Nhà sản xuất âm nhạc - "chiến binh" không thầm lặng

19/12/2016 - 07:14

PNO - Từ rất lâu, đội ngũ các nhà sản xuất âm nhạc là lực lượng âm thầm, đứng phía sau góp phần cho sự thành công và nổi tiếng của các ca sĩ. Tuy nhiên, họ đã không được thừa nhận đúng trong thời gian qua.

Lấy thành công của ca sĩ làm niềm vui

Qua rồi thời ca sĩ tự đi tìm bài hát hoặc đặt hàng nhạc sĩ viết ca khúc, sau đó tìm người phối khí hòa âm, tìm phòng thu… Các dự án hiện tại của các ca sĩ đều chọn mặt gửi vàng nhà sản xuất mà họ tin tưởng, nhà sản xuất đó có nhiệm vụ kết nối các giai đoạn thành thể thống nhất, để sản phẩm mang ý tưởng xuyên suốt.

Khái niệm “nhà sản xuất âm nhạc” không phải mới; cách đây nhiều năm, các dự án với tên tuổi Mỹ Linh, Hồng Nhung, Thanh Lam đều do các nhà sản xuất - nhạc sĩ Huy Tuấn, Quốc Trung, Lê Minh Sơn… thực hiện. Chỉ mới là hiện nay, khi thị trường ngày càng đòi hỏi sự chuyên nghiệp, đội ngũ sản xuất đứng sau ca sĩ càng đông lên, càng tạo nên một bộ mặt riêng biệt cho nhạc Việt thông qua dấu ấn cá nhân của họ.

Năm 2015, khi album Khởi hành của ca sĩ Nguyễn Trần Trung Quân được đề cử ở hạng mục Album của năm ở giải Cống hiến, cũng là lúc mọi sự chú ý của giới bình chọn đều dồn về cái tên Khắc Hưng. Không muốn tiếp tục với hình ảnh một “hoàng tử hát tình ca”, Nguyễn Trần Trung Quân cần một phong cách mới, một sản phẩm để định vị anh ở vị trí mới. Sứ mệnh đó được anh giao cho Khắc Hưng - người khi đó vẫn chưa được biết đến nhiều, ngoài việc là em trai của ca sĩ Khắc Việt.

Sau hai năm, Khắc Hưng đã mang đến 10 bài hát (trong đó có năm bài do anh sáng tác) đầy lạ lẫm và gây nghiện khi trộn lẫn những âm thanh hiện đại của nhạc điện tử là tiếng sáo mèo Tây Bắc với nhạc cụ kalimba, trống djembe của Tây Phi… Tính tự do đến mức hoang dã trong các bản phối đó của Khắc Hưng đã giúp Nguyễn Trần Trung Quân bước lên sân khấu Cống hiến nhận giải, để lại tiếng vang trong giới làm nhạc.

Và, đó không phải là thành tựu ngẫu nhiên. Đến năm 2016, Khắc Hưng trở thành hitmaker (người tạo các bản hit) khi các bài hát do anh sáng tác, sản xuất tạo cơn sốt trong khán giả trẻ như Sau tất cả, Y.Ê.U, Con đường tôi… Trong đó, Sau tất cả đã mang giọng ca Erik đến với thế giới overground, và Con đường tôi đã giúp Trọng Hiếu có sản phẩm ra mắt chính thức sau khi trở thành quán quân Vietnam Idol khá ấn tượng.

Năm 2015, khi ca sĩ Tóc Tiên chọn Hoàng Touliver cho Ngày mai - sản phẩm đóng vai trò khá quan trọng với cô vì đây là giai đoạn cô cần khán giả trong nước nhìn về một Tóc Tiên có diện mạo mới khác rất nhiều so với 10 năm trước, nhiều người không khỏi ngạc nhiên, nhưng với những người theo dõi âm nhạc, sự lựa chọn này là có lý.

Trước đó, bộ ba Tóc Tiên - Hoàng Touliver - Long Halo đã đặt một dấu ấn không thể quên tại The Remix mùa đầu tiên. Thực tế, tuy không lộ diện, nhưng cái tên Hoàng Touliver không xa lạ với giới làm nhạc. Kể từ năm 2007, Hoàng Touliver đã có những bản phối đầu tiên, phổ biến trong cộng đồng underground.

Nha san xuat am nhac -
SlimV và Hoàng Touliver (từ phải qua) thực hiện khâu sản xuất một sản phẩm

Từ đó đến nay, “lý lịch” của nhân vật này không ngắn trên hành trình âm nhạc: học dương cầm nhưng theo con đường DJ, là thủ lĩnh của nhóm nhạc underground Space Speakers - nhóm nhạc underground hiếm hoi được trọng thị tại Mon Soon của nhạc sĩ Quốc Trung, người kiến tạo nên những bản hit cho cộng đồng underground thông qua các sản phẩm của Lil’ Knight, Justatee, Kimmese… và các ca sĩ thuộc overground như Thảo Trang, Phương Vy…

Đúng chất underground, phong cách âm nhạc của Hoàng Touliver đậm màu đường phố, trẻ trung, gần gũi với giới trẻ và hiện đại. Điều quan trọng nhất, Hoàng Touliver được xem là người định vị khá tốt việc ca sĩ nào mang “chất” gì, phù hợp với cái chi. Từ đó anh nhận được nhiều yêu cầu đo ni đóng giày cho các tên tuổi ăn khách của sân khấu, đặt dấu ấn của mình vào các bản hit của những tên tuổi này.

Không phải ngẫu nhiên mà nhạc sĩ Huy Tuấn quyết định trình làng chương trình truyền hình thực tế đầu tiên mà công ty anh sản xuất, là chương trình về lực lượng sản xuất, do chính nhạc sĩ này viết định dạng: Khởi đầu ước mơ. Tại đó, công việc của một nhà sản xuất mà đại diện là Khắc Hưng, Hoàng Touliver, Đỗ Hiếu được công chúng nhận diện rõ nét hơn bao giờ.

Đây là lần lộ diện hiếm hoi của các nhân vật này, và cũng được xem là lần nhà sản xuất chính thức được công nhận vị trí trong nhạc Việt, dù xưa nay họ vẫn tồn tại song song cùng ca sĩ. “Tôi muốn đưa họ, những người lâu nay đứng sau ca sĩ, những người không thể thiếu của một thị trường âm nhạc, ra ánh sáng”, nhạc sĩ Huy Tuấn cho biết.

Từ trước đến nay, ít ai biết bản hit Bad Boy làm mưa làm gió trong giới trẻ của Đông Nhi, bản hit Gạt đi nước mắt công phá giới trẻ của Noo Phước Thịnh, My Baby của Hồ Ngọc Hà có công đầu của nhà sản xuất Đỗ Hiếu; ca khúc Cứ thế mà đi và Where Did We Go Wrong của Thanh Bùi - Thu Minh có sự tham gia sản xuất của Duy Anh; bài hát Thu cuối đứng đầu các bảng xếp hạng nhạc số vài năm trước do SlimV làm...

“Đối với ca sĩ Việt Nam, càng ngày sự quan trọng của nhà sản xuất âm nhạc càng được đánh giá cao. 95% ca sĩ hiện giờ đều cần đến các nhà sản xuất nếu muốn thực hiện một dự án gì đó. Còn đối với công chúng, tôi thấy việc mọi người có biết đến tên tuổi của mình hay không cũng không quan trọng, điều tôi mong đợi hơn đó là nhìn những tác phẩm của mình, công sức của mình được khán giả yêu quý và đón nhận, và mình góp phần định hướng khán giả đến những dòng nhạc văn minh hơn, hiện đại hơn, phù hợp với xu hướng thế giới”, Khắc Hưng cho biết.

Muôn nẻo đường ca sĩ - nhà sản xuất

“Nhà sản xuất âm nhạc giống như một đạo diễn vậy, là người đứng sau chỉ đạo và lên ý tưởng toàn bộ về phần âm nhạc để ca sĩ trình diễn. Nhà sản xuất đầu tiên sẽ tiếp cận với ca sĩ, hiểu được thói quen, tư duy, quãng giọng… tất cả những gì cần thiết để nắm được nền tảng của ca sĩ, sau đó nhà sản xuất sẽ định hướng ca sĩ theo phong cách phù hợp nhất với bản thân người đó và thị trường. Sau đó, nhà sản xuất sẽ trực tiếp làm việc trong quá trình phối khí, với nhóm bè, phòng thu, kỹ sư âm thanh... để tạo ra những sản phẩm tốt nhất. Nói chung, công việc của nhà sản xuất rất nhiều, và liên quan đến hầu hết các hoạt động của ca sĩ”, Khắc Hưng cho biết.

Chính vì điều đó, mối quan hệ của ca sĩ - nhà sản xuất là điều tất yếu trong quá trình chuyên nghiệp hóa. Riêng việc giữ mối quan hệ ấy theo hình thái nào là chuyện khác. Nếu như Khắc Hưng và Nguyễn Trần Trung Quân là sự kết hợp theo hướng bền vững, cùng nhau đi một chặng đường dài tính bằng năm thì với hầu hết các ca sĩ khác là ngược lại, họ chỉ gắn với nhau theo từng dự án.

Thực tế, ngay cả nhạc sĩ Huy Tuấn, vốn là một nhà sản xuất nhưng không phải ca sĩ nào do công ty này quản lý, Huy Tuấn cũng đứng ra làm, mà tùy theo từng yêu cầu, dự án sẽ giao cho các nhà sản xuất khác. Cũng thế, các nhà sản xuất sẽ không gắn mình chỉ với một ca sĩ nào, mà thử sức với nhiều tính cách khác nhau, giọng hát khác nhau.

“Công chúng cần sự thay đổi, các nghệ sĩ cũng vậy, và mỗi sự hợp tác mới đều đem lại rất nhiều cảm hứng và sự kích thích sáng tạo cho các bên tham gia nên tôi nghĩ về mặt âm nhạc chúng ta nên cộng tác theo từng giai đoạn, nhất là những nhà sản xuất có thiên hướng sáng tác”, nhạc sĩ Huy Tuấn nhận định.

Cũng theo ông, ở các nơi khác, việc gắn bó lâu dài chỉ dừng lại ở những nhà sản xuất chiến lược nhiều hơn là chuyên môn, ví như Clive Davis với Withney Houston hay Tommy Mottola với Mariah Carey. “Nhưng đối với các ca sĩ thì việc lựa chọn đúng nhà sản xuất ngay bước khởi đầu sự nghiệp là tối quan trọng”, ông nói thêm.

Dẫu vậy, Đông Nhi và Đỗ Hiếu, tuy hợp tác với nhau theo dự án nhưng lại là nhiều dự án. Cho đến nay, Đỗ Hiếu đã bên cạnh Đông Nhi không chỉ với Bad Boy mà còn với các sản phẩm kế tiếp sau đó: Vì ai vì anh, Boom Boom, Trách ai bây giờ. “Đơn giản vì giai đoạn này định hướng đường dài của Đông Nhi phù hợp với âm nhạc trẻ trung, năng động, văn minh của Đỗ Hiếu”, đại diện Đông Nhi cho biết.

Sau Ngày mai - Vũ điệu cồng chiêng, Tóc Tiên và Hoàng Touliver cũng gắn với nhau tiếp tục với Big girl don’t cry, I’m in love… Riêng với Noo Phước Thịnh, anh chọn Đỗ Hiếu vì thấy được cá tính âm nhạc của nhà sản xuất này thông qua các sản phẩm của ca sĩ khác, và đó là sự lựa chọn đúng đắn khi Gạt đi nước mắt ra đời.

Trong đa phần các trường hợp, đó là sự tìm nhau giữa hai cá thể có một điểm chung, hoặc ít nhất là phù hợp với nhau trong từng giai đoạn. Cách thể hiện, thậm chí là vũ đạo, trang phục… đều là ý tưởng của nhà sản xuất, dĩ nhiên sau khi đã nắm được yêu cầu chung từ ca sĩ.

Tuy nhiên, vẫn có trường hợp sự kết hợp đó đến từ hai người khác biệt, để rồi cả hai tự điều chỉnh nhau để mang đến màu sắc khác với chính cả hai từ trước đến giờ, như Tóc Tiên và Hoàng Touliver.

Trước khi kết hợp với Tóc Tiên, âm nhạc của Hoàng Touliver thông qua Tell me why (Mr.A), Real love (Kimmese, Justatee)… mang chút gì đó hầm hố, cái hầm hố của dubstep và hip hop mà anh theo đuổi. Tóc Tiên thì ngược lại, trước đó, cô nữ tính với các bài hát như Em đẹp nhất đêm nay, Yêu anh bằng tất cả những gì em có… Âm nhạc của Tóc Tiên giai đoạn Hoàng Touliver đầy chất nổi loạn, như thể nhà sản xuất đã khai phá được “mạch ngầm” của cô bấy lâu nay và ngược lại, Hoàng Touliver cũng tự sự hơn, uyển chuyển hơn.

Nguyên Vĩnh

Vai trò giữa nhà sản xuất và ca sĩ là quan hệ cộng hưởng. Một ca sĩ có nhà sản xuất ăn ý với mình sẽ tạo dựng được phong cách âm nhạc riêng biệt, có dấu ấn thông qua các sản phẩm âm nhạc. Ngược lại, ca sĩ góp phần giới thiệu hình ảnh và phong cách của nhà sản xuất đến với đông đảo khán giả.

Ca sĩ Tóc Tiên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI