Nguyễn Nhật Ánh: Xanh hết mình là "sứ mệnh" của chiếc lá

27/05/2016 - 14:08

PNO - Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh vừa mừng sinh nhật tuổi 61. Nhưng trông ông như không có tuổi, vẫn mãi là một người bạn của trẻ thơ.

Chưa có nhà văn nào làm được như Nguyễn Nhật Ánh. Ông viết hàng trăm đầu sách, gần như cuốn nào cũng bán chạy. Độc giả của ông từ thời Buổi chiều Windows, Trại hoa vàng, Mắt biếc… giờ thành những ông bố, bà mẹ tiếp tục đọc Nguyễn Nhật Ánh và truyền thói quen đọc “sách chú Ánh” cho các con.

Mỗi nhà văn có một lựa chọn, Nguyễn Nhật Ánh không thích tạo ra bi kịch, biến động cho các nhân vật. Không mong tìm thấy hành trình phi thường nào đó của các nhân vật trong sách của ông, mà chỉ có thể nhìn thấy cuộc sống thường ngày bình lặng, yên ổn. Nhưng những trang văn “yên ổn” ấy đầy sức hút, truyền cảm hứng yêu thương, gắn kết và lan tỏa tình người.

Nguyen Nhat Anh: Xanh het minh la
Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh

Hàng thập kỷ qua, tên tuổi Nguyễn Nhật Ánh vẫn giữ nguyên vị trí “nhà văn best-seller, nhà văn của tuổi thơ”. Sức hút nối dài nhiều thế hệ từ những tác phẩm viết cho tuổi học trò hơn 20 năm trước đến những câu chuyện về các cuộc phiêu lưu, ký ức, loài vật… Khi những nhân vật Xuyến, Thục, Cúc Hương, thằng quỷ nhỏ, cô gái đến từ hôm qua… không còn phù hợp với tuổi học trò thời hiện đại, ông đã có Kính vạn hoa, Chuyện xứ Lang Biang, Xin lỗi mày, Tai To!... Tạm dừng những trang viết cho tuổi teen, ông tiếp tục với hành trình chinh phục độc giả cả già lẫn trẻ, từ Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, Đảo mộng mơ… đến Ngồi khóc trên cây, Chúc một ngày tốt lành, Có hai con mèo ngồi bên cửa sổ… Gần đây là Con chó nhỏ mang giỏ hoa hồng với lượng phát hành trên 100.000 bản.

* Có khi nào ông nghĩ “lẽ ra mình phải viết Con chó nhỏ mang giỏ hoa hồng sớm hơn”?

- Văn chương là lĩnh vực không thể nói trước được điều gì. Có khi nhà văn quyết định sẽ viết cuốn sách A nhưng khi ngồi vào bàn anh ta lại viết cuốn sách B. Ý tưởng trong đầu nhà văn cũng như trái cây, trái nào chín trước thì sẽ rụng trước. Nếu cuốn Con chó nhỏ mang giỏ hoa hồng được viết sớm hơn, chắc chắn nó sẽ không được như bây giờ, vì lúc đó cảm hứng về cuốn sách chưa kịp chín muồi (cười). Đây là cuốn sách được viết chủ yếu bằng cảm xúc. Vì các chú chó trong tác phẩm là những chú chó đang sống cùng tôi. Chúng tôi đã có với nhau rất nhiều kỷ niệm. Khi viết về chúng, tôi vừa viết vừa tủm tỉm cười. Chính ý nghĩ một ngày nào đó tôi sẽ chia tay các chú chó của mình đã thôi thúc tôi viết ra tác phẩm này.

* Những trang viết trong veo, nhân hậu có đủ giúp ông tránh bớt những va đập, mệt mỏi, bất an của đời sống thường ngày?

- Chắc chắn là có rồi. Cuộc sống con người nói chung nhiều mệt mỏi, va đập, tị hiềm, nhưng khi đắm mình vào những trang sách tuổi thơ, sống với các nhân vật hồn nhiên trong trẻo của mình, tôi như được gột rửa mọi bụi bặm đời thường, nhờ vậy giữ được sự thanh thản trong tâm hồn.

* Năm tháng trước, người ta nói nhà văn Nguyễn Nhật Ánh có một cái kho vô tận về ký ức. Năm tháng này, độc giả nói có thêm “cái kho khác” về loài vật. Ông có bao nhiêu “cái kho” trong đầu mà chưa khai thác?

- Trước đây tôi từng viết về chó ở cuốn Xin lỗi mày, Tai To! trong bộ Kính vạn hoa. Lúc đó chỉ là viết tùy hứng thôi, không có ý định gì rõ rệt. Nhưng kể từ khi viết cuốn Tôi là Bêtô (2007), tôi nghĩ ngợi nhiều hơn về đề tài loài vật. Rõ ràng những con vật, đặc biệt vật nuôi là người bạn thân thiết với trẻ em. Tôi tin bất cứ đứa trẻ nào cũng từng có một con chó hay một con mèo làm bạn. Nhưng truyện viết về loài vật (chúng ta vẫn quen gọi là “truyện đồng thoại”) vài chục năm trở lại đây ít được bạn đọc đón nhận và dần mai một. Thực trạng đó khiến tôi rất băn khoăn. Ngay cả khi viết cuốn Tôi là Bêtô, tôi cũng không tin sách sẽ bán chạy. Nhưng sự phản hồi tích cực từ bạn đọc về cuốn sách đã giúp tôi tự tin. Và tôi rút ra kết luận, không phải đề tài mà chính cách viết mới là điều quyết định đến thái độ đón nhận của bạn đọc.

Từ đó, Có hai con mèo ngồi bên cửa sổ, Chúc một ngày tốt lành, Con chó nhỏ mang giỏ hoa hồng… ra đời. Thực ra, truyện viết cho thanh thiếu niên không chỉ có ký ức tuổi thơ hay truyện loài vật. Còn nhiều thể loại, đề tài khác phù hợp với tuổi các em như truyện pháp thuật, truyện phiêu lưu, truyện thần tiên… Vậy nếu nói là “kho” thì một nhà văn của tuổi thơ còn rất nhiều “kho” khác nữa. Vấn đề là anh có đủ sức để khai thác hay không.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI