Nhà báo Vĩnh Trà, cựu Trưởng ban Thư ký biên tập, Đài tiếng nói Việt nam: 'Sao không xây một bảo tàng Tiếng nói Việt Nam?'

09/12/2019 - 11:09

PNO - Cần nhớ, sau bản tin của Đài Tiếng nói Việt Nam phát đi từ nơi này, báo chí trong nước cũng như thế giới, nhất là các hãng thông tấn lớn đã đưa tin, lần đầu có một đài phát thanh ở Đông Dương và ở Việt Nam.

Khi thực dân Pháp dã tâm cướp nước ta một lần nữa, đây là nơi phát đi Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào ngày 19/12/1946. Trước đó, Đài Bạch Mai, tức điện tín của Đông Dương thời điểm đó, là nơi lần đầu tiên phát đi cho toàn thế giới biết ở Việt Nam có một bản Tuyên ngôn độc lập lúc 11g30 ngày 7/9/1945. Đó là con đường mà Bác Hồ nói rằng, chúng ta có thể đi ra nước ngoài mà không cần hộ chiếu, vượt qua sự bưng bít của kẻ thù.

Nha bao Vinh Tra, cuu Truong ban Thu ky bien tap, Dai tieng noi Viet nam: 'Sao khong xay mot bao tang Tieng noi Viet Nam?'
Trạm vô tuyến điện báo với 4 cột sóng lớn lên tem bưu chính Đông Dương (Ảnh tư liệu do nhà văn - KTS Trương Quý cung cấp)

Cần nhớ, sau bản tin của Đài Tiếng nói Việt Nam phát đi từ nơi này, báo chí trong nước cũng như thế giới, nhất là các hãng thông tấn lớn đã đưa tin lần đầu tiên có một đài phát thanh ở Đông Dương và ở Việt Nam. Đây cũng là lần đầu tiên có một đài phát thanh bằng tiếng Việt trên thế giới. Vì thế, nó trở thành một công cụ đấu tranh hữu hiệu, xuyên quốc gia, nhờ nó mà thế giới hiểu Việt Nam, Việt Nam biết đến thế giới.

Không chỉ có ý nghĩa về lịch sử, mà còn có ý nghĩa về báo chí, văn hóa. Có nhiều điều thuộc về Đài Tiếng nói Việt Nam mà đến tận bây giờ, lịch sử báo chí, từ điển báo chí bỏ qua hoặc ghi nhận chưa đầy đủ. Người ta thường nhắc đến đài Tiếng nói Việt Nam một cách chung chung, còn bản thân đài chứa những lớp trầm tích gì trong đó thì chưa được nói đến.

Tiếc rằng, dấu ấn đặc biệt này ngày càng mờ nhạt cùng việc đập bỏ tòa nhà cũ ở 58 Quán Sứ, và bây giờ là ngôi nhà còn sót lại duy nhất ở Đại La, cũng như những địa điểm khác nằm trong mắt xích lịch sử ấy. Ta đã bỏ qua cơ hội, ta đã không biết làm một bảo tàng “Tiếng nói Việt Nam” ở chính cái nơi mà tiếng nói ấy vang lên mạnh mẽ nhất.

Bản thân tôi cũng đề nghị lên Đài Tiếng nói Việt Nam nhiều lần, nên giữ lại một kỷ niệm gì đó để đời nay, nhất là đời sau hiểu hơn về một thời hào hùng đã qua. Những năm qua, Đài Tiếng nói Việt Nam cũng đã có các chương trình tưởng nhớ, nhưng chưa đủ, vẫn cần sự quan tâm nhiều hơn nữa từ phía thành phố, đặc biệt là những người làm quản lý văn hóa. Thế nhưng, người ta đập bỏ thì vẫn đập bỏ.

Không chỉ không được xếp hạng, di tích này còn không nằm trong danh mục kiểm kê di tích của Sở Văn hóa và Thể thao TP.Hà Nội.

Hãy nhớ, Bác Hồ là người sáng lập Đài Tiếng nói Việt Nam chứ không phải ai khác.

Không biết kêu trời thế này, có ai thấu không? Tôi chỉ mong, trong trường hợp không giữ được ngôi biệt thự, thì nên đặt một tấm bia tưởng niệm để nhắc nhở thế hệ sau, ở đây, từng là nơi phát đi “tiếng nói Việt Nam” - một trái tim của Việt Nam đi vào lịch sử thế giới. 

Du Nguyên (ghi)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI