Nhà hát kịch sân khấu nhỏ - 5B sẽ chỉ là hào quang quá khứ?

26/05/2015 - 08:30

PNO - PN - Thông tin Nhà hát Kịch sân khấu Nhỏ TP.HCM (NHKSKN) tạm ngưng biểu diễn để sửa chữa khiến không ít khán giả và diễn viên (DV) bất ngờ. Nhưng những ai từng theo dõi bước đi của Nhà hát thì hiểu rằng nếu không mạnh dạn thay...

edf40wrjww2tblPage:Content

Nha hat kich san khau nho - 5B se chi la hao quang qua khu?

Cõi tình - một trong những vở diễn được xem là thể nghiệm mới lạ và hiếm hoi
trong hoạt động chung của SK cả nước trên sân khấu Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ

Thực tế buồn

Chuyện phải leo tận lầu ba, ngồi xem kịch “chông chênh” trên những chiếc ghế nhỏ xíu, lưng dựng thẳng đứng, trong khán phòng nóng bức khiến khán giả ngán ngại và vì thế, người xem thưa vắng dần là có thực và dễ hiểu. Điều này đã được Giám đốc Huỳnh Minh Nhị (khi ấy) lên tiếng từ mười năm trước. Tuy nhiên theo nhiều người làm nghề, đây không phải là lý do duy nhất khiến địa chỉ nổi tiếng một thời của kịch nói ngày càng ế ẩm.

Một trong những cái khó của NHKSKN được nhiều người nhắc đến là thường xuyên dựng những vở diễn mang tính định hướng, không thể chạy theo thị trường như cách làm của các sân khấu tư nhân trong cơn lốc cạnh tranh. Càng khó hơn khi không được “thị trường hóa” về nội dung, nhưng NHKSKN gần như phải “tự lực cánh sinh” về kinh phí.

Nhà hát từng có những vở kịch ma, kịch trinh thám, thậm chí những vở diễn có cảnh nóng được xử lý chừng mực. Tuy nhiên, những vở diễn thể hiện sự tìm tòi, sáng tạo mang tính thể nghiệm, chinh phục khán giả bằng lối dàn dựng, ngôn ngữ sân khấu (SK) mới lạ… trong không gian đặc thù của Nhà hát ngày càng khan hiếm.

NHKSKN không còn giữ được phong cách riêng, thậm chí từng có một vở diễn như những mảng miếng tấu hài chắp vá bị khán giả phản ứng. Một số vở diễn lộ nhiều điểm yếu từ kịch bản đến dàn dựng. Khán giả có thể bắt gặp ở NHKSKN một chút của Kịch Sài Gòn, một chút của Hoàng Thái Thanh, một chút của Thế Giới Trẻ… nhưng lại không thể bằng các SK này về điều kiện kỹ thuật, cơ sở vật chất.

Chất lượng DV cũng là điều đáng bàn. Nghệ sĩ (NS) tên tuổi không đủ sức “choàng gánh” cho lớp trẻ yếu về diễn xuất lẫn tiếng nói sân khấu. Vài NS chỉ xuất hiện cho có, tự đánh mất chính mình bằng lối diễn xưa cũ, thiếu hành động SK, thiếu chiều sâu nhân vật… Thậm chí có người còn không kịp xác định tính cách, hoàn cảnh của nhân vật để chọn lựa phục trang phù hợp. Thay vì diễn bằng cảm xúc, họ diễn bằng kỹ thuật, kinh nghiệm như những “thợ diễn” lành nghề khiến khán giả thất vọng.

Ngay cả những người giữ vị trí đầu tàu, những DV được xem là thế hệ đàn anh, đàn chị của Nhà hát vẫn bận bịu chạy sô, thậm chí có lúc bỏ luôn cả suất diễn, buộc DV trẻ phải thay vai dù chưa đủ lực, thì lớp DV trẻ không toàn tâm toàn ý cho SK là điều dễ hiểu. Từng là chiếc nôi của nhiều thế hệ NS ngôi sao nhưng giờ đây, NHKSKN không thể giữ nổi cho mình đội ngũ DV riêng.

Nha hat kich san khau nho - 5B se chi la hao quang qua khu?

Dạ cổ hoài lang - vở diễn gắn liền với ''thương hiệu 5B''

“Thương hiệu 5B” và những thách thức

Áp lực của hào quang trong quá khứ khiến người của hiện tại cứ phải cho SK sáng đèn, phải chạy theo số lượng vở diễn dịp lễ, Tết... dù biết DV lo chạy sô khó đảm bảo được chất lượng. Nhưng khó trách NS, DV khi Nhà hát không thể nuôi nổi họ, cũng không tạo được hứng thú để họ làm nghề.

Từ năm 2009 đến nay, để có kinh phí dựng vở, Ban giám đốc phải vay vốn từ các doanh nghiệp hoặc dựa vào mối quan hệ cá nhân, đứng ra vay tiền cho Nhà hát. Tuy nhiên không phải vở nào dựng xong cũng thu hồi được vốn để trả nợ. Bài toán cơm áo gạo tiền khiến những người quản lý chênh vênh giữa thị trường và phong cách riêng của Nhà hát, cộng thêm việc không có đội ngũ DV chủ lực nên lại càng thêm khó. Tất cả đẩy NHKSKN vào vòng lẩn quẩn.

Cố gắng duy trì tính thể nghiệm, yếu tố từng tạo nên “thương hiệu 5B”, Nhà hát cũng từng thành lập CLB ĐD trẻ, DV trẻ… với mong muốn tìm kiếm những tài năng, sáng tạo mới để xây dựng thành lực lượng nòng cốt. Nhưng Nhà hát còn không thể “nuôi’ được chính mình, làm sao đủ sức bảo bọc cho lớp trẻ. Những người muốn thể nghiệm sáng tạo mới như Nguyễn Khắc Duy và nhóm Buffalo, hay đạo diễn Tùng Phi… được Nhà hát chào đón và tạo điều kiện, nhưng dù muốn hay không vẫn phải cùng Nhà hát chia sẻ gánh nặng “cơm áo gạo tiền”.

Mỗi suất diễn dù lời hay lỗ, các nhóm này phải chi một khoản cố định để trả chi phí điện nước, nhân viên… Một ĐD trẻ cho biết: “Chấp nhận lỗ từ việc bán vé đã đành, phải gánh thêm chi phí “chia sẻ” này, chúng tôi không đủ sức để đi đến cùng với ước mơ của mình”.

ĐD Đăng Nhân, người từng gắn bó với Nhà hát từ thời CLB Thể nghiệm bằng vở diễn đầu tiên - Dư luận quần chúng chia sẻ: “Không thể so sánh điều kiện của chúng tôi ngày xưa với lớp trẻ bây giờ. Nhưng để mất những người trẻ như Nguyễn Khắc Duy và nhóm Buffalo là điều rất đáng tiếc. Một khoản kinh phí để đầu tư, hỗ trợ cho những người trẻ và những sáng tạo mới là điều cần phải có trong kế hoạch phát triển NHKSKN”.

Với thực trạng cơ sở vật chất, nhân lực như hiện nay, việc Nhà hát tạm ngưng hoạt động là điều tất yếu. Thông tin đã có ngân sách để sửa chữa Nhà hát khiến người làm nghề khấp khởi mừng. Nhưng liệu NHKSKN với cơ sở vật chất mới có giữ được phong cách của 5B hay sẽ trở thành “phiên bản” của một sân khấu xã hội hóa nào đó?

Đạo diễn - NSƯT Trần Minh Ngọc, người từng nhiều năm gắn bó với Nhà hát khẳng định: “Tạm dừng để sửa chữa và chấn chỉnh là điều rất cần thiết của NHKSKN ở thời điểm này. Nhưng nếu không xác định được phong cách, không dìu dắt được một lớp ĐD, DV trẻ có đủ lực để tiếp nối thế hệ đi trước, Nhà hát sẽ rất khó thành công. Đã đến lúc Nhà hát cần có một đường lối nghệ thuật rõ ràng và phải đi đến cùng với mục tiêu của mình. Nếu cứ tiếp tục chông chênh e rằng thất bại là điều được báo trước”. Nhà hát mới là điều kiện cần, chứ chưa đủ. Có nhà hát đẹp, nhưng thiếu nhân lực, thiếu phương án hoạt động dài lâu, thiếu những ý tưởng sáng tạo mới lạ, “thương hiệu 5B” sẽ chỉ còn là hào quang của quá khứ.

THẢO VÂN

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI