Nghệ sĩ piano Tuấn Mạnh: 'Tôi xem giới thiệu Việt Nam bằng âm nhạc là trách nhiệm'

01/09/2019 - 07:57

PNO - 'Chúng ta vẫn thiếu người dẫn dắt các bạn trẻ đến với nhạc cổ điển và các ca khúc hay của Việt Nam một cách tự nhiên, gần gũi. Tôi nghĩ đó phần nào là trách nhiệm của những người được học hành bài bản như chúng tôi'.

Tuấn Mạnh hẹn tôi ở studio của anh. Căn phòng nhỏ nhắn, yên tĩnh nhưng cũng rộn ràng, thân thiện như tính cách của Mạnh. Chàng nghệ sĩ say sưa kể chuyện, thỉnh thoảng đứng lên đàn cho tôi nghe. Những câu chuyện tiếp nối nhau thật thú vị. 

Tuấn Mạnh xuất thân từ Nhạc viện TP.HCM, tốt nghiệp thạc sĩ biểu diễn tại Mỹ, từng là nghệ sĩ piano độc tấu của dàn nhạc Đông Nam Á, giải nhất cuộc thi piano bang Illinois (Mỹ), giám khảo cuộc thi piano châu Á - Thái Bình Dương tại Singapore... Thành tích của Tuấn Mạnh trong lĩnh vực nhạc cổ điển kha khá nhưng với kiểu nghệ sĩ ưa bay nhảy và cái đầu liên tục “động đậy”, anh không chịu đứng yên trong những mẫu mực của nhạc cổ điển.

Nghe si piano Tuan Manh: 'Toi xem gioi thieu Viet Nam bang am nhac la trach nhiem'

Khi đem các tác phẩm của Mozart, Beethoven… kết hợp với các ca khúc của Trịnh Công Sơn, cộng thêm kiểu diễn như “lên đồng” khiến Mạnh gặp hai luồng ý kiến trái chiều. Nhưng với Mạnh, tuổi trẻ là chấp nhận những thử thách, miễn là được chơi nhạc bằng những cảm xúc trong trẻo của tuổi trẻ. Nhưng không phải là kiểu tuổi trẻ bất chấp tất cả, Tuấn Mạnh chỉ tôi bài báo viết về anh cách đây hơn một năm và cười: “Đây là em của hơn một năm trước, đầu tóc xoăn tít, áo dài biến tấu các kiểu và nhất là suy nghĩ có phần ngông cuồng. Nhưng bây giờ thì khác rồi”.

Phóng viên: Tuấn Mạnh không chịu được sự gò bó trong khuôn khổ nhưng tại sao lại là Trịnh Công Sơn với Beethoven, Chopin và Mozart… mà không phải là ai khác?

Nghệ sĩ piano Tuấn Mạnh: Cát bụi, Một cõi đi về, Mưa hồng, Biển nhớ, Hạ trắng… là tuổi thơ của tôi. Một thời ba tôi chơi guitar những bài này suốt. Lớn lên, tôi hiểu phần nào về những triết lý của các tác phẩm ấy và càng yêu. Tôi kể khoảnh khắc tôi kết hợp Diễm xưa của Trịnh Công Sơn và bản Sonata Ánh trăng của Beethoven không biết mọi người có hình dung ra không.

Một hôm, tôi đàn bản Sonata Ánh trăng bỗng nhiên các nốt trong Diễm xưa cứ hiện lên trong đầu, thế là tay trái tôi đàn Beethoven, tay phải tôi đàn Trịnh Công Sơn một cách rất tự nhiên, đến nay có 9 tác phẩm kết hợp kiểu như vậy được ra đời: Ngẫu nhiên, Biển nhớ, Hạ trắng… với Mozart, Chopin… Khi cảm hứng đến bắt buộc tôi phải làm, nếu không nó vuột mất. 

Âm nhạc Việt Nam như của Phạm Duy, Trịnh Công Sơn, Dương Thụ, Trần Tiến, Phú Quang… và rất nhiều người khác đều rất hay và cần phải được chơi nhiều, nếu chơi nhạc của các nhạc sĩ này trên nhạc cụ phương tây như đàn piano thì khá đặc biệt. Tôi muốn như vậy vì nó vừa là thế mạnh của tôi, vừa mới mẻ vì ít ai chơi, nhạc cụ dân tộc thì đã nhiều người chơi. Các ca khúc của họ sẽ nhẹ nhàng hơn nếu được đàn lại trên piano, nghe thư giãn hơn rất nhiều. Chẳng hạn như Cát bụi của Trịnh Công Sơn, nếu nghe lời thì thấy chuyện sống chết ở đây nhưng khi nghe piano thì thấy nhẹ nhàng hơn nhiều, nghe để nghỉ ngơi.

Nghe si piano Tuan Manh: 'Toi xem gioi thieu Viet Nam bang am nhac la trach nhiem'

* Nhưng tôi biết không ít nghệ sĩ cổ điển thường không đánh giá cao các nhạc sĩ viết ca khúc. Bạn là dân cổ điển…?

- Tùy quan điểm của mỗi người, tôi tôn trọng tất cả các ý kiến và cũng muốn được tôn trọng. Tôi luôn ngưỡng mộ những tinh hoa của cả thế giới và âm nhạc Việt Nam cũng nằm trong đó. Nhạc sĩ Việt Nam đi theo truyền thống viết ca khúc nhiều hơn khí nhạc vì vậy họ rất tập trung vào lời nhạc và viết rất hay. “Áo xưa dù nhàu, cũng xin bạc đầu gọi mãi tên nhau… ”, “Quê hương ơi, bóng đa ôm đàn em bé/Nắng trưa im lìm trong lá”… hay quá phải không?

Mozart, Beethoven, Chopin… dĩ nhiên là tinh hoa của thế giới, nhưng văn hóa và truyền thống Việt thể hiện rất rõ trong sáng tác của Trịnh Công Sơn, Phạm Duy… cũng là điều hay. Tôi quý trọng tất cả. Phạm Duy: rất Việt Nam và không đơn giản để tạo được những âm thanh đó. Trịnh Công Sơn: tháp cổ, cô gái áo dài… hiện ra ngay trước mắt tôi. 

Việc tôi phối hợp nhạc cổ điển cùng các tác phẩm của Việt Nam không phải chỉ để tạo một xu hướng riêng mà là một con đường tôi rất tự hào đã tìm ra nó. Tôi hy vọng các bạn sẽ thấy được tôi là một người trẻ lãnh hội được tinh hoa của những người đi trước để có được hơi thở của mình. 

* Nhạc cổ điển có những khuôn mẫu nhất định để đánh giá một nghệ sĩ, vậy khi bạn đi con đường riêng của mình có vấp phải những phản ứng từ những nhà chuyên môn?

- Năm 2009, khi biểu diễn ở nhạc viện, tôi đã cởi áo khoác ra quăng lên trời rồi diễn tiếp, khán giả có người phấn khích nhưng nhạc viện đã cấm tôi diễn một năm. Đó là hành động của tuổi trẻ ngông cuồng. Khi tôi kết hợp Mozart, Beethoven với Trịnh Công Sơn, cả nhạc viện tẩy chay tôi vì họ nghĩ tôi đang hạ thấp nhạc cổ điển, thiếu sự tôn trọng các nhà soạn nhạc cổ điển, kết hợp thiếu học thuật. Điều đó làm họ không thích. Họ thích sự mẫu mực của nhạc cổ điển, tác phẩm như thế nào thì phải đàn y như vậy mới là một nghệ sĩ giỏi. Tôi xuất thân từ nhạc cổ điển nên hơn ai hết tôi biết mình tôn trọng những tác phẩm cổ điển đến thế nào.

Tôi tôn trọng các thầy cô và bạn bè của mình ở nhạc viện, chỉ vì tôi có suy nghĩ khác mà thôi. Với tôi, âm nhạc của mình đến với người nghe càng nhiều càng tốt. Nếu khán giả đón nhận nó ngay từ những nốt đầu tiên thì bạn chính là nghệ sĩ giỏi. Tôi vững bước đi tiếp và đến một lúc nào đó biết đâu sẽ thuyết phục được những giáo sư rằng, âm nhạc tôi đáng để nghe. Hiện tại, tôi chưa làm được điều này, khán giả của tôi vẫn ở ngoài môi trường học thuật. 

Nghe si piano Tuan Manh: 'Toi xem gioi thieu Viet Nam bang am nhac la trach nhiem'

* Không khó để thấy nhiệt huyết của Tuấn Mạnh qua các sản phẩm âm nhạc của mình, ngoài những tác phẩm nói trên còn có album online Dương cầm ru đời, đêm diễn Mẹ, clip mới nhất là Thằng Cuội, Rước đèn tháng tám...Tại sao nội dung âm nhạc của bạn dành cho nhiều đối tượng khán giả quá vậy?

- Vì tôi muốn âm nhạc được chơi bằng piano, đến với mọi người. Với các bạn trẻ, khi tôi hỏi Mozart, Beethoven… thì không ai biết nhưng khi tôi đàn hát lên giai điệu Twinkle twinkle little star thì các bạn hát theo ngay, tôi bảo: “Chính là nhạc của Mozart đó”; hoặc khi tôi đàn giai điệu bản For Elise và nói đó là của Beethoven thì các bạn ngạc nhiên thích thú vì “âm nhạc bác học” không quá xa lạ.

Dường như chúng ta vẫn thiếu người dẫn dắt các bạn trẻ đến với nhạc cổ điển và các ca khúc hay của Việt Nam một cách tự nhiên, gần gũi. Tôi nghĩ đó phần nào là trách nhiệm của những người được học hành bài bản như chúng tôi nên đang cố gắng làm. Tôi không làm một cách khô cứng hay tỏ vẻ mình hiểu biết, tôi chỉ chia sẻ những gì mình biết. 

Khi được chọn là 1 trong 30 người ảnh hưởng đến giới trẻ của tạp chí Forbes, tôi trăn trở phải làm gì tiếp tục để gây cảm hứng cho các bạn. Tôi không thể chỉ chơi cổ điển hay đi diễn ở nước ngoài nên đã làm 3 album, trong đó có 2 album là nhạc Việt. Tất cả là những album online vì các bạn trẻ chỉ nghe online và vì tôi không giỏi chơi nhạc ở phòng thu nên không làm CD.

* Kết thúc khóa học ở Mỹ, khi trở về nước, tôi đoán bạn phải mang một hoài bão lớn hơn là cách “mix” nhạc của các cây đại thụ hay làm những clip dạy luyện ngón hoặc đàn các bản nhạc quen thuộc trên piano?

- Năm 2013, trên đường từ Mỹ trở về, tôi nghĩ mình sẽ làm những tour biểu diễn khắp thế giới, có công ty quản lý, mở trung tâm biểu diễn… nghe hoành tráng ghê lắm, kiểu mơ mộng của tuổi trẻ. Nhưng hiện tại, tôi vẫn chỉ là một nghệ sĩ biểu diễn, mọi thứ đều chưa được thực hiện vì khả năng và mọi tiềm lực còn hạn chế, mỗi năm đều thấy rằng còn quá nhiều thứ mình cần phải học. Vì vậy, tôi không mơ ước quá xa, chỉ cần làm tốt và đi đúng đường là được.

* Bây giờ bạn nói đừng đi quá xa. Vì sức của bạn chưa đủ để mơ xa hay bạn bị chùn bước vì môi trường để mình làm không dễ dàng chút nào?

- Làm sao dễ dàng được. Tôi học cổ điển và mơ ước tiếp cận khán giả trẻ Việt Nam bằng thể loại đã được học. Thực tế, các bạn không biết nhạc cổ điển còn nhiều. Tôi chơi nhạc quá xa lạ các bạn sẽ không lãnh hội thì phản tác dụng, quay ngược lại không nghe nhạc của tôi. 

Năm 2016, bắt đầu chơi nhạc Trịnh, tôi thấy mờ mờ hình ảnh mình muốn tạo ra. Năm 2017, tôi tiếp tục chơi nhạc Việt Nam với tác phẩm của các nhạc sĩ lớn. Năm 2018, tôi quyết định phải chơi nhạc trẻ hơn nữa. Tất cả tôi đều phối theo cách riêng của mình. Lúc này, tôi mới thấy mình giống một nghệ sĩ của công chúng hơn, đó là hình ảnh tôi muốn hướng tới, trước đó, tôi chỉ là nghệ sĩ của một đối tượng khán giả nhất định thôi. Thời điểm này, tôi mới thấy mình xứng đáng được gọi là nghệ sĩ. Với tôi, nghệ sĩ là phải của mọi người. 

Nghệ thuật không cần phải quá học thuật. Một nghệ sĩ nghiên cứu quá nhiều sách vở thì trở thành giáo sư nghệ thuật và khi biểu diễn họ sẽ cầu toàn. Âm nhạc cầu toàn thì dễ mất đi sự tinh khôi, tự nhiên và ngẫu hứng của âm thanh. Tôi thấy mình quyết định đúng khi dừng lại. Các bạn tôi học tiếp thì trở thành giáo sư và giám khảo các cuộc thi, trong khi tôi thích biểu diễn, thích cái mới, thích lột xác liên tục. 

Nghe si piano Tuan Manh: 'Toi xem gioi thieu Viet Nam bang am nhac la trach nhiem'

* Bạn muốn từ từ đưa các bạn trẻ đến với nhạc cổ điển, nhưng làm sao bạn chống chọi được với làn sóng K-pop, J-pop đang tràn lan làm giới trẻ Việt chao đảo?

- Tôi thích sự ảnh hưởng vì như vậy mới đúng là tuổi trẻ. Tuy nhiên, sau những cái đã lãnh hội, các bạn phải tìm thấy điều gì thực sự làm lay động trái tim của bạn chứ không phải chỉ là bề nổi. Cái dở là nghệ sĩ như chúng tôi chưa đủ sức hấp dẫn giới trẻ thôi. Không cần hô hào rằng: “Các bạn ơi, hãy thể hiện tính dân tộc của mình đi” mà chỉ cần nghệ sĩ làm thật tốt công việc của mình thì sẽ đủ lực để hấp dẫn bạn trẻ. Đây là con đường dài mà tôi phải đi.

* Bạn yêu piano và muốn lan tỏa tình yêu ấy đến với đông đảo mọi người. Đó có phải là lý do bạn thành lập quỹ Piano Makes Dreams?

- Chỉ đúng phần nào thôi. Quỹ này được chúng tôi thành lập ban đầu để tổ chức những festival cho học trò, sau đó mở rộng ra thành những buổi diễn bán vé góp quỹ giúp người nghèo, tháng Chín chúng tôi sẽ đến một xã vùng sâu ở Tây Nguyên để đàn và chơi cùng với các bạn nhỏ ở đó.

Những giải thưởng tôi có được chẳng qua chỉ là bề nổi, tôi muốn lưu tâm đến phần chìm trong công việc của mình. Nếu là người của công chúng thì phải cống hiến cho cộng đồng, làm cho mọi người yêu đời hơn, vui vẻ hơn, chứ không nên đánh giá nghệ sĩ qua thu nhập và mức độ nổi tiếng. Tôi còn trẻ quá, chưa làm được nhiều. 

* Nhưng bạn phải tự hào về những thành tích của mình chứ?

- Ban đầu tôi xin được đàn cho nhạc trưởng người Nhật Yoshikazu Fukumura nghe vì tôi muốn được đàn với dàn nhạc. Ông đồng ý. Tôi đàn vài bài, phô diễn kỹ thuật ngón nhưng ông chẳng ấn tượng gì. Sau đó ông nói tôi có bài nào đơn giản, nhẹ nhàng hơn và thể hiện cảm xúc thật của tôi nhiều hơn là phô trương kỹ thuật không. Tôi nghĩ bụng mình đâu có giỏi chuyện này, lâu nay chỉ thích khoe mẽ thôi nhưng cũng đàn bài Dạ khúc cung đô thăng thứ của Chopin. Tôi chỉ nghĩ là… đàn đại đi, chắc không được chọn đâu, ai ngờ ông vỗ tay rất to và chọn tôi làm nghệ sĩ độc tấu chơi cùng dàn nhạc Đông Nam Á vào năm sau.

Đây là dấu mốc quan trọng vì giúp tôi tự tin. Tôi đi diễn khắp Việt Nam cùng dàn nhạc này trong hai năm và được đánh giá cao như một nghệ sĩ chuyên nghiệp. Tiếp sau đó, từ sự giới thiệu của giáo sư Nguyễn Thuyết Phong, tôi tìm được học bổng học ở Mỹ. 

Nghe si piano Tuan Manh: 'Toi xem gioi thieu Viet Nam bang am nhac la trach nhiem'

* Tuấn Mạnh của thời gian học ở Nhạc viện TP.HCM và ở Mỹ khác nhau như thế nào?

- Ở Mỹ, tôi được… đi chơi nhiều hơn học. Khi học cao học ở Mỹ tôi có thể nhận được điểm bằng cách tham gia các biểu diễn âm nhạc cho cộng đồng như ở viện dưỡng lão, nhà thờ hay bệnh nhân, tù nhân. Vô hình trung tôi thấy được âm nhạc có một ý nghĩa thiêng liêng, chữa lành được vết thương nhiều người. Tôi đàn cho các cụ già bị bỏ rơi, họ thấy bình yên. Tôi đàn cho tù nhân, họ thấy được chia sẻ. Tôi đàn cho bệnh nhân, các nơ-ron thần kinh của họ dao động như được xoa dịu cơn đau. Âm nhạc hòa được vào mọi tầng lớp công chúng. 

Tôi có thể đặt bất cứ câu hỏi cho các giáo sư, dù thông minh hay ngớ ngẩn họ luôn trả lời và đặt lại câu hỏi cho tôi thấy sự kết nối hai chiều. Thầy giáo cũng làm những việc giống như chúng tôi, đi đàn khắp mọi nơi. Cuối tuần, thầy đi đàn ở công viên cho những người vui chơi ở đó nghe. Các thầy cô cùng nhau chơi violin, cello, trumpet ở công viên, nhà ga… Họ thấy tự hào khi đàn cho mọi người nghe. Thú vị quá đi chứ! 

Ở Chicago có rất nhiều cây đàn piano được đặt ngoài đường, dưới ga tàu điện ngầm, trước nhà hát với dòng chữ “play me”, các nghệ sĩ ra đó đàn và bán đĩa. Những người ăn xin cũng ngồi đàn rất thoải mái. Tư duy của tôi vì vậy mở và thay đổi hoàn toàn. Tại sao họ làm được điều đó, trong khi mình mỗi lần đàn đều rất run. 

* Bây giờ khán giả nước ngoài đã nhận ra bạn và âm nhạc bạn trình diễn là nhạc Việt Nam?

- Tôi đi diễn ở các nơi, nhất là các đại sứ quán như Pháp, Thụy Điển… tôi mặc áo dài, chơi kiểu nhạc Việt Nam kết hợp như vậy. Đó là cách tôi giới thiệu bản thân với bạn bè thế giới rằng: tôi là nghệ sĩ Việt Nam. Gần đây, tôi làm giám khảo của cuộc thi âm nhạc châu Á - Thái Bình Dương ở Singapore và trong khuôn khổ liên hoan ấy, tôi làm workshop cho các bé nhỏ và giáo sư về nhạc Việt Nam, về thang âm ngũ cung và dân ca 3 miền. Họ rất thích. Tôi nghĩ đó là cách mình giới thiệu bản thân rất rõ ràng rằng tôi chơi âm nhạc Việt Nam và tự hào khoe với họ rằng âm nhạc Việt Nam hay và độc đáo như thế nào.

Tuy nhiên, tôi không cường điệu chủ nghĩa dân tộc. Thường thì tôi chơi các tác phẩm âm nhạc kinh điển thế giới sau đó cho họ biết mình kết hợp với nhạc Việt Nam như thế nào. Họ đã đi vào thế giới âm nhạc Việt Nam một cách tự nhiên như thế. Nếu mới vô tôi lập tức: “Chào mọi người. Tôi đến từ Việt Nam. Tôi sẽ chơi một bản nhạc Việt Nam” thì khán giả sẽ bị dội ngay vì họ không có nhu cầu nghe nhạc Việt. 

Khi diễn ở nước ngoài, tính cá nhân và suy nghĩ của bạn sẽ góp phần tạo nên cái nhìn của mọi người đối với thế hệ trẻ Việt Nam, ít nhất là nghệ sĩ trẻ Việt Nam.

Chỉ cần đặt một chân lên nước người ta thì bạn đã là bộ mặt của Việt Nam rồi. Đó là yếu tố tiên quyết thôi thúc tôi phải giới thiệu bản thân với mọi người, cẩn trọng từ trang phục đến cách nói chuyện. Trong những cuộc đối thoại, tôi nói về phong cảnh, món ăn, âm nhạc, dân ca Việt Nam khi thấy phù hợp. Tôi thường lắng nghe họ, sau đó kể về Việt Nam với sự khiêm tốn nhưng vẫn thể hiện được tính cá nhân của mình. Những người tôi gặp sẽ nhớ đến Việt Nam thông qua hình ảnh của tôi, nhiều người giới thiệu Việt Nam qua các mảng khác, còn tôi thông qua âm nhạc, và đó là trách nhiệm.

* Cảm ơn nghệ sĩ Tuấn Mạnh về những chia sẻ thú vị. 

Lam Hạnh (thực hiện
Ảnh: nhân vật cung cấp

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
  • Phương Vũ 12-01-2024 14:43:37

    Tôi thực sự xúc động khi hiểu đc con đường nghệ sĩ trẻ Tuấn Mạnh lựa chọn. Cầu chúc cho em toả sáng trên bầu trời âm nhạc thế giới, em chia sẻ đam mê của mình, em nhận được tình yêu của công chúng dành cho em. Em xứng đáng được nhận nhiều hơn. Cảm ơn em.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI