Nhà thơ P.N. Thường Đoan: Tôi thấy mình như vừa bơi qua sông dài

27/10/2015 - 15:30

PNO - Không phải tên tuổi P.N. Thường Đoan mới được nhắc nhiều khi văn đàn dậy sóng với sự giống nhau đến kỳ lạ của bài thơ Buổi sáng và Bạch lộ.

Tên của người “Đếm cát” đã được lưu lại từ thế hệ thơ nữ của thập niên 90 của thế kỷ trước, và đi cùng những tập thơ chị cho ra mắt trong những năm tháng sau này: Lục bát cho khát vọng, Người đàn bà làm thơ và trăng, Rũ người, Nghĩ về hoàng hôn mẹ, Buổi sáng có nhiều chuyện kể.

P.N. Thường Đoan (tên thật Nguyễn Thanh Bình, đang công tác tại báo Văn Nghệ TP.HCM) là mẫu người dễ ngỡ thân thuộc, hiểu rõ lắm nhưng khi đối diện với chị, chạm đến những điều không tên trong tâm hồn chị , mới nhận ra rằng, những điều nghĩ về chị lâu nay chỉ là phần nổi của tảng băng.

Nha tho P.N. Thuong Doan: Toi thay minh nhu vua boi qua song dai

* Tâm trạng chị hiện giờ thế nào?

- Tôi thấy mình như vừa bơi qua sông dài và giờ đang nằm trên cát để thở. Tôi tạm chấp nhận thư xin lỗi của Phan Huyền Thư với lời trần tình Bạch lộ “ra đời sau” bài Buổi sáng, nhưng không có nghĩa hoàn toàn yên tâm. Chỉ khi nào Thư thừa nhận đã lấy thơ tôi, hoặc lấy ý tưởng từ bài hát Catinat café sáng (nhạc sĩ Phú Quang phổ từ lời thơ Buổi sáng), tôi mới cho đó là lời nhận lỗi thực lòng.

Giờ tôi cũng không biết phía trước mình còn có những nguy hiểm gì nữa, tự nhiên đang yên đang lành lại bị đặt lên nghi án: ai lấy thơ ai? Bản thân bị rơi vào vòng nghi ngờ, mệt mỏi. Chuyện này, nếu hai mươi năm trước có lẽ tôi sẽ xuề xòa cho qua.

Nhưng nhà thơ Nguyễn Quang Thiều có trả lời phỏng vấn rằng: “Một trong hai người chắc chắn sẽ có người đạo thơ và chắc chắn người đó sẽ biết cách bảo vệ mình như thế nào”. Câu nói này khiến tôi phải chiến đấu đến cùng để bảo vệ danh dự của mình.

* Suốt mấy mươi năm làm thơ, chị có từng phải trải qua một bầu khí quyển mệt mỏi với thơ ca như thế này?

- Đây là lần đầu tiên tôi gặp phải tình huống khó lường và buộc phải lên tiếng nhiều đến vậy. Từ khi bước vào thi đàn, tôi xác định rõ không tham gia bất kỳ cuộc thi thơ nào. Từ đó lòng tôi rất bình yên, làm thơ chỉ để cho mình, các tập thơ in ra chia sẻ cùng bạn bè, nếu có người đồng cảm tri âm thì biết ơn, trân trọng. Ai không thích, chê bai thì cũng là quyền của người ta.

Tôi luôn nghĩ thơ là của riêng, nếu dự giải chắc chắn bị xem xét câu chữ, phân tích săm soi. Có khi những ý kiến bàn luận đó chưa chắc đã đúng với suy nghĩ của mình. Giai đoạn khoảng từ năm 1985-2000, tôi cảm thấy đời sống thơ rất đẹp đẽ, thăng hoa, yên ả và nhiều vinh quang. Sau này thì cảm giác bất an thường trực, chuyện con người, chuyện nhân cách, chuyện đạo thơ và đến giờ thơ cũng không còn nhiều đất sống như thời gian trước nữa.

* Chị có chạnh lòng khi có ý kiến nói rằng “nhờ” vậy mà cái tên P.N. Thường Đoan trở nên nổi tiếng hơn?

- Tôi lúc nào cũng chỉ muốn mình sống những ngày bình thường, sáng tác, làm việc, vui sống và bước vào cõi riêng thi ca của mình. Những ngọt ngào, vinh quang với thơ tôi đã trải qua hết rồi.

Ai muốn nghĩ thế nào cũng được, tôi chẳng chạnh lòng gì. Mà cuộc sống này, có lẽ chẳng ai muốn vận mệt mỏi vào mình để được nổi tiếng theo cách như thế này. Tôi thà chọn sự yên tĩnh mỗi ngày.

* Hơn thế nữa, là sự yên tĩnh đến cô độc…?

- Sự thật là như vậy. Đôi khi tôi nghĩ mỗi người sinh ra là đã được ban cho một tính cách, một số phận. Nếu được chọn lại, tôi cũng sẽ chọn thơ ca. Tôi nghĩ bất kỳ người phụ nữ nào, cho dù có chồng hay không, cười vui hay không, một khi làm thơ thì họ đều là những người rất cô đơn, mà xa hơn nữa là sự cô độc.

Thơ là cõi riêng, chứa đựng mọi cung bậc cảm xúc của người sáng tạo. Cõi riêng đó thừa nhận mọi dấu lặng trong trái tim mỗi người, nỗi đau, những khúc quanh, u uất, gánh nặng, nước mắt… mọi thứ đều được trải vào thơ.

Con chữ là để bắc cầu cho trái tim một người nói ra tất cả những đau đớn trong lòng mình mà không thể nói được với một ai khác, hoặc không đủ niềm tin để nói với một ai. Phụ nữ làm thơ là một oan nghiệt, vây quanh họ sẽ là một cõi cô độc trùng trùng.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI