Ngọc Mai: “Nếu hát vì tiền, tâm hồn sẽ nghèo nàn”

30/04/2013 - 08:55

PNO - PN - Gặp Ngọc Mai trên boong tàu HQ 960 ở Trường Sa vào một ngày cuối tháng Tư lịch sử, tôi hỏi. “Say sóng bầm dập như vậy, Mai có sợ?”. “Không anh ạ, say vậy chứ say hơn nữa, tôi vẫn muốn được đến với lính hải quân. Tôi đi...

Được liệt vào nhóm “những người yếu nhất đoàn”, Mai say nhừ trên tàu. Nhưng suốt chuyến đi, qua tám đảo và hai nhà giàn, Mai vẫn không bỏ sót điểm nào. Điểm ghé thăm mới nhất là nhà giàn DK 1/19, cô ca sĩ nhỏ nhắn say rũ người, không thể tự leo bậc thang. Các chiến sĩ, người trên người dưới, trầy trật mãi mới đưa được “bệnh nhân” lên. Vậy mà lạ. Vừa gặp các anh lính hải quân, Mai đã cất tiếng hát hào sảng. Hát được vài câu của bài Giấc mơ trưa (Giáng Son), hai hàng nước mắt lăn dài trên má cô ca sĩ trẻ.

Cô ca sĩ tuổi 25 này được giới thanh nhạc biết đến như một trường hợp “có một không hai” tại VN: 15 tuổi đã được học thanh nhạc một cách chính quy. Theo quy định, độ tuổi tối thiểu để được nhận vào học viện âm nhạc là 17, nhưng khi tiếp xúc với một giọng nữ cao màu sắc (colorature) như Ngọc Mai, nhạc sĩ Trung Kiên (Học viện Âm nhạc quốc gia) đã quyết định thử nghiệm xem có thể có một ngoại lệ cho việc đào tạo thanh nhạc đối với người mới 15 tuổi. Nếu thất bại, việc đào tạo sẽ phá hỏng luôn giọng ca. Cuối cùng, việc thử nghiệm thành công. Mai tốt nghiệp thủ khoa (hệ trung cấp) Học viện Âm nhạc quốc gia khi mới 18 tuổi. Cô thi vào Khoa Thanh nhạc, Nhạc viện TP.HCM (hệ đại học), lại tốt nghiệp thủ khoa, được giữ lại trường giảng dạy cho đến nay. Mai khoe: “Nếu không có gì thay đổi, tháng 6/2013, tôi sẽ lấy bằng thạc sĩ thanh nhạc. Khi đó, việc giảng dạy sẽ thuận lợi hơn”.

Ngoc Mai: “Neu hat vi tien, tam hon se ngheo nan”

Ngọc Mai bên các chiến sĩ hải quân trên đảo Trường Sa lớn

Cô gái người Quảng Trị này bắt đầu đi thi hát từ năm bốn tuổi. Chính cô cũng không thể nhớ hết những giải thưởng mình đã đạt được.

Ngọc Mai bị bạn bè gọi là “Mai già”, vì cô suy nghĩ già dặn và chỉ thích bầu bạn với những người có tuổi đời 6X, 7X. Ngay như cách chọn dòng nhạc cũng đã thể hiện tâm hồn “không trẻ” của cô: dân ca, nhạc cách mạng, nhạc tiền chiến. Đặc biệt, Mai hát nhạc Trịnh Công Sơn rất hay. Trong một lần nghe Mai hát nhạc Trịnh, ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh (em gái nhạc sĩ Trịnh Công Sơn) đã bị “đổ”. Mới đây, chương trình ca nhạc tưởng niệm Trịnh Công Sơn diễn ra ngày 1/4 tại Q.7- TP.HCM, Trịnh Vĩnh Trinh đã mời Ngọc Mai tham gia với bài Đường xa vạn dặm. Đứng chung sân khấu với các diva đàn chị như Hồng Nhung, Thanh Lam, Mỹ Linh, khán giả vẫn thấy một Ngọc Mai tự tin tỏa sáng. Sau chương trình, một số báo còn ưu ái gọi cô là “tài năng hát nhạc Trịnh mới”.

Hiện Ngọc Mai sống đơn giản trong căn nhà trọ nhỏ ở Q.Gò Vấp (TP.HCM), với lịch làm việc vất vả: Sáng dạy ở nhạc viện, trưa luyện tập với nhóm nhạc (Mai là thành viên của nhóm Mặt trời mới), chiều dạy thêm, tối hát phòng trà. “Có năng lực, có sắc vóc, sao Ngọc Mai vẫn phải cực nhọc kiếm bạc lẻ như vậy? Lẽ thường, ca sĩ thì phải chóng giàu chứ?” - Câu hỏi được đặt ra khi con tàu chao đảo trong cơn giông trưa giữa biển Đông. Mai chỉ tay vào một nhà giàn - nơi đoàn sẽ ghé thăm: “Ở những nơi như nhà giàn này, tiền bạc đâu có giá trị gì! Những người lính đảo ở đây thi gan cùng trời bể vì họ có lý tưởng, có tình yêu Tổ quốc to lớn. Việc hát của tôi cũng vậy. Tôi hát không vì tiền, bởi tôi có mục đích cao hơn tiền: hát để làm giàu tâm hồn mình và chia sẻ cái giàu ấy cho người nghe. Bây giờ, vẫn có nhiều nơi mời tôi hát cho những sự kiện, được nhiều tiền hơn so với hát phòng trà, nhưng tôi vẫn chọn hát ở phòng trà. Phòng trà mới là không gian âm nhạc thực thụ. Ở đó, người hát có điều kiện thả hết xúc cảm của mình và người nghe cũng mở lòng rộng nhất để đón nhận trong không gian ấm cúng. Nếu hát vì tiền, tâm hồn sẽ bị nghèo nàn. Tôi có hơi vất vả trong việc trang trải cuộc sống, nhưng vẫn cảm thấy hạnh phúc hơn là ngồi trên xe hơi đắt tiền để hát những bài mà mình thấy nhạt nhẽo. Bây giờ ra Trường Sa, tôi còn thấy một không gian âm nhạc khác: hát giữa biển đảo bên những người lính”.

Không thể chuyển giàn âm thanh lên đảo, Mai hát chay, cao vút những bài Tình ta biển bạc rừng xanh (Hoàng Sông Hương), Bài ca thống nhất (Võ Văn Di), Tự nguyện (Trương Quốc Khánh), Mẹ yêu con (Nguyễn Văn Tý)… Sóng biển như cũng lắng lại để nghe và những quả tim nóng của người lính như đang được tiếp thêm sức mạnh từ giọng ca đầy nội lực của Mai.

Trần Triều

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI