi, rộn ràng của âm nhạc thời kỳ ấy. Thời kỳ này, các buổi ca nhạc trữ tình xuất hiện khá dày đặc.

Người ta thường mặc định người Hà Nội lột xác nhanh chóng, âm nhạc lãng mạn và âm nhạc cảm hứng trữ tình không hề tồn tại sau năm 1954. Nhưng thực tế đã chứng minh, thậm chí, nó còn tồn tại đến năm 1958 mới lụi dần.

Nha van Nguyen Truong Quy - Suc manh cua nhung cau chuyen nho
Bài hát Lá thư của nhạc sĩ Đoàn Chuẩn từng được trình bày bởi nhiều giọng ca vàng thuộc nhiều thế hệ ca sĩ Việt Nam

* Cuộc đời và sự nghiệp của nhạc sĩ Đoàn Chuẩn có điểm mấu chốt nào để anh triển khai điều đó?

- Sản phẩm của nhạc sĩ Đoàn Chuẩn có nhiều dữ liệu để khai thác và điểm mấu chốt chính là sự chuyển hóa của ông ra sao trong giai đoạn thay đổi đó. Xoay quanh nhân vật này có rất nhiều câu chuyện. Là người giàu có, ông từng mua cả rạp Đại Đồng vì một người đẹp, viết không ít bài hát lâm li, mùi mẫn; trong khi, nguyên mẫu lại chối đây đẩy “tôi không…”. 

Căn cứ vào âm nhạc của ông, có nhiều chuyện rất đáng để kể lại, qua đó thấy một cơ chế chung về huyền thoại ở đây. Nhiều dị bản được đưa ra xung quanh những mối quan hệ này. Mỗi người lại xây dựng một câu chuyện khác nhau. Đơn cử như Gửi người em gái miền Nam là ví dụ ca khúc cho việc các bên cung cấp một phiên bản ưa thích của mình. Trong suốt một thời gian dài, phiên bản ưa thích nhất lại là phiên bản không đúng. 

Mọi phiên bản đều có thông điệp riêng 

* Ý anh là, cuốn sách như một cách để nhận diện lại tư duy, cách đón nhận của không gian truyền thông một thời?

- Mọi phiên bản đều có thông điệp riêng của nó. Ta có thể nhìn thấy ở phiên bản này là thông điệp gì, “bào chế” dưới nhãn quan nào và khung văn hóa nào. Cái hay là, điển mẫu Đoàn Chuẩn rơi vào đúng điểm chuyển giao cuối cùng đó. Có nhiều cái mốc tụ hội trong vai trò ấy; dù ông vô tình, không hữu ý tạo ra mà trước đây, không ai để ý đó là vai trò, nhưng theo thời gian có thể thấy điều đó rất rõ ràng.

* So với Còn ai hát về Hà Nội, tập hợp nhiều câu chuyện, nhiều gương mặt thì ở cuốn này, anh chỉ tập trung vào một nhân vật trung tâm, để từ đó, quy chiếu bức tranh chung. Có gì khó khi tiếp cận theo hướng này?

- Đương nhiên khó hơn. Nó đòi hỏi khung lý thuyết về đô thị, văn hóa đô thị, từ đây, buộc tôi phải tìm hiểu thêm những lý thuyết về “các cộng đồng được tưởng tượng” của Benedict Anderson, về không gian hóa của Henri Lefebvre. Tất nhiên, quan trọng nhất vẫn là cảm hứng của mình; lý thuyết chỉ là cái để tôi soi lại. 

Sở dĩ, tôi thấy thú vị, say mê là bởi ngoài câu chuyện tác phẩm, ngay cả diễn biến tâm lý, phản ứng nhân vật với thời cuộc và cách ông tương tác với các mối quan hệ khác, các câu chuyện song song, đan xen nhau, không chỉ Đoàn Chuẩn với Từ Linh, Đoàn Chuẩn với các người đẹp, mà còn ở các hệ thống tư tưởng giống nhau như Đỗ Nhuận, Lưu Hữu Phước, dòng này với dòng kia… 

Quan trọng là, giai đoạn đó có những mâu thuẫn nảy sinh, khiến cho việc giải thích, tìm hiểu cắt nghĩa… kích thích mình.

Nha van Nguyen Truong Quy - Suc manh cua nhung cau chuyen nho
Nguyễn Trương Quý hy vọng sẽ tìm được nhiều sự đồng cảm qua cuốn du khảo đặc biệt này

* Một gương mặt để cắt nghĩa một bức tranh, chứng tỏ nhân vật đó cũng phải có tầm vóc?

- Trong danh mục xếp hạng các nhạc sĩ Việt Nam nổi bật giai đoạn tiền chiến, người nổi lên với tư cách tác giả không nhiều. Nhiều người có 1-2 bài hay nhưng để nhận diện tư cách tác giả riêng biệt lại hiếm, may ra có Phạm Duy, Văn Cao, Đoàn Chuẩn. Ngay cả Lưu Hữu Phước cũng là một người nổi tiếng nhưng để nhận diện ông theo tư cách tác giả vẫn có những điểm khó. 

Về phong cách, màu sắc, hình ảnh, ông Chuẩn có một hệ thống mỹ từ, từ khóa nổi hẳn lên, riêng biệt, để ý sẽ thấy, điều đó trở đi trở lại trong tác phẩm của ông. Đó là mùa thu lá vàng, những con thuyền tình xa bến vắng… Âm nhạc Văn Cao có chất thần tiên, lộng lẫy, vừa hoành tráng vừa sử thi. Phạm Duy thì vừa liêu trai vừa đời, vừa phù thế. Nói thẳng ra, âm nhạc Đoàn Chuẩn được mặc định gắn với Hà Nội. Còn ai thích hợp hơn ông ấy để làm điển mẫu trong câu chuyện này?

* Gương mặt Hà Nội được cắt nghĩa ra sao trong âm nhạc Đoàn Chuẩn?

- Sinh ra ở Hải Phòng nhưng lớn lên, công việc kinh doanh, cuộc sống, các mối quan hệ của ông đều diễn ra ở Hà Nội. Mặc dù chung một mô-típ tình cảm, có chia sẻ những hình mẫu cùng chủ đề giai đoạn đó (kiểu huê tình, trai lơ, mỹ miều…) nhưng ông lại có cách chế biến lạ lúc đó là sử dụng đàn Hawaii. Sau năm 1954, khung cảnh Hà Nội trong ca khúc của ông rõ ràng hơn. Trong những bản nhạc, thậm chí còn ghi rõ bối cảnh viết, là rạp Đại Đồng ở phố Hàng Cót… 

Nha van Nguyen Truong Quy - Suc manh cua nhung cau chuyen nho

Một số ca khúc gắn liền với tên tuổi của nhạc sĩ Đoàn Chuẩn

Những thứ vụn vặt… cũng có giá trị

* Mượn một gương mặt âm nhạc để nói về một thời kỳ, anh không sợ nhân vật này quá “mỏng” để gợi ra một ký ức tập thể mang tính biểu đạt cho Hà Nội ư?

- Tác phẩm của Đoàn Chuẩn liên quan đến nhiều góc độ khác nhau. Các hoạt động của ông trong lòng xã hội đó như một tấm gương so sánh, phản chiếu. Từ Đoàn Chuẩn, có thể đối chiếu những người khác để xem cách ứng xử của họ ra sao.

Từ những hình ảnh, tư liệu tham khảo, cũng như việc so sánh văn bản, tôi thấy triển khai theo hướng đó là hợp lý, tức là, thông qua một nhân vật có tính chất đại diện, thông qua một lát cắt, để xem tính kết nối của nhân vật đó như thế nào. Tất cả vấn đề xoay quanh nghệ sĩ sáng tác đó đều phản ánh mối tương giao của họ với xung quanh, cách họ sống, cách họ nghĩ và cảm... 

Và rõ ràng, Đoàn Chuẩn là người rất thành thực khi viết ra cảm xúc của mình, ông chẳng che giấu điều gì cả. Ông đại diện, phản ánh khát vọng của con người trong giai đoạn đó. Tất nhiên, ông cũng có đặc điểm hơi khác thường, vì ông là nhà tư sản giàu có, nhưng bù lại, tôi cũng đã khảo sát những trường hợp khác như Hoàng Giác, Hoàng Dương, Phạm Duy hay một số nghệ sĩ khác, để thấy, mặc dù có những hoàn cảnh sống khác nhau nhưng sản phẩm của họ đều có một mẫu số chung về con người lãng tử, con người giải trí đô thị. 

Trong khi những người di cư sau thời điểm Hiệp định Genève được ký kết mang tâm trạng giã từ Hà Nội nhiều ảm đạm và xót xa, có một dòng ngược chiều của không khí tiếp quản. Mặc dù những người di cư vào Nam cho rằng họ “đã mang theo Hà Nội vào chuyến đi” (Mai Thảo) nhưng thực tế đáng ngạc nhiên là đời sống giải trí thị dân Hà Nội mau chóng tiếp tục. 

Qua tìm hiểu giai đoạn bản lề này, tôi thấy đời sống giải trí Hà Nội khi đó rất sôi động: những bộ phim nói tiếng Việt đầu tiên năm 1953, các cuộc thi hát nở rộ những năm 1950, đài phát thanh mở nhạc kháng chiến, nhạc lãng mạn... Có thể nói, thời điểm ấy hội tụ tất cả những hồi quang lộng lẫy cuối cùng, lúc đó ý thức dân tộc lên cao, người dân khát vọng sáng tạo tác phẩm mang đậm chất Việt Nam. 

Đến giai đoạn tiếp quản, điều đó vẫn được tiếp quản. Ta có thể thấy, Đoàn Chuẩn cũng như nhiều người xung quanh hồ hởi đón nhận thay đổi thể chế trong thời kỳ 1954 - 1955. Tất nhiên, không khí này không duy trì lâu dài, được thay thế bằng những chuyện khác như chủ nghĩa bình quân, về khổ hạnh, kiềm chế dục vọng, không dễ gì được hát những ca khúc lả lơi như “tình anh như hoa kia gặp bướm…”, khiến nhiều người phải thay đổi. Đoàn Chuẩn cũng cố gắng thay đổi, bên cạnh việc viết ca khúc theo đơn đặt hàng, ông vẫn viết về tình yêu. Có thể thấy, tính văn hóa cá nhân của ông rất cao. Nói như ông Đoàn Đính nói về cha mình: “Ông rất tự tin và luôn có ý thức về bản thân”.  

Nha van Nguyen Truong Quy - Suc manh cua nhung cau chuyen nho

Tác giả và nhạc sĩ Đoàn Chuẩn (bên trái)

* Đọc cuốn khảo cứu, tôi thấy sức mạnh của những “vi lịch sử”. Nhưng thường thì, người ta hay quan tâm tới những câu chuyện lớn lao, kỳ vĩ, đại tự sự, những câu chuyện mang tính quốc gia, trong khi đó Nguyễn Trương Quý lại đi vào một câu chuyện nhỏ, tưởng chừng vặt vãnh, thậm chí tầm phào?

- Ở những cuốn tản văn trước về Hà Nội, bạn đọc có thể thấy ở đó nhiều câu chuyện nhỏ: món ăn, đời sống thị dân… và những thứ vặt vãnh đó lại khá quan trọng. Lời tựa cuốn sách đầu tiên của tôi, đó là “giá trị của những thứ vụn vặt”. Tôi nghĩ, Hà Nội nhỏ bé và đến giờ, người ta vẫn yêu cái sự nhỏ bé ấy. Chưa có cái gì hoành tráng ở Hà Nội mà khiến người ta ngây ngất cả. Trong Hoàn cảnh hậu hiện đại của Jean Franςois Lyotard, có nói về giải cấu trúc và những câu chuyện nhỏ, thay vì đại tự sự. Theo đó, vai trò của những cái nhỏ gắn với nhịp sinh học của con người hằng ngày; để rồi, dần thành thói quen, tạo lập văn hóa. Trong khi tiểu tự sự ghi lại nỗi lòng con người thì đại tự sự chủ tâm khuynh loát mọi hệ thống xung quanh. 

Tôi thấy, con người ta chỉ có thể gồng mình lên với những thứ mang tính chất hoành tráng trong một thời gian ngắn, rồi cũng trở về với bình lặng, về với những cái thường nhật, nhỏ bé trong con người mình. Thường thì, thị dân hay thậm chí cả nông dân đều thích những thứ nhẹ nhõm, thở than của họ. 

* Cảm ơn anh đã chia sẻ.

Tản văn của Quý được viết bằng cả sự nhạy cảm lẫn chiều sâu tư duy

Văn chương du khảo cần sự hòa quyện giữa sự miêu tả, ghi chép vừa chính xác, cẩn thận đồng thời lại vừa đậm tính hình tượng và dấu ấn chủ quan của những phân tích, biện luận từ một quan điểm nghiên cứu. Nguyễn Trương Quý đã thực hiện được một việc không dễ là thống nhất được lối viết sống động, nhiều khi không giấu sự hài hước hay duy cảm trong cái nhìn đời sống của mình… Có thể nói, tản văn của anh là một thực hành phê bình văn hóa mà ở đó, người viết bằng cả sự nhạy cảm lẫn chiều sâu tư duy đã phát lộ chiều kích huyền thoại của đô thị không chỉ qua những sản phẩm tinh thần mà còn trong kiến trúc cảnh quan hay những đồ vật gắn liền với nó.

Một thời Hà Nội hát có lẽ là tác phẩm đi xa hơn cả trong ý thức khảo cứu của Nguyễn Trương Quý… Với anh, Hà Nội được hiểu như một diễn ngôn, tức như là kết quả của quá trình tạo nghĩa thông qua các hoạt động văn hóa. Những bài hát và người hát về Hà Nội nằm trong những yếu tố tham gia vào quá trình ấy. Chúng đan dệt hình dung của nhiều người về thành phố, từ đó tạo nên những hoài niệm tập thể về nó”.

Tiến sĩ Trần Ngọc Hiếu

 Đậu Dung (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI