Người đọc - câu chuyện tình sử và lịch sử

20/09/2015 - 08:31

PNO - “Trong tầm nhìn của mình, chúng ta hãy hình dung điều gì thế giới này cần thay đổi, trước khi muốn thay đổi thế giới”.

Nguoi doc - cau chuyen tinh su va lich su
Ký ức tươi đẹp của người đọc (Michael) với người được an ủi, vỗ vễ (Hanna) trong bộ phim đoạt nhiều giải thưởng quốc tế

Trong cuộc gặp mặt ở Hà Nội, tác giả tiểu thuyết The Reader nổi danh nói cuốn sách của ông tập trung vào nhân vật nam, còn bộ phim cùng tên đặt trọng tâm vào nhân vật nữ.

Nhưng dù theo hướng nào, câu chuyện tình yêu và lịch sử ở cả điện ảnh và văn chương đều khiến hàng triệu trái tim thổn thức.

Nhà văn kiêm giáo sư luật Berhard Schlink có mặt ở Hà Nội tuần qua và có lần thứ bảy xem bộ phim làm từ cuốn tiểu thuyết đã được dịch ra trên 40 ngôn ngữ của mình. Sau buổi chiếu tại khuôn viên Đại sứ quán Đức, ông có cuộc trao đổi với công chúng.

Có người tò mò hỏi, nhân vật nam Michael Berg có mang hình bóng của tác giả trong đó? The Reader có phải là câu chuyện về sự truy xét lương tâm của chính ông, về gánh nặng của thế hệ mình khi đối mặt với quá khứ?...

Những thắc mắc này khiến tác giả… cười xòa, bởi sự trùng hợp làm nhiều người nghĩ tác giả và nhân vật là một. Ông bảo, ý tưởng cuốn sách đến với mình tự nhiên và trong công việc luật sư ở Đức, ông có rất nhiều hình mẫu như các nhân vật trong truyện.

“Có khoảng 70% bản thân tôi trong câu chuyện đó”, ông nói. Có một điều luôn trở đi trở lại trong cuộc sống của ông và của những người thuộc thế hệ thứ hai sau chiến tranh như ông, đó là phải ứng xử như thế nào khi biết nhiều người thân yêu của mình đã phạm tội ác trong chiến tranh.

Mình có mang tội gì không, phải làm gì đây? Và cuốn sách, rồi sau đến bộ phim được ra mắt năm 1999, chất chứa cả hai điều lớn lao đó, là tình yêu và lịch sử.

“Chưa bao giờ chúng tôi hạnh phúc hơn những ngày tháng Tư ấy. Cho dù trận cãi cọ đầu tiên ấy hay nói chung việc chúng tôi cãi nhau có đảo lộn đến đâu - chúng tôi tận hưởng tất cả những gì đã khơi mở nghi lễ đọc truyện, tắm, làm tình và nằm bên nhau”. Một đoạn ở phần đầu tiên của cuốn sách ba phần được nhà văn Berhard Schlink viết như thế.

Đó là những tháng ngày tươi đẹp vô chừng của người đàn bà soát vé tàu 36 tuổi Hanna và cậu học sinh 15 tuổi Michael. Cuộc đời vun vén cho họ gặp nhau, quan hệ ái ân với nhau trong sự bỡ ngỡ và hoan lạc của cả hai.

Trong cuộc phiêu lưu thầm kín từ “cháu - cô” thành “anh - em”, họ tiến hành một hành vi đầy tính duy mỹ là Michael đọc sách cho Hanna nghe và dần coi đó như điều không thể thiếu trong “nghi lễ” riêng của họ. Nhưng tình sử lãng mạn ấy kéo dài không lâu.

Một ngày nọ, Hanna biến mất và bất ngờ xuất hiện trở lại trước mắt Michael tại một phiên tòa. Trước câu chuyện tình bay bổng, nhà văn người Đức và đạo diễn người Anh Stephen Daldry khiến khán giả được thỏa lòng bởi sau nhiều năm, nhớ nhung và cảm xúc vẫn không nguôi ngoai ở hai con người bất tuân tuổi tác.

Trong phim, Kate Winslet xuất sắc vào vai Hanna, một người đàn bà mang vẻ đẹp đầy đặn, vừa quyết liệt, vừa lạnh lùng mà lại ngây thơ. Chính nhờ vai diễn chịu lắm hy sinh và đầy ẩn ức nội tâm này mà nữ minh tinh đã được trao giải Oscar đầu tiên trong sự nghiệp.

Cũng bởi năng lực diễn xuất mạnh mẽ của Kate Winslet mà vai trò của nhân vật nữ trong phim ở cả hai thời kỳ trở nên nổi bật so với nhân vật nam chính. Tuy vậy, nhân vật Michael thời tuổi 15, 16 và sinh viên (vai của David Kross), rồi đến khi lập gia đình, ly hôn và có một con gái (vai của Ralph Fiennes) cũng đều mang đến nhiều cảm xúc, suy tư cho khán giả.

Đi qua quá nửa cuộc đời mỗi nhân vật, cả phim và sách đều cho thấy tình yêu luôn là điều lớn lao nhất để lại bâng khuâng trong mỗi người.

Câu chuyện thời cuộc làm nên tầm vóc của The Reader hẳn sẽ còn rất dài; chỉ biết rằng, với người yêu điện ảnh hay văn chương thì bộ phim và tiểu thuyết cùng tên trước tiên là về bản chất con người chứ không phải chính trị hay thù hận.

Khi còn mù chữ, Hanna vẫn biết đến “trách nhiệm” và khi đã vượt qua tủi hổ để biết đọc, biết viết, người đàn bà đó khiến người ta thức tỉnh, theo cách riêng, cần được tôn trọng.

“Trong tầm nhìn của mình, chúng ta hãy hình dung điều gì thế giới này cần thay đổi, trước khi muốn thay đổi thế giới”, điều tác giả The Reader nói trong buổi gặp gỡ đọng lại như một lời nhắn cho mỗi thay đổi trước hết ở chính mỗi người đọc.

Bùi Dũng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI