Nhà hát tiếp tục... chờ gỡ rối

21/08/2019 - 19:46

PNO - Những khó khăn về rạp hát, địa điểm biểu diễn đã được đặt ra từ rất lâu, nhưng đến nay, việc giải quyết, tháo gỡ các khó khăn vẫn đang bế tắc.

Ngày 15/8, Chính phủ đã ban hành Nghị định 69/2019/NĐ-CP, quy định việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện các dự án xây dựng công trình theo hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT), có hiệu lực từ tháng 10/2019. Thế nhưng, rà soát 9 công trình trọng điểm thuộc lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật của TP.HCM thì không có dự án nào nằm trong phạm vi điều chỉnh của nghị định này. Các công trình trọng điểm, dự án được UBND TP.HCM chấp nhận chủ trương đầu tư sớm nhất từ tháng 5/2016, nhưng đến nay vẫn đang trong giai đoạn… hoàn tất thủ tục và nhiều công trình vẫn mù mịt chờ gỡ rối.

Những dự án vẫn còn trên giấy

TP.HCM hiện có 9 công trình trọng điểm thuộc lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật đã được thông qua chủ trương đầu tư, trong đó có 6 công trình dành cho sân khấu biểu diễn, nhà hát. Tuy nhiên, theo dự kiến, sớm nhất cũng phải đến quý III năm 2020, công trình đầu tiên mới có thể khởi công.

Nha hat tiep tuc...  cho go roi
Vướng nghị định, khu phức hợp văn hóa nghệ thuật tại rạp Công Nhân đành phải tiếp tục chờ và chưa biết còn phải chờ đến bao giờ
Thực ra, không phải chờ đến buổi giám sát của Ban Văn hóa - Xã hội, từ khi có thông tin về việc hai công trình xây dựng mới theo hình thức BT ở rạp lao Động A-B và rạp Công Nhân phải tạm dừng, nhiều câu hỏi đã được đặt ra. Liệu có thể tìm giải pháp khác khả thi hơn để sớm có điểm diễn cho sân khấu và các hoạt động văn hóa, thay vì chờ đợi một quy định, nghị định khác bổ sung, thay thế cho Nghị định 63? Chưa kể, không biết phải chờ đến bao lâu mới có quy định mới và liệu chúng có thực sự phù hợp, khả thi. Câu hỏi này đã có lời đáp trong buổi giám sát: vẫn đang… chờ.

Hai công trình rất khả thi, tưởng đã có thể sớm xây dựng, khánh thành và đưa vào hoạt động là khu phức hợp Trung tâm văn hóa nghệ thuật đa năng và khu phức hợp Trung tâm văn hóa thiếu nhi đa năng, rạp chiếu phim tại rạp Công Nhân và rạp Lao Động A-B. Cả hai dự án đều đã gần như hoàn chỉnh tất cả các bước từ việc được UBND TP.HCM chấp thuận chủ trương đầu tư, duyệt đề xuất dự án và nhà đầu tư cũng đã hoàn chỉnh báo cáo nghiên cứu khả thi trình Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM (KH-ĐT) thẩm định. Song đến thời điểm này, cả hai đều đã phải tạm dừng, chưa biết đến khi nào mới có thể thực hiện, do vướng Nghị định 63/2018/NĐ-CP về đầu tư theo hình thức đối tác công tư.

Dự án xây dựng mới Trung tâm văn hóa TP.HCM cũng cùng chung cảnh ngộ.  Từ năm 2017-2018, nhà đầu tư đã cùng Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM (VH-TT) và các sở, ngành liên quan hoàn chỉnh báo cáo đề xuất dự án. Nhưng cũng vì Nghị định 63 và bị giới hạn bởi chỉ tiêu quy hoạch xây dựng nên phải tạm dừng, chờ nghiên cứu phương án đầu tư phù hợp.

Rạp xiếc và biểu diễn đa năng Phú Thọ cũng nằm trên giấy trong thời gian dài. Từ năm 2016, UBND TP.HCM đã giao Sở VH-TT hoàn chỉnh báo cáo nghiên cứu tiền khả thi gửi Sở KH-ĐT, Hội đồng thẩm định TP.HCM thẩm định, báo cáo, để trình HĐND TP.HCM ghi vốn đầu tư vào năm 2017, thời gian thực hiện dự án từ 2017-2022. Trong báo cáo mới nhất của Ban quản lý đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp TP.HCM (Ban DDCN), dự kiến đến quý III/2020 mới có thể khởi công.

Hiện nay, Ban DDCN vẫn đang phối hợp với tư vấn thiết kế Bỉ hoàn chỉnh thiết kế cơ sở, đồng thời vẫn đang kiến nghị triển khai một số hạ tầng để đảm bảo giao thông và cơ sở hạ tầng đồng bộ khi công trình đi vào hoạt động. Dự án Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ kịch cũng phải chờ đến quý III/2020 mới có thể khởi công, kèm theo kiến nghị các sở, ban, ngành tích cực hỗ trợ để đẩy nhanh tiến độ thực hiện.

Đều được thống nhất và chấp nhận chủ trương đầu tư xây dựng từ đầu năm 2017, nhưng ở buổi giám sát của Ban Văn hóa - Xã hội (HĐND TP.HCM), cả Trung tâm biểu diễn nghệ thuật đa năng tại khu đô thị mới Thủ Thiêm và rạp Kim Châu vẫn chưa có kế hoạch cụ thể, đều đang chờ chỉ đạo, nghiên cứu lập đề án.

Nha hat tiep tuc...  cho go roi
Rạp Olympic - thủ phủ cải lương một thời - hiện đã có dự án xây dựng mới

Văn hóa - nghệ thuật ở đâu trong sự phát triển chung?

“45 năm nay TP.HCM đã đầu tư được những gì về cơ sở vật chất cho văn hóa? Những công trình giáo dục, y tế liên tục được xây dựng và đưa vào sử dụng, nhưng văn hóa thì nhiều năm liền không có sự đầu tư đúng mức” - phát biểu của Giám đốc Sở VH-TT Huỳnh Thanh Nhân cũng là trăn trở của không ít người. Nhưng giải pháp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc lại vẫn cứ chung chung.

Phần kiến nghị của Ban DDCN tại buổi giám sát về hai dự án trọng điểm - Rạp xiếc và biểu diễn đa năng Phú Thọ, Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ kịch là… kiến nghị các sở, ban, ngành tích cực phối hợp và hỗ trợ để đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Nhưng khi được hỏi ách tắc chỗ nào và sở, ban, ngành nào chưa tích cực hỗ trợ hoặc cần có sự phối hợp ra sao thì lại chưa có câu trả lời cụ thể.

Trong báo cáo của Sở VH-TT, sở chỉ quản lý Nhà hát TP.HCM và 10 rạp hát đã được xây dựng trước năm 1975, nay đã xuống cấp nghiêm trọng, không gian chật hẹp và đan xen với khu dân cư. Một số rạp hát, Sở VH-TT chỉ sở hữu tầng trệt, còn tầng trên là nơi các hộ dân đang sinh sống. Những khó khăn về rạp hát, địa điểm biểu diễn đã được đặt ra từ rất lâu,  nhưng đến nay, việc giải quyết, tháo gỡ các khó khăn vẫn đang bế tắc.

Phải chăng, đúng như nhận xét của bà Nguyễn Thị Việt Tú và ông Tăng Hữu Phong (Ủy viên Ban Văn hóa - Xã hội): ngành văn hóa đang có quá nhiều khó khăn nhưng chưa giải quyết được triệt để. Sở VH-TT và các sở, ngành liên quan liệu đã ngồi lại với nhau để tìm nút thắt và bàn cách tháo gỡ? Khi chưa tìm được nút thắt, sẽ không thể giải quyết được vướng mắc. Ông Tăng Hữu Phong không giấu được nỗi lo khi suốt một nhiệm kỳ mà lĩnh vực văn hóa không có dự án nào có thể hoàn thành.

Trong lúc các nghệ sĩ vẫn khóc than về việc không tìm được sân khấu biểu diễn, công chúng đang khát thèm được thưởng thức nghệ thuật thì các nhà hát, trung tâm biểu diễn vẫn phải chờ hoàn thiện nhiều bước tiếp theo (mà mỗi bước mỗi vướng, mỗi khó) trước khi có thể khởi công; chờ những quy định, chính sách mới phù hợp với đề xuất đầu tư…

Quá nhiều thứ vẫn rối như tơ vò và người dân ở một thành phố hiện đại bậc nhất đất nước vẫn tiếp tục thưởng thức nghệ thuật biểu diễn ở những sân khấu, rạp hát từ cách nay hơn nửa thế kỷ, đã xuống cấp trầm trọng. Những người dân ít kiên nhẫn hoặc ít đam mê nghệ thuật kịch nói, kịch hát đã kịp chuyển sang thưởng thức các bộ môn, loại hình nghệ thuật khác mà trong số đó không thiếu những loại hình của nước ngoài trước sự ngậm ngùi của văn hóa truyền thống dân tộc. 

“Có lẽ nên nhìn nhận, đánh giá lại vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, của ban giám đốc Sở VH-TT trong quá trình thực hiện, triển khai các dự án - những gì đã làm được và chưa làm được, trách nhiệm thuộc về ai. Không thể để mọi việc kéo dài từ nhiệm kỳ này qua nhiệm kỳ khác mà phải nhận diện rõ ràng những gì có thể thực hiện được hay không được. Nếu thực hiện được, chúng ta sẽ triển khai những bước đi cụ thể trong giai đoạn tiếp theo như  thế nào? Nếu không thể thực hiện được thì vì sao không được?

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP.HCM đã nhận diện rõ những khó khăn của ngành văn hóa và cũng xác định rằng, TP.HCM chưa đầu tư thỏa đáng cho các thiết chế văn hóa, đầu tư chưa tương xứng với sự phát triển của thành phố. Nhưng đến nay, vì sao vẫn chưa có sự chuyển biến? Đã đến lúc không thể chỉ ngồi nêu khó khăn chung chung mà không đi trực tiếp vào từng khó khăn cụ thể để tìm giải pháp, tham mưu cho UBND TP.HCM đưa ra những chủ trương, chính sách phù hợp. Nếu vấn đề nằm ngoài khả năng của UBND TP.HCM, thành phố có thể kiến nghị Chính phủ ban hành những chủ trương, chính sách theo cơ chế đặc thù của TP.HCM”.

Bà Thi Thị Tuyết Nhung (Trưởng ban VH-XH, HĐND TP.HCM)

Thảo Vân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI