Nhà sử học Dương Trung Quốc: Dẹp lễ hội biến tướng không khó

06/02/2017 - 07:00

PNO - Những lễ hội mang tính bạo lực, man rợ như lễ hội đâm trâu, treo cổ trâu… trong hình ảnh mà chúng ta thấy vài hôm nay, hoàn toàn có thể dẹp bỏ nếu chúng ta đủ kiên quyết.

Thực tế, Lễ hội, dù có tính bạo lực hay không bạo lực, nó quả thực là một nét truyền thống. Tuy nhiên, xưa kia lễ hội là lễ hội làng, nó chỉ diễn ra trong một không gian hẹp và gắn chặt với đời sống của làng. Ví như đời sống của làng gắn liền với cây lúa thì sẽ có lễ hội về lúa, đời sống làng gắn liền với con trâu thì lễ hội sẽ liên quan đến trâu… 

Chính vì mang một ý nghĩa đời sống như thế, lễ hội ngày xưa không phản cảm, dù quả thực nó cũng có tính bạo lực. Hay như những lễ hội nói lên sự thoải mái trong quan hệ nam nữ, nó có ý nghĩa đời sống trong một chừng mực nào đó, chứ không phải hoàn toàn vô giá trị. Còn lễ hội ngày nay đã bị biến tướng. Nó được mang ra khỏi phạm vi của mình, khiến Lễ hội không còn mang ý nghĩa về đời sống nữa mà nó nặng hình thức kinh doanh.

Như lễ hội chọi trâu, nó đã có trong lịch sử, tuy nhiên những người tổ chức lễ hội ấy họ quên mất rằng cái gì cũng phải có khuôn khổ, họ cũng quên mất hai chữ “phù hợp”. Hiện nay người ta nhìn vào lễ hội đó không phải như nhìn vào văn hoá mà nhìn vào cơ hội làm ăn nhiều hơn.

Chính những người quản lý lễ hội ấy người ta vẫn xem lễ hội là cơ hội để thu hút khách du lịch, rồi để phát triển các dịch vụ ăn theo như giữ xe, đổi tiền lẻ, bán hàng… Chỉ với tư duy đó, lễ hội đã không còn là lễ hội nữa rồi. Chính những điều đó đã khiến lễ hội trở nên hỗn tạp như hiện tại.

Nha su hoc Duong Trung Quoc: Dep le hoi bien tuong khong kho
Hình ảnh treo cổ trâu khá phản cảm trong một lễ hội ở Yên Bái 

Ngay cả với việc tranh lộc tại lễ hội… nó ban đầu vốn là một yếu tố không thể thiếu của lễ hội, vì nó mang ý nghĩa giải toả bức xúc của con người. Nhưng, với việc tranh đoạt đó, ngày xưa nó mang giá trị văn hoá còn ngày nay nó mang giá trị tận hưởng.

Đừng bảo rằng dẹp lễ hội đi, vì nó là lịch sử, là văn hoá. Cái gì đã thuộc về văn hoá và lịch sử, dẹp đi bằng mệnh lệnh là không thể. Chúng ta phải tôn trọng một phần quá khứ và chỉ có thể hoá giải nó dần dần. Cho dù là văn hoá, là lịch sử nhưng cái gì không còn phù hợp với đời sống hiện tại nữa thì cần phải thay đổi. Còn lại, những lễ hội mới sản sinh sau này nhằm mục đích thu hút khách du lịch nhưng lại mang tính bạo lực, man rợ, phản cảm… cái đó cần tuyệt đối cấm.

Chúng ta đã từng lên tiếng mỗi năm, cứ vào mùa lễ hội thì lại có hình ảnh phản cảm, là do đâu? Do không kiến quyết xử lý mà thôi. Hiện nay, nguyên nhân chúng ta đã nhận ra nhưng điều chỉnh vẫn chưa được, tôi cho rằng việc này là vì đụng cham lợi ích. Vai trò quản lý ở đây quan trọng lắm, mà đôi khi chúng ta lại thấy sự bất lực, thấy sự trên bảo dưới không nghe, các địa phương vẫn cứ tổ chức hoặc vẫn cứ đưa Lễ hội đi sai khỏi phạm vi của nó dù đã có văn bản của Bộ, ngành yêu cầu điều chỉnh. Vì khi lễ hội còn diễn ra, người ta còn hưởng lợi theo một kiểu nào đó.

Nha su hoc Duong Trung Quoc: Dep le hoi bien tuong khong kho
Người dân giẫm đạp nhau để cướp giật, tranh giành lộc tại một lễ hội đầu năm nay (ảnh: Zing)

Chỉ cần kiên quyết rằng nếu sai thì bị xử lý, nếu làm không xong thì bị cách chức, tôi tin chắc chắc tình trạng này sẽ dẹp được và được người dân hoàn toàn ủng hộ. Như lễ hội chọi trâu ấy, cơ quan thanh tra đã có ý kiến nhưng nó vẫn cứ tồn tại. Chỉ cần chúng ta đưa người chịu trách nhiệm trực tiếp ấy ra mà xử lý một cách triệt để, chúng ta sẽ điều chỉnh được ngay.

Đã đến lúc chúng ta phải giải quyết các vấn đề xấu xí của Lễ hội này, như đúng tinh thần của Chính phủ. Xử lý người chịu trách nhiệm là một, hai là đặt ra một quá trình đối với người dân: đưa các quy định vào khuôn khổ pháp luật và giám sát thực thi nghiêm túc, đồng thời giáo dục người dân và song song đó tạo ra môi trường lễ hội lành mạnh để đáp ứng cho nhu cầu của người dân.

Điều chỉnh các điểm xấu xí của Lễ hội không khó, chỉ là chúng ta có kiên quyết làm hay không mà thôi. 

Lương Hàn (ghi)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI