Nhà hát nào cho cải lương?

22/12/2015 - 15:50

PNO - Một nhà hát dành cho bộ môn cải lương ở TP.HCM vào thời điểm này vẫn là ước mơ xa xỉ của nghệ sĩ.

Bởi sau nhiều năm chờ đợi nhà hát mới được xây dựng trên nền rạp Hưng Đạo cũ và sau hơn nửa năm hoàn thiện, nhà hát vẫn đóng cửa im ỉm.

Hiện thành phố chỉ còn điểm diễn cải lương duy nhất là rạp Thủ Đô. Địa điểm này nếu làm chương trình lớn, điều kiện cơ sở vật chất khó đáp ứng nhu cầu của nhà tổ chức lẫn khán giả. Nhưng nếu làm những chương trình nhỏ gọn, cần không gian ấm cúng thì cả nghệ sĩ lẫn khán giả lại bị rơi vào cảnh “lọt thỏm”.

Hơn nữa, vị trí xa khu trung tâm, không có bãi giữ xe, cơ sở vật chất xuống cấp… rạp Thủ Đô không còn đủ sức thu hút khán giả. Nghệ sĩ cải lương cứ phải tìm cách thuê mướn điểm diễn mà hai nơi thường được nhắm đến là Nhà hát Bến Thành và Nhà hát Thành phố. Nhưng nhiều nghệ sĩ cải lương vẫn đùa đó là “nhà hát trong mơ”. Chỉ những nghệ sĩ thuộc hàng sao hoặc những chương trình có tài trợ mới thuê nổi hai nơi này để tổ chức biểu diễn.

Nha hat nao cho cai luong?
Trung Thần - vở diễn được đánh giá tốt có nguy cơ lưu kho vĩnh viễn vì không có điểm biểu diễn

Vì sao những nhà hát lớn, hiện đại, là tài sản chung củ a thà nh phố nhưng không thể có những đêm diễn “đặc cách” dành cho cải lương? Trước đây, từng có chương trình cải lương Làn điệu phương Nam được tổ chức đều đặn hàng tháng ở Nhà hát Thành phố.

Ngoài những đêm diễn tôn vinh các nghệ sĩ, đạo diễn tên tuổi, chương trình còn có sự góp mặt của một số đoàn cải lương miền Tây với nhiều vở diễn được đánh giá cao. Nhưng sau khi sân khấu Sen Hồng khánh thành ở công viên 23/9, Làn điệu phương Nam được “đẩy” ra đây. Điều này làm những người hoạt động cải lương có cảm giác cải lương không được trân trọng.

“Phải chăng Nhà hát Thành phố dành cho các chương trình hàn lâm, còn cải lương chỉ dành cho khán giả bình dân, phải diễn ở sân khấu ngoài trời? Nếu vậy sao gọi là ưu tiên giữ gìn và phát triển những giá trị văn hóa nghệ thuật độc đáo của dân tộc?”, NSƯT Kim Tử Long bức xúc.

Vì đam mê, khát khao nên những người làm nghề vẫn cần mẫn tập luyện, dù biết có khi tập cả tháng trời nhưng chỉ diễn được một đêm. Không thể tìm được sân khấu cố định, người làm cải lương mạnh ai nấy chạy tìm rạp dựa trên mối quan hệ và túi tiền của mình.

Cảnh trí, đạo cụ… đã tốn tiền thực hiện, diễn xong một, hai suất lại tốn thêm tiền thuê kho cất giữ… Đa phần các chương trình cải lương, cứ mỗi đêm sáng đèn là phải chuẩn bị tiền dằn túi để bù lỗ.

Việc thiếu điểm diễn cố định không chỉ gây nhiều khó khăn trong công tác tổ chức biểu diễn, bán vé, mà còn dẫn đến sự sụt giảm về chất lượng tác phẩm, chương trình. Sân khấu cải lương gần đây cho ra mắt nhiều chương trình thiếu sự đầu tư.

Chương trình, tiết mục nghiêm túc, nghệ sĩ tài năng biểu diễn bằng nhiệt huyết, đam mê nhưng sân khấu thì quá đơn điệu, sơ sài nên không thể hấp dẫn, thuyết phục người xem.

Sau cuộc thi nghệ thuật sân khấu cải lương chuyên nghiêp toàn quốc 2015, nhiều khán giả chờ đợi để được xem hai vở đoạt huy chương bạc là Trung thần và Cõi thiêng. Các nhóm cải lương xã hội hóa cũng liên tục tổ chức dàn dựng nhiều chương trình như: Đêm cải lương Hồ Quảng - Giữ mãi đam mê, Đêm truyền nghề 2, chương trình Thiên đường Hồ Quảng... trong tháng 12 này... nhưng không điểm diễn.

Nên chăng các nhà hát lớn của thành phố hãy dành một vài suất diễn cố định trong tháng cho cải lương. Một vài suất không ảnh hưởng nhiều đến doanh thu của mỗi nhà hát, nhưng sẽ góp sức cho hoạt động nghề nghiệp của nghệ sĩ, góp phần vào việc duy trì, gìn giữ nghệ thuật cải lương.

Thảo Vân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI