Người bất tử và 'bùa ngải' Victor Vũ

19/10/2018 - 15:37

PNO - Hiếm có đạo diễn nào có thể kéo khách bằng cái tên của mình và mọi sản phẩm đều được các nhà đầu tư chịu chi tiền lớn như Victor Vũ.

Qua 10 phim đã làm tại Việt Nam, vị đạo diễn này cho thấy, anh có khả năng “bỏ bùa” hết thảy mọi người và món “bùa ngải” ấy chính là tâm huyết, sự chỉn chu, cầu toàn. Điều đó vừa được chứng minh qua bộ phim Người bất tử (khởi chiếu ngày 26/10) - tác phẩm tâm linh, kinh dị, được Victor Vũ ôm ấp ý tưởng suốt 5 năm cùng khoản kinh phí sản xuất thuộc hạng “khủng”.

Nguoi bat tu va 'bua ngai' Victor Vu
Với Hùng trong Người bất tử, Quách Ngọc Ngoan đã có một vai diễn đáng nhớ trong sự nghiệp

Ấn tượng Quách Ngọc Ngoan 

Nhân vật Hùng của Quách Ngọc Ngoan trong Người bất tử đã trải qua nhiều biến cố ly kỳ, nội tâm phức tạp. Từ một cậu ấm hiền lành, vì bị chú và anh trai cùng cha khác mẹ hãm hại, Hùng biến thành một người tàn ác. Hùng là vai diễn hành xác nhất từ trước đến nay của Quách Ngọc Ngoan. Nếu không bị thương tích trong những cảnh hành động thì cũng chịu cực khổ trong những phân cảnh đòi hỏi hóa trang công phu. “Tôi phải nằm bất động suốt 2 - 3 giờ để đắp đất lên người - cảm giác rất khó chịu” - anh chia sẻ. Sự tập trung, hy sinh vì vai diễn của Ngoan đã mang đến kết quả xứng đáng. Diễn xuất bằng ánh mắt của anh khiến khán giả gai người ở những phân đoạn nặng tâm lý như cảnh Hùng chết lặng khi thấy vợ con chết trên giường, Hùng quằn quại chịu đựng để được bất tử…

Bùa ngải không phải là đề tài mới mẻ trên màn ảnh Việt, mà đã từng được các nhà làm phim đề cập trong Lời nguyền huyết ngải, Linh duyên, Đoạt hồn, Mặt nạ máu. Chính Victor Vũ cũng từng khai thác đề tài này trong bộ phim ăn khách hồi năm 2012 - Scandal: Bí mật thảm đỏ. Nhưng nếu các phim kể trên chỉ dùng chuyện bùa ngải theo kiểu điểm xuyết thì trong Người bất tử, yếu tố này được thể hiện rõ trong câu chuyện mang màu sắc ly kỳ, huyền ảo của phim.

Cuộc đời nhiều biến cố, trải dài qua ba thế kỷ của Hùng là cái cớ để Victor Vũ thỏa sức khai thác cảnh đẹp của nhiều vùng miền trên cả nước (ngoài Quảng Bình còn có Ninh Bình, Hưng Yên, Tiền Giang, Đồng Nai), tận dụng sự đa dạng về địa hình (từ đồng bằng, thung lũng, thảo nguyên đến rừng núi, hang động, biển cả) tạo nên một bữa tiệc thị giác mãn nhãn. Các phim Việt dạo gần đây luôn chú trọng khai thác bối cảnh thiên nhiên đẹp, nhưng không hẳn phim nào cũng tận dụng cái đẹp đó hợp lý như Người bất tử; thậm chí có phim cảnh bị tách rời khỏi nội dung.

Chuyện phim bắt đầu từ An - một bà mẹ bất chấp lời cảnh báo của thầy bói, quyết lên đường tìm sự thật đằng sau những giấc mơ kỳ lạ, mong cứu cô con gái sắp chết vì bệnh nan y. Hành trình đó đã dẫn cô đến với Hùng - người có thuật bất tử, sống qua ba thế kỷ. Về hình thức, Người bất tử làm hài lòng những khán giả khó tính, bởi sự đầu tư kỳ công, thể hiện rõ ở bối cảnh. Đoàn phim đã lặn lội vào tận chuỗi hang động Tú Làn (Phong Nha - Quảng Bình) để ghi hình tại hang Ken, hang Ton, hang Chuột và thung lũng Tổ Mộ. Xem phim, khán giả ngỡ ngàng, choáng ngợp trước những khung hình non xanh nước biếc, phô bày vẻ đẹp hiếm có của thiên nhiên Quảng Bình.

Trailer Người bất tử: 

Trong Người bất tử, sự hùng vĩ, hoang sơ của hang động, nét trầm mặc, cổ kính của những ngôi làng, biệt thự xưa góp phần tạo nên vẻ ly kỳ, bí ẩn, ma mị của phim. Sự chăm chút về mặt hình ảnh còn nhờ kỹ xảo, nhất là phân cảnh mô tả nghi thức hành lễ để được bất tử của Hùng: những chiếc rễ nhọn hoắc của cây đại thụ khổng lồ quấn xiết quanh người như đàn rắn đói trườn đến con mồi, cắm thẳng vào da thịt Hùng. Những cảnh cháy nổ lên phim cũng rất thật.

Về nội dung, Người bất tử có ý tưởng mới lạ, cốt truyện kịch tính xoay quanh hành trình trả thù của Hùng. Mạch phim không bị “đầu voi đuôi chuột”, cài cắm tình tiết bất ngờ đến phút cuối cộng cách kể mượt mà đã giữ chân được khán giả. Phim về bùa ngải nhưng thực chất là nói đến lòng tham và sự thù hận của con người - thứ “bùa ngải” khủng khiếp nhất. Nhân vật Hùng trong phim, vì muốn trả thù mà tìm đến thuật bất tử; nhưng khi đã được như ý, Hùng lại chỉ ước ao được chết, bởi dù bất tử, Hùng vẫn phải chịu những đau đớn về thể xác lẫn tinh thần đúng như câu tóm tắt phim: “Sự sống còn đáng sợ hơn cái chết”.

Được trường sinh là mong muốn của con người, nhưng ý nghĩa cuộc đời đâu chỉ nằm ở việc sống bao lâu mà là ở giá trị trong từng khoảnh khắc trôi qua. Có thể thấy việc khai thác những yếu tố đi ngược tự nhiên chính là cách để Victor Vũ gửi gắm những chiêm nghiệm, thông điệp của anh về cuộc sống. 

                                                                                                                Hương Nhu

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI