Ngụp lặn giữa vùng trũng

23/04/2013 - 12:26

PNO - PN - Người sáng tác đã ít, tác phẩm lại yếu, có thể nói, đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã và đang là vùng trũng trên bản đồ văn học nghệ thuật (VHNT) của cả nước. Đáng lo hơn, mãi đến nay vẫn chưa lóe lên ánh sáng cuối...

Ngup lan giua vung trung

Được mệnh danh là “vùng đất của những huyền thoại” cho sáng tạo nghệ thuật, nhưng đã 38 năm, tính từ ngày thống nhất đất nước đến nay, VHNT ĐBSCL vẫn đang ì ạch từng bước. Ở lĩnh vực văn học, đội ngũ sáng tác khiêm tốn cả về số lượng lẫn chất lượng. Đặc biệt là thể loại tiểu thuyết, vẫn chưa có tác giả, tác phẩm nào cho thấy phong cách riêng của tác giả - nhà văn chuyên nghiệp. Riêng đội ngũ lý luận, phê bình càng đáng lo. Trong Tuyển tập tác phẩm VHNT 10 năm của tỉnh Đồng Tháp mới đây, chỉ có năm bài lý luận phê bình, nhưng có bài, các minh chứng đều lấy từ nơi khác. Với hoạt động sân khấu thì sự “khiêm tốn” không dừng ở chỗ thiếu tác phẩm đỉnh cao trong lớp người cũ, mà còn thiếu hẳn sự xuất hiện những gương mặt trẻ… Một vị lãnh đạo ở ĐBSCL đã chí lý khi đúc kết: “Tỉnh nào cũng có nhà văn, nhà thơ, nhà viết kịch nhưng số người được công chúng nhớ tên chỉ đếm được trên đầu ngón tay”.

Đã có không ít cuộc hội thảo với hy vọng đưa VHNT vùng đất Chín Rồng vươn lên khỏi vùng trũng, hòa nhập cùng bước đi chung cả nước nhưng tất cả mọi nỗ lực ấy vẫn bất thành. Nguyên nhân thì nhiều nhưng nổi lên là sự thiếu quan tâm của lãnh đạo địa phương, thiếu con người chuyên nghiệp đúng nghĩa. Để khắc phục, trước mắt cần có chính sách trải thảm đỏ thu hút văn nghệ sĩ, nhưng với cơ chế hiện hữu, rất khó để thực hiện. Bởi, không như một số ngành khác, trong lĩnh vực này chủ thể sáng tạo không chỉ cần tiền bạc, quyền lợi mà cần nhất là có môi trường đủ để khơi dậy được tình yêu và sự hứng khởi… Thực tế cho thấy, đó là điều mà ĐBSCL đang rất thiếu. Không chỉ đang hụt hẫng với “khoảng trống đáng sợ” về rạp chiếu phim, biểu diễn âm nhạc, hay thiếu cả phòng trưng bày tranh, ảnh… nhiều địa phương còn can thiệp trên mức cần thiết, thậm chí là thô bạo, làm thui chột quá trình sáng tạo của người nghệ sĩ. Điển hình là kết quả cuộc thi thơ ĐBSCL năm 2010 tại TP. Cần Thơ khi Ban tổ chức đã loại khỏi danh sách tác phẩm Trăng nghẹn bất chấp Ban giám khảo đã chấm giải nhất trước đó.

Với môi trường làm việc như thế, xem ra, con đường phát huy nội lực, thu hút ngoại lực để ĐBSCL vươn lên khỏi vùng trũng trên bản đồ VHNT của cả nước vẫn còn là dấu hỏi lớn!

LỤC TÙNG

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI