Nguyễn Bình Phương - 'Người thầm lặng' của văn chương

05/10/2017 - 07:37

PNO - Mỗi người có một quan điểm, một lựa chọn sáng tác. Nhưng thường thì, nhà văn kín tiếng lại là những người lao động văn chương nghiêm túc và nghiêm khắc.

Nguyễn Bình Phương có lẽ là một trong những người viết như vậy. Tên tuổi anh ở lại trong lòng bạn đọc là từ giá trị của tác phẩm.

Trong môi trường văn chương nhiều ồn ào và lắm thị phi, nhà văn Nguyễn Bình Phương như người thuộc về một ngọn núi khác - âm thầm nhưng vững vàng, lặng lẽ mà kiên định, lầm lũi sáng tạo trong cõi riêng. Mọi định danh tên tuổi anh trong lòng bạn đọc đều từ giá trị của từng tác phẩm.

Nguyen Binh Phuong - 'Nguoi tham lang' cua van chuong


Hôm 3/10, nhà văn Nguyễn Bình Phương vừa có buổi ra mắt tiểu thuyết Kể xong rồi đi (NXB Hội Nhà văn) tại Hà Nội. Chỉ những dịp như vậy hay khi cần có mặt trong vai trò Trưởng ban Văn trẻ - Hội Nhà văn Việt Nam, Tổng biên tập Tạp chí Văn Nghệ Quân Đội thì anh mới xuất hiện trước công chúng.

Còn bạn bè thân quen sẽ biết tính anh - rất ít khi tìm thấy Nguyễn Bình Phương ở “chốn văn trường lao xao” hay trên bàn nhậu. Anh thậm chí không có tài khoản facebook, trang fanpage Hội những người yêu thích nhà văn Nguyễn Bình Phương là do bạn đọc thiết lập làm kênh giao lưu với nhau.

Hỏi sao lại né đám đông, anh bảo: “Nếu thật sự là ngồi với nhau, tôi lại thích những cuộc chỉ đôi ba người - ngồi trò chuyện để thấu hiểu nhau hơn là phải nghe những âm thanh trên bàn nhậu”.

Nguyễn Bình Phương không chỉ viết tiểu thuyết mà còn làm thơ. Ngoài tác phẩm Mình và họ được trao giải Hội Nhà văn Hà Nội 2015, anh còn được biết đến với nhiều tác phẩm ấn tượng khác: Xa xăm gõ cửa, Những đứa trẻ chết già, Thoạt kỳ thủy, Ngồi… Đọc văn Nguyễn Bình Phương để biết một câu chuyện, rồi còn khám phá thêm những tầng nghĩa khác nhau trong những ẩn ý tinh tế.

Nguyen Binh Phuong - 'Nguoi tham lang' cua van chuong
Nhà văn Nguyễn Bình Phương

Nguyễn Bình Phương hay nói về “độ hiểm” cần thiết đối với một tác phẩm văn học. Anh bảo văn chương không thể bằng phẳng như miền đồng bằng quang mây, mà phải hiểm hóc với núi cao vực sâu để người đọc được dẫn dụ vào những không gian đa tầng.

Những tác phẩm của anh hầu hết đều chạm đến những giới hạn này. Kể xong rồi đi cũng vậy. Tác phẩm chọn cái chết làm nhân vật trung tâm để kể về một cõi nhân gian bề bộn, với những hành trình đi đến sự chết của con người dù số phận thấp hèn hay vinh quang, nhẹ nhàng hay khốc liệt…

Cũng giống như những chuyến xe lên núi - xuống núi trong tiểu thuyết viết về chiến tranh biên giới phía Bắc - Mình và họ, Kể xong rồi đi dẫn dắt người đọc qua những ngóc ngách của đời sống rồi tự chiêm nghiệm về mục đích lớn nhất của cuộc sống.

“Nhà văn nào viết sách cũng muốn tác phẩm đến được với nhiều độc giả. Nhưng trên một con đường, sẽ luôn có những vị trí khác nhau. Văn chương cũng vậy. Giả dụ những người trẻ đứng ở đây - bây giờ, thì “bọn già” như tụi tôi sẽ đứng ở một nơi khác. Độc giả cũng đi cùng trên một trục thời gian. Có người đọc sách của người trẻ, nhưng cũng có độc giả thích đọc những người viết già. Thôi thì chỉ lo cho xong phần viết của mình, còn có nhiều người đọc hay không là do phúc của mình nữa” - Nguyễn Bình Phương nói vui.

Anh nhận về mình mọi niềm vui, những đón nhận của người đọc, dù ít hay nhiều. Cũng giống như anh chấp nhận là người im lặng của văn chương khi rất nhiều người viết khác đã dùng facebook như một kênh quảng bá tên tuổi, tác phẩm. Vì “mỗi người có riêng một lựa chọn thuộc về tính cách” như anh chia sẻ.

Nguyen Binh Phuong - 'Nguoi tham lang' cua van chuong

“Nếu thật sự chọn văn chương là sự nghiệp, thì nhất định anh sẽ đi được tới giới hạn cuối của chính mình - đi đến kiệt sức, để khi dừng bút thì gò đồi văn nghiệp mới thật sự nổi lên. Giá trị của tác phẩm phải được tính qua độ lùi của thời gian. Thời trẻ, tôi viết hừng hực khí thế, nhưng đôi khi cũng… liều mạng. Còn thời điểm này, cảm giác tôi đang ở giai đoạn viết một cách bình tĩnh, tiết chế được mọi cảm xúc, không còn hồ đồ, đã cân đối được mọi lựa chọn thể hiện” - anh bộc bạch.

Nguyễn Bình Phương lập gia đình muộn (vợ anh là TS văn học Hoàng Tố Mai, con gái nhà lý luận phê bình Hoàng Ngọc Hiến - PV), con trai đang học lớp 11, còn bé gái mới học lớp 7. “Chúng nó không thích văn chương. Sách của bố chúng cũng không đọc” - nhà văn nói vui. Anh gọi gia đình là một “cái vịnh nhỏ ấm áp” để sau những mệt mỏi từ cuộc sống bên ngoài, về nhà sẽ như được bước vào một không gian chỉ có tiếng cười, bình yên. “Không được mang lửa và bão về nhà. Tôi về nhà cũng chỉ mang sự vui vẻ, chơi đùa với trẻ con. Mà bọn trẻ không đọc sách của bố cũng đâu có sao. Chúng có đủ mọi kết nối để khám phá thế giới. Tôi chỉ dạy các con đọc nhiều sách, mai này có đủ tri thức và biết cách sống, đủ tự tin, bản lĩnh với đời” - nhà văn chia sẻ. 

Tác phẩm Nguyễn Bình Phương hay, nhưng… khó đọc. Chúng khiến người đọc phải nghĩ, ngẫm rồi giật mình, rồi lặng người, có khi phải đọc lại để hiểu hết những nút thắt mở, những tầng ý nghĩa bị bỏ qua ở đâu đó giữa những trang sách.

Tiểu Quyên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI