Nhà hát công lập: Làm nghệ thuật kiểu 'cho có'

20/06/2015 - 09:13

PNO - PN - Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch vừa thông báo sẽ chọn năm đơn vị nghệ thuật do bộ trực tiếp quản lý để thí điểm chuyển đổi mô hình quản lý từ bao cấp hoàn toàn sang tự chủ, tự chịu trách nhiệm, tự hạch toán thu chi.

edf40wrjww2tblPage:Content

Theo đó, một nhà hát (NH) sẽ tự chủ 100%, bốn đơn vị khác sẽ cắt giảm kinh phí, từ nay đến năm 2017 sẽ cắt toàn bộ. Cách làm này khiến không ít người quan tâm nghĩ đến việc cần tính toán lại những khoản đầu tư cho các đơn vị nghệ thuật công lập ở TP.HCM - địa phương mạnh trong hoạt động nghệ thuật nhưng sân chơi đang thuộc về các đơn vị ngoài công lập.

Nha hat cong lap: Lam nghe thuat kieu 'cho co'

Sắc màu phương Nam - chương trình nghệ thuật được đầu tư hơn một tỷ nhưng chỉ được vài suất diễn

Xài tiền tỷ vẫn than nghèo

TP.HCM hiện có bảy đơn vị nghệ thuật (NT) công lập gồm NH cải lương Trần Hữu Trang, NH kịch TP.HCM, NH NT hát bội, NH ca múa nhạc dân tộc Bông Sen, NH NT Phương Nam, NH giao hưởng, nhạc, vũ, kịch TP.HCM và Trung tâm ca nhạc nhẹ TP.HCM.

Sáu tháng đầu năm nay, hoạt động của NH kịch TP.HCM hoàn toàn dựa vào một đơn vị tư nhân là sân khấu Sen Việt. NH Phương Nam từ sau vài suất diễn của chương trình được đầu tư tiền tỷ dịp ra mắt NH vào tháng 7/2014 đến nay cũng chưa để lại dấu ấn đặc biệt nào. Mùa hè 2015, dù nỗ lực biểu diễn phục vụ khán giả nhí, nhưng vở diễn cậu bé người gỗ Pinochio lại được cho là “bước lùi” của NHNT Phương Nam so với những vở diễn dành cho thiếu nhi trước đây, khi NH còn là hai đoàn NT rối và xiếc tách biệt.

NH ca múa nhạc Bông Sen từ đầu năm đến nay cũng “im hơi lặng tiếng”. Trung tâm ca nhạc nhẹ TP.HCM thì gần như đã bị “xóa sổ”. NH cải lương Trần Hữu Trang “lấn cấn” trong việc chuyển giao NH mới nên các kế hoạch biểu diễn cũng bị xáo trộn.

Trong sự thiếu năng động, quen ỷ lại vào nguồn kinh phí được cấp của những người quản lý các đơn vị nghệ thuật công lập, nhiều ý kiến cũng cho rằng, một phần lỗi thuộc về cơ chế bao cấp và sự lỏng lẻo, dễ dãi trong quản lý, kiểm soát…

Âm thầm, lặng lẽ trong đời sống NT sôi động của TP. HCM, nhưng mỗi năm, các đơn vị NT nhà nước vẫn được “chu cấp” hàng tỷ đồng để duy trì hoạt động. Nghịch lý ở chỗ, khi các đơn vị ngoài công lập phải tự thân vận động từ kinh phí đến cơ sở vật chất, tìm kiếm diễn viên (DV)… nhưng vẫn hoạt động tốt, vẫn nuôi sống DV, thì những đơn vị đang được “bao cấp” trọn gói vẫn liên tục “than nghèo kể khổ”.

Không phủ nhận những khó khăn về điểm diễn, cơ sở vật chất là có thật, nhưng thực tế đã và đang tồn tại ở hầu hết đơn vị NT công lập được đầu tư “bạc tỷ” hàng năm vẫn khiến không ít người trong nghề bức xúc.

Nhiều năm nay, nguồn ngân sách nhà nước cấp cho NH kịch TP.HCM chủ yếu chỉ để nuôi bộ phận nhân viên hành chính, hậu đài… Có lúc, những người trong nghề vẫn nói vui: NH kịch TP.HCM lẽ ra phải được trao kỷ lục Guiness vì là NH duy nhất trên thế giới chỉ có một DV. Để dựng vở, NH phải hợp đồng với các DV tự do và vì thế kế hoạch biểu diễn của NH luôn ở trạng thái bị động.

Chẳng mấy ai ngạc nhiên khi vào mùa cao điểm, sân khấu xã hội hóa (XHH) nhộn nhịp với các kế hoạch luyện tập, biểu diễn thì NH (đang sở hữu một sân khấu nằm trên mặt tiền con đường lớn ở khu trung tâm TP) vẫn cứ đóng cửa tắt đèn và gần như lệ thuộc vào khả năng đầu tư, tổ chức của một DV hải ngoại.

Ban giám đốc NH NT Phương Nam cũng từng làm nhiều người sốc khi “tiết lộ” con số trên năm tỷ đồng kinh phí được cấp từ nguồn ngân sách hàng năm không đủ để NH hoạt động. Hầu hết các đơn vị NT công lập hiện nay chỉ mới thực hiện nhiệm vụ biểu diễn phục vụ. Điều đáng nói, không ít chương trình phục vụ được tổ chức rất đơn giản, gần giống một chương trình ca nhạc tạp kỹ với sự tham gia của những DV không mấy tên tuổi.

Do đó, vấn đề từng được nhiều người đặt ra là: “Có lãng phí không, khi kinh phí hàng tỷ đồng chỉ để duy trì các nhà hát với mục đích phục vụ vùng sâu, vùng xa và dàn dựng chương trình, vở diễn tham gia liên hoan, hội diễn…?”.

Ngoài lý do không có cơ sở vật chất, không có địa điểm biểu diễn được các nhà quản lý đơn vị NT công lập đưa ra, một lý do cũng được nhắc đến nhiều là thu nhập của nghệ sĩ, DV không đủ sống nên các NH công lập không tập hợp được đội ngũ. Thoạt nghe có vẻ hợp lý, nhưng nhìn nhận lại vấn đề thì dường như lại không chính xác.

Vì sao các đơn vị XHH chỉ trả thù lao theo đêm diễn nhưng lại đủ sức tập hợp DV? Trong khi đó, các đơn vị công lập, ngoài bồi dưỡng đêm diễn, DV trong biên chế còn có khoản lương hàng tháng cộng thêm chế độ phụ cấp nghề nghiệp, chế độ bồi dưỡng luyện tập… Tất nhiên mức thù lao theo quy định là 50.000đ/suất diễn cho DV chính không thể khiến DV gắn bó với đơn vị công lập, nhưng trong thực tế từ nhiều năm nay, mỗi đơn vị đã có cách tính linh động để bồi dưỡng cho DV. Nếu năng động ngay trong tổ chức biểu diễn, việc tăng thu nhập cho nghệ sĩ, DV là điều hoàn toàn có thể.

Khi kinh phí hoạt động, kinh phí đi biểu diễn phục vụ vùng sâu vùng xa… được nhà nước lo trọn gói, một số nhà quản lý các đơn vị NT công lập quen tâm lý ỷ lại. Chưa kể, dù một số đơn vị than van cơ sở vật chất xuống cấp, thiếu điều kiện kỹ thuật, bãi xe… nhưng cơ sở vật chất này vẫn được nhiều đơn vị NT XHH hoặc các đoàn NT địa phương khác thuê mướn làm nơi luyện tập, biểu diễn.

Khoản thu này cũng góp phần đảm bảo doanh thu hàng năm của đơn vị, đảm bảo cho NH vẫn hoàn thành kế hoạch hàng năm. Khi đã đủ số suất diễn, doanh thu theo quy định, các đơn vị công lập chẳng dại gì mà “bươn chải”, vì “bươn chải” chưa chắc đã thắng!

Bao giờ hết khó?

Các suất diễn của chương trình xiếc XHH Á Ố Show luôn đông khách, dù giá vé lên đến bạc triệu, trong khi xiếc ở rạp bạt của NH NT Phương Nam giá chỉ hơn một trăm ngàn đồng vẫn thưa vắng người xem. Điều này liệu có khiến người quản lý NH trăn trở? Sở hữu những nghệ sĩ xiếc từng đoạt giải cao ở các liên hoan xiếc quốc tế, cộng thêm nguồn kinh phí hàng tỷ đồng mỗi năm, nhưng xiếc công lập vẫn thua xiếc tư nhân.

Tương tự, nhắc đến NT rối nước ở TP.HCM, khán giả trong và ngoài nước sẽ nghĩ ngay đến NH múa rối nước Rồng Vàng của ông bầu Huỳnh Anh Tuấn. Không chỉ nhiều lần được mời tham gia Lễ hội Kijimuna Festa TP Okinawa (Nhật Bản), năm nay Rồng Vàng lại tiếp tục có mặt ở Liên hoan Sân khấu quốc tế cho khán giả trẻ 2015 ở Mỹ và Canada. Vì sao không phải là rối nước của NH công lập, mà lại là của một đơn vị tư nhân?

Trong sự thiếu năng động, quen ỷ lại vào nguồn kinh phí được cấp của những người quản lý các đơn vị NT công lập, nhiều ý kiến cũng cho rằng, một phần lỗi thuộc về cơ chế bao cấp và sự lỏng lẻo, dễ dãi trong quản lý, kiểm soát… Vì sao có thể duy trì một NH chỉ có một DV trong một thời gian dài? Vì sao là những NH chuyên nghiệp mà lại không thể tổ chức biểu diễn có doanh thu nhưng vẫn đều đặn được cấp kinh phí hàng năm?

Đầu vào của kinh phí dễ dãi, trong khi không bị ràng buộc về hiệu quả hoạt động nên đương nhiên những yếu tố quan trọng của hoạt động nghệ thuật sẽ bị bỏ qua như: doanh thu; đời sống, tuổi thọ, tác động của vở diễn; hiệu ứng của khán giả...

Khi các đơn vị XHH chỉ tốn trên dưới một trăm triệu đồng cho một vở diễn thì hầu hết các vở diễn của các đơn vị công lập tiêu tốn gấp vài lần cho một vở tương đương. Điều đáng nói là hầu hết những vở diễn của đơn vị XHH dù đầu tư ít nhưng có thể biểu diễn doanh thu ít nhất trên dưới 15 suất thì không ít vở diễn đầu tư hàng trăm triệu đồng của đơn vị công lập có thể chỉ sáng đèn được vài ba suất. Không nói đâu xa, chương trình NT Sắc màu Phương Nam với kinh phí đầu tư trên một tỷ đồng đã khép lại không lâu sau buổi ra mắt hoành tráng.

Rất nhiều lý do khiến những vở diễn, chương trình NT được đầu tư tốn kém đành chấp nhận lưu kho sau vài xuất diễn: không tập hợp được DV, không tìm được điểm diễn phù hợp… nhưng còn một lý do khác dù rất phổ biến nhưng ít được nhắc đến là quá trình chọn lựa kịch bản để dàn dựng chỉ chú trọng đến tiêu chí của một cuộc liên hoan, hội diễn; hoặc dựng vở theo đơn đặt hàng cho một đợt tuyên tuyền và bỏ qua yếu tố phải đáp ứng nhu cầu thưởng thức NT ngày càng đa dạng của khán giả.

Vở diễn “nhạt” từ nội dung đến thủ pháp dàn dựng, nên chỉ diễn được một-hai suất, vừa tốn kém tiền bạc, vừa thất bại cả về mặt định hướng, tuyên truyền là điều tất yếu.

Công bằng mà nói, không phải các đơn vị công lập không có vở diễn, chương trình nào hấp dẫn, phù hợp với nhu cầu của khán giả. Tiếc rằng những nhà quản lý đơn vị công lập lại thiếu năng động trong quảng bá, giới thiệu tác phẩm và tổ chức biểu diễn. Cách làm này khiến nhiều người có cảm giác vở diễn ra đời chỉ với mục đích để “giải ngân” cho hết số tiền được cấp, để đếm số lượng cho bản báo cáo… mà không cần quan tâm chương trình, vở diễn của mình sống chết ra sao, hiệu ứng thế nào.

Bao lâu nữa, tư tưởng trông chờ bầu sữa bao cấp, sự trì trệ trong vai trò quản lý, sự vô cảm trong vai trò công dân, trách nhiệm của người nghệ sĩ mới chấm dứt? Ai sẽ là người phải trực tiếp chịu trách nhiệm về những tác phẩm đầu tư tốn kém kinh phí nhưng kém chất lượng, hiệu quả xã hội thấp? Dư luận vẫn đang chờ lời giải đáp!

Nhóm PV VH-VN

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI