Người về từ sao Hỏa

06/10/2015 - 07:52

PNO - Cái kết vỡ òa khiến nhiều khán giả không giấu nổi cảm xúc: “Chuyện đó có thật à?”. Hóa ra, chỉ do nhà làm phim khéo lôi kéo người xem...

Nói về sự nhập tâm của khán giả như thế để thấy sức hấp dẫn của The Martian, bộ phim dựa trên cuốn tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Andy Weir.

Ngôi sao chính trong phim là Matt Damon, nam diễn viên có vẻ ngoài chững chạc, đôi mắt biểu cảm, vào vai Mark Watney. Bên cạnh anh là Jessica Chastain (vai Lelissa Lewis). Phần lớn những phim cô tham gia gần đây là phim sâu sắc, đáng xem như Mama, Zero Dark Thirty, The Help, The Tree of Life…

Cả hai diễn viên này đều từng góp mặt trong một bộ phim khoa học viễn tưởng có chung đề tài về chinh phục không gian là Interstellar. Điểm gây chú ý khác, đạo diễn của The Martian là Ridley Scott từng thực hiện Prometheus (Bí ẩn hành tinh chết), bộ phim xoay quanh một nhóm nhà thám hiểm phát hiện ra đầu mối về nguồn gốc của loài người trên trái đất, dẫn họ vào cuộc hành trình đến những góc tối của vũ trụ.

Nguoi ve tu sao Hoa

Sự tài tình của người làm phim bộc lộ ngay khi họ mang đến cảm giác chân thực, khiến người xem thấy như thể chính họ đang tham gia câu chuyện, cùng ở trong tình thế “mắc kẹt” của Watney.

Điều này phần lớn nhờ vào cốt truyện đơn giản về con tàu thực hiện nhiệm vụ đến “hành tinh đỏ” của NASA gặp nạn trong một trận bão vũ trụ. Phi hành gia Watney bị rớt lại và đồng đội cho rằng anh đã chết.

Những giải thích về cuộc hành trình và kế hoạch giải cứu cho Watney cũng không quá phức tạp, vì thế, với những khán giả vốn ngại xem những bộ phim thể loại khoa học viễn tưởng vẫn dễ dàng tìm thấy ở The Martian nhiều hứng thú.

Cũng có thể so The Martian với Gravity của Alfonso Cuaron. “Hiện tượng điện ảnh 2014” cũng có cốt truyện đơn giản, thậm chí tối giản.

Cùng mang đến những màn độc diễn của diễn viên chính, nhưng Gravity có chất “thiền tĩnh” từ đầu đến cuối; còn The Martian, bên cạnh sự lắng đọng và những cảnh quay ngoài không gian đẹp choáng ngợp còn là cách “lấy động để tả tĩnh” cùng tiếng cười hài hước. Nói vậy để thấy The Martian cân bằng được nghệ thuật và giải trí để không gây “cản ngại” cho khán giả.

Khi nhập tâm, người xem sẽ thấy sao Hỏa, hành tinh còn nhiều bí ẩn, bỗng như một nơi hoang vu nào đó trên trái đất. Mark Watney kẹt ở đó, như Robinson một mình trên đảo hoang. Tất nhiên, đảo hoang có sự sống, còn “hành tinh đỏ” thì không. Vậy làm cách nào để phi hành gia cô độc ấy có thể cầm cự?

Khi chuẩn bị tâm thế để đón nhận những may - rủi có thể xảy ra thì con người sẽ bớt tuyệt vọng. Mark Watney cũng vậy, đây là lúc anh cần huy động mọi kỹ năng sinh tồn. Nào ai ngờ, một ngày những củ khoai tây vốn là lương thực dự trữ cho phi hành đoàn trở thành “cứu tinh” cho Mark.

Một sự trùng hợp ngẫu nhiên, cách đây chỉ vài ngày, truyền thông thế giới đồng loạt đưa tin: Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) xác nhận có nước trên bề mặt sao Hỏa, làm dấy lên hy vọng về sự sống tồn tại trong quá khứ hoặc hiện tại trên hành tinh.

Khám phá này cần được các nhà khoa học làm rõ trong tương lai, còn dưới góc nhìn của nhà làm phim, Mark Watney tìm ra cách tạo nước để tưới cho những cây khoai tây anh gieo trồng trên những luống đất của sao Hỏa được hòa trộn với chất thải của mình. Tìm cách để sự sống nảy mầm, điều đó liệu có giúp anh cầm cự được đến khi có một chuyến du hành khác lên sao Hỏa?

Sống sót - đó là điều ngỡ như không tưởng ở “hành tinh lạ”, cũng có thể gọi là “hành tinh chết”. Thế nhưng, dẫu chỉ còn một ngày để sống thì đó vẫn là một ngày đáng trân quý. “900 ngày trong vũ trụ đã là xứng đáng với cuộc đời du hành”, một đồng sự của Mark bảo.

Chọn con đường lên sao Hỏa đồng nghĩa với lựa chọn sinh - tử, đương nhiên Mark không thiếu sự vững vàng. Anh tận dụng mọi kết nối có thể để phát tín hiệu về trái đất. Ngoài những giờ khắc hy vọng, mong ngóng được giải cứu, anh chỉ còn biết ngồi trước không gian bao la màu vàng đất để nghĩ về cha mẹ, quê hương.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI