Người cách mạng hóa trang phục nữ giới

12/05/2015 - 09:34

PNO - PN - Trong phim Yves Saint Laurent, trước câu hỏi: “Ai là người có ảnh hưởng nhất đến anh?”, nhà thiết kế lừng danh trả lời: “Đó là phụ nữ”.

edf40wrjww2tblPage:Content

Nhà thiết kế (NTK) Yves Saint Laurent (YSL) từng nói: “Trải qua nhiều năm trong nghề, tôi học được rằng điều quan trọng nhất đối với một chiếc váy chính là người phụ nữ mặc nó”. Câu nói nổi tiếng trong làng thời trang thế giới được minh chứng rất rõ trong tác phẩm điện ảnh mang tên ông, do Jalil Lesper đạo diễn. Những chiếc váy qua bàn tay và sáng tạo của NTK tài hoa không chỉ là sản phẩm thời trang hay tác phẩm nghệ thuật mà còn phát đi những tư tưởng đột phá, được thế giới thừa nhận. Đó dường như là mẫu thức chung để một nghệ sĩ trở thành huyền thoại.

Sự nghiệp của NTK sinh năm 1936 bắt đầu từ năm 1957 khi YSL tiếp quản vị trí giám đốc sáng tạo của nhà tạo mốt Dior và tung ra bộ sưu tập đầu tiên. Thành công vang dội ngay lập tức đến với YSL, làm nền tảng vững chắc để NTK đưa tinh thần riêng vào từng bộ trang phục. Từ mốc thời gian này, bộ phim đưa khán giả đi qua 20 năm thăng trầm trong sự nghiệp của YSL. Sự trùng hợp thể hiện chính trong phim, khi cứ sau mỗi biến cố xảy ra trong cuộc sống, YSL lại có một bộ sưu tập gây tiếng vang mạnh mẽ.

Sau cú sốc bị gọi nhập ngũ, YSL, khi đó đã bắt đầu có danh tiếng, rơi vào trầm cảm. Vượt qua thị phi và cả sự kỳ thị vây bủa, NTK đồng tính đã tạo ra cuộc cách mạng “Beat Look” trong ngành thời trang với bộ sưu tập mang sự hòa trộn của thời trang cao cấp haute couture và phong cách đường phố. Những sáng tạo của YSL như một sự đáp trả kiêu hãnh với dư luận.

Dấu mốc quan trọng nhất trong cuộc đời của YSL là vào năm 1962, Laurent tách khỏi Dior để lập nhà tạo mốt riêng với thương hiệu mang tên mình. Hậu thuẫn và sóng đôi bên NTK tài năng là Pierre Bergé, người tình đồng tính đã cùng YSL trải qua bao thăng trầm trong sự nghiệp, đời sống. Thập niên 60 cũng là những năm tháng rực rỡ nhất trong sự nghiệp của nhà tạo mốt danh giá. Tinh thần và tư tưởng của YSL cũng bộc lộ rõ nhất ở giai đoạn này.

Nguoi cach mang hoa trang phuc nu gioi

Xem Yves Saint Laurent, khán giả có dịp khám phá kinh đô thời trang Paris

Những tiêu chuẩn mới của thế giới thời trang được YSL thiết lập. Bộ sưu tập “Le Smoking” phát đi tinh thần nổi loạn của nữ giới tạo nên những cơn sao chép rộng khắp ở cả Pháp và Mỹ. Cuộc cách mạng về nữ quyền cũng được thể hiện qua việc YSL phá cách bộ trang phục tuxedo vốn dành cho các quý ông để khoác lên mình phái đẹp.

Phong cách “men-wear” tôn vinh vẻ cá tính, độc lập của nữ giới đến lúc này đã trở nên phổ biến hơn. YSL dần bước khỏi tháp ngà của thời trang để đến gần hơn với thời trang ứng dụng (ready-to-wear). Lịch sử thời trang đã ghi nhận những cải tiến mới của YSL trong việc cách mạng hóa trang phục cho phái nữ qua nhiều bộ trang phục mà đến nay còn là cảm hứng trong thiết kế như áo blouse trong suốt, áo jacket gài chéo, áo liền quần jumpsuit…

Mỗi giai đoạn đột phá trong sự nghiệp của YSL thường gắn với các “nàng thơ” là những người mẫu có phong cách nổi bật, mang vẻ đẹp được đề cao của mỗi thời. Những mối quan hệ của chàng trai đào hoa với các cô người mẫu xinh đẹp ở hậu trường hay trên sàn cat-walk diễn ra khá sinh động trong YSL. Đó là “nàng thơ” thời kỳ đầu Victoire Doutreleau có vóc dáng nhỏ nhắn, gương mặt góc cạnh, hay cô nàng nổi loạn gắn bó lâu dài nhất với YSL là Loulou de la Falaise.

Nhưng ở Yves Saint Laurent, câu chuyện chính không phải về những bộ sưu tập lộng lẫy hay những cô người mẫu hút mắt trong khung cảnh lãng mạn, xa hoa, mà chủ yếu xoay quanh tình yêu giữa YSL và Pierre Bergé, người đàn ông đứng sau gần như mọi thành công của huyền thoại thời trang Pháp. Qua lời kể của Pierre, chân dung YSL hiện diện với hai gam màu đan xen sáng - tối. Sự thành công của bộ phim tiểu sử chính là ở khía cạnh này.

Công chúng được chứng kiến những góc khuất trong cuộc đời NTK thư sinh và nổi loạn, từ việc nghiện hít heroin, bồ bịch đến những cơn trầm cảm kéo dài vì sức khỏe và áp lực công việc. Bên cạnh hình ảnh thiên tài, YSL cũng là con người bình thường có kẻ yêu, người ghét. Sự thể hiện hình tượng YSL với thần thái, phong cách riêng, mang thế giới nội tâm phức tạp đã mang đến cho tài tử Pierre Niney danh hiệu Nam diễn viên chính xuất sắc của giải thưởng Cesar năm 2015.

Năm 2014, Pháp có cùng lúc hai bộ phim là Saint Laurent và Yves Saint Laurent ra mắt. Cả hai đều có mặt ở nhiều liên hoan phim, giành nhiều giải thưởng quốc tế lớn. Điều này chứng tỏ, tròn bảy năm sau khi rời bỏ thế giới và 13 năm rời làng thời trang, sức ảnh hưởng của nhà tạo mốt vĩ đại vẫn chưa hề phai nhạt.

Liệu sau thế hệ của Dior, YSL, Karl Largerfeld, trong làng thời trang Paris nói riêng và thế giới nói chung, ai sẽ là người vẽ tiếp những cuộc cách mạng cho thời trang nữ giới? Thật chẳng may, khi “giải nghệ”, huyền thoại người Pháp đã thốt lên bi quan khi thấy sự thanh lịch và vẻ đẹp dường như đang phai tàn: “Tôi không có gì chung với thế giới mới của thời trang, nơi đã bị giảm xuống chỉ còn những bộ quần áo tầm thường”.

BÙI DŨNG

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI