Nguyễn Bính (1918-1966): Gác trọ còn nguyên gió thất tình

18/05/2017 - 23:01

PNO - Đối với Nguyễn Bính, dường như mối tình nào đối với ông cũng đều là…mối tình đầu - nghĩa là ông đều say đắm, nao nức như lần thứ nhất ngỏ lời yêu.

Trong các nhà thơ nổi danh thời Thơ mới (1932-1945), Nguyễn Bính tên thật Nguyễn Trọng Bính là người có nhiều tập thơ in riêng nhất. Những bài thơ này ít nhiều đều gắn với những nhan sắc mà ông si mê, say đắm. Trong tập thơ đầu tay Tâm hồn tôi (1937) theo người bạn tri kỷ của ông là nhà văn Hoàng Tấn: “Tập thơ này Bính dành riêng cho cô Oanh, người Hà Đông, một giai nhân mà Bính thầm nhớ trộm yêu, chưa bao giờ được trao đổi với người đẹp một câu, chưa hề được nàng ban cho một nụ cười”. Do đó, ông mới có được bài thơ Mơ chuyện thần tiên với tứ thơ độc đáo: Mơ có người con gái đẹp như Oanh yêu mình để cho Oanh phải ghen tức:

Im lặng, Oanh nhìn hai chúng tôi

Ái ân, rủ rỉ, ái ân cười

Thấy mình trơ trọi không ân ái

Cảm động, lau thầm giọt lệ rơi…

Mơ vậy thôi, chứ trong thực tại, hỡi ôi:

Nhưng yêu Oanh quá cho nên phải

Mơ chuyện thần tiên để dối mình

Mối tình này còn ám ảnh trong nhiều năm, khi trở lại Hà Đông thì ông vẫn gặp: “Người cũ, cô Oanh má vẫn hồng” nhưng nàng vẫn Vô tình để:

Xuôi ngược đường đời khách lại đi

Lại buồn ôm khóc lại phân ly

Lại ôm một mối tình vô vọng

Trở lại Hà Đông chẳng hẹn kỳ

Nguyen Binh (1918-1966): Gac tro con nguyen gio that tinh
Nguyễn Bính và vợ

Đối với Nguyễn Bính, dường như mối tình nào đối với ông cũng đều là…mối tình đầu - nghĩa là ông đều say đắm, nao nức như lần thứ nhất ngỏ lời yêu. Đến năm 1941, ông viết tập thơ thứ hai là Hương cố nhân, trong đó có khá nhiều bài thơ hay dành tặng cho một nhà thơ nữ mới vừa được Tự Lực văn Đoàn trao giải khuyến khích tập thơ Bức tranh thơ. Đó là nhà thơ Anh Thơ, tên thật Vương Kiều Anh, nhưng trong thơ mình, Nguyễn Bính gọi là Mai Thơ hoặc Tây Thi:

Mai Thơ rằng phụ Mai Thơ

Chính chuyên bướm có bao giờ phụ hoa

Bao giờ rời được nhau ra

Bởi tôi là sắt, nàng là kim châm

Đến vùng sông cạn cát lầm

Cũng xin giữ mãi nàng làm Tây Thi

Nhờ có tình yêu mà trong tập thơ này, không gian vùng sông Thương hiện lên rất rõ nét. Sau này trong hồi ký văn học Từ bến sông Thương, nhà thơ Anh Thơ có kể lại phút giây Nguyễn Bính từ Hà Nội lên tìm. “Bỗng từ quán nước đầu cầu sông Thương, một anh chàng thân hình lùn ngắn, cái đầu hơi to, sù lên những tóc, tay vất vội chiếc điếu cày đang hút dở, xông lại trước mặt tôi, nhe hàm răng đen cáu nhựa thuốc, cười sát mặt tôi: “Ôi nàng thơ áo trắng! Ôi nguời đẹp sông Thương! Tôi không thể đứng đợi một mình dưới gốc cây gạo cô quạnh đợi em được. Phải ra đây đón em. Ôi em của tôi”. Rồi anh chàng cầm lấy  tay tôi, không hề thấy nỗi sửng sốt bàng hoàng và sợ hãi của tôi”. Những chi tiết này khiến ta thêm yêu Nguyễn Bính, khi ông yêu một cách… thi sĩ và tỏ tình cũng rất… thơ như vậy! Nhưng rồi cuộc tình này cũng không đi đến đâu. Trong bài thơ Trở rét, ông viết những câu cảm động:

Cô Thơ cô đẹp nhất làng

Nghe trời đổ gió may quàng áo bông

Lạnh rồi! Sắp sửa mùa đông

Người ta sắp sửa lấy chồng hay chưa?

Vội vàng chi mấy cô Thơ!

Áo bông tuy ấm nhưng chưa bằng chồng

Tôi cầu trời mất mùa đông

Cố nhân xa lắm, áo bông rách rồi!

Năm 1942, Nguyễn Bính xuất bản tập thơ Người con gái ở lầu hoa, trong đó có nhiều bài thơ tuyệt hay tặng Tú Uyên. Thật ra, nàng tên thật là Nguyễn Thị Tuyên, em gái của nhà văn Nguyễn Đình Lạp. Khi ông viết:

Nhà nàng ở gốc cây mai trắng

Trên xóm mai vàng dưới đế kinh

Có một buổi chiều qua lối ấy

Tôi về dệt mãi mộng ba sinh

Nhà văn Hoàng Tấn giải thích: “Nếu không được Nguyễn Bính tâm sự thì khó mà biết nhà nàng ở Bạch Mai (gốc mai trắng) trên xóm mai vàng (Hoàng Mai), còn dưới đế kinh là dưới… phố Huế”. Nếu với Mai Thơ, ông khẳng định: “Vì chính em là tiên của anh” thì Tú Uyên lại là “Nàng tiên đẹp nhất của nàng tiên”. Nhưng rồi cũng kết thúc:

Đêm đã khuya mà đường lại xa

Gió cuồng đổ xuống trận mưa hoa

- Gió ơi! Trời khóc hay tôi khóc?

Nàng Tú Uyên ơi! Khổ lắm mà!

Và lúc nàng có đôi có lứa, ông viết được những câu thơ thật hay:

Người có đôi, ta rất một mình

Phong trần đâu dám mắt ai xanh

Đêm nay trăng rụng về phương ấy

Gác trọ còn nguyên gió thất tình

Nguyen Binh (1918-1966): Gac tro con nguyen gio that tinh
 

Nhớ đến Nguyễn Bính, lập tức chúng ta nhớ đến những chuyến “giang hồ” từ Nam chí Bắc. Nhờ những chuyến đi với “Những lang thang, những thất vọng, vô vọng bất đắc dĩ” (Tô Hoài), Nguyễn Bính đã có những tuyệt bút khi viết ở Huế, Sài Gòn… Và năm 1944, ông đã xuống tận Hà Tiên để thăm nhà thơ Đông Hồ và Mộng Tuyết. Một chuyện tình tuyệt đẹp đã diễn ra trong những ngày ngắn ngủi này. Nữ sĩ Mộng Tuyết có kể lại: “Dưới ngọn đèn dầu lửa lù mù, một cô cháu tôi, cô Tú Ngọc, đọc truyện Tam Quốc chí của Phan Kế Bính dịch cho má tôi nghe. Có khi Bính vào trễ, cửa đã cài then thì Bính ngồi ngoài hiên cho tới khuya mới về mà không dám gọi cửa. Bính nói: “Ngồi trong đêm sương khuya, nghe trộm tiếng người ngọc đọc sách cách một lần cửa đóng kín, cũng có một thú vị riêng”. Nguyễn Bính thầm thương Tú Ngọc mà trong bài thơ Người xóm Rẫy, ông có cho biết vài chi tiết thú vị:

Tôi cười bảo chị: Gả cho tôi!

Mộng Tuyết cười theo: Lấy thì lấy!

Trao trâm tặng quạt ỡm ờ chi

Trai tài gái sắc vừa đôi đấy

Nhưng rồi, Nguyễn Bính lại tiếp tục viễn du:

Nàng ra bờ sông đứng khóc mãi

Tàu đi xa mấy dặm sông dài

Ngoãnh lại vẫn còn tay ngọc vẫy

Người ở những mong ngày gặp nhau

Kẻ đi biết khó kỳ quay lại

Đúng vậy, Nguyễn Bính không còn gặp lại người con gái mà ông từng ký bút danh “Người Yêu Ngọc”. Sau Cách mạng tháng Tám, ông tham gia kháng chiến chống Pháp ở Nam bộ, phụ trách Đoàn Văn nghệ Cứu quốc tỉnh Rạch Giá. Sau 1954, ông tập kết ra Bắc. Sự nghiệp thi ca của ông đồ sộ và tạo chỗ đứng vững chắc trong dòng văn học Việt Nam hiện đại.

Lạ thật, với tập thơ đầu tay Tâm hồn tôi, Nguyễn Bính đã viết những câu tuyệt hay “Hồn anh như hoa cỏ may/ Một chiều cả gió bám đầy áo em”, dường như là một sự tiên tri cho rất nhiều cuộc tình sau này của ông.

Lê Minh Quốc

          *Tài liệu tham khảo: Nguyễn Bính một vì sao sáng-Hoàng Tấn - NXB Đồng Nai - 1999; Từ bến sông Thương - Anh Thơ - NXB Văn Học - 1986. Và nhiều tài liệu khác.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI