Nguyễn Trí: "Viết cho hết cái đang có trong đầu"

04/01/2014 - 21:06

PNO - PN - 1.Không như mọi năm, Giải thưởng văn học của Hội Nhà văn Việt Nam năm 2013 vừa trao cho một cây bút “mới toanh”: Nguyễn Trí. Trên trường văn trận bút, anh là “lính mới”, vừa xuất hiện vài năm trở lại đây.

edf40wrjww2tblPage:Content

Thế nhưng, tập truyện ngắn Bãi vàng, đá quý, trầm hương (NXB Trẻ) của anh đã tạo một ấn tượng riêng biệt. Nguyễn Trí dẫn người đọc vào thế giới của những con người bần cùng, khốn khổ, muốn có miếng cơm phải trả bằng mồ hôi và máu. Các nhân vật của anh là những tay giang hồ khét tiếng, bặm trợn; những người sống bằng nghề đãi vàng sẵn sàng giết nhau nơi rừng thiêng nước độc; những công nhân số phận hẩm hiu; những gái làng chơi… Sự dữ dội trần trụi ấy đã khiến tác phẩm của Nguyễn Trí trở thành “hàng độc”, bởi anh viết từ chính vốn sống đã trải qua.

2. Trao đổi với tôi, anh cười khà khà: “Trong tập truyện được giải thưởng, tôi thích nhất truyện ngắn Vô thường. Hồi đó, tôi bị vùi dưới hầm vàng với một đồng nghiệp. Trong giây phút sống chết mong manh, hai chúng tôi, đứa nào cũng tròm trèm chục cây vàng treo lủng lẳng trên cổ. Số vàng ấy có ý nghĩa gì trong lúc đó? Sau hai ngày đêm nằm bẹp trong taluy với sự khao khát thèm sống đến từng giây từng phút, tôi mới cảm nhận thật sâu sắc cái phù vân của kiếp người. Thoát khỏi cái chết, tôi thấy đời phù du quá, của cải là bụi cát. Và phận con người cũng mỏng manh như mây”.

Do chính cảm nhận như thế, anh mới dám đối đầu với nỗi đau tột cùng của người làm cha. Ngày đó, con gái anh bị đâm chết. Hung thủ là cô gái mới 17 tuổi. Khi ra tòa, vợ anh phải ẵm con cho bị cáo. Còn anh ngồi trầm ngâm thầm mong tòa giảm án cho kẻ đã giết con mình. Anh nói: “Khi ta “chấp” thì địa ngục ở trong lòng, khi ta hỷ xả thì lòng ta thanh thản. Nhưng quan trọng nhất là vợ tôi, bà nói: “Thôi, bỏ đi. Tha thứ cho người ta thì linh hồn con mình cũng nhẹ nhàng và siêu thoát”.

Nguyen Tri:
Tác giả Nguyễn Trí và vợ

Phiên tòa kết thúc, hung thủ lặng người, níu chặt tay vợ chồng anh, khóc ngất: “Con đội ơn tấm lòng trời biển của hai bác vì đã tha thứ và xin giảm án cho con. Hai bác đã sinh ra con một lần nữa…”. Nhớ lại chuyện này, anh cười buồn: “Vậy mà, có người cho rằng tôi làm thế là do háo danh. Ngày nay lòng tốt bị xem là mưu cầu một cái gì đó anh ạ. Mặc kệ, tôi chỉ nghĩ đến tình thương”. Tôi gặng hỏi thêm: “Khi xin giảm án cho kẻ giết con của anh, lúc ấy anh nghĩ gì?”. Anh đáp: “Tôi nghĩ đến con trai tôi trong trại cai nghiện. Tôi nghĩ đến lúc bị vùi dưới hầm sâu và nỗi khát thèm sự sống. Tôi nghĩ, buộc làm gì khổ hận vào người. Tôi có đọc qua kinh Phật nên biết tí chút cái hỷ xả”.

Tâm sự của anh vô tình đã giúp tôi lý giải câu hỏi, vì sao khi đọc Bãi vàng, đá quý, trầm hương dù dữ dội nhưng ở đó đều toát lên tình người sâu nặng. Dù tranh giành miếng ăn, chém giết để tồn tại nhưng rồi họ “ngộ” ra sống trên đời cần một tấm lòng.

3. Không giấu giếm, Nguyễn Trí cho biết, trước lúc viết văn, anh rất thích tác phẩm Vàng và máu của Thế Lữ. Anh nheo mắt cười: “Còn ông già Nam bộ Sơn Nam với Bà chúa Hòn thì Trí này chắp hai tay mà vái. Hai ông này ai mà không thần tượng hả anh?”. Đúng quá. Vậy, sau tập truyện này, sẽ viết thêm những gì nữa? Anh đáp: “Vẫn đang viết, chủ yếu đăng báo kiếm tiền mua sữa nuôi cháu nội. Ngoài ra, tôi đang tập trung viết một cái dài hơi kể về đời sống của công nhân khu công nghiệp. Do có ba năm làm thuê cho chủ Đài Loan nên tôi có nhiều chất liệu. Nhiều cảnh đau lòng lắm”.

Giải thưởng văn chương luôn là điều ước mơ của nhiều cây bút mới. Liệu Nguyễn Trí sẽ là nhà văn chuyên nghiệp hay chỉ là người “dạo chơi”? Anh trầm ngâm: “Đến tuổi này, tôi không còn sức để cầm cái bay đi xây tường nữa, nhưng không nhịn ăn được. Do đó, tôi cố viết cho hết cái đang có trong đầu, kiếm tí chút nuôi thân. Còn chuyện có trở thành nhà văn chuyên nghiệp hay không, tôi không nghĩ đến. Còn sức thì viết, hết thì thôi. Tôi cũng không dạo chơi trong khu vườn thiêng liêng có tên văn chương này”.

 LÊ MINH QUỐC

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI